Em Hai Mươi Tuổi

IMG_5631

Em hai mưoi tuổi

 

Em đi giữa phố Sài Gòn

Hai mươi tuổi dệt chưa tròn giấc mơ

Mượt mà mưa nắng đường thơ

Tóc mây xanh gội ngày chờ đêm trông

 

Gót chân nhỏ vướng bụi hồng

Đời gai nhọn vết thương lòng chưa phai

Nặng nề đôi gánh oằn vai

Bước miên man bước vắn dài lệ mưa

 

Hát bài ca giữa phố thưa

Con chim én nhỏ đợi mùa xuân sang

Áo mây xanh gói mộng hoàng

Tin yêu vụt tắt hoang mang dặm dài

 

Hai mươi em bước miệt mài

Ngợp trời phố xá cờ bay ngậm ngùi

Cuống cuồng cơn lốc buông xuôi

Đôi bàn tay mõi chợ đời nhấp nhô

Vũ Thị Thiên Thư

 

 

Chim có tổ

 

IMG_3955-1

Tạp Chí Nguồn Số 55  Năm thứ 11  Xuân 2015

Chim có t

Câu nói của Ông tôi

“ Chúng nó chỉ lấy mất của tôi căn nhà, nhưng con cháu của tôi đang ở khắp nơi, chúng nó sẽ xây dựng bao nhiêu căn nhà khác …”

   Chim có tổ… Câu nói tự nghìn xưa, khi những cánh chim Hồng Lạc xuôi Nam tìm đất sống, cho dù trôi dạt bất cứ phương trời nào, tổ ấm vẫn là nơi chốn để quay về. Bài học lịch sử đã ngàn năm vẫn không thay đổi.

  •  Bố sang xem nhà thật à ?
  • Ừ ! Bố sang trước, Mẹ sẽ sang cuối tuần nầy, đã có vé cho chuyến bay rồi.

   Những dòng chữ điện thư không diễn tả hết nỗi vui trong lòng trẻ, càng không thể tả hết niềm xôn xao trong lòng cha mẹ. Có an cư mới lạc nghiệp, bắt đầu khi cha ông  lưu lạc, cho đến những ngày mảnh đất nhỏ chia hai, từ ngọn Đông triều trên đỉnh Hoàng Liên Sơn về tận miền đồng bằng sông  Đồng Nai, đến khi Bố vượt đại dương, Mẹ rời đồng bằng  Cửu Long, lang thang từ thành phố về tận nơi sơn dã, cho dù bất cứ hoàn cảnh nào thì căn nhà vẫn là những ước mơ ấp ủ, là những cố gắng và nổ lực không ngừng để dựng xây.

1 Căn nhà  thuở ấu thơ của Bố

   Thuở thơ ấu, Bố là đứa con sinh sau đẻ muộn, ông Nội rời quê nhà đuổi theo những giấc mơ giang hồ vào Nam tìm đất mới dựng sự nghiệp, Bố sinh ra từ thành phố Sài gòn Hòn Ngọc Viễn Đông, khi Ông Bà đã gần nửa đời người. Đứa con trai nối dõi tông đường bệnh èo uột, Ông Bà lo lắng chắt chiu,  theo lời khuyên cuả thầy thuốc, Bà Nội mang đứa con trai về quê nhà  nuôi dưỡng. mong cho nó lớn lên khỏe mạnh hơn với  không khí trong lành, cùng người dân quê mộc mạc. Nhưng  chưa được bao lâu, lại phải chạy trốn tao loạn trờ về thành phố tìm chốn dung thân. Từ giã ngôi trường đơn sơ trong vùng quê xôi đậu, rạng ngày cờ Quốc Gia tung bay, đêm đêm Cộng Sản lần mò về lùa dân đi hôi họp tuyên truyền, cuộc sống luôn hồi hộp giữa hai lằn đạn phân  tranh giành dân lấn đất. Từ sau chiến dịch kiểm soát tập trung dân cư thành lập Ấp chiến lược thời Đệ Nhất Cộng Hòa, những tưởng là đã an cư lập nghiệp, nhưng chiếc cuộc lan tràn, du kích cán bộ hàng đêm về thu góp, làm dân hay làm giặc đều không thể, cuối cùng Bà Nội  lại phải lần nữa bỏ nhà cửa ruộng nương chạy về bám vào thành phố mưu sinh.

