Ngọn Đồi Tuổi Hạc

 

IMG_4958

Ngọn Đồi Tuổi Hạc

 

 

   Trong tầng hầm của nhà thờ , dọc theo những cái bàn dài nối sát nhau, bên trên bày các sản phẩm thủ công, vật dụng làm bằng gỗ, khăn thêu …một nửa phía bên kia bày đủ thứ bánh trái, người người đi qua nhìn ngắm, hỏi han nhau.

   Bà Theresa đến từ giã chúng tôi, hai vợ chồng sẽ dọn đi nơi khác.

– Dolly, tôi đến chào bà, cuối tháng nầy vợ chồng tôi sẽ dọn về Sant Charles .

– Thật bất ngờ, tại sao Bà dọn đi xa quá vậy “

– Vâng, Chúng tôi cũng không ngờ, vì mới vừa nộp đơn ít lâu thôi, thường thì phải lên danh sách và chờ đợi, nhưng lại được thông báo rất nhanh, đã có chổ sẳn sàng trong chung cư, chúng tôi có thể dọn vào ngay đầu tháng. – Thế còn căn nhà ở đây ” Bà đã bán chưa “

– Tôi chỉ mới quyết định nên chưa kịp thu dọn gì hết. Chắc phải chờ đến mùa xuân mới có thể đăng bảng ” For Sale” được .

– Tôi không biết tình trạng bên khu nhà của bà, nhưng mới đây, căn nhà bên khu của chúng tôi, cách nhau chỉ có ba căn, bảng vừa cắm xuống đất, chưa kịp phai màu là đã có người đến mua rồi, chỉ mất có mười ngày thôi.

   Theresa là president cho Alstar and Rosary , bà rất tích cực, hăng hái trong công việc, được mọi người chúng tôi tín nhiệm bầu vào nhiệm vụ nhiều năm liên tiếp.Vợ chồng bà đã về hưu từ lâu, cư trú gần cả đời ở thành phố nhỏ yên tỉnh nầy .Vóc người cao lớn, tiếng nói dịu dàng, bà còn phụ trách đàn phong cầm trong các thánh lễ lớn , tang ma, cũng như lễ hàng tuần chúa nhật. Tôi làm việc thiện nguyện chung với các bà trong hội từ ngày về cư trú nơi đây. Hầu hết họ là cư dân lâu đời, các bà đã trải qua bao nhiêu thăng trầm, gắn bó, có một vốn hiểu biết vô tận về địa hình , dân chúng, cũng như lịch sử của thành phố nhỏ nhoi nầy .

   Lúc tôi chân ướt chân ráo về đây, một đàn con nhỏ theo chân, đến gặp Cha Sở xin cho các con vào học trường tiểu học và trung cấp, Cha ân cần giới thiệu với họ Đạo, tôi vừa ra cửa thì gặp một cụ ông rắn rõi, cụ vồn vã đón chào, hỏi thăm ,và báo cho tôi biết về sinh hoạt của hội phụ nữ , các bà thường họp nhau ngày thứ ba, còn mời tôi đến tham dự , kết thân.

  Tôi bận tíu tít chuẩn bị cho các con nhập học nên mãi mấy tuần sau đó mới đến thăm, phòng họp nằm trong tầng hầm của nhà thờ, bên cạnh nhà bếp. Tôi tự báo tên, bà Liliam đến mừng và bảo chồng bà là người gặp tôi hôm nọ , chính ông đã báo cho bà biết tôi sẽ đến sau khi ổn định nhà cửa. Các bà vui vẻ giới thiệu tên họ, chuyện trò hỏi thăm, xem tôi có cần giúp đở gì không. Người trẻ tuổi nhất trong bọn, hỏi ra cũng hơn tôi gần hai chục tuổi.

   Đây chỉ là một chi nhánh của hội phụ nữ trong họ Đạo, các bà họp nhau hàng tuần, mỗi người một công việc, người thì đang may thêu, kẻ làm những sản phẩm thủ công. Mỗi năm nhà thờ có tổ chức một ngày hội chợ nho nhỏ vào dịp Giáng Sinh, một nhóm các bà sẽ bán các sản phẩm để gây quỹ, nhóm khác sẽ bán thức ăn cũng như bánh trái, tiền thu được dùng để sửa chửa nhà thờ cũng như chi dụng vào những khóa lễ trong năm. Bà Lilliam là người đang đảm trách phần quilting ( Quil: một loại mền dầy làm bằng vải sợi, cắt ra thánh từng manh nhỏ, xong lại nối lthành những miếng to hơn, nhiều màu sắc, đối chọi hay hài hòa, lót một lớp gòn bên trong và mặt dưới là vải trơn, dùng mũi may tay thật nhỏ, may dính cả ba lớp lại, công việc đòi hòi sự khéo tay, tỉ mỉ vì rất công phu) Tôi thú thật với các bà là chỉ biết may và thêu, nhưng chưa quil bao giờ, bà kiên nhẫn giải thích, công việc của mỗi người, họ đang may từng manh nhỏ, nếu tôi thích thì có thể đến giúp một tay. Bà Ruth đang kết những những mảnh nỉ màu sắc nhẹ nhàng thành những chiếc mền cho trẻ sơ sinh, Hội bảo trợ cho Birht Right : tổ chức giúp đỡ những thiếu nữ mang thai ngoài hôn phối sinh nở, nuôi con, hay tặng cho người khác đang chờ đợi thay vì hủy bỏ bào thai . Mỗi người trong nhóm nầy ai cũng có công việc riêng tùy theo ý thích của từng người.

