Mua Láng Giềng Gần

 

Mua láng  giềng gần

 

–          Ronny, tại sao con chó cuả ông cứ nhắm vào tôi mà sủa ỏm tỏi thế? Coi chừng có ngày tôi nổi nóng sẽ đập nó nát đầu đó.

–         Larry, đừng nóng, từ từ chúng ta sẽ giải quyết nhé.

 

Anh láng giềng Larry chặn  tôi ngoài đầu ngõ, anh ta dọn về đây hơn năm nay, rất ít khi gặp nhau trong tuần, công việc của chúng tôi không làm giờ  hành chánh, có khi hắn về thì tôi đi, giơ tay chào xong, đường ai nấy bước. Mãi mới có ngày nghỉ trùng hợp, khi ra ngoài cắt cỏ, hỏi han nhau, mới hay là ngày xưa hắn cùng học một trường, nhưng là lớp đàn em. Anh ta khá siêng năng, luôn chăm sóc nhà cưả,
sơn sửa thường xuyên. Điều khó xử là anh nuôi hai con mèo, mà tôi lại có hai con chó. Chuyện chó mèo là chuyện dài từ ngàn xưa. Hai chú chó trong nhà tôi từ khi về đây, chưa hề trông thấy các con thú vật nào khác, nhưng thiên tính vốn không hoà hợp, cho nên mỗi ngày khi chúng ra sân làm việc vệ sinh, hể thấy bóng chú mèo nào lảng vảng là chúng lại sủa ầm lên.  Nếu chỉ có hai chú mèo của anh láng giềng thì
thôi, đàng nầy, anh ta lại hào phóng nuôi cả những chú mèo vô chủ khác, hàng ngày anh  để thức ăn ngoài cửa sau, bầy mèo đói tụ tập đến ăn uống tưng  bừng, tán tỉnh nhau ầm ỉ, sau những ngày hội hè đó, chúng thi nhau sinh sản thêm. Chúng dần dà lấn đất, sang làm vệ sinh phóng uế rồi chôn đầy trong sân nhà tôi, Hai con chó  lại lồng lộn đi ngửi mùi và cào cỏ tìm dấu vết. Tôi đã không cằn nhằn thì thôi chứ, vì hai con chó của tôi không sang  làm bừa bãi bên sân nhà anh, không bén mảng đến gốc cây buị cỏ, trong khi mấy chú mèo ngang nhiên vào hiên nhà tôi ngồi chểm chệ như chủ nhân ông. Mẹ tôi đã lớn tuổi, mắt kém, không nhìn  thấy chunh quanh, nhiều lần vấp té. Tôi cứ ngại Mẹ ngã vì không trông thấy mấy chú mèo con nằm la liệt trên bậc thềm . Mỗi lần nhắc đến thì Mẹ lại gạt đi, bảo không cần phải lo lắng. Mẹ có thể tự sống, tự lo liệu, chưa mù lòa, chưa bại xuội…

Tính  tình cuả Mẹ, hàng xóm đều biết, mấy chục năm nay, từ khi Bố mất, Mẹ vẫn gìn giữ ngôi nhà nẩy, nhiều lần tôi khuyên nên bán đi,
dọn vào  chung cư nhỏ hơn, không phải lo sân trước vườn sau, nhưng Mẹ luôn từ chối. Căn nhà nầy Bố Mẹ mua từ khi các con chưa chào đời, cho nên không thể dọn đi nơi khác được. Sau ngày Bố mất, tôi vẫn đến sửa chữa những gì hư hao trong nhà, mùa hè cắt cỏ, xúc tuyết mùa đông. Những khi tôi phải về muộn vì công việc cấp bách, thời tiết xấu, nhất là vào mùa đông tuyết rơi nhiều, tôi dặn bọn trẻ con trong khu phố, bảo chúng nó sang dọn giúp, tôi sẽ trả công.

Suốt thời gian Mẹ sống trong khu phố nầy, không hề làm phật lòng ai, luôn yêu mến, giúp đỡ mọi người. Sau khi về hưu, mẹ chỉ quẩn
quanh  làm thiện nguyện ở nhà thờ, đi chợ búa mua thức ăn, tham dự các cuộc du ngoạn cuả Hội Cao Niên. Mẹ không biết lái xe, nên chỉ dùng phương tiện di chuyển công cộng. Lần mẹ hụt chân té từ trên xe
buýt xuống, Chuá thương xót, không bị thương tích nặng nền, nhưng tôi năn nỉ mẹ đừng đi một mình nữa, khi nào cần thiết lắm, tôi sẽ lấy ngày nghỉ đến đưa mẹ đi.