    Trong mỗi gia đình, luôn ấp ôm niềm ao ước được an cư  lập nghiệp, ông bà vẫn thường nhắc ” Sống có nhà thác có mồ mã “, Tiểu gia đình của ông bà Nội  từ lúc bước đầu tạm trú với người thân, cho đến khi thoát ra những ngày ăn nhờ ở đậu, luôn sống với giấc mơ có được căn nhà nho nhỏ của riêng mình. Hình ảnh  của căn nhà đó như một nỗi ám ảnh di truyền bao nhiêu thế hệ, luôn hiện hữu như lời nguyền tái sinh từ tiền kiếp, hiển hiện đến tương lai. Nhớ lại hững ngày chui rúc trong căn gác nhỏ, góc bếp chung đụng, cơm nước phải chờ đến phiên mình mới được thổi lửa. Những đêm cúp điện ngồi thu mình bên ngọn nến gầy lắt lay, ngày mưa già đếm từng giọt lanh tanh theo mái tôn nhỏ xuống chiếc thau nhôm hứng nước rỉ bên góc nhà. Kỷ niệm như cuốn phim trắng đen, in vào ký ức, đau rát  như giọt lệ nến nóng bỏng trên ngón tay trẻ con tinh nghịch. Cảm ơn trời đất cho những vô tư, hồn nhiên miếng ăn cái mặc chưa biết lo lắng  cuả thời thơ ấu,

    Tuổi thơ mải rong chơi nên không màng đến những biến chuyển của thời cuộc, hàng ngày tụ tập với bầy trẻ con, chia bầy bắt nhóm trong các trò chơi, tất cả  là  thứ mật ngọt đậm đà  đã dưỡng nuôi cho thời mới lớn. Cuộc sống cho dù khó khăn đến cùng tận, rồi cũng như ngày tháng sẽ mau qua.

  Ở tạm, ở thuê, ở trọ cho đến lúc có được căn nhà xinh xắn trong chung cư, chưa được bao lâu, lại đối đầu cùng những khó khăn mới, cùng với bạn bè trang lứa xôn xao với cuộc chiến ngày càng sôi động, của tiếng gọi đôn quân nhập ngũ lên đường. Khoảng thời gian ngắn ngủi làm học trò mới lớn, hôm sớm vất vả với công việc mưu sinh, vừa có được mái ấm an cư chưa đủ thời gian để lạc nghiệp, lại cùng với sinh mệnh nước non dẫy chết. Rời quê hương đột ngột, bỏ cả người thân yêu, mất căn nhà êm ái, hành trang mang theo trong ký ức là niềm nhớ nhung khắc khoải, quắt quay một nửa vòng trái đất lạc loài.

 

 

2 Những căn nhà ấu thời của Mẹ

   Con đường làng chạy dọc hai bên bờ dòng sông nhỏ hiền hòa hai mùa mưa nắng,  bên hữu ngạn là khu chợ vừa thành lập thay cho chợ cũ nhóm trước sân đình, hai dãy phố mới đối mặt nhau song song, hàng số chẳn nằm phía trên bờ và hàng số lẻ là dãy nhà phía dưới bờ sông. Từng căn nhà gỗ khang trang rập theo một khuôn mẫu, san sát nhau mọc lên trên các lô đất đã hoạch định. Phía trên bờ nhà mặt tiền hai tầng, mái ngói đỏ bảng hiệu sơn hai màu cùng một thước tất [ công việc nầy đã là miếng cơm manh áo  nuôi sống người thợ vẽ duy nhất của khu chợ quê]. Dãy phố mang số lẻ  nằm bằng mặt dọc theo bờ sông, một  nửa căn nhà nằm trên bờ lót gạch tàu son đỏ, nửa nhà sàn dưới  mé nước thì xây trên cọc xi măng  hay gỗ.