   Người cao niên nhất trong Hội là bà Marian, đã gần chín mươi, nhưng rất khang kiện, bà là người sinh ra, lớn lên, lập gia đình và sống suốt đời ở đây, bà như pho tự điển sống của chúng tôi, chunh quanh câu chuyện trao đổi giữa bà và bà Henrietta, tôi vẽ được bản đồ hành chánh cũng như địa hình thành phố Dyer không phải nói ngoa. Mấy bà thật vui vẻ, họ biết tôi mới đến nên tận tình chỉ dẫn, tôi như con bướm bay nhở nhơ, khi thì phụ bà Ruth, khi thì quil với Liliam, nhưng chung qui sinh hoạt chuyện trò với các bà giúp cho tinh thần tôi thật thoải mái, bình an.

   Tôi quen làm việc nhanh chóng, buông việc nầy, bắt việc khác, Liliam rất cẩn thận, bà cân nhắc từng manh vải, mũi kim, thường bảo tôi “Slow down ” Tôi học nơi bà cung cách khoan thai , cũng như chú tâm vào công việc thật thoải mái, làm từ từ và làm việc vì thật sự yêu thích hơn là làm cho xong công việc.

   Mỗi tháng, tuần thứ ba, hội phụ nữ họp nhau để hoạch định chương trình, cũng như báo cáo công việc hàng tháng, ngân quĩ chi thu. Tôi gặp bà Theresa trong các cuộc họp nầy. Bà là người rất nhiệt thành, làm việc chu đáo, thường có những đề tài hấp dẫn sau các phiên họp, lúc mọi người trà nước, bà có lối kể chuyện rất duyên dáng, và mang các phim ảnh tài liệu trong các chuyến du hành ra trình chiếu cho mọi người . Họ đạo lớn theo sự phát triển của thành phố, con số giáo dân cũng tăng theo, nhưng số người thiện nguyện lại không thay đổi, chỉ có một số người luôn góp công góp của, người trẻ thì bận bịu con cái, công việc, người già thì lần lượt qua đời, nhiều lần các bà cũng lo lắng tìm người thay thế, nhưng vẫn chưa có kết quả. Trong lúc đó, số người già yếu bệnh hoạn càng ngày càng tăng, mỗi năm chúng tôi lại mất thêm người. Những năm đầu tôi mới về, còn tổ chức tật rầm rộ và rất thành công những ngày hội hè vào mùa Giáng sinh, nhưng dần dà, con số người giúp việc giảm quá nhiều, đến lúc Rosemary lâm bệnh , không còn cán đáng nổi phần nhà bếp, nấu nướng thì Hội phải thu hẹp lại, hủy bỏ phần bán thực phẩm buổi trưa Chúa nhật , chỉ có thể bán bánh trái và sản phẩm thủ công sau các khóa lễ cuối tuần thôi.

   Năm nay, trong ngày hội, khi Theresa đến báo tin và từ giã chúng tôi, lúc nâng chung trà ngồi giải lao, bà tâm sự

– Tôi tự biết sức mình, nhà tôi sau cơn tai biến qua, ông yếu đi nhiều, đi đứng khó nhăn, dễ té ngã, tôi không đủ sức đở ông dậy, bác sỉ khuyên tôi không nên dùng sức , mùa hè qua tôi đã phải giải phẩu thông động mạch tim, tôi cũng cần thời gian hồi phục. Nhà tôi càng lúc càng yếu đi. Những năm trước đây, nếu ông chịu nghe lời khuyên của bác sỉ, chỉ cần siêng năng luyện tập thì cũng đở hơn, ít nhất ông cũng còn chống gậy và đi đứng, hiện nay, tôi ngại là nếu dùng xe lăn thì ông sẽ không còn cố gắng nữa.

– Thế ông vẩn còn đi tập hàng tuần ở bệnh viện club house không “

– Mỗi tuần hai ngày, thứ ba và thứ năm.

