Giấc mơ

 

Giấc mơ

Người thanh niên  tay xách cái túi nhỏ hành trang, đứng trong hàng nối đuôi theo nhau như trò chơi rồng rắn, kiên nhẫn chờ đợi ở trạm kiểm soát để được lên phi cơ , khuôn mặt trẻ hằn những dấu âu lo, từng trải, đôi bàn tay sần sùi của người quen làm những công việc  tay chân. Anh đứng im lặng thờ ơ, chờ người nhân viên an ninh trong phi trường kiểm soát hành lý và trao trả lại vật dụng cá nhân. Bên trong căn phòng nhỏ, nơi chờ đợi, đã chứa đầy những người và người, dăm đôi hành khách lớn tuổi  ngồi đọc báo hay lơ đảng nhìn ra khung cửa. Một cặp vợ chồng, tuổi độ trung niên và hai đứa trẻ đứng xếp hàng phía trước, người vợ dắt đứa con trai chừng ba bốn tuổi, đứa bé gái lớn hơn thì níu tay Bố, ông ta đang cho tay vào túi quần móc hết những đồng tiền lẻ cho vào dĩa, cởi cả thắt lưng và giầy ném vào khay nhựa, rồi dắt con đi qua cổng dò kim khí. Tiếng máy kêu lên báo hiệu, anh nhân viên kiểm soát bước lại mời ông ta  đứng sang một bên để nhân viên dùng máy rà tay kiểm soát trên người, ông bật cười nói với người vợ

–          Tôi đã khuyền cáo, mình thua cuộc rồi đó.

Ông ta móc ra một nắm tiền một xu, cho vào dĩa nhựa rồi nói với người nhân viên

–         Chúng tôi đánh cá nhau, nhà tôi không tin là khi tôi đi qua cổng, máy dò kim khí có thể phác giác được những đồng xu nhỏ nầy, bà ấy thua rồi.

Họ vui vẻ đi trở lại lần nữa rồi dắt hai đứa bé cưới nói tíu tít đi vào phòng chờ đợi. Đến lượt tôi, anh nhân viên  bảo cởi giầy, bỏ chiếc áo khoát dầy cộm và xách tay vào khay nhựa rồi đi qua cổng, đến bàn để nhận lại các vật dụng, người nhân viên xin được kiểm tra, tôi mở sắc tay, trút hết các thứ lỉnh kỉnh bên trong, anh ta mở cả thỏi son môi và bao đựng viết cho tất cả vào mâm, mang trở vào máy X-ray một lần nữa rồi trả lại cho tôi. Thật là buồn cười cái thỏi son môi vô tội và mấy món vật dụng cá nhân đã được chiếu cố cẩn thận. Chẳng biết tất cả những kiểm soát nầy có thật sự khám phá được những mưu đồ  phá hoại không? Nhưng mỗi người có phận sự phải làm, nhân viên kiểm soát chỉ thừa hành theo mệnh lệnh thôi. Tôi lặng lẽ sắp xếp lại các vật dụng, cho vào xách tay rồi sang phòng chờ đợi.

Nhìn trở lại thấy các em còn đang lóng ngóng chờ ngoài hành lang, tôi khoát tay ra dấu bảo các em về đi. Đoàn người rồng rắn lần lượt mất khúc đầu , những hàng ghế  đầy người qua trạm  vào tìm chổ nghỉ chân .Tôi ngồi xuống  một ghế trống tựa lưng vào vách , nhìn màu nắng vàng nhảy múa ngoài cửa sổ, từ giã thung lũng hoa vàng và những toà building bỏ không, những tòa nhà đã có một thời nhộn nhịp với bãi đậu xe đầy những chiếc xe ngoại quốc đủ màu, một thời làm cơ sở của thiên đàng điện tử, giờ  vắng ngắt , đứng lặng lẽ im lìm, trở về Ngũ Đại Hồ thân quen hơn phần tư thế kỷ, với màn  sương trắng mù mù và những hoa tuyết cuối mùa long lanh …….

Tôi thờ ơ mở quyển tạp chí, chử nghĩa nhảy múa trước mặt , những hàng ghế ngồi đã đầy người chờ đợi , đôi vợ chồng ngồi cạnh nhau , hai đứa bé mở  ba lô mang ra các trò chơi điện tử cầm tay, hai ngón tay không ngừng bấm, âm thanh ríu rít, ánh sáng xanh đỏ nhảy múa theo, chúng nó có vẻ quen thuộc vói trò chơi và trong phòng chờ đợi, cũng không có vẻ xôn xao tò mò như những trẻ lần đầu tiên được đi xa. Chán với trò chơi điện tử, hai đứa trẻ  thu gọn hành lý rồi  dắt nhau ra dí mũi vào khung cửa kính nhìn những sinh hoạt  tấp nập bên ngoài.

