Chiếc Bóng Tơ Vương

Chiếc Bóng Tơ Vương

*

Màu nắng chiều nhạt nhòa in bóng xuống hàng dừa xanh mượt, con nước lớn, ngày mười ba, êm đềm lặng lẽ vổ nhẹ nhàng hai bên bờ sông. Ngôi chùa nhỏ nằm ở vàm sông, xây trong khuôn viên rộng rãi, cổng chùa đóng bằng cột gổ đơn sơ, sân trước trồng đầy hoa kiểng, được chăm sóc cẩn thận, mặt tiền hướng về phía con sông nhỏ, quen gọi rạch Bắc Vàng, bên góc vườn đầy hoa phía nam sân chùa, pho tượng Đức Quan Âm bồ tát khuôn mặt hiền từ mẫu ái, tay cầm nhành dương liễu hướng về vàm sông. Con sông Cái bé nước lớn từ nguồn cao đổ về hàng năm bên lỡ, bên bồi. Người dân quê mùa mộc mạc, tin tưởng vào Đức Bồ Tát vạn năng, người đến cầu cho mọi sự bình an, người đến cầu cho mùa màng suông sẽ, những người sống trong vùng đồng bằng dọc theo sông Hậu còn gọi là sông Cái Bé, để phân biệt với sông Tiền là sông Cái Lớn, người dân luôn chống chọi hàng năm từng cơn nước lũ. Sông Hậu mang phù sa về tưới cả vùng đồng bằng, con sông cái bình thường thật hiền hòa, êm ái, tháng lũ như điên cuồng, nước từ nguồn xa đổ về cuốn trôi đi bao nhiêu cây nhỏ mọc hai bên bờ sông. Nước đổ trong cơn giận dữ ào ạt như thác ngàn, bao nhiêu xuồng ghe, bao nhiêu tay chèo chống, mỗi lần qua sông khó khăn như vượt thác. Những hàng nọc cây đóng dọc theo bờ sông, những đám chà, những hàng đáy đóng bằng từng bó tre tàu rỗng ruột, trải dài dọc theo hai bên bờ sông, chìm sâu dưới làn nước lên cao, không còn không thấy đâu là cột tre đâu là ngọn, khi phải qua sông rất nguy hiểm vì không trông thấy các chướng ngại vật, đâm thủng ghe xuồng bị vướng vào.

 

Trụ trì ngôi chùa nhỏ là Sư Bà, tuổi quá ngũ tuần, người nhỏ nhắn, phong thái bao giờ cũng an nhiên điềm đạm, tiếng nói nhẹ nhàng, phụ giúp công việc chăm sóc còn có hai Sư cô, tuổi trẻ hơn, ngoài giờ công phu, các Sư cô thường làm lụng liên tục, trồng trọt rau quả, chăm sóc hoa lá trong khu vườn bao bọc quanh chùa. Khách thập phương đến thăm chùa và vào viếng Sư bà hàng ngày, nhất là những ngày Rằm, mùng một, khói hương nghi ngút.

 

Người đàn bà cột xuồng vào gốc cây dừa nằm cạnh bờ sông, vói tay lấy cái rổ tre đựng trái cây và bó nhang thơm, bà ta cẩn thận bước lên cây cầu dừa, bấm chặt mấy ngón chân, nước lên cao mấp mé, thân cây đóng đầy rong rêu trơn như thoa mỡ, sẫy một chân là rơi xuống nước ngay. Nhìn thấy cô gái mặc áo trắng đang dứng dựa gốc cây, bà gật đầu chào cô gái, cô ta im lặng nhìn ra xa, hình như cô đang đứng chờ ai bên cổng Chùa, bà ta vừa đi vừa nghĩ thầm.

 

Cô nầy thật lạ, viếng chùa sao không vào lại đứng dưới bến sông ? Người xanh xao như bóng ma, chẳng biết dân ở đâu mới tới sao mình chưa nghe nói vậy mà.

 

Bà ta đi mấy bước, nhìn lại, thấy cô gái đã quay lưng đang đi lần về phía pho tượng Quan Thế Âm, dáng nhẹ nhàng lướt đi như sương khói. Bà chép miệng, “cô nầy đi như bóng ma”. Bà cũng quay lại, đi về căn nhà khói, phía hậu liêu, vào trong chạn, chọn mấy cái dĩa lớn nhỏ, chưng bày, sắp xếp các thứ trái cây vào để lên chánh điện cúng Phật, thoáng thấy Sư cô vừa bước vào, với tay lấy cái khăn lau đôi bàn tay mới rữa còn ướt, Sư cô đang chuẩn bị thời cúng chiều, bà chấp tay.

 

– Thưa Sư Cô, mốt ngày rằm, con mang các thứ trái cây đến cúng Phật.

 

– Mô Phật, bà đã dọn lên bàn thờ chưa? Có cần Sư cô giúp không ?

 

– Dạ chỉ còn bên nhà vong nữa là xong rồi.

 

– Vậy bà cứ thong thả mang sang bên ấy, đã đến giờ cúng chiều, Sư cô vào mặc áo để lên Chánh Điện lễ đây.

 

Bà ta lui cui đặt các thứ trái cây, hoa quả lên bàn, bưng một dĩa trái cây vào nhà vong, nơi thờ phượng những người chết không ai hương khói, hay những người chết còn trẻ, thân nhân mang bài vị vào gởi trong chùa, tin tưởng rằng hồn ma có linh thiêng sẽ theo chuông mõ tu hành không lang thang dật dờ, vấn vương, quyến luyến về quấy phá gia đình. Trên bàn thờ lón đặt nhiều bài vị ghi rõ họ tên, ngày tháng sinh tử, và còn có cả hình ảnh của người chết. Bà đốt một nắm nhang, cắm vào lư hương, thoáng nhìn qua chợt đôi mắt như dán chặt vào tấm ảnh, đúng rồi, khuôn mặt nầy, ánh mắt nầy, cái áo lụa trắng và cả xâu chuổi đeo trên cổ, không thể nào, hay là người giống người, càng nhìn, bà càng quả quyết, cô gái dưới bến sông không khác tí nào với người trong ảnh nầy, hay là song sinh ? Bất chợt bà nhìn ra khu vườn, nơi pho tượng Đức Quan Thế Âm đứng nghiêm trang trong nắng chiều nhà nhạt, một cơn lạnh bất ngờ chạy dọc theo sống lưng, bà quay lưng đi như chạy về phía chánh điện. Trông thấy Sư cô trong chiếc áo choàng nâu vừa bước lên, bà vội vàng hỏi:

 

– Thưa Sư Cô, có thấy cô gái mặc áo trắng đến viếng chùa chiều nay không ?