– Bà dọn về Sant Charles thì ở với ai “

– Tôi ở trong một loại chung cư, gần như nhà dưỡng lão, nhưng có bếp nước riêng, tôi có thể tự nấu ăn, bằng không thì xuống nhà ăn chung, mỗi ngày ba buổi ăn, chung cư có phòng sinh hoạt, phòng khách chung, phòng thể dục…hàng tuần có người đến thay khăn giường, dọn dẹp lau chùi trong nhà, Nếu tình rạng sức khỏe suy nhược, không thể tự mình chăm sóc thì có thể xin sang khu vực dưỡng lão, nơi có người chăm sóc hàng ngày.

– Bà có người con nào gần đó không “

– Tôi còn hai đứa con gái và mấy đứa cháu ngoại gần đó. Các cháu cũng lớn rồi, tham gia vào các sinh hoạt thường xuyên, như vậy tôi cũng có thể đến xem các cháu chơi thể thao, hay ít nhất tôi cũng có mặt trong các buổi hòa nhạc. Lâu rồi, tôi cũng không còn nấu nướng những ngày Lễ lộc, các con luân phiên nhau. Mấy năm trước đây, lúc nhà tôi hãy còn khỏe, ra ngoài cắt cỏ, xúc tuyết, chiếc John Deere nằm trong garage từ lâu, tôi không quen làm công việc đó, nên chỉ mướn người đến phụ trách hàng tuần.

– Bà về chung cư thì không phải lo đến việc xúc tuyết hay cắt cỏ, nhưng diện tích của căn nhà trong chung cư bao lớn ? Có đủ phòng cho ông bà hay các con ở xa về thăm không?

– Tôi chỉ có hai phòng ngũ và hai phòng tắm, bếp và một phòng khách. Thang máy ở mỗi đầu dãy, tôi cũng mừng, như vậy thì phải đi qua một dãy hành lang, đủ dài cho nhà tôi đi bộ, nhưng nếu cần thiết thì đã có xe lăn, mặc dù tôi không thích dùng đến, nhưng vạn bất đắc, cũng an tâm hơn. Tuy rằng với diện tích nhỏ, và tôi cũng không cần nhiều phòng ốc làm gì nữa, ngay cả những đồ đạc , chén dĩa, bàn ghế trong nhà tôi cũng bảo các con chia nhau, những gì chúng không cần tôi sẽ mang tặng cho hội từ thiện. Càng giản tiện càng tốt. Tôi cũng chưa biết mình còn sống bao lâu nữa mà nắm níu làm gì . Hơn nữa, con gái tôi chỉ cách đó có mươi phút, tôi có thể lái xe đi về mà không phải lo lắng. Tôi ở đây, quen thuộc bao lâu nay, nhưng thấy hối tiếc khi không thể đến xem các cháu thi đua, tụi nhỏ lớn lên nhanh quá rồi, tôi còn chút sức khỏe, mai mốt sẽ không còn cơ hội nữa.

– Bà có thấy buồn quyến luyến căn nhà kỷ niệm mấy chục năm nay không “

– Dĩ nhiên rồi, nhưng tôi thấy mình nên thực tế, hiện nay đầu óc tôi hãy còn minh mẫn, tôi muốn tự quyết định cho mình. Tránh những khó khăn cho con cái sau nầy. Nhất là sức khỏe của nhà tôi, càng ngày càng yếu đi, căn nhà không còn là một nới an hưởng nửa, mà trở thành gánh nặng, tôi nhìn thấy ông cố gắng lái chiếc máy cắt cỏ với một tay hồi mùa hè mà lo ngại, sau lần bị chấn động mạch máu não, ông hồi phục chỉ có một nửa người thôi. Vào chung cư thì không phải lo lắng vấn đề nhà cửa, mọi thứ đã có người chăm sóc, khi nhà tôi bệnh hoạn, hay cần người nhắc nhở thuốc men, di chuyển, đã có y tá đến nơi. Tôi suy nghĩ cẩn thận, thà rằng tôi vào chung cư hơn là chờ các con tôi phải đặt vào hòan cảnh khó xử, đưa tôi vào thì chúng cảm thấy như bỏ bê, thiếu bổn phận với Cha mẹ, còn không đưa tôi vào thì lấy ai chăm sóc “

– Tôi đồng ý là bà giải quyết vần đề thật giản tiện và thực tế . Bao giờ thì ông bà sẽ dọn đi “

– Có thể chúng tôi sẽ vào trước mùa lễ Giáng Sinh nầy. Dù sao thì Giáng Sinh cũng sẽ sang mừng Thánh lễ với các con, từ khu chung cư sang đó gần hơn, mấy năm trước ,không thể lái xe về thì chúng tôi thường ghé lại khách sạn ngủ qua đêm, nay thì không cần phải làm như vậy.Dù sao cũng đã quyết định rồi, thời gian sớm muộn không cần thiết, tôi đi ngay cũng là tránh cho mình những bịn rịn, luyến lưu.

