Hải đăng trong sương mù

 

 

 

 Hải Đăng

Ngọn hải đăng trong sương mù

Point Reyes Light House

 

Từ những ngày bập bềnh trôi trên dòng biển đông dậy sóng, hình ảnh ngọn hải đăng là ánh sáng đưa đường luôn gây một niềm xúc động trong tôi. Mỗi lần đến thăm một địa phương hay thành phố biển nào đó, đọc trên bản đồ thấy có dấu hiệu hải đăng là tôi luôn tìm đến để thăm viếng. Lần nầy đi thăm Marin County nằm phía bắc cuả thành phố San Francisco cách Golden Gate một giờ lái xe cũng không nằm ngoại lệ.

Để đến Point Reyes National Seashore có thể theo hướng bắc Hightway 1, con đường ngoằn ngoèo qua nhiều đèo dốc có đoạn chạy sát gành đá cheo leo, có đoạn băng qua vùng thảo nguyên bát ngát, nơi từng bầy bò sữa đứng nhai cỏ an lành . Dấu hiệu cuả sự sống đã có từ ngàn năm trước , người thổ dân cuả bộ lạc Miwok đã sống trong vùng bán đảo nầy, họ sống nhờ vào săn bắn, ngoài muông thú còn có hào và cá hồi của vùng vịnh Tamales .

Năm 1579 Sir Francis Drake là người Âu Châu đầu tiên đã đặt chân lên vùng đất nầy, ban đầu người Milwok và người Âu châu chung sống với nhau trong hoà bình, giống như người Aztec và Cortes. Dân số ban đầu tương tự như con số cuả cư dân hiện nay, họ có hơn một trăm làng mạc trải dài theo bờ biển cuả Point Reyes. Mãi đến đầu thế kỷ 19, người Mễ Tây Cơ đến đây lập nông trại canh tác và chăn nuôi, tiếp theo đó là người nông dân Hoa Kỳ đã kỹ nghệ hoá chăn nuội và nông nghiệp khai thác vùng đất màu mỡ nầy cho đến bây giờ.

Vì địa thế đặc biệt cuả Point Reyes cộng với thời tiết , sương mù quanh năm bao phủ, tàu bè sảy ra tai nạn thường xuyên, đến 1870 thì Chính phủ Hoa Kỳ cho xây đài kiểm báo, ngọn hải đăng cho vùng biến trắc trở nầy. Đài kiểm báo phát ra tín hiệu đặc biệt để cảnh giác và báo động khi sương mù bao phủ, tàu bè không trông thấy ánh sáng cuả ngọn hải đăng. Point Reyes còn là vùng gió nhiều nhất bên bờ Thái Bình Dương và đứng hàng thứ nhì về sương mù quanh năm cuả lục địa Bắc Mỹ. Muà hè sương mù bao phủ liên tục có khi chỉ trông thấy được trong vòng một trăm bộ [ 100 feet ] , Point Reyes giống như một bán đảo nhỏ chạy dài hơn mượi dặm ra biển, rất nguy hiểm cho tàu bè ra vào vịnh San Francisco, do đó đã sảy ra nhiều tai nạn chết người. Cho dù ngọn hải đăng kết hợp với đài kiểm báo làm việc liên tục nhưng vẫn không thể ngăn chặn được tai nạn cho tàu bè, trạm cấp cứu ở North Beach được xây thêm vào năm 1890, nhân viên kiểm báo làm việc từ bốn đến sáu giờ liên tục hàng ngày quan sát các dấu hiệu cấp cứu cuả tàu bè lâm nạn và cứu các nạn nhân bị cuốn đi theo dòng cuồng lưu lạnh buốt. Đến 1927 thì trạm cấp cứu mới được xây trên vịnh Drakes , gần Chimey Rock và hoạt động cho đến 1968. Hiện nay thì toàn thể vùng đất nầy đã được bảo vệ thành di tích lịch sử cuả quốc gia.