   Thị tứ tràn lan về tận thôn quê, mái Đình làng và cây đa cùng với quán lá  nhỏ dưới tàng lá xum vê rậm mát đã chìm vào dĩ vãng, thay vào là từng khu phố chợ khang trang. Mẹ sinh ra vào năm thanh bình giả tạo, đất nước chia đôi. Cuộc sống an lành của vùng quê như lúa mới trổ đồng đồng, hạt xanh non chưa kịp ngậm cơm trắng, thì dòng sông chia đôi theo con nước đồng đã cạn.

Hai năm sau ngày chia đôi đất nước, thanh bình như lửa rơm chưa kịp bén ngọn, thấp thoáng bóng áo đen về, truyền đơn rải dọc theo hương lộ, tiếng loa gọi, tiếng kèn tây vọng vào phố chợ lúc nửa đêm, cùng với tiếng đạn bắn sẻ bên kia sông, là dấu hiệu của du kích Việt minh  kéo nhau về khuấy rối khu chợ quê. Các cơ cấu hành chánh còn phôi thai, chỉ có một tiểu đội Dân vệ và một ít súng nhỏ phòng thủ sau lô cốt. Hội đồng xã và các ủy viên, Thông tin, hộ tịch , Y tế  đã về tận hương thôn phát thuốc dạy dân những phương pháp vệ sinh căn bản, phòng chống bệnh tật. Căn nhà trong phố chợ với cánh cửa gỗ dầy cũng đã chìm theo thời gian thụt lùi vào dĩ vãng, thay vào là giàn cửa sắt mới tinh kiên cố che thêm bên ngoài, tiếng đóng mở nghiến ken két như sấm sét xé tan những  áng mây thanh bình vừa hội tụ.

   Căn nhà hứa hẹn tự bao lâu của đôi vợ chồng trẻ, niềm xôn xao nao nức đợi chờ,  động lực thôi thúc cho những ngày chan chát nắng trưa chèo ngược nước, những đêm sương thấm lạnh châu thân nằm gác mái chờ con nước lớn để xuôi giòng. Những giây phút nhớ làn da trẻ con nồng thơm mùi sữa cùng người vợ mới vừa bén lửa hương. Chiếc ghe lườn chở nặng những chuyến hàng xuôi ngược tận vùng giáp nước, vượt qua từng con kinh thơm ngát mùa lúa chin, bàng bạc khói đốt đồng, khi trở về phố thị chở nặng hương đồng nội cá mắm đầy khoang. Nhớ như in câu nói của vợ hiền và bức tranh đơn sơ giản dị, từng đồng bạc trắng giành dụm, những lúc canh con nái và bầy heo con, từng  giọt mồ hôi nhỏ xuống đôi bàn tay để căn nhà nhỏ với khung cửa treo màn màu xanh, là màu xanh hy vọng cuả cuộc sống mới bắt đầu.

   Căn nhà và khung cửa treo màn màu xanh mãi mãi chỉ là một giấc mơ không hiện thực. Nguyên nhân chính không vì năng tài bất lực, mà chỉ vì đạo hiếu tử nên không thể đành tâm. Nhất trưởng nam, khi cha mẹ còn tại đường thì phải luôn sớm hôm phụng dưỡng. Trong tay  Ông Ngoại đã tạo lập được bao nhiêu căn nhà, từ căn nhà khởi xây trong khu chợ quê lúc mới thành lập, cho đến căn nhà nhỏ xinh xắn nằm trong vùng ngoại ô của tỉnh lỵ, nơi Mẹ và các dì cậu lớn lên, và cuối cùng là căn nhà trong khu chung cư mới thành lập ở thủ đô, nhưng rồi tất cả các căn nhà đã xây đó vẫn chưa một lần được chính chủ nhân trú ngụ.