Cuộc chuyện trò với bà Theresa làm tôi chợt băn khuăn, mấy năm trước đây về thăm thung lũng hoa vàng, anh bạn thân của tôi vẫn thường mơ ước : ” mình có nên tìm một chỗ an thân lúc xế chiều không ” ” Chúng tôi thân nhau từ ngày còn cắp sách, tình bằng hữu theo những tháng năm dài, vất vả khó khăn trong cuộc sống, khi hoang mang trong cuộc chiến dai dẵng, lúc lê thân trên những con đường vất vả sinh nhai. Lúc liều thân vượt biển tìm tương lai, rời quê hương tưởng đã không còn cơ hội tìm thấy nhau, khi nghe tin khi rời trại tị nạn, lại định cư cách xa hàng nghìn cây số, gặp nhau hiếm hoi đếm được trên đầu ngón tay. Chia nhau chuyện buồn vui, con cái, gia đình, Bước vào tuổi tri thiên mệnh, mỗi lần ngồi lại với nhau, ngồi ôn chuyện cũ, tính chuyện mai sau, anh vẩn luôn nhắc chúng tôi

– Ông bà phải chuẩn bị về miền nắng ấm cho có nhau, mình tìm một ngọn đồi hay một manh đất nào đó, xây mấy căn nhà nhỏ gần nhau để sớm chiều còn tụ tập chuyện trò, con cái mình lớn lên tụi nó có gia đình riêng, rồi cũng phải lo làm ăn, bạn bè có bấy nhiêu người, chỉ có bọn mình với nhau, khi về hưu, sáng chiều cuộc cờ túi thơ, ly rượu cho ấm lại tuổi gần đất xa trời.

   Hè vừa qua, chúng tôi gặp nhau, anh vừa qua một cơn trọng bệnh, xanh mướt, người vốn dĩ đã không cân nặng bao nhiêu, giờ ra vào như chiếc bóng. Lại ngồi xuống bên nhau, thúc hối chuyện về gần , những điều thực tế trước cuộc sống và nỗi chết chắc không còn xa, năm nay, nhà tôi vừa tiển hai người bạn thân về cõi an bình, cả hai tuổi vừa qua ngũ thập, chưa kịp về hưu an hưởng tuổi nhà mà đã sầu ly tan.

Khi bước vào tuổi bốn mươi, con trai nắn nót vẽ cho Tôi tấm thiệp chúc mừng với câu ” Mẹ , Up hill and stay there ” Cái ngọn đồi an thân vui tuổi hạc cũng không xa lắm. Nhưng có can đảm chọn cho mình con đường như Theresa lúc tâm thân hãy còn minh mẫn , hay lại nắm níu rồi đặt các con vào hòan cảnh khó xử sau nầy”

 

Vũ Thị Thiên Thư

Việt Báo  04/12/2003

 

 

 

Đaị yến mùa trăng


Đại  yến  mùa  trăng

 

   West Lafayette , Indiana, Con đường trung tâm nối hai miền đất nước bao la . Những  cuối tuần muà thu, đầu niên học, dòng xe cộ như thác nguồn , đổ xô về Ross-Ade stadium. Nhưng  cuối tuần nầy , dòng thác xe cộ thay đổi màu sắc cự kỳ sinh động. Thay vì nhìn thấy màu  aó biểu hiệu của đội banh thuộc Viện Đaị học Purdue  Boilermaker,  lại là màu đỏ rực rỡ cuả đội thiếu niên điểm trống diễn hành, màu quân trang cuả  các toán binh sĩ thuộc điạ,  những chiếc váy  sọc màu sắc cuả  nam giới  vùng Scottland , bên cạnh bộ áo cánh vải thô, chiếc nón miễng  trắng viền đăng ten cuả người phụ nữ tiền phuông , và nhất là những chiếc lông chim đủ màu sắc ngạo nghễ trên đầu các vị tù trưởng , tiếng kim khí khua theo từng bước chân cuả cô thiếu nữ thổ dân điạ phương.

   Tất cả trăm, ngàn,  theo chân nhau đổ về Fort Ouiatenon, điạ điểm hàng năm dựng lại bối cảnh lịch sử khỏang thời gian đầu thế kỷ mười tám, khi đoàn thương buôn Pháp theo chân quân đôị Anh Quốc và Thổ dân bản xứ trao đổi hàng hoá,  chung vui mừng chiến lợi phẩm  săn bắn và muà màng  trồng tiả cuối năm .

  

   1

Bến đổ cuối hành trình.