 

– Không! Chiều nay chỉ có mình bà đến lễ chùa thôi.

 

– Sư cô thật không thấy ?

 

– Sao bà lại hỏi vậy? Sư cô không thấy ai cả, hay là khách nào đến viếng chùa mà lại không vào lễ Phật chăng ?

 

– Không lẽ, vì khi tôi vừa đến bến sông thì gặp một cô gái đang đứng như chờ ai, tôi chào thì cô không nói năng gì, chỉ đi vào Chùa, về hướng Quan Âm Các, tôi nhìn không thể lầm lẩn được, cô giống hệt như người trong tấm ảnh thờ dưới nhà vong.

 

– Mô Phật, Bà đã gặp cô Phi rồi đó, hữu duyên, thôi bà vào lễ Phật đi, chuyện dài lắm. Bà có rảnh rổi thì sau khi Sư Cô công phu xong sẽ kể chuyện lại cho nghe.

 **

– Nầy cho mụ hống hách nhé, từ nay cho bỏ tật hà hiếp người cô thế.

 

Cô hai Phi nắm lấy tóc người đàn bà xoắn vào tay, tay kia vã vào mặt, chị ta xoay người cố vùng vẫy nhưng tóc đã bị nắm chặt, càng vùng thì càng bị xiết chặt, đau thì ít nhưng xấu hổ thì nhiều hơn. Ai lại bị con nhải con làm nhục giữa chợ thế nầy. Mấy chị đàn bà cùng đi chung vội chạy lại định gỡ tay cô Phi ra, không ngờ cô tư Phiến thấy có người dám can thiệp, bèn nhảy vào vòng chiến, trên tay cầm cây dù cán cong ,cô máng cào cổ và lôi người đàn bà kia lại, thuận tay cô tặng cho hai tát nỗ đom đóm rồi mới buông chị ta ra.

 

– Khôn hồn thì chạy đi, đừng để bà nổi cơn cho thêm mấy cái cán dù nữa bây giờ.

 

Mấy người đàn bà bán hàng trên sạp dọc theo khu chợ cũng vây quanh lại.

 

– Cô Tư, đánh cho nó bỏ tật đi.

 

Quang gánh hổn độn, bạn hàng vốn đã không ưa mấy cái mặt thường ngày hống hách cuả bọn me Tây, được dịp cũng nhào vô ăn ké. Cô Tư Phiến như nử tướng ra quân đứng chống tay thị uy, mấy người đàn bà kia nhìn thấy tình huống, biết không thể nấn ná lại, sẽ bị ăn đòn hội chợ nên tiu nghĩu dắt nhau về khu gia binh của đồn lính nằm bên kia sông.Trước khi đi còn không quên buông lời hăm doạ.

 

– Tuị bây chỉ giỏi huà nhau, bà về gọi ông đội đến còng đầu cả lủ cho xem.

 

Cô hai Phi vuốt lại mái tóc, nhặt cái rỗ tre nằm bẹp dí bên lề đường đưa cho bà cụ rồi hỏi:

 

– Bác có đau không ? Thôi để tôi đưa bác về đằng Thầy Năm y tá khám bệnh nhá.

 

– Cảm ơn cô hai, Tui không sao, không có cô can thiệp chắc tôi bị nó đánh no đòn.

 

– Bọn nó chỉ biết hống hách bắt nạt người lớn tuổi thôi. Có giỏi sao không dám làm gì mấy người bạn hàng gà đằng kia, chọc vào chúng chưởi cho ôm đầu chạy không kịp.

 

– Tui đâu có gây hấn, chọc ghẹo gì chúng đâu, thằng Út câu được con cá lóc to, tui mang ra chợ bán tin chắc là sẽ có giá, nhưng bà ta trả rẽ quá, tôi năn nỉ xin thêm, bà không ưng nên tôi bán cho người khác, khi bà trở lại thì con cá nầy đã lở bán rồi, nhà người ta có giỗ, vậy mà bà ta nhất định chỉ muốn bắt lấy cho bằng được mới thôi.

 

– Tôi biết, bọn chúng nó từ lâu đỏng đảnh, ỷ lại vào thế lực bên đồn lính muốn làm gì thì làm, ngang ngược còn hơn là ăn cướp.Thôi bác đi chợ mua bán thì đi cho xong rồi về, cháu cũng về cửa hàng đây.

 

– Tôi thật là dội ơn cô Hai.

 

Anh Thương, đang đi lính bên đồn, và cũng là tá điền cũ của Ông Hương, từ bên trại lính tất tả về phố chợ, bước thẳng vào cửa hàng bán tơ lụa của bà Hương.

 

– Thím ơi! Khổ tới, hai cô đi đánh nhau với bọn vợ lính bên đồn, chúng nó lôi kéo nhau qua phục hận, còn xúi bà đội Tây nỉ non với chồng dẩn lính qua còng dầu hai cô mang đi đóng trăn nữa đó.

 

– Thật là, hai cái đứa con gái ngỗ nghịch, ông Hương lại vắng nhà mới khổ chứ. Hay là cháu vào lấy chiếc tam bản nhỏ bảo bạn chèo ngang sông cái, qua bên Cù lao đón anh Bá tụi nó về cho tôi, đi nhanh lên không thì khốn khổ với bọn chúng.

 

– Dạ, để cháu đi liền.