   Khu chợ quê hưng thịnh sau khi chính quyền vững mạnh đã quét sạch đám du kích về tận kinh cùng, cái tắc, Ngoại càng thành công trong thương trường, cơ nghiệp càng tích lũy, cùng với điện khí và phương tiện truyền thanh truyền hình về tận làng xã.

     Thanh bình tái lập chưa bao lâu, chiến dịch nông thôn chưa kịp hoàn tất, nhà cửa  ruộng vườn lại theo chiến tranh leo thang tiêu điều bỏ phế. Thế hệ thanh niên của Bố Mẹ cũng như dân lành   cả nước  lại  nổi trôi bềnh bồng theo thế cuộc. Đến lúc vận nước đổi thay, nhà tan của nát, Giọt nước mắt lần đầu tiên trên đôi mắt Ngoại lăn dài xuống mâm cơm nguội lạnh nằm hững hờ, cố nuốt vào tận đáy lòng, nước mất rồi, còn nói gì đến dân chủ tự do ?

    Căn nhà hương khói trong làng xây đã bao nhiêu năm nay, công lao  mồi hôi cuả ông cha đổ xuống để tạo dựng, hy vọng truyền lại đời đời cháu con, những tưởng là sẽ luôn luôn tụ họp quay quần cúng giỗ lễ Tết, bây giờ nhà nước đã niêm phong, tất cả gia đình phải phủi tay bước ra, họ nhân danh cách mạng đến tịch thu gia sản. Tất cả các thứ gì trong nhà đều không được mang theo, cho dù chỉ là manh chiếu con,  hay chiếc chén sành cùng đôi đũa tre. Thằng bé con đang bơi lội giữa buổi trưa dưới dòng sông, khẩn khoản xin được vào nhà lấy một manh áo che lại tấm thân trần, chẳng những không cho mà còn được giáng cho những ánh mắt lạnh lùng, và bài học cách mạng !! Tiếng cửa sắt  kéo lại, âm thanh nghiến như  nhát dao cứa vào tâm can đoài đoạn. Nước chưa mất sao nhà đã tan, giặc hay cướp đã đoạt đi  công khó cha ông bao nhiêu đời  lưu lại. Tất cả chỉ trong một phút tan như khói mây, còn cảnh nào thê thiết hơn nữa ?

   Lang thang sau cuột vượt thoát lúc nửa đêm, chạy trốn trên chính quê hương mình. Khi thì tạm trú bên người thân nầy, lúc thì ở nhờ họ hàng bên nọ. Từ thành phố, về thôn quê, kiệt quệ, mỏi mòn. Căn nhà  nơi Mẹ đã sinh ra, nơi chứa cả một trời tuổi thơ càng ngày càng xa như  khói sương ảo  ảnh,  Đã mất đi nhà cửa thì còn nói gì đến lạc nghiệp an cư ?

3 Tổ ấm của bầy chim non

    Bầy trẻ nhỏ như đàn chim non tung tăng,  căn nhà mới xây hai tầng,  sau những ngày tháng chờ đợi gội mưa dầm tuyết, chọn từng vuông gạch, lựa từng khung cửa, cuối cùng thì cũng đã hoàn tất. Nhìn chúng hăng hái chạy tung tăng  khắp nhà, từng đứa  mang sách vở, chăn gối vào phòng, nhìn quanh quất, tranh nhau cách bày biện ghế bàn giường nệm, niềm vui không giấu được trong những ánh mắt trẻ thơ.

   Căn nhà cũ nằm trong ký ức của những ngày đầu tiên trên đất mới, trong thành phố nhỏ nằm bên bờ Michigan bát ngát. Căn nhà với số tuổi lớn hơn cả hai bố mẹ cộng lại, nơi chứa đầy tiếng khóc trẻ sơ sinh. Chiếc tổ con thu nhỏ lại dưới sức lớn nhanh cuả bầy chim non, lại một lần nữa  Bố Mẹ như Tổ tiên đã tha con về phương Nam, xây tổ mới.