Ngọn hải đăng ở Point Reyes nầy làm việc cho đến 1975 thì được US Coast Guard thay thế bằng hệ thống đèn tự động, giống như hầu hết các ngọn hải đăng trên lảnh thổ Hoa kỳ. Nguyên nhân chính là do tiết kiệm nhân lực và dùng đèn điện ít tốn kém hơn. mặc dù ngọn đèn chỉ thắp vào lúc mặt trời lặn cho đến rạng ngày, nhưng đó là công việc cuả hai mươi bốn giờ liên tục, người gác đèn và ba nhân viên chia nhau mỗi phiên sáu tiếng đồng hồ. Mỗi ngày, nửa tiếng trước khi mặt trời lặn, người gác đến thắp sáng ngọn đèn, sau đó kéo dây đồng hồ quả lắc nặng 170 cân Anh, mất hai giờ hai mươi phút thì quả lắc sẽ chạm đáy sâu 17 feet, hệ thống nầy sẽ làm cho ống kính che ngọn hải đăng xoay quanh mỗi năm giây. Ánh sáng chớp loé nầy tạo thành đặc điểm cuả ngọn hải đăng để giúp cho tàu bè dễ nhận ra . Công việc thầm lặng nầy cứ mỗi hai giờ hai mươi phút liên tục suốt đêm, chưa kể tim đèn phải luôn luôn giữ một mức độ cố định để ánh sáng của ngọn đèn luôn luôn cháy đều.

Mặt kính che ngọn hải đăng Point Reyes nầy được chế tạo rất đăc biệt, và là phát minh cuả khoa học gia Augustin Jean Fresnel [ Pháp Quốc ]. Ông đã áp dụng lý thuyết Quang học để chế tạo ra khung kính nầy. Trước đây ánh sáng xuyên qua khung kính thuỷ tinh chỉ có thế trông thấy được trong vòng mười hai dặm, kính Fresnel bằng lưu ly có thể thấy được tận chân trời [ hai mươi bốn dặm ]. Ánh sáng cuả khung kính Fresnel chiếu ra hai mươi bốn mặt in xuống mặt biển như vòng bánh xe, toàn khối kính nặng 6000 cân, xoay theo một chu kỷ chớp loé mỗi năm giây đồng hồ, tạo thành dấu hiệu đặc biệt rất dễ nhận ra cho tàu bè qua lại.

Người gác hải đăng hàng ngày còn phải lau chùi mặt kính che ngọn đèn, đánh bóng các đường viền bằng đồng, chưa kể sau mỗi phiên gác phải leo lên 300 feet dưới sức gió thường xuyên từ 60 đến 133 dặm một giờ . Vì vị trí đăc biệt cuả gành đá trên chóp đỉnh Point Reyes cao hơn sáu trăm feet sương mù thường xuyên, ngọn hải đăng phải nằm dưới màn sương do đó phải đặt trên mõm đá cao cách mặt biển chỉ có một nửa cuả Point Reyes . Công việc nầy đòi hỏi một sức kiên nhẫn chiụ đựng sự tĩnh mịch, chưa kể thường xuyên lên xuống các bậc thang gỗ tương đương với 30 tầng lầu trong sức gió mảnh liệt quả là điều không dễ dàng.

Tuy vậy vẫn có người âm thầm làm việc , giữ gìn ánh sáng cho ngọn hải đăng bất chấp thời tiết bất thường, cuổng phong thịnh nộ, giúp cho tàu bè ra vào trong vịnh San Francisco sẽ tránh được sự nguy hiểm cuả vùng gềnh đá trắc trở cũng như vòng sương mù ma quái cuả Point Reyes.

Theo con đường Sir Francis Drakes hai mươi dặm về hướng nam và phải vượt qua con dốc cao quanh năm gió lộng pha sương mù lạnh buốt , sau đó trèo 300 bậc thang để xuống tận ngọn hải đăng. Đứng trên đài quan sát, chỉ có thể trông thấy ngọn hải đăng thấp thoáng sau màn sương. Che chở dưới mõm đá, là nơi trú ngụ cuả từng bầy hải âu và hải cẩu. Trở ra biển khơi, là con đường thiên di cuả từng đoàn cá voi theo dòng nước xuôi ngược bắc nam cuả Thái bình dương mỗi tháng giêng đến tháng tư.

Dọc theo con đường dốc dẫn lên đỉnh quan sát, chui qua hàng cây cổ thụ đang nghiêng mình theo chiều gió, nhìn thấy màu đỏ rực cuả các tảng đá gợi sự tò mò trong tôi, khi đến gần nhìn kỷ, tôi mới thấy đó là một giống rêu bám vào thân đá, chống chọi với sức gió và sương ẩm quanh năm, tôi đã nhìn thấy bao nhiêu là hoa dại theo đường đi, mội nơi mỗi sắc, nhưng thiên nhiên vẫn là niềm bí hiểm vô cùng, có đi đến mỏi gối mòn chân, cũng không thể bảo là mình đã khám phá hết , thật là kỳ diệu.

Tạm biệt ngọn hải đăng

Vũ Thị Thiên Thư

 

 

 

 

 

Leave a Reply