 

Bà Hương đóng hộp tiền, khóa lại, gọi cô Phương và cô con dâu trông coi cửa hàng rồi bước ra cửa. Xóm chợ thường ngày nhộn nhịp, bỗng dưng thưa thớt, mọi người lo gom góp vội vàng, mắt láo liên trông chừng, cả khu phố chợ lo dọn dẹp hàng hóa vào trong nhà vội vã.Vừa đến chợ, bà thấy anh đội lính Tây đang phùng mang trợn má, hai cô còn đang nhùn nhằn, họ cải nhau vừa tiếng Tây tiếng Ta, có mấy người đàn bà ăn mặc diêm dúa đang đứng chunh quanh chỉ chỏ.Bà nhỏ nhẹ nói với anh thông ngôn.

 

– Cháu nó nhỏ dại, nhờ ông bảo với ông đội để tôi mang cháu về dạy dỗ, ông nhà tôi đi vắng, mấy hôm nữa mới về, tôi sẽ trình với ông, còn thiệt hại thì tôi sẽ đền bù lại.

 

Mấy người vợ lính Tây thấy có người đến can thiệp, vội ngắt lời:

 

– Bà nín đi, hai con nhỏ đó tội đàng trời, để ông đội còng đầu giam cho bỏ thói, chọc vào chúng bà thì chúng bà cho biết tay.

 

Mấy bà quay lại líu lo, tiếng bồi nửa nạc nửa mỡ với ông đội Tây, bà Hương vẩn nhũn nhặn.

 

– Thôi cho tôi xin lỗi, con dại cái mang, tôi sẽ mang về dạy lại, các bà có cần tiền thuốc thang thì tôi xin trả, coi như là đền bù chút đỉnh vậy.

 

– Tôi đâu có cần cái thứ tiền bạc của bà, bảo chúng nó lạy tôi xin lỗi thì tôi tha.

 

Cô Tư Phiến nghe bọn đàn bà hổn hào với Mẹ thì nổi cơn xông tới.

 

– Má, đừng có nhiều lời với bọn nó, uổng nước miếng, để con vã cho nó rớt hai hàm răng, xưng vẫu mõm thì hết lộn xộn.

 

– Hai đứa bây về nhà chờ đó, Ba tụi bây về sẽ xử tội, con cái nhà ai lại đi đánh lộn ngoài đường. Đi ngay!

 

Hai cô nhìn nhau rồi lặng lẽ quay đi.Bà Hương lại cúi chào rồi định đi theo hai cô, ông đội đưa cây can ra cản lại rồi ra dấu cho bà đi theo, bà nhìn anh lính cùng đi với Ông hỏi lại:

 

– Ông ấy muốn gì ?

 

– Ông muốn bà theo về đồn nói chuyện.

 

– Cũng được.

 

Bà Hương kéo cái khăn the lên che mái tóc, giương cây dù đen lên để che nắng, thong thả đi theo sau ông đội về đồn lính bên kia sông.

 ***

Chợ Bằng tăng, nằm dọc theo con sông nhỏ, chảy vào sông Hậu giang. Trên bến sông, tiếng mái dầm khua nhau, tiếng mạn xuồng va chạm, thanh âm cuả buổi chợ sớm mai bắt đầu từ khi con nước lớn. Những chiếc xuồng cui, mũi nhỏ nhọn nằm khề khà bên cạnh chiếc xuồng lườn độc mộc kiêu sa. Bạn hàng cá tranh nhau mời chào, trả giá, kỳ kèo mua lại từ dân làng đi giăng câu, đặt lọp, bao nhiêu lồng tôm cá, những con cá lớn bé nằm dẫy dụa trong khoang chật hẹp cuả những chiếc xuồng bộng, xuồng ba lá, loại xuồng thông dụng, rất nhẹ nhàng, đóng bằng cây tạp, rẽ tiền và tiện dụng, trên mặt xuồng đóng sạp bằng nẹp tre, thân xuồng chia thành khoang, dục lỗ bên hông như mắc lưới để làm chổ giữ cá và thoát nước.

 

Trên con đường dẩn vào xóm chợ, bạn hàng gà níu kéo những người dân quê mang từng thúng gà con, từng lồng gà lớn ra chợ bán, kỳ kèo thêm bớt một hai. Khu chợ nhỏ nhóm theo chiều dài của hai dãy nhà đối mặt, chia thành từng khu riêng biệt, bày bán các mặt hàng khác nhau, như những thôn xóm nhỏ trong làng, nằm cận kề tiếp nối, mỗi xóm làm một nghề, xóm bánh tằm, xóm bún, xóm chằm lá” Khu bán cá, gần bên sông xếp một dọc hai hàng đối mặt nhau, những con cá lóc to vẫy đen bóng mượt, bơi lội vùng vẫy, lồng lộn, nước bắn tung toé trong các thùng nhôm , một nửa đậy lại bằng những chiếc sàng đan bằng tre thưa mắc, những chú lươn con xanh biếc không ngớt bò lắn quắn bên cạnh chú lươn vàng óng ánh nằm ngất ngưỡng kênh kiệu. Những thau nhôm nhỏ lớn đủ cở cuả người dân chứa đầy các thứ thuỷ sản, tôm cá, hầu hết bắt được từ trong đồng sâu, nào là cá giăng câu, cá mè nuôi trong vườn, cua đồng, ốc bưu, ốc đắng “Xóm gà cũng chẳng kém, bên cạnh anh gà trống ngóng cổ cất tiếng gáy hùng dũng, mấy chị gà mái oang oác cải nhau, bầy gà con ngơ ngác ríu rít nhìn quanh, như cái xóm nhà lá hổn độn”.