    Mạch sống không ngừng chảy, bầy chim non cũng không ngừng lại mãi ở đôi cánh mỏng manh, chồi non rồi cũng trổ cành đơm lá. Những tháng ngày trong căn nhà êm ấm, bốn mùa rộn rã tiếng cười vui.  Ngày khăn gói đưa con vào trường Đại Học, trong lòng như thấy mất đi một phần đời, mừng vui cùng lúc với thấm thía nỗi nhớ nhung con của cha mẹ. Bây giờ mới cảm thông tấm lòng thương nhớ âu lo, mới thấy công lao cuả cùng sự hy sinh vô cùng cuả cha mẹ.

Lúc bầy con khoát áo ra đi bước vào cuộc đời sinh sống, tổ ấm cũ đã thưa vắng tiếng cười nói của bầy chim non, vào ra chỉ còn lại đôi bóng tựa nương nhau. Những ngày xum họp tất cả các con rất hiếm hoi, một năm đôi bận, lại thở dài nhìn khói phản lực vẽ những đường cong trên bầu trời, trong đó mang theo tiếng cười, nhân dáng cuả con, lại thở dài bắt đầu cho những chờ mong cuả ngày con về xa còn xa lơ lất.

  • Mai mốt bố mẹ  mất đi thì mấy đứa chia nhau căn nhà, chỉ có thế thôi, chứ chẳng có gì hơn nữa đâu
  • Em Bé còn ở đây thì sẽ lấy nhà, bọn  mình đã đi rồi, không về lại nữa đâu .
  • Em bé chỉ có một mình, nhà nầy lớn quá ở sao hết? Mai mốt mình muốn có nhà thì tự mua lấy.

   Nghe bọn trẻ chuyện trò, lại nghĩ đến câu nói cuả Ông ngày xưa:

 “ Chúng nó lấy mất cuả tôi một căn nhà, nhưng mai mốt con cháu tôi ở khắp nơi thì chúng nó xây lại bao nhiêu căn nhà khác lo gì ! “

Ước gì Ông còn thấy ngày nầy, khi Tiểu Hoàng báo tin từ phương nắng ấm “ Mình vừa ký giấy tờ, lấy chìa khóa nhà xong rồi đó Bố. “ .

4   Căn nhà cuả Tiểu Hoàng

     Chuyến bay dài lê thê, với những chặng dừng tưởng như bất tận, đến phi trường John Ways bước chân đi chập choạng  hoa mắt trước dòng người tranh nhau đứng lên vội vã. Hành  trang  bên cạnh các thứ dụng cụ để sửa sang nhà cửa còn mang nặng theo nỗi vui mừng không thể diễn đạt. Nhìn quanh dòng xe cộ nườm nượp đón đưa, khuôn mặt rạng rỡ, ánh mắt vui mừng, Tiểu Hoàng nói líu lo, câu chuyện dài huyên thuyên, hân hoan khoe thành tích, nỗi vui của hắn như ngọn gió thổi lây lan …

    Dừng lại trước căn nhà nhỏ xinh xắn, mảnh sân trước con con rợp bóng mát bên cạnh cây dừa kiếng lá xanh mượt đong đưa. Căn nhà là ước mơ, là bắt đầu cho cuộc sống mới tự lập, Không thể hình dung ngày nào bế con khi mới cất tiếng khóc chào đời, cho đến ngày đầu đưa con đến trường, thời gian như mới hôm qua, bây giờ đã trưởng thành, đã tự lập cánh sinh đã tự mình xây tổ mới.