 Người nhân viên  của hảng bay đi vòng quanh kiềm soát  vé của hành khách,  chuẩn bị cho mọi người lên phi cơ, đôi vợ chồng già ngồi lặng lẽ cũng xếp vật dụng vào xách tay, ưu tiên cho trẻ con và ngưới lới tuổi, họ lần lượt nối đuôi nhau vào phi cơ, tôi cũng theo chân những người trong hàng. Nghiêng người, kéo cái xách tay, lách qua hành lang chật hẹp trong phi cơ, nhìn lên bảng số thứ tự tìm chổ ngồi , hàng ghế ba chổ vần chưa có người ngồi, chọn chiếc hãy còn trống, như thói quen, tôi ngồi  xuống ghế cạnh đường đi. Người thanh niên  lơ đãng trong phòng chờ đợi ban nãy cũng tần ngần  nhìn vào số ghế, rồi hỏi tôi bằng tiếng Anh 

–          –         Thưa bà , có phải đây là ghế số hai mươi C không ?

–          –         Vâng, Tôi thật vô ý, xin lỗi nhé.

–          –         Thưa bà không có chi, tôi chọn ghế phía ngoài để dể di chuyển thôi.

Tôi trả lại ghế cho người thanh niên rồi vào ngồi cạnh cưả sổ, phi cơ vẩn còn nằm yên trong cổng dù đồng hồ tay đã quá giờ bay nửa tiếng. Quyển tạp chí lại mở ra hờ hững , chử nghiã cũng lơ mơ như  những giọt nắng vàng nhảy muá ngoài cưả sổ. Cái sức nóng ngột ngạt và không khí tù hãm trong phi cơ , hành khách hầu hết đã ngồi vào chổ, những người tiếp viên trong đồng phục đã đi dọc theo hành lang đóng lại những hộc hành lý trên đầu. Chờ đợi nào cũng thăm thẳm , đi về naò cũng xôn xao . Người thanh niên bồn chồn nhìn ra khung cưả sổ cuả phi cơ nhỏ như cửa tò vò. Nóng hâm hấp, nóng như những ngày tháng đầu muà mưa trên quê hương yêu dấu , nóng như tháng hạ nào xa lắt.xa lơ trong ký ức miệt mài .

   Cuối cùng rồi cũng cất cánh bay, nhìn xuống đồng hồ tay, đã trể mất một giờ, từ hôm sang đây, tôi vẩn không thay đổi kim đồng hồ , giờ nầy vẫn là giờ Chicago, buổi trưa, bên ấy trời có lạnh ? Hôm ra phi trường , mang theo cái áo len dầy cộm của mùa đông, nghĩ rằng khi trở về có thể sẽ cần đến. Thời tiết ở Chicago cũng bất thường như tấm lòng cô gái mới lớn, thoạt ấm thoạt lạnh, ngày đang đẹp, nhìn những người bộ hành tung tăng vui bước trong hàng hiên với quần áo muà hè giản dị, chỉ cần một chút nắng chút gió xoay chiều, lạnh buốt da trần, người người run rẩy tránh vào các cưả hàng,bước vội ra xe, nhiệt độ đang từ tám mươi bốn độ F hạ xuống bốn mươi tám độ F chỉ trong phút chốc .

     Nhìn quyển sách trên tay tôi, anh ta hỏi tôi, tiếng Việt  trôi chảy

–          –         Chị là người đồng hương phải không?

–          –         Tôi không giống người Việt Nam sao ?

–          –         Không phải vậy, tôi chỉ sợ nhận lầm người thôi, chị không giống người ở  Cali

–          –         Tôi nhìn như người lạ ?Vâng, tôi chỉ đến thăm Cali thôi, giờ trở về.

–          –         Ở Chicago mùa nầy có còn lạnh không?

–          –         Mùa nầy đang vào xuân, ban ngày ấm hơn  trước, nhưng đêm về vẩn còn trên dưới bốn mươi độ Farenhei

–          –         Oâi chà, lạnh quá vậy!