 

Bằng Tăng, chẳng biết tên gọi nầy có từ bao giờ, có lẻ do tiếng phiên âm từ vùng đấtThủy Chân Lạp xa xưa, cùng tên với con sông nhỏ mang nước từ sông cái, hay Hậu giang, một nhánh của Mekong, khi vào lảnh thổ Việt nam chia thành sông Tiền và sông Hậu, người dân quê đã quen dùng tên gọi nầy nên không thay đổi được, mặc dù đã bao nhiêu lần, tấm bảng treo trên công sở viết rõ ràng Xã Thới Long, đã được ông Hai Hoa mang xuống sơn phết kẻ bóng tô màu .Ông Hai ngoài công việc chính làm y tá còn có một cửa hàng bán sách vỡ bút mực phía đầu chợ. Nhìn ông, bao giờ cũng thấy quần áo lấm lem vết sơn chưa khô, đôi bàn tay vừa buông ống chích thì luôn luôn cầm lấy cây cọ, sơn màu bê bết trên khắp mặt mũi.Trong nhà ông treo đầy những bức hoạ truyền thần, ông vẽ theo trí nhớ, không thấy người ngồi mẫu, nhưng tất cả những tranh vẽ của ông chỉ có một khuôn mặt thôi, dù vẽ trong mỗi khung cảnh khác nhau, nét mặt biểu lộ tâm trạng vui buồn. Nghe nói thuở ông còn đi học ở Cần thơ, say mê một cô gái bên trường nử, dùng khuôn mặt người trong mộng làm mẫu, bạn bè thấy Ông có năng khiếu vẽ nên khuyên xin vào học trường Mỹ Thuật, ông cụ thân sinh lại không muốn cho con trở thành họa sĩ, chỉ muốn con làm thầy thuốc nên gởi ông vào bệnh viện học nghề y tá, học xong mang Ông về quê cưới vợ và chia cho gia tài để làm vốn kinh doanh, ông Hai thất tình cô bạn gái nên vẽ cô vào tranh treo dầy các vách. Cuối cùng, chỉ vì một cuộc thách đố giữa hai người bạn mà ông cầm cọ trở lại. Số là trong làng chỉ có ông Tám Thiên là người thợ vẽ, luôn bận rộn và hảnh diện với nghề nghiệp của mình ,vì không có mấy ai tay cầm cọ, làng cần gấp bảng tên ở trụ sở, bảo trong hai ngày phải xong, bạn bè khích tướng, ôngHai Hoa bấc đắc dĩ phải nhận vẽ bảng hiệu,và hoàn thành trước thời gian, mọi người thấy ông vẽ đẹp quá thi nhau đến nhờ, ông Hai cuối cùng cũng trở thành hoạ sĩ.

 

Khu phố chợ gồm hai dãy nhà song song, đối mặt nhau, một nửa quay lưng vào đồng ruộng, một nửa quay lại phía dưới sông, có căn xây hẳn thành hai tầng lầu ,có căn xây gác lửng. Từ liên tỉnh lộ số 9, nối liền hai tỉnh lỵ Cần Thơ và Long Xuyên vào đến chợ Bằng tăng chỉ hơn ba cây số, con đường nhỏ trải đá xanh, chăm sóc con đường nầy có một nhân viên duy nhất của ty Công chánh tỉnh lỵ, dân quen miệng gọi là ông Lục lộ, công việc hàng ngày của ông là đắp lại các khoảng đường bị mưa lún, nhặt các viên đá xanh, dẫy cỏ mọc hai bên. Con sông nhỏ chia đôi, bến đình và bến chợ, nối nhau bằng cây cầu ván rộng có thể qua được cả chiếc xe hơi lọai nhỏ. Phía bên kia sông là đồn lính Tây, chỉ một anh đội và vài anh lính tập , mấy chị vợ lính Tây sống riêng biệt trong một chùm nhà gỗ. Họ có những sinh hoạt cách biệt với dân làng vốn hiền hoà. Hàng ngày, cắp rổ đi chợ, họ di cùng nhóm với nhau, ăn mặc diêm dúa, bạn hàng lẫn người dân đều kiêng, nhẩn nhục trước sự hách dịch xáxh mé và hổn xược, họ ỷ lại dựa thế vào quyền hành cuả ông đội, mua bán thì trả rẽ món hàng, không mua được thì xúm nhau chuởi bới, đôi khi đánh đập cả người bán.

 

Tay cầm chiếc lượt sừng, nhẹ nhàng chải mái tóc dài quá lưng, đen mượt, bôi tí dầu dừa vào tay, đôi bàn tay quen thuộc, cử động khoan thai, Cô rẽ đường ngôi, chia tóc ra làm đôi, dánh lại thành sợi dây thừng, quấn vào sau ót, giắt lại chiếc lược đồi mồi, cô Phi rất nổi tiếng trong khu chợ, không vì cô là con gái đầu của ông Hương chủ, mà vì cô là người rất khéo tay, thông minh, vẹn toàn công dung ngôn hạnh, từ việc bánh trái trong nhà, lời ăn tiếng noí nhẹ nhàng, thêu thùa may vá, cho đến những kiểu tóc búi hàng ngày, kiểu giản dị thả mồng gà, kiểu cầu kỳ như đầu Lèo, múi bí cô đều học hỏi và thực hành cho đến lúc thành công. Ông Hương chủ, thân sinh cuả cô, dân trong làng không ai lạ gì tính tình thẳng thắng, cương trực và rất mực công bằng cuả ông, mồ côi cha, sớm mất anh, nhận chức Hương chủ khi hãy còn rất trẻ, lo lắng giúp đở mẹ nuôi nấng ,chăm sóc một bầy em, dựng vợ gã chồng, chia cơ nghiệp đất đai cho các em có căn bản để làm ăn, sau cùng, chính bản thân ông mới mang gia đình vợ con về xóm chợ, xây dựng cơ nghiệp cho riêng mình. Ông có tất cả bảy người con, bốn cô con gái, Cô Phi lớn nhất, cô thứ Phương và Phiến nối nhau, cả ba đang tuổi thanh niên, cô Phấn hãy còn thơ, ba cậu con trai, cậu Đức, cậu Phú và cậu út Minh. Bà Hương là người rất mực chân quê, đảm đang, nhân từ, bao dung. Những năm vải ta vải tám, thời chiến tranh với Nhật đảo chánh Pháp, hàng vải và các thứ sản phẩm cần dùng hàng ngày thật khan hiếm, người dân quê không còn quần áo lành lặn, có gia đình đã phải dùng cả bao bố tời để che thân, bà và ba cô con gái nuôi tằm, dệt vải, kỷ thuật thơ sơ, nhưng rất tiện dụng. Trong làng, những người nghèo khổ gặp khó khăn thường đến cầu cứu, khi thì chén gạo, khi thì manh aó bà luôn luôn giúp đở.