  • Bố nghĩ thế nào
  • Bố nghĩ là Mẹ sẽ rất thích cách ngăn chia phòng ốc, căn nhà tuy nhỏ nhưng rất ấm cúng, Lúc xưa đi đi xây nhà, Mẹ là người chủ động trong cách chọn lựa chia cắt các phòng ốc, Bố chỉ để ý đến các vật liệu, khung cửa sổ,  tường vách, máy sưởi, xem họ có làm đúng như giấy tờ mình đã giao ước không. Nhà nầy Bố thấy nhỏ nhắn nhưng thoáng,và rất sáng sủa gọn gàng,
  •  Bố nghĩ là ngày mai mình đi mua vật liệu rồi sẽ bắt tay vào làm việc được chưa? Trước tiên là thay cái nền gỗ trong phòng tắm, nó mục rồi mình muốn bỏ đi thay bằng gạch men, còn các thứ khác thì từ từ thay cũng được.
  • Tùy ý con quyết định, Bố chỉ giúp con sửa sang thôi, thích thứ nào thì dùng thứ ấy. Nhưng thường thì mấy thứ đó nên bàn với Mẹ trước, Mẹ tính toán chính xác lắm. Cuối tuần là Mẹ bay sang rồi .

   Căn nhà đầu đời của con trai, là dấu hiệu trưởng thành, tự lực cánh sinh. không thể diễn tả được niềm hân hoan cũng như hạnh phúc nhìn thấy thành quả của những tháng ngày đôn đáo lo manh áo chén cơm, ngất ngưỡng chờ đón con từ các lớp học, những đêm chong đèn chờ con về nhắc nhở…

   Chim có tổ… Cánh chim Hồng lạc xuôi Nam, cho dù lưu lạc bất cứ phương trời nào, tổ ấm vẫn là nơi chốn để quay về. Bài học lịch sử đã ngàn năm vẫn không thay đổi.

 

 

Vũ Thị Thiên Thư

 

Đề Tích Sở Kiến xứ

HoaDao

 

EBài thơ Lâm Viên thảo trong quyển vở học trò vẫn còn giữ lại, nguyên tác Hán Tự  chép trong tập trong Đường Thi Tam Bách Thủ

 

題昔所見處

去 年 金 日 此 門 中

人 面 桃 花 相 映 紅

人 面 不 知 何 處 去

桃 花 依 舊 笑 東 風

* 崔 護

Đề Tích Sở Kiến Xứ

Khứ niên kim nhật thử môn trung

Nhân diện đào hoa tương ánh hồng

Nhân diện bất tri hà xứ khứ

Đào hoa y cựu tiếu đông phong

THÔI HỘ

Chút Nắng Còn Vương

 

 

 

sưởi ấmViệt Tide  Xuân Ất Mùi 2015

Chút nắng còn vương

*

   Khuôn mặt người thương binh trông rất trẻ, thoạt nhìn không ai nghĩ anh đã vào đời, chỉ đoán là anh còn trong tuổi học trò cắp sách đến trường, đôi mắt vẫn sáng long lanh tinh nghịch, anh vào bệnh viện quân sự tối hôm qua, vết thương nhẹ không nguy hiểm đến tính mạng, cũng không cần thiết giữ anh lại lâu dài trong bệnh viện, anh nằm chờ bác sĩ đến khám và ký xuất viện trong đôi ba ngày.

   Phía trên đầu giường còn gói bộ quần áo trận xếp ngay ngắn chờ ngày xuất viện. Vết đạn lướt qua một phần thịt da thân thể chưa đủ làm tê liệt hình ảnh chiến trường còn lưu lại trong khối óc. Anh kéo tấm khăn giường trắng đắp lên tận ngực, trên người chỉ có chiếc áo choàng cuả bệnh viện không đủ che kín đôi chân, nghĩ đến những người anh em hàng ngày sát cánh an nguy, đến tà áo dài học trò trắng tinh tha thướt cộng với khuôn mặt diụ dàng của người yêu dấu, anh lần tay xuống gối rút lá thư, nhìn lại một lần nữa những nét chữ mềm mại trên trang giấy học trò, đọc đã bao nhiêu lần, nhớ từng câu, nhưng vẫn muốn nhìn lại thêm một lần nữa…