–          –         Nếu quen với nắng ấm Cali thì đúng là lạnh thật , nhưng tôi sống ở đó khá lâu rồi, nhiều hơn những năm tháng lớn lên sinh sống ở quê nhà, đôi khi vẩn tự hỏi mình , quê nhà? Ở đâu là quê nhà? Nơi sinh ra và nơi đang sống, mỗi nơi đều yêu thương quyến luyến, mỗi nơi đều nghĩa nặng tình sâu, tại sao đang ở nơi nầy  vẩn nhớ nhung da diết, mỗi lần giao mùa, thêm xao xuyến bâng khuâng, mỗi lần Tết  quạnh hiu lại buồn đau gậm nhấm.

–          –         Tôi đi ngang qua đấy đôi lần, lần nầy đổi máy bay, phải chờ chuyến bay kế tiếp nên định ra ngoài dạo phố chơi một vòng cho biết, từ phi trường về trung tâm thành phố có xa không?

–          –         Cũng không xa lắm, nhưng anh chỉ có hai giờ  chờ chuyến bay thì tôi nghĩ rằng không đủ thời gian đâu. Chicago nằm dọc bờ hồ, có rất nhiều Viện bảo tàng, các kiến trúc lịch sử, và nhiều thắng cảnh nên thăm viếng. Nếu anh có thời gian thì hãy ở lại đôi ngày mới có thể đi được các nơi. Nhất là các khu phố của mọi sắc dân, khu thương mãi, hay ngay cả những kiến trúc mới mẻ tân kỳ.

–          –         Rất tiếc, tôi  không còn thời gian, phải về nhận việc ở Philadelphia, có người bạn thân hiện đang bên ấy, chúng tôi hùn nhau mở một nhà hàng, bạn tôi đã chuẩn bị từ mấy tháng nay, hiện thì cơ sở đã sẳn sàng, anh nhắn tôi bay sang để bắt tay vào việc.

–          –         Anh đã từng làm nhà hàng bao giờ chưa?

–          –         Tôi đã đi làm cho nhiều nhà hàng, chổ tôi vừa xin thôi cũng là một nhà hàng lớn, tôi để ý học hỏi, hiện nay có thể đứng bếp chính, công việc đã quen thuộc, vã lại, chẳng lẻ mình đi làm công hoài, không thể khá hơn được, nên mới tính nhào ra làm chủ một phen.

–          –         Thường thì phi thương bất phú, anh có gan thì làm giàu mấy hồi.Tôi chúc anh và người bạn thành công

–          –         Cảm ơn chị.

     Chuyến bay cất cánh muộn hơn giờ dự định. Trẻ con cũng không còn háo hức nhìn qua khung cửa sổ tò vò của phi cơ. Câu chuyện bâng quơ, mỗi người lại lặng lẽ theo đuổi những ý nghĩ tiêng tư. Tôi mang tờ tạp chí ra đọc, hôm đi, mang theo quyển sách nhỏ, vẩn còn nằm yên trong ngăn kéo bên hông cái xách tay, trở về , lại mang thêm  một  mớ sách nữa. Lang thang ở khu phố của người đồng hương, nhìn thấy quán sách èo uột nằm khiêm nhượng, tôi bước vào, đảo một vòng chunh quanh, bao nhiêu tên tuổi, những người cũ, mới nằm lẩn lộn vô hồn, bụi bám đầy trên giá, nhớ lại mớ sách vở  nâng niu góp nhặt , dành dụm chút  tiền quà bánh hàng ngày để mua từng quyển, một trang sử lật qua, một nền văn hóa ngỡ đã cháy tiêu theo ngọn lửa hồng, nhưng cuối cùng vẩn còn mang ra bán đầy vĩa hè, góc phố. Lịch sử bao nhiêu lần thay đỗi, mỗi một triều đại dựng lên, một chính thể mới đặt xuống , đều truy lùng tận diệt những tàn dư của thời đại trước. Tần Thủy Hòang đốt sách chôn học trò, có phải vì muốn thay đổi hòan toàn cách giáo dục và nền tảng triết lý ? Lon Nol  lùa tất cả giới trí thức vào The Killing field có phải muốn hòan toàn hủy diệt những gì còn sót lại của một bộ máy cầm quyền , cũng như ảnh hưởng của nền giáo dục trước đây ? Bao nhiêu lần sữa sai, bao nhiêu lần đổi mới, kết án rồi lại phục hồi, kể tội rồi tâng công , giết từ trong trứng nước, hay nhổ lúc cỏ còn non ?

Tiếng người đồng hành nói nho nhỏ đều đều, từ những câu chào xã giao, sang thăm hỏi,  tiếng Mẹ thật ngọt ngào lưu luyến, chuyện trò đôi chút cho quên đi những âu lo ngồi trong khối sắt ngàn cân, bay trên bầu trời trắc trở. Những ánh mắt bàng quang, những khách hành lạc lõng, phương tiện kỷ thuật thật tân kỳ, chuyện di chuyển nhanh chóng của con người gom chung lại những kẻ phương đông người phương tây, dăm ba ngàn cây số chỉ mất mấy giờ bay .