 

Vốn sinh trưởng trong một gia đình nông dân, đồng cảnh ngộ cha mất khi bà hãy còn thơ, Mẹ ở vậy nuôi con, chăm sóc ruộng nương, lớn lên, giúp đở Mẹ cáng đáng gia đình, cho đến lúc thành nhân theo chồng, lại gánh thêm giang san nhà chồng, đã quen cảnh Mẹ quá bụa, thêm đông anh chị em, là con gái lớn trong nhà, ruộng luá một tay bà trong ngoài cùng chồng chăm sóc. Nuôi dạy bầy em, long đong theo chồng, những năm tháng thăng trầm, gánh gồng cả bầy con xuống chiếc ghe lườn độc mộc, tản cư về Thốt Nốt, hay cắm sào trong vàm Cần Thơ Bé. Khi bồng chống bầy con dại , khi che giấu ông Hương trốn lánh những cuộc săn đuổi ráo riết. Cuối cùng hồi cư, dựng được căn nhà gỗ sơ sài, bà lại tập tành bán buôn gầy lại cơ nghiệp. Trong lúc ông Hương lo làm việc, tổ chức lại làng xóm, cơ cấu hành chánh, trường học, chợ búa, thì bà và ba cô con gái lo chăm sóc cửa hàng, thêu thùa may vá, nấu nướng làm bánh trái, nhận dạy học trò.

 

Trong làng chỉ có một ngôi trường duy nhất với ba phòng học, các cô đã thôi học từ khi phải tản cư, những ngày đậu ghe ở Thốt Nốt, bà cũng cố gắng cho các con tấp tểnh đến trường, sau khi thi đỗ Sơ học, sang Tiểu học, học đến ban Thành Chung, trở về làng thì trình độ của các cô đã vượt qua các lớp học, muốn tiếp tục thì phải về trường ở tỉnh lỵ, trong hoàn cảnh lúc bấy giờ đó là chuyện không thể thực hành. Bà Hương lại lo âu một vấn đề khác, các cô học hành đã cao hơn trai tráng trong làng, lại tiếp tục đi học giỏi hơn nữa thì như vậy biết tìm ai mà gá duyên kết nghĩa chồng con ? Nhưng không cho các con đi học thì Bà cũng thấy uổng cho cái trí tuệ trời ban, ngay chính bản thân bà, luôn hiếu học, khi các con cắp sách đến trường cũng là lúc bà bắt đầu học chử Quốc ngữ, toán pháp, từ toán cộng tính trừ, phép nhân chia, từ chử cái học sang đến nguyên âm, phụ âm, vần ngược vần xuôi, lần lần bà đọc được chuyện Nhị Thập Tứ Hiếu, Tấm Cám, Phạm Công Cúc Hoa, truyện Kiều thì bà đọc đến nằm lòng.

 

Ngày Đức Thầy khai sáng Phật Giáo Hoà Hảo, bà cặm cuội mua tập giấy học trò chép tay lại mấy quyển Sấm Giảng thi tập, Bửu sơn Kỳ hương, và thuộc lòng bao nhiều bài kệ kinh cuả Phật Giáo Hoà Hảo, lấy mười điều răn dạy cuả Đức Thầy làm mực thước ăn ở, cung cách đối xử với người ngoài cũng như dạy dỗ con cháu trong nhà.

 ****

– Anh Bá, chuyện lớn rồi, thím Hương bảo tôi đi đón anh về.

 

– Chuyện gì mà như lưả cháy mày vậy ?

 

– Đi nhanh lên cho kịp con nước, gấp lắm rồi, ghe còn chờ dưới bến, mình vừa đi vừa kể.

 

Bá chụp cái kết đội lên đầu, theo chân Thương xuống bến, chiếc ghe tam bản và hai người bạn chèo còn đang đợi. Bá bước xuống, ngồi vào giữa, Thương cầm cây dầm, tháo sơị xích bỏ vào khoang đầu, vừa ngồi xuống sạp, luôn miệng hối bạn chèo nhanh, xuồng vừa ra giữa dòng, anh tóm tắt câu chuyện, Bá ngồi nhấp nhổm, biết tính tình thẳng thắng của cô em, cộng với các ngón nghề gia truyền, trong tất cả các anh em họ, ngay cả Ba Vinh còn bị Phi đánh gẫy tay, thì cái bọn đàn bà tạp nhạp kia làm gì đụng tới chéo áo, chỉ ngại bọn đó lôi kéo đám lính vào, mảnh hổ nan địch quần hồ, có chuyện gì thì ăn nói làm sao ?

 

Bá hiểu hơn ai hết, tính tình Phi cứng rắn, hào hiệp, gặp chuyện bất bình thì sẽ không ngại gì mà không ra tay. Phi mỏng manh như tre, như trúc, mặt bao giờ cũng tươi vui. Nhìn vóc dáng mảnh mai đó, chớ dại mà trêu vào, đã không biết bao nhiêu lần đôi bàn tay quen thêu thùa may vá đó cầm roi rượt cướp, chỉ cần mấy đường quyền thôi cũng đủ bạt vía kinh hồn. Hậu duệ bà Kế Hiền, người phụ nử nổi tiếng trong vùng, từng tay không bắt trộm cướp với đầy đủ dao búa. Phi chẳng từng thách cả mấy ông anh họ có chạm được chéo áo thì cô thua một chầu, cho đến nay thì vẩn chưa có anh em nào làm được.

 

Phương hiền hòa nhất trong ba cô em, tính tình trầm lặng, ít nói, nhưng cũng khéo léo không thua gì Phi. Về nghề riêng thì cô chuyên về roi mềm, nhìn cây roi mỏng tanh như sợi dây thừng, nhưng khi lọt vào tay Phương thì như rồng rắn giởn mây. Đứng cách xa vẩn nghe tiếng xé gió đến rợn người. Tuy nhiên, khác hẳn tính nóng nảy của Phi, cô luôn dịu dàng, không bao giờ thách đố các anh em, luôn nhường nhịn, nhẩn nại, giúp đở mọi người, nhất là trong thân tộc, anh em bất cứ một ai khi gặp khó khăn, chỉ cần đến cầu cứu Phương là cô luôn tận sức giúp cho.