   Thằng bé con mon men lại gần, cánh tay khẳng khiu đen đủi. Hắn đi một vòng trong căn phòng nhìn vảo từng khuôn mặt thương binh nằm trên hai dãy giường bệnh song song. Đây chỉ là bệnh viện nhỏ của tỉnh lỵ, hầu hết những người còn lại đây thương tích nhẹ, họ như khách tạm trú qua đêm, bệnh nhân với thương tích nặng sẽ phải chuyển về Bệnh viện Cộng Hòa để chuyên trị. Chiến trận sôi động từng khu vực từ Bình Long An Lộc về tận ven đô, bên kia rừng sát chiến khu D, bên nầy Lại Khê, Bưng cầu…Từng đêm tiếng đạn pháo kích nổ đều các phương hướng, khi còn nghe tiếng “ đề ba” thì ít nhất cũng biết mình không nằm trong tầm pháo, những chiếc hỏa châu từng đêm soi sáng vùng ngoại ô, ánh sáng rực rỡ vẽ những ngọn đèn hoa muôn màu trên lưng trời trước khi tắt ngấm.

   Bệnh viện của tỉnh lỵ chỉ có hai khu trại nội khoa và ngoại khoa, mỗi trại hai dãy giường nằm đối đầu, cửa sổ không chấn song. Số giường có giới hạn, thương binh tăng theo cấp số nhân vào ra bệnh viện như quán trọ đắt khách. Bệnh nhân nếu chưa nguy đến tính mạng thì chỉ cần băng bó thuốc men đôi ba ngày rồi từ giã. Nguyên nhân chính cuả thương tích là do hậu quả các cuộc chạm trán từng ngày giữa Công quân và Quân Đội Việt Nam Công Hoà nằm dọc theo các chốt phòng thủ ven đô Chưa kể đến thường dân vô tội nằm giữa hai lằn đạn, lương y như từ mẫu, cho nên không thể nhẫn tâm bỏ mặc con bệnh, dù là quân hay dân, cho nên bệnh viện không bao giờ thiếu vắng bệnh nhân.

Anh nằm nghĩ lan man, những hình ảnh nối nhau như một cuộn phim dài trong ký ức   Trong tầm mắt mơ màng hiện ra khuôn mặt choắt cheo, anh thầm nghĩ “ Thầng nhóc con cái nhà ai? Giờ nầy đáng lẻ phải ngồi trong lớp học, sao lại lang thang trong đây làm gì ? “ Thắng bé con ghé mắt nhìn chiếc giường anh thương binh đang nằm phủ khăn trắng, hắn lân la tiến lại gần

  • Chú bị thương ở đâu vậy ?

   Anh ngạc nhiên nhìn thằng bé, trong đầu đánh dấu hỏi : “ Tại sao nó lại làm quen và hỏi mình ?” Máu tinh nghịch nổi lên anh giả vờ nhăn nhó bảo nó