Chính vì Mẹ khăng khăng muốn giữ căn nhà, không chiụ dời đi, cuối cùng tôi lại phải khăn gói dọn về sống chung, Mẹ ở tầng chính,
tôi ở tầng hầm với hai anh bạn khuyển. Dù  cho mọi người bảo tôi về bám gấu Mẹ, nhưng tôi biết hoàn cảnh cuả mình, để cho Mẹ sống đơn độc trong căn nhà rộng thênh thang, tôi sẽ không ngủ an giấc, cho dù gọi mẹ hàng ngày, vẫn luôn nơm nớp âu lo.

–         Mẹ ơi ! hôm nay đi chợ nha

–         Thôi, Mẹ không đi đâu, mình mẩy ê ẩm quá.

–         Sao thế trời chưa mưa mà, khớp xương Mẹ đau à, đã uống thuốc chưa ?

–         Ậy ! hôm qua đi Lễ về  bị thằng nhỏ lái xe tung vào, hôm
nay mới thấy đau

–         Trời đất, sao Mẹ không nói, có sao không? Phải đưa đi bác sĩ khám mới được

–         Làm gì mà hốt hoảng vậy, té chút thôi, đâu có gẫy mảnh xương nào. Tội nghiệp thằng nhỏ, chạy cái xe cũ mèm, nó cuống cuồng nhào xuống, đỡ Mẹ dậy, sờ tay nắn chân, coi Mẹ có bị gì không, còn năn nỉ ỉ ôi, nó không có bảo hiểm, gọi cảnh sát làm biên bản thì nó đi tù..

–         Nó biết vậy sao không cẩn thận, nhỡ cán chết người.

–         Mẹ đã chết đâu mà làm nhặng lên vậy ?Thôi, tại mình xui xẻo, nó bị bắt mình cũng có vui gì, rủi nó có vợ con, lấy ai chăm sóc, còn tội hơn.

Đó, tính tình mẹ nhân từ như vậy, làm sao tôi dám để cho mẹ sống tự mình? Khi tôi dọn về nhà với mẹ, bạn bè không hiểu  nên cười chê, nhưng bạn bè dễ kiếm, mẹ có mệnh hệ gì, tôi hối hận cả đời. Chỉ tội hai con chó, chúng nó đang từ nơi rộng rãi ở ngoại ô, nay về chui rúc với tôi trong tầng hầm ở khu phố cũ, nhà cửa san sát, từ cửa sổ nhà bếp bên nầy có thể thấy bên trong nhà láng giềng bên kia, nhưng dần
dà, rồi chúng nó cũng sẽ quen thôi.

Đang phân trần với Larry, thấy bóng Mẹ hiện ra sau khung cửa, chưa kịp giải bày,

–         Ronny, vào nhà ngay cho me

Tưởng rằng tôi và Larry đang gây gỗ với nhau, tôi xua tay bảo Mẹ an tâm, tôi sẽ vào sau khi nói chuyện với Larry.

–         Nầy ông bạn, chúng ta là láng giềng, nên sống hoà thuận với nhau, tôi không phiền anh và ngược lại, thú vật chúng nó không hiểu điều nầy, mấy con chó cuả tôi không biết ông, chúng nó ngửi mùi lạ, nhất là giống mèo, cho nên chúng mới sủa ran. Bây giờ mời ông sang nhà, tôi sẽ giới thiệu cho chúng biết ông, sau đó tôi đưa cho ông mấy khúc bánh khô, thứ  giành riêng cho chó, ông cho chúng  ăn, chỉ cần có thế thôi, chúng quen hơi thì khi gặp ông sẽ thôi không sủa nữa. Mẹ tôi lúc nào cũng có ổ bánh nướng thơm ngát trong nhà, còn ông thích bia thì tôi cũng có nửa lố đây.

Mẹ ngạc nhiên thấy Larry theo tôi vào nhà, Tôi mở lời

–         Mẹ ơi! Larry sang thăm, tuị con xuống nhà uống vài chai bia với đậu phộng rang, Mẹ có gì cho chúng con tráng miệng không?

–         Có ổ bánh mới nướng, chúng mầy có ăn thì Mẹ cắt ra

Sau khi Larry uống mấy chai bia và cáo từ, hai chú chó lon ton chạy theo tiễn anh ta ra cổng rào, Mẹ chùi tay vào  tấm áo choàng trước ngực, ôm lấy tôi

–         Ronny, con làm Mẹ rất hảnh diện, thêm bạn bớt thù, hơn nữa là chòm xóm với nhau, chớ vì chuyện chó mèo mà sinh ra hiềm khích.

Tôi sống nửa đời người, ngũ thập tri thiên mệnh, vậy mà chỉ cần một câu nói cuả Mẹ thôi, cũng làm cho tôi nghẹn lời.

 

Vũ Thị Thiên Thư

Leave a Reply