 

Phiến thì bồng bột và liếng thoắng, tính như con trai, cô là bài toán đố khó nhất cho Bà Hương, thuở nhỏ, cho Phiến vào trường của ông giáo Tất đi học vở lòng thì lén theo bầy trẻ trốn ra đồng bắt dế mọi, dế đá, chuồn chuồn, châu chấu, lớn tí thì chạy theo bọn mục đồng theo trâu, chăn bò, có lần Phiến cởi lưng con bò mộng chạy như ngựa tế trước bao nhiêu là đôi mắt sợ hãi của mọi người, mặc dù sau đó thì cô bị một trận quì hương tê cả hai đầu gối. Chuyện đi học như một cực hình cho cô thì nói gì đến chuyện nử công gia chánh. Cô chỉ thích quanh quẩn khi các chị làm bánh để được ăn vặt thôi. Tuy nhiên cô là người rất thẳng tánh, và cũng rộng rãi thương người như Mẹ, Phiến luôn bao che, giúp đở cho kẻ yếu đuối hơn mình.

 

Ba cô em gái tuổi cập kê, lẻ ra đã yên bề gia thất, khổ nổi thời buổi nầy, trai tráng trong làng lớp vào bộ đội Việt Minh, lớp theo đảng phái, còn lại nông dân chất phác. Phi và Phương thì đang học dang dở ban Thành Chung, trong làng không có bao nhiêu gia đình cho con gái đi học xa, hai cô trở về nhà chỉ quanh quẩn phụ giúp Mẹ trông giử cửa hàng buôn bán vải vóc tơ lụa, cùng các thứ bánh nướng, bánh tây, bánh ta” Ông Hương ngoài công việc làng xóm thì chăm lo vườn ruộng. Bà hương cũng muốn tìm nơi xứng đáng cho hai con yên bề chồng con, nhưng người trong làng quê mùa không dám đến hỏi, người ở tỉnh lỵ xa xôi không về tới. Phi và Phương hình như không mấy quan tâm, hai cô sống bình an với công việc hàng ngày. Chính bản thân Bá cũng nhiều lần mang bạn bè về giới thiệu, nhưng rồi đời quân đội nay dời mai ở, cuối cùng hai cô em vẩn chưa tìm được nơi nào thành thân chi mỹ.

 

Ghe vừa đến bến chợ, Bá nhảy phóc lên bờ, cẩn thận giấu cây súng lục vào người, anh đi một mạch về nhà. Ba Cô em đang ngồi chụm đầu trên ghế, vừa thấy Bá bước vào là đứng phắt dậy, cô Phiến láu táu:

 

– Anh về thật là kịp lúc, bọn chúng bắt Má em giải qua đồn rồi.

 

– Ai bắt ?

 

– Ông Đội Tây.

 

Cô chưa kịp dứt lời Bá đã ra khỏi cửa, anh bước như chạy. Con phố chợ hàng ngày đông đúc, bạn hàng tấp nập, chỉ thấy lác đác người bán mua vội vã. Anh tới trước hàng rào gai ngõ vào đồn, bảo anh lính gác:

 

– Vào báo với ông Đội có người đến thăm.

 

– Anh là ai ?

 

Anh lính còn chần chờ thì Bá vổ nhẹ vào báng súng rồi lập lại.

– Vào trình với ông Đội là có anh Bá đến thăm.

 

Trong lúc đó thì có anh lính già vừa bước ra, trông thấy Bá đứng trước cổng, anh ta vội vã chào:

 

– Anh Bá, gió nào đưa anh về đây vậy? Vào đây, vào đây, thật là quí hóa, anh có muốn làm ngay một ly cho ấm bụng không ?

 

– Chờ Tôi một chút, có tí chuyện phải giải quyết, nghe nói ông Đội đang làm việc ?

 

– À! Ông đang tiếp chuyện bà bạn hàng bên chợ, nghe nói mấy bà lôi thôi gì đó.

 

– Tôi vì chuyện lôi thôi đó mà phải về đây, dẩn tôi vào gặp ông ấy đi.

 

Bà Hương điềm nhiên ngồi trên ghế, đối diện là Ông đội, vừa thấy Bá bước vào ông đứng bật dậy mừng rỡ.

 

– Chào anh Bá, đến thăm tôi bất ngờ quá, mời ngồi, mời ngồi.

 

Bá chào ông rồi quay sang Bà Hương nói:

 

– Thưa Thím con mới về.

 

– Ồ! Bà đây là người nhà của anh ?

 

– Vâng! Để tôi giới thiệu đây là Thím của tôi, tôn kính cũng như Mẹ, từ khi ông bà thân sinh qua đời, Chú Thím thay thế cha mẹ nuôi dạy hai chị em chúng tôi, không có người chăm sóc tôi không có ngày nay.

 

Ông đội quay sang bà Hương:

 

– Thế thì phải xin lỗi, tôi không biết Bà là người nhà, thôi thì ta hãy giảng hòa vậy, hai bên bỏ qua mọi chuyện cho êm xuôi.

 

– Vâng! Bọn trẻ con nóng tính, con dại cái mang, tôi cũng xin ông bỏ qua cho, để tôi về sẽ lo răn dạy bầy trẻ trong nhà.

 

– Nếu anh giải quyết công việc như vậy thì xin cho tôi đưa Thím về xong sẽ trở lại hầu anh vài ly.

 

– Tốt, tôi chờ, anh đưa Thím về, để tôi gọi họ chuẩn vị dọn cho chúng ta một mâm rượu nhé.

 

Không ai hỏi cũng biết sau khi Bá đưa bà Hương về nhà thì sẻ có một màn giáo huấn với hai cô em. Dù biết mình không có lỗi, nhưng thương và nể anh, hai chị em Cô Phi và cô Phiến cũng ngồi im nghe Bá tụng cho một hồi kinh kệ đến lùng bùng đôi tai, trước khi Bá ngất ngưỡng trở qua cầu tối hôm đó, thân thể lắc lư, chân hưu chân nai, mặt đỏ như mặt trời. Hai cô em lại phải mang khăn lau mặt, giăng mùng cho ông anh nằm như khúc cũi, bà Hương vào ra lắc đầu. Sau trận đòn hội chợ, mấy người vợ lính Tây có đi chợ hàng ngày cũng e dè, không còn ngang ngược khinh dễ bạn hàng như trước. Khu chợ nhỏ trở lại cuộc sống êm ái hàng ngày, những biến chuyển quốc gia trọng đại cũng không làm người dân bận tâm hơn chuyện mưa nắng,chuyện công vụ mùa màng.