 

   Dòng sông nhỏ, chảy nhẹ nhàng,  hai bên bờ nghiêng bóng cây, cơn mưa đổ nước nguồn biến màu xanh lục của thường ngày thành một màu nâu vàng lờ lợ. Đứng trên bãi, người tu sĩ  xúng xính chiếc áo dòng đen, thánh giá trên tay, bên cạnh là anh trung úy  oai nghi trong quân phục đaị lễ thẳng nếp, gươm lệnh đeo bên mình, trên vai khoát súng trường*  theo phía sau là hai hàng quân, nhịp trống  quân hành hoà tiếng kèn đồng thúc giục, vang dội trên dòng sông nước chảy lăng lờ..

  Hàng năm, vào mùa thu, ngày trăng tròn, Fort Ouiatenon, điểm hẹn của những đoàn canoe từ nghìn trùng phương bắc, Quebec, ròng rã xuyên qua hồ  Ontario, trải dài theo hồ Erie … Bắt đầu từ mùa xuân, khi mặt hồ như hồi sinh, sau những tháng ngày mùa đông ngủ yên trong băng giá. Hành trình vượt qua bao nhiêu dòng sông cái, bao nhiêu sông con, suối nguồn nước chảy nhẹ nhàng, hay những đoạn gập ghềnh thác đổ, qua từng xóm làng cách biệt, thôn bản xa xôi, trong cái yên lặng tịch mịch của bóng cây, của rừng thiêng kỳ bí, tiếng nói, ngôn ngữ cũng trở thành hiếm hoi, hơi hám con người pha trộn với khí ẩm mốc cuả thiên nhiên và  hương nồng nặc cuả muông thú.

   1917, khi những quân nhân French dựng Fort Ouitanon, nơi nầy đã trở thành một tụ điểm buôn bán trao đổi hàng hoá cuả dân bản xứ ** và đoàn thương buôn từ xa theo dòng Wabash đổ về .  Những phụ nữ tiên phuông, theo chồng về lập nghiệp ở vùng đất xa xôi, rời xa  vùng thị tứ Quebec,  khu vực tỉnh thành như viên kim cương chói ngời. Nơi  đây, giữa rừng thiêng hoang dã, không có bóng dáng của con người văn minh hiện diện, họ là những người đầu tiên đi khai phá, vượt qua đoạn đường dài trăm ngàn dặm sóng nước bao la, về miền đất hứa, chỉ còn một khoảng sông ngắn nữa là đến nơi, muôn đời , người phụ nữ dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, vẫn là phụ nữ, họ nằn nì phân trần với người hướng đạo,  phải dành lại chút thời gian, dừng lại  bên bờ sông vắng, trong lúc các tay bơi nghỉ ngơi, những phụ nử xuống dòng sông tắm gội, họ mang ra những áo quần từ lâu gói kín trong giấy dầu, chải lại mái tóc, giắt chiếc lượt sừng, vuốt thẳng lại  nếp áo nhăn, nhìn bóng mình trong làn nước lung linh, tưởng tượng lúc tiếp xúc cùng đồng loại, nghe lại ngôn ngữ cuả con người, thanh âm, tiếng nói như khúc nhạc reo vui, nghe thật xôn xao, thật rộn ràng.

   Tiếng đại bác xé khung trời tĩnh mịch , cà một vùng bãi sông như bừng tỉnh cùng lúc với tiếng reo hò chaò mừng đoàn lữ hành, từng chiếc  xuồng thon thả chứa hai tay chèo cho tới những chiếc xuồng dài  chưá cả chục tay, gỗ Birch lấp lánh trang sức thêm bao nhiêu màu mè rực rỡ, những kiện hàng hoá  gói bằng giấy dầu cẩn thận , nằm im trong khoang chờ đợi, vị Giáo sĩ  làm dấu Thánh  giá, đoàn người theo chân, những  bàn chân từ lâu không bám mặt đất đen chợt mừng vui khấp khởi , đoàn người như trò chơi rồng rắn  uốn khúc từ bãi sông dẩn vào  khu doanh trại tiền đồn , khiêm nhường với những log house ***cùng làng mạc thô sơ vừa dựng lại , khắp nơi, những tiếng cười đùa rộn ràng , san sát là những nóc lều vải bố cuả  thổ dân, đây đó tiếng  động ồn ào biểu lộ sinh hoạt hàng ngày cuả  làng mạc xa xưa, tiếng ống bể lò rèn, tiếng  buá nện vào thép nhịp nhàng ,  mùi khói than nướng thịt rừng thơm lừng trong góc , trên cháng ba nhánh cây chụm lại, treo chiếc nồi gang bốc hương thơm ngào ngạt, hình ảnh gợi nhớ bài học lịch sử ngày  xưa, khi Quang Trung đại đế tiến quân vào Thăng Long cho kịp ngày hẹn đầu năm, võng quân và gióng nồi  niêu khi nấu nướng cho đoàn quân di chuyển thần tốc , đi không ngừng nghỉ. Con người và bộ óc siêu việt luôn khắc phục mọi khó khăn .

 

   2

   Cuộc diễn hành.