–          –         Hồi xưa chị ở  đâu vậy ?

–          –         Tôi ở Sai gòn cho đến ngày mất nước, sau đó thì về quê sống

–          –         Về quê thì sống nổi gì, tôi cũng nghe lời nhà nước đi về kinh tế mới, nước nôi chẳng có, đất đai trồng sắn trồng mì cũng chẳng kiếm nổi miếng ăn. Cuối cùng rồi lại bò về thành phố vất vưỡng kiếm sống, may mắn nhào theo người vượt biên, chớ làm gì có tiền bạc mà lo lót, họ bàn chuyện vượt biên tôi tình cờ nghe được, sợ bể nên họ bắt tôi theo, số tôi chưa chết, lang thang bên đảo, gom được mấy thằng con mồ côi, thằng chiều chiều ra biển nhìn ngọn hải đăng nhớ Vũng tàu khóc ngất, thằng bạo gan đi làm thuê vác mướn kiến tí tiền, qua đây rồi thì vào hội thiện nguyện học hành dăm ba chử kiếm cơm. Còn tôi lăn vào nhà hàng bắt đầu chân  phụ bếp, học nghề nấu nướng, bây giờ thì tay nghề cũng khả dĩ. Nộp đơn xin đòan tụ đem được thằng em sang, lo cho nó học hành, nó an thân rồi tôi cũng rảnh tay.Thằng bạn cũ hồi trên đảo cũng đi làm bấy lâu nay, rũ nhau dành dụm, tìm được địa điểm nên chúng tôi thử  thời vận một phen

–          –         Nhà hàng thì lúc nào cũng sống được, chẳng biết có làm giàu nổi không.Tôi cũng quen biết một số bạn bè, có người thành công đứng vững, cũng có người vất vã qua ngày, nhưng chưa ai bị đói hay vỡ nợ gì hết.

–          –         Tôi nghĩ mình qua đây chỉ có hai bàn tay, xứ nầy không kỳ thị người có khả năng, dù có thất bại cũng còn cơ hội khác.

–          –         Anh hãy còn trẻ, chuyện trì chí thì thành công mấy hồi. Làm nhà hàng cực nhọc quá, anh có nghỉ đến chuyện đi học lại không ?

–          –         Trước khi giải phóng tôi đang đi học trung học ngon lành, Ba tôi là ngụy quân bị đi cải tạo, nhà nước khuyên  Mẹ tôi nên về kinh tế mới , chúng tôi khăn gói đi, đến lúc không còn gì bám víu, trở về thành phố thì nhà cửa chẳng còn, kiếm ăn còn chưa có thì còn nói gì đến chuyện cắp sách đến trường nữa. Sang đây thì Anh Ngữ  học tiếng được tiếng mất, thôi lo đi làm kiếm tiền gởi cho Mẹ nuôi em. Giờ thì lở mùa sái tiết, chỉ muốn kiếm cơ sở làm ăn, xây sự nghiệp.

–          –         Ơû đây thì tuổi nào cũng có thể trở lại trường đi học , đâu có ai cười mấy ông bà tuổi lớn còn cắp sách đến trường đâu. Thích thì cứ đi học lại, mấy người đi học bây giờ mới thật sự học thêm vì không phải lo chuyện thi đậu lên lớp hay thi rớt vào quân trường, hay học lấy mảnh bằng đi làm kiếm gạo cơm.Nếu có chút thời gian, anh hãy  thử vào trường xem sao .

–          –         Vâng, chuyện đó cũng còn lâu mà, tôi làm ăn ổn định rồi sẽ tìm trường gần nhà thử  thời vận một phen.