 

Giữa cuộc sống êm ái đó, tin báo Bá tử trận trong một cuộc chạm súng ở giáp nước, người bạn thân nhau lúc còn học chung khi xưa hộ tống thi hài anh về cho gia đình mai táng. Anh ta cũng mang theo vết thương chân còn đi khấp khểnh, vai băng bó sơ sài. Phi trở thành cô y tá bất đắc dĩ, lo chăm sóc hàng ngày, chuyện trò ban đầu còn bâng quơ e dè, dần dà trở thành tương đắc, khi Trung bình phục và không còn lý do gì để nấn ná, anh từ giã gia đình mang theo mảnh khăn thêu cùng lời hứa hẹn sẽ trở về.

 

Cuộc chiến thay đổi, Nhật vào Tây đi. Đồn lính Tây bỏ trống, đã không còn bóng dáng những người lính ra vào, hàng rào Cuộc chiến thay đổi, Nhật vào Tây đi. Đồn lính Tây bỏ trống, đã không còn bóng dáng những người lính ra vào, hàng rào kẻm gai xiêu dẹo, gạch đá chỏng chơ, lô cốt bụi bám nhện giăng.

 

Cô Phương đã theo chồng, đứa con gái đầu sinh ra nhỏ nhoi èo uột, năm sau lại sinh thêm đứa con trai, cô mang đứa con gái về gởi chị trông nom, hai vợ chồng dắt nhau ra chợ quận làm ăn. Phi tiếp tục công việc trông coi cửa hàng , Cô Phiến cũng đã có người đến hỏi, sẽ theo chồng nay mai.

 

Đứa con gái èo uột của cô Phương được bàn tay Phi săn sóc, chăm lo, lớn lên khỏe mạnh, dù vẩn bé như con búp bê. Cô dồn hết tình thương cũng như thời gian, suốt ngày, đan may bao nhiêu áo quần cho con bé. Nó chơi quanh quẩn trong cửa hàng, trong lúc Cô lo chuyện bán buôn, bạn hàng ở xa nghe con bé gọi cô Phi bằng Mẹ, tưởng là cô đã lập gia đình.Thật ra trong thâm tâm cô vẩn chờ đợi một ngày về. Đã mấy lần xuân, bà Hương vẩn nhắc… “con gái có một thời” chờ đến bao giờ, nhưng Phi vốn cứng rắn, cá tính đó ai còn lạ gì ? Bên trong cái vẽ dịu dàng đó, chứa một con người đầy tình cảm, đã thương yêu thì dù có phải chờ đợi bao lâu cũng cam tâm.

 

Giữa những xao động của chiến cuộc, hai năm tổng tuyển cử không thành, đệ nhất Cộng Hòa lúc ban sơ, cuộc sống dân quê trong làng quay theo sự thay đổi hàng ngày. Ban đạn diện xã ấp lần lượt thay thế cho bóng áo dài đen khăn xếp của các Hương chức hội tề, cùng lúc với những khó khăn thiếu thốn về tất cả mọi mặt, nhất là ngành y tế, thuốc men.

 

Bà Phó tất tả xỏ tay bào chiếc áo bà ba, hấp tấp quên cả đôi guốc mộc, đôi chân trần thoăn thoắt, chuyện lớn rồi, mấy hôm trước còn thấy Cô Phi xách giỏ đi chợ mà, sao lại đi nhanh như vậy ? Cửa hàng vải vắng ngắt, khung kính bôi vôi trắng báo hiệu nhà có tang chế, con bé ở đôi mắt đỏ oe, hé cánh cửa, chưa kịp thấy bà đã khóc òa lên. Trong nhà, trên bộ ván gõ, mấy người đàn bà đang ngồi cạnh đống quần áo, họ xổ ra những chiếc áo bà ba thêu, những chiếc áo dài lụa ngà, vừa cắt khuy áo, vừa chụm đầu thì thầm to nhỏ:

 

– Chừng nào thì mới khởi sự liệm cô Phi?

 

– Chỉ chờ cô Phương về tới, chắc khoảng quá ngọ thôi.

 

– Có ai lại đàng bà Chín lấy nồi đất chưa ?

 

– Để làm gì ? Nhà có thiếu gì nồi đồng, nấu bao nhiêu chẳng được.

 

– Không phải mua nồi nấu nướng, mua để úp mặt cô Phi trong hòm đó.

 

– Chi vậy ? Tại sao phải úp mặt làm gì ? Đã liệm bằng mấy chục xấp vải mùng rồi.

 

– Thì người ta vẩn thường làm vậy mà.

 

– Bà nói chuyện đùa, ông Hương là tín đồ Hòa Hảo thuần thành, dể gì ông làm mấy chuyện mê tín dị đoan đó.

 

– Nhưng cô Phi là gái cao số, chưa gã chồng, lại chết bất đắc kỳ tử, ông bà thường bảo con gái chết đồng trinh hay theo về báo con bắt cháu. Nhất là cô có cả mấy đứa con cháu còn thơ. Ai cũng bảo có kiêng có lành, hay là mình nói với Bà Hương vậy.

 

– Tôi nghĩ bà không dám trái ý ông đâu, ông luôn bảo tử, thì táng nội trong ngày hôm nay phải lo cho xong việc chôn cất.

 

– Bộ ông không tổ chức đám tang, ít nhất cũng quàn lại mấy ngày cho người ta đến viếng thăm ?

 

– Dù không là tín đồ Hòa Hảo, nước nôi nầy, trong làng đang có bệnh dịch hoành hành ai dám quàn lại ?

 

– Thật là khó ăn khó nói, ông Hương tính tình cương quyết lắm, không dễ gì lay chuyển được đâu.

 

Phương buớc vào nhà, khuôn mặt tái xanh, cô chưa kịp thả con xuống đã hỏi ngay:

 

– Có thật không ? Hay chỉ nằm mơ ?