 

   Đầu ngày, khi tiếng động cuả chiếc ca nhôm, muỗng niã lanh canh , khi những làn khói trắng ủ trong bếp than hồng xua bóng tối và hơi lạnh ban mai. Mưa , những giọt mưa không làm giảm những đợi chờ sôi động . Tiéng trống giục giã, bước chân nhịp nhàng , tiếng kèn “ Bagpipe “ cuả miền đồi Scottland hoà theo tiếng sáo cao vút cuả vùng đảo Ireland, âm thanh rộn ràng sôi động, những khuôn mặt đợi chờ hăm hở, mưa nhỏ giọt từ những chiếc dù muôn màu sắc , mưa bám trên những chiếc lông chim Trĩ nhuộn màu sặc sỡ cuả người thiểu số vùng bình nguyên Trung Tây Hoa Kỳ , mưa  trút nước, dìm đám cỏ xanh xuống bùn , bước chân người dẫm lên xem xép, taọ thành một âm thanh không thể quên, âm thanh cuả những ngày đầu mùa mưa thời tuổi nhỏ, ở quê nhà , tháng tựu trường cũng là mùa mưa, từng cơn mưa già, con đường làng lầy lội đất sét bám vào chân, đôi guốc gỗ không bám xuống mặt đường, ngã xuống, cặp sách ướt lem nhem …

–         Royal

   Tiếng khẩu hiệu hô to và tiếng vọng lại  , sao xác từng chiếc lá , trên ngọn cây. Cử động nhịp nhàng quen thuộc , tra lưỡi lê vào đầu súng bồng trên tay , tư thế nghiêm nghĩ theo mệnh lệnh. Như cuốn phim dĩ vãng quay nhanh trong khối óc, tưởng đã đặc quánh từ lâu , hình ảnh cuả ngày tuổi nhỏ chạy theo bầy trẻ con ra phố chợ nhìn toán Thanh niên, Thanh nữ Cộng Hoà tập diễn hành.

   Từng đôi, người quân nhân trao súng cho người bạn bên cạnh, tiến ra dưới chân cột cờ, từng lá cờ được cẩn thận cột vào dây, bài Quốc ca “  Lá quốc kỳ lấp lánh ánh sao …”gợi lại hình ảnh cuả những ngày chiến đấu cho Tự Do, bài  học Lịch sử nào cũng trả bằng máu xương . Tiếng hát hoà theo nhịp trống cuả những người thổ dân bản xứ, theo tiếng mưa nhịp nhàng trên cây lá , âm vọng cuả những ngày tháng vật vã tranh sống với thiên nhiên , khắc phục mọi khó khăn để sinh tồn …

   Trên Kỳ đài, phất phới Quốc kỳ với năm mươi ngôi sao, kế tiếp là lá cờ mười ba ngôi sao thời lập quốc, cùng lá cờ cuả các quốc gia đồng minh thuở bấy giờ , tất cả bay ngạo nghễ trên nền trời xám nặng hạt mưa.  Súng bồng tay, nạp đạn, khẩu hiếu hô to, nòng súng hướng lên trời, tiếng nổ như  tiếng sấm xé không gian , mùi khói lưu huỳnh lan qua khét nghẹt, tiếng nhạc trổi lên, mở đầu cho muà hội . Tiếng reo hò theo tiếng trống di hành , từng đội, từng đội duyệt qua, mang theo bầu đòan thê tử, những chiếc áo da thú mềm mại, từng chiếc băng đầu tua tuả  lông chim trỉ, trang điểm thêm rực rỡ màu sắc cuả  thổ dân, theo sau chiếc váy dài xoè theo từng bước chân cuả người phụ nữ da trắng , khuôn mặt rạng rỡ ấn sau chiếc nón miễng [ bonnet ] màu trắng,  thêu từng hàng đăng ten thật cầu kỳ, bầy trẻ nhỏ nắm tay nhau , những ánh mắt vô tư nhìn người chunh quanh không chút ngại ngần .

 

   3

   Buổi  hoà nhạc

 

   Trên khoảng đất trống , căn nhà gỗ đầu tiên được phục hồi, dòng nhạc vui tươi cuốn hút, bổng trầm, lẳng lơ tinh nghịch, hình ảnh người thiếu nữ trăm năm trước đây , môi cười, mắt đong đưa lúng liếng, hân hoan mở  hòm rương, chiếc áo luạ bấy lâu nay cất kỷ, mang ra hong  nắng sớm, mái tóc thường ngày giấu kín dưới chiếc nón , trong vành khăn, cài đóa hoa mới nở còn lóng lánh hat mưa…