Câu chuyện chẳng đi đến đâu, giống như hai khóm lục bình trôi hững hờ theo dòng nước. Tôi cũng không trở lại quyển tạp chí trên tay, người thanh niên một lần nữa chìm trong những ý nghĩ riêng. Nhắm đôi mắt lại, giấc ngũ không về như  ý muốn.Trong  công việc mưu sinh hàng ngày, cũng như bao nhiêu người khác, quanh quẩn cuốn vào cái vòng quay quắt, đã lọt vào guồng máy và không thể bước trở ra, một là lăn theo , hai là cuốn nát. Nhìn lại những ngày tháng bơ vơ chân ướt chân ráo đến đây, gặp lại  cô bạn quen từ ngày còn mài ghế trung học, người bạn may mắn chạy theo đoàn tàu xấc bấc xang bang, cô lấy chồng khi chưa kịp rời ghế nhà trường, một bước lên bà, nhanh chân sang đất lạ, làm lại cuộc đời rồi nhởn nhơ nhìn người khinh miệt. Cái mặc cảm tự tôn như giọt cường toan ăn mòn, như vết chàm không xóa được, cuộc sống quá phù du, tại sao lại bận tâm đến chiếc xe hiệu gì ? đời mấy ? căn nhà mua bao lâu rồi ? Cái hạt kim cương lấp lánh kia nặng bao nhiêu? Bên trong lớp áo mang nhản  hiệu đắt tiền liệu có che giấu được cái tâm địa xấu xa trơ trẻn ? Phúc hưởng bao lâu ? cuộc đời có mấy ai giàu ba họ, khó ba đời ?

Bên kia khung tò vò là mảnh trời xanh ngắt, những lớp mây trắng dầy đặc dưới chân, tiếng động cơ rì rào xuyên qua mấy lần vỏ phi cơ, âm thanh đủ xoáy vào đầu óc miên man, chuyến đến O‘ Hare lần đầu tiên đã hơn phần tư thế kỷ qua, ngơ ngác như bầy chim lạc, hành trang là nổi âu lo bất định, lê đôi chân tê cóng, mười bảy giờ ngối bó gối trên phi cơ, đôi chân như phản kháng, không chịu chống đở cho thân hình chưa đầy trăm cân Anh, hậu quả của những ngày đói xác xơ trong trại.Hon hai mươi lăm năm, bao nhiêu chuyến đi về, bao nhiêu lần trên cao nhìn xuống thành phố, những tòa nhà chọc trời như những ngón tay dài cố vươn lên lôi kéo, mời mọc.

Những chuyến đi xa,bao giờ cũng có người thân yêu bên cạnh, chuyến đi nầy, một mình, phơ phất . Trong cái xách tay chứa mấy thứ vật dụng lỉnh kỉnh, cây bút chì và trang giấy xếp nhỏ, cái thói quen từ những ngày lang thang trên giảng đường, bao nhiêu dòng chử li ti chi chít không chừa lại một khoảng trống nào. Chử nghĩa bao nhiêu mà chứa cho đầy nổi nhớ, gấy mực bao nhiêu mà ghi lại hết những niềm thương? Khung trời rộng bao la cánh chim nào không mõi, chân dù có đi hoang cũng phải có nơi chốn quay về. Bạn bè chỉ là ánh đèn đêm, bùng lên để tắt ngấm, gia đình là ánh nắng dịu dàng, ngày ngày vẩn rạng, niềm vui gặp nhau mong manh trân quí, trở về, nhìn lại mái tóc điểm sương, vào ra hàng ngày như chiếc áo cũ còn vấn vương hơi hám, như  ấp ủ ngày giá băng, như tưới mát ngày hạ nồng.

Phi đạo trải  dưới chân hai hàng đèn lấp lánh, nắng tắt đã từ lâu, trong phi cơ, những khuôn mặt đợi chờ muôn vẽ, đôi mắt long lanh của cô gái trẻ, đôi vợ chồng già líu ríu xếp lại mảnh chăn đắp, người bạn đồng hành của chuyến đi cũng nhấp nhổm xoay người, cuối cuộc hành trình , hay một chặng qua đi, rồi cũng sẽ về đến nơi chốn an bình, hai hàng đèn trong khoang sáng ngời trên những khuôn mặt băn khoăn chờ đợi, gấp lại tờ tạp chí trên tay, nhét vào sắc, xếp cái khay trước mặt, như những người cùng đòan, tôi trở về điểm tựa của chính mình, tôi trở về cái không gian  nho nhỏ, mái ấm đơn sơ, về với cội tùng già vững chắc,  tôi như sợi tơ hồng mênh mang quấn quít, như con chim nhỏ đậu trên nhánh an bình .

Từ giã người bạn đồng hành, trả anh lại với  American ‘s dreams, ước mơ của mọi người về một  thiên đường bình yên, về một cuộc sống tự do theo đuổi , thực hiện những giấc mơ..

Cuối khung cửa kia, qua khoảng hành lang ngắn, anh đứng thật vững chắc, khuôn mặt an vui, điểm tựa của tôi, của nhửng chương trình ngắn dài , sau trước, của cuộc đời hẹn nhau từ thuở nào, lưu lạc, quay quắt , buồn vui .

Vũ Thị Thiên Thư

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Leave a Reply