 

Phiến vừa thấy chị là khóc òa lên, Phương đứng lặng người, con Bé thấy Mẹ về vội chạy lại mừng, mẹ nó ngơ ngẩn, thả thằng bé con trên tay xuống rồi ngồi phệch xuống bộ ván ngựa ôm đầu, hai đứa bé con bị người lớn bỏ quên một góc nhà, ai cũng bận rộn lo việc tang ma, người bàn ra tính vào, nhưng rồi không ai dám thố lộ ý nghĩ, dù trong lòng thật là xốn xang.

 

Đám tang Cô Phi lặng lẽ không kèn trống, ngôi mộ mới nằm trong đất nhà bên cạnh mộ của ông bà. Mấy năm liên tiếp hoàn cảnh khó khăn, thuốc men thiếu thốn, trong làng đang bị bệnh dịch hoành hành, chỉ riêng trong họ hàng, mỗi gia đình đều có người thân, bất luận già trẻ, chết vì bệnh dịch tả, nhà nhà quét vôi trắng xóa chung quanh. Những ngôi mộ mới đắp vội vàng trong nghĩa trang chung phía sau đình làng. Trong trại cưa cây, thợ mộc làm việc thật vất vã cũng không đóng kịp, đôi khi chỉ cưa đóng loại hòm ván xoài ghép lại thật sơ xài để kịp mang đi chôn. Người dân quê vẩn còn tin tưởng vào bùa phép, thầy pháp được dịp, bày các chuyện lễ cúng, và luôn bận rộn với những buổi lể cúng kiến trừ tà ma, những tiếng trống kèn vẩn vang lên hàng ngày, con sông nhỏ không ngày nào vắng những chiếc bè chuối cắm cờ xanh đỏ gọi là bè tống dịch. Khu xóm chợ đìu hiu, hàng quán cũng vắng vẽ tiêu điều.

 

Những chuyện lạ lùng sảy ra trong nhà, bắt đầu từ con Bé chơi đùa tinh nghịch bị Mẹ phạt quì, bỗng dưng, cái lư hương trên bàn thờ cô Phi bốc cháy, bao nhiêu chân nhang biến thành tro bụi. Rồi những người đi chợ sớm quả quyết rằng trông thấy cô Phi ngồi ngoài băng đá trước hiên nhà. Tiếp đến, người bạn mua hàng vải còn thiếu tiền, không ai biết là bao nhiêu, lại mang tiền đến trả, bà ta kể rằng tối qua nằm mơ thấy cô Phi về nhắc lại, đã đến kỳ. Chuyện lạ nhất là trong ngày cô mất, khi người nhà chuẩn bị xuống chợ quậnđể báo tin, di dược nửa đường thì trông thấy cô Phương đang tất tả bồng con về thăm. Cô còn nói là ngũ mơ một giấc lạ quá, thấy Cô Phi mang con Bé đến trả lại, còn nói là không thể nuôi được nữa, bấy giờ người nhà mới bảo với cô là cô Phi đã qua đời.

 

Người ta đồn đại cô chết trẻ nên thiêng, hồn còn quanh quẩn chưa siêu thoát, lúc sống cô hay giúp người, nên khi chết cũng không làm hại ai. Người đến giúp việc trong nhà thường bảo nhau Cô thiêng lắm, liệu mà giử gìn, cô ghét những người gian trá, xảo quyệt, lọc lừa. Trên căn gác nơi thờ phượng ông bà, bên dưới có đặt một bàn thờ nhỏ có di ảnh cô, hàng ngày hương khói. Người thì bàn rằng cô chờ Cậu Trung về hỏi, hai người khi xưa đã dặn dò, thề hẹn, bởi vậy cô mới không lấy chồng, giờ mất đi còn vướng lời thề nên không thể siêu thoát.

 

Những chuyện đồn đãi lần lượt đến tai ông bà Hương, hai người để tránh chuyện bàn ra tán vào, nhất là còn lại mấy đứa con gái trong nhà, người ngoài không hiểu sẽ sinh ra lắm chuyện lôi thôi. Ông bà chọn ngày tốt, đến lễ với Sư bà xin dọn bàn thờ gởi cô Phi lên chùa trú ngụ.

 

Ban đầu thì cũng chẳng có chuyện gì sảy ra, ai cũng nghĩ là chuyện đã xong, cho đến những ngày trăng sáng, có người phát hiện bóng cô gái áo trắng thoạt ẩn hiện như bóng ma, thường ra vào Quan Âm Các, cô ta chỉ thơ thẩn dưới bờ sông hay trong vườn, chẳng quấy rầy ai, hỏi lại thì không ai biết tên tuổi cô, người địa phương nào, chỉ biết là cô hay đeo xâu chuổi ngọc trai và khuôn mặt lại giống hệt như bức ảnh thờ của Cô Phi đặt bên nhà vong sau hậu liêu.

 *****

Sư cô dứt lời thì đêm đã xuống từ bao giờ, người đàn bà đưa đôi mắt láo liên nhìn ra trước sân, từ đây xuống bến sông phải di ngang qua khu vườn hoa, bà ta không muốn nhớ lại cái bóng trắng và khuôn mặt xanh xao của cô gái. Sư cô như thấu hiểu sự sợ hãi bâng quơ của bà.

 

– Mô Phật, đã muộn rồi, trời sáng trăng, để Sư Cô đưa bà xuống bến.

 

– Dạ.

 

Mặt trăng đã lên trên đỉnh đầu, ánh sáng thật dịu dàng, người đàn bà đi theo sát cái bóng áo nâu của Sư cô, dưới mé sông, hàng dừa rũ bóng lá reo vui xào xạt, chiếc xuồng cột lúc ban chiều, mũi xuồng ghìm xuống theo con nước lớn kéo căng sợi dây mắc xích, vói tay cầm sợi xích thả vào khoang mũi, nhổ lấy mái dầm cắm bên cạnh, vừa đẩy xuồng tách bến, bà chào Su cô lần nữa, nhìn lên sân chùa, bên cạnh pho tượng hiền hòa của Đức Quan Thế Âm hình như ẩn hiện cái bóng áo trắng chập chờn, bà ta cắm cúi bơi thật nhanh tay.

 

 

Vũ Thị Thiên Thư

 

 

 

 

Leave a Reply