Chiếc đàn violin trong hộp lâu nay nằm im lìm , phút chốc hồi sinh, tưng bừng hoan lạc, từng âm thanh đuổi theo nhau như nước nguồn, như suối chảy, như mây trôi.  Âm thanh như từng giọt máu luân lưu , về chốn nơi hò hẹn …đôi bàn tay nhịp nhàng , tiếng đàn tranh trong vút, tiếng hát  cất lên, trong cái không gian đầy mưa buị bay, trên những bó rạ chất sơ sài , nhóm thính giả ngồi yên lặng  lắng nghe từng lời, bài dân ca vui nhộn, từng nốt nhạc , thứ ngôn ngữ truyền thông không biên giới., không tuồi tác , không  giai cấp phân chia, tóc trẻ con xanh mượt  bên cạnh mái đầu trắng phau, có điều gì nhiệm mầu, bàn tay nối thanh âm …

Bittersweet & Briars  , Father, Son & Friends, Trois Canards, Barb Kotula …mỗi nhóm với âm thanh đặc thù cuả từng vùng đất đai khởi xuất , ngôn ngữ ngọt ngào cuả từng sắc dân, từ vùng đảo Ireland , cùng cao Hightland [ Scottland ] , vùng hoa lệ Quebec. Từng âm thanh, chứa một trời tưởng nhớ, tiếng dân ca ngọt ngào, tiếng sáo thiết tha, đôi mắt lóng lánh , miệng cười chúm chím, câu hát đùa tinh nghịch, tuổi trẻ mạch sống trào dâng, người lớn tuổi ngồi nhịp tay hài hoà ,hình ảnh mở laị trong lòng những ngày hội hè thời mới lớn, thời tóc còn xanh chân chim sáo tung vui, bất giác lòng vui như mở hội , như cánh diều no gió,  ngồi xuống bên nhau, dù không cùng ngôn ngữ, nhưng chung một dòng cảm xúc ..Chúng ta đi bất cứ nơi nào , cũng mang theo quê hương .

 

  

   4

Sân cỏ kịch trường

 

–         Quí vị nào là con trưởng trong gia đình , xin quí vị đứng lên , chúng tôi chúc mừng quí vị, vì theo luật định thời bấy giờ, quí vị sẽ là người thừa hưởng tất cả gia tài , gồm có căn nhà , miếng đất  ngựa trâu …

–         Nhưng chúng tôi cũng xin chia buồn với quí vị, theo thống kê thời bấy giò , bạn có thể sống đến năm mươi tuổi , và nếu Mẹ cuả quí vị chưa chết  khi sinh nở  khó khăn thì  bấy giờ Mẹ cuả bạn sẽ sống với bạn suốt đời .

–         Quí vị nào là con trai thứ trong gia đình ?  Nhìn sang bên láng giềng, xem có nhà nào con gái đang tuổi cập kê , muồn gả chồng, hãy ráng mà tìm cho được cô vợ giàu với hồi môn lớn vì tất cả cuả cải đã về tay anh cả cuả quí vị hết rồi …

–         Quí vị nào là con thứ ba , con đường duy nhất cuả bạn là : đi làm tu sĩ , chúc bạn thành công ….

 

–         Quí vị phụ nữ xinh đẹp kia , lấy chồng từ thuở còn son , đến năm mười tám thiếp lòn xòn dăm con .Nếu quí vị không chết vì sinh con, thống kê bây giờ thì trong năm người phụ nữ có một người chết vì sinh sản khó khăn , một người chết vì hậu sản , nhưng chúc mừng quí vị vì phụ nữ luôn thiểu số .

–         Nhưng cũng báo tin buồn cho quí vị, vì sống giữa rừng thiêng,  láng giềng gần nhất cuả quí vị cũng đi mất …mấy ngày …

–         Nếu quí vị muốn mua một cái kim để khâu vá thì phải chờ đến muà trăng sang năm, khi đoàn thương buôn vượt thác gềnh từ Montreal sang như đã hẹn .

–         Chúng tôi cũng chúc mừng quí vị, người đã sinh tồn sau cuộc hành trình dai dẵng , vượt qua ngọn thác hùng vĩ, qua  nhị hồ bao la không thấy bến bờ.

–         Ấy xin quí vị đừng vội tin tưởng là những người nầy đều là tay bơi lội, thưa không , khi họ đến xin gia nhập đoàn thương buôn , công ty đánh cá sinh mệnh bằng cách chọn người không biết  bơi, vì người biết bơi khi gần ngọn thác dữ, họ có thể đánh liều bỏ bè để bơi vào bờ thoát thân , còn người không biết bơi ? Họ không có chọn lưạ nào khác hơn là cột thân mình vào bè, phó thác cho số mệnh , nhờ vậy mà cả người lẫn hàng hoá có thể đến bờ …Ấy có chuyện vượt thác nào mà  không phiêu lưu đâu  quí vị ??

 

  

   Sân cỏ rộn ràng với tiếng  Fiddle ngọt ngào , anh kịch sĩ  vuốt nhẹ hàng ria mép, hất những lọn tóc đen mịn màng ,  nghiêng người cuí chào rất ư là điệu nghệ, trông như chàng hiệp sĩ thuộc giai cấp quí tộc trong triều đình hoa lệ đang bái kiến Nữ Hoàng ….

–         Chúng tôi xin giới thiệu Madame Issabel , người phụ nữ phiêu lưu theo chân đoàn thương buôn đi tìm đất mới .

–         Người đang thả những cung tuyệt vời hầu quí vị là  Nam Tước  De Cour. Rất ư là lịch duyệt, tài hoa , ngoài thiên tài nhả nốt nhạc tuyệt vời , còn thiện nghệ đấu gươm, muá kiếm nhuyễn như lá bay , Suỵt , nói nhỏ cùng quí vị thôi, chúng tôi không bảo đảm là có chiếu chỉ truy nả gắn theo tên cuả  Nam tước hào hoa nầy không , nghe nói là có trận so tài mất còn  nào đó ở vùng ngoại thành …

–         Và  đây là Mademoiselle Margarette, cùng nhủ mẫu, và nàng hầu, mademoiselle người nổi tiếng của tỉnh thành Quebec, là bông hồng  gai đã vượt qua bao nhiêu chặng đường gian khó, mademoiselle đang đăng bảng chiệu phu, nếu quí Genteman  nào muốn lọt vào mắt xanh thì xin ..nhanh chân kẻo muộn .

–         Thưa quí  vị, tiếp theo là  Madame Yvette . Bà là người nổi tiếng cuả một Salon dập dìu tài tử giai nhân cuả giới  thượng  lưu, hiện nay Bà mang theo cái không khí rộn ràng cuả thành đô , mời quí vị chờ xem

–         Đây là Madame Cadillac Dancers , những nghệ sĩ sẽ hướng dẫn chúng ta theo từng bước chân cuả điệu dân vũ **** nhịp nhàng tươi vui , xin mời quí vị .

 

 

 

   5

Làng thủ công

 

   Đôi bàn tay thoăn thắt, sợi lát theo những ngón tay đan vào nhau , quấn quít,  bốn chân gỗ bóng ngời , chiếc đệm ghế theo bàn tay cần cù trăm năm trước, khoảng thời gian con người sống bên cạnh thiên nhiên, từng ngày, công việc mưu sinh  là tranh đấu không ngừng với nắng mưa , chuốc từng thanh lát nhỏ, từng mảnh da lông thú , những chiếc đưôi chồn sau mùa săn, tất cả chưng bày trong gian hang làm nơi đổi chác.

Đứa bé tung tăng nhặt mảnh ốc đủ màu , người phụ nử cầm chiếc lông chim trỉ màu sắc óng ả xuýt xoa, mái lều thơm nồng nàn hương , lá rosemayry, appocalyptic … trộn nhau với mùi gỗ mớt cắt , mùi vỏ quế và táo thơm…như cuốn theo …

Nhìn chăm chú vào khung căng trước mặt, di chuyển từng con thoi quấn chỉ nhỏ, mỏng như tơ, xuyên qua , dừng lại , xếp thành những hàng bay lượn , cuối cùng , mảnh đăng ten daì theo thời gian và đôi bàn tay khéo léo , có đứng lại nhìn , mới thấy sự kiên nhẩn , mới thấy công trình nghệ thuật, thời gian đòi hỏi để thực hiện từng  tấc từng li , cùng lúc mới thấy phương cách cầu kỳ cuả thời xa xưa ấy ….Bên cạnh cuộc sống vật vã tranh đấu với thiên nhiên, bệnh tật sống còn , khi tất cả phương tiện giao thông tùy thuộc vào chiếc xuồng  con mong manh, khi suốt muà săn tích trử từng mảnh da , từng chiếc đuôi lông  chồn, từng mùa ngũ cốc , bắp khoai …người phụ nữ vẫn muôn đời trang điểm, dù chỉ là chiếc lông chim trên mái tóc , hàng đăng ten trên ngực áo,  cành hoa ép khô trong góc nhà, chiếc tuí thơm ướp vào quần áo hội hè …kỳ diệu thay , cuộc sống muôn màu sắc …Hành trình trăm năm trước , nghìn năm sau …vẫn trào dâng mạch sống .

 

Vũ Thị Thiên Thư

 

 

 

 

* Chỉ huy thời bấy giờ ?? { Mang cả gươm daì  và súng trên vai ?? }

** American Indian

*** Log house : ngôi nhà xây bằng các thân cây chồng lên nhau .

**** Square dance [  Điệu dân vũ quốc tế ]

 

Fort Ouiatenon Historic Park  : 4 dặm tây nam cuả thành phố West Lafayette Indiana , nơi hàng năm diễn ra Ngày Đại Hội  vào muà thu, đầu tuần trăng .