  • Chú bị đạn bắn nặng lắm, chắc phải cưa cụt mất một chân.
  • Vậy hả, tôi nghiệp chú, có đau lắm không, vậy chừng nào chú chuyển viện ?
  • Chú không biết, chờ bác sĩ vào tái khám rồi mới chuyển đi nhà thương lớn,
  • Vậy là chú hết về nhà rồi.
  • Về chứ, sau khi bác sĩ chuẩn bịnh rồi ký giấy xuất viện thì chú mới được trở về nhà dưỡng thương.
  • Thế nhà chú ở đâu vậy ?
  • Ở miền Tây tỉnh Long Xuyên, cháu có biết miền Tây là ở đâu không ?
  • Không, cháu nghe nhắc Sài Gòn nhiều lắm mà cháu còn chưa đi tới nữa, miền Tây là chỗ nào làm sao cháu biết chứ ?   Anh thương binh tốc khăn giường nhảy xuyên qua cửa sổ chận đầu nắm thằng bé lại. hắn nhìn anh thất thần, quên cả vùng vẫy, cái bàn tay nắm chặt hắn không phải của người bệnh nặng, khuôn mặt đau đớn lúc nẫy cũng biến mất. ánh mắt nghiêm nghị bén như con dao đâm suốt ruột gan hắn. Biết mình bị gạt rồi, hắn xuống nước nhỏ:
  •    Thằng bé nhìn vào dưới chiếc gối kê đầu rồi bước gần hơn, cúi xuống kề vào khuôn mặt nhăn nhó của anh, hắn chợt thò tay rút phăng cái gói quần áo giấy tờ trên đầu giường rồi co giò vụt chạy ra cửa.
  • Chú ơi tha cho cháu đi, cháu tính đùa một thôi mà.
  • Nhóc con, ngươi còn định qua mặt người lớn nữa sao?
  • Thật mà , cháu chỉ dỡn chút thôi, đây cháu trả lại tất cả cho chú, không thiếu một món gì hết.
  • Ngươi không qua mặt ta được đâu, nói đi, ăn cắp trong đây bao nhiêu lần rồi ? Nếu ta không bắt được thì mi đã biến đằng nào rồi?

 

 

*

   Hoa tuyết bay lất phất trắng xóa trông như hoa gòn mỗi tháng hai mùa nắng ráo ở quê nhà. Hình ảnh của những tháng ngày dầm mưa dãi nắng lê gót giày trận khắp bốn vùng chiến thuật, từ vùng một tuyến đầu với những cơn gió nóng Hạ Lào thiêu đốt, cho đến vùng bốn sông nước hiền hoà cuả quên nhà. Phiêu bạt bềnh bồng theo vận nước cho đến khi giải giáp thành tù nhân ngày đốn củi lên rừng, đêm nằm nghe tiếng côn trùng than rả rít trong Trảng Lớn, không biết cái khối óc nầy còn chứa đựng được bao nhiêu đoạn phim cũ rich đó. Một chút hương bay cũng đủ làm nhớ lại, một màu sắc thoáng qua cũng kéo theo bao nhiêu hình ảnh kỷ niệm trùng trùng. Thành phố Gió bốn mùa thay đổi Xuân Hạ Thu Đông rõ rệt, nhưng rồi mùa nào anh cũng thấy vương vất một chút quê hương nằm trong muôn vàn hình ảnh đó. Tháng chin học trò trở lại trường vào lớp mới, nhìn những khuôn mặt vô tư, nhớ tuổi học trò bị chiến tranh cắt ngắn. Tháng tư mưa, những giọt mưa lệ đầu mùa xối xả dội xuống cuốn trôi một phần đời thanh niên theo vận nước đắm chìm. Tháng ngày bây giờ là công việc, là gánh nặng áo cơm cho gia đình, bên cạnh dòng đời xuôi ngược, có nhớ chăng cũng chỉ là một thoáng qua ngậm ngùi. Tiếng chuông điện thoại cắt ngang dòng suy nghĩĩ

  • A Lô ! Chú có  biết Thiếu Úy Luân của Sư đoàn 5 bộ binh, ngày xưa hình như chú ấy nắm tiểu đội trinh sát đó ?
  • Anh cần tìm ông ấy để làm gì ? Mấy chục năm qua rồi ai mà biết thiếu úy đại úy gì nữa chứ?, Bộ anh tìm ông ta để đòi nợ máu hả ?
  • Không phải vậy đâu chú, cháu tìm chú ấy lâu lắm rồi, có người mách là Chú ấy đang ở Thành Phố Gió và cho cháu số điện thọai nầy nên cháu gọi cầu may thôi, thật ra thì cháu còn nợ Chú ấy một món nợ từ ngày xưa nên bây giờ ráng tìm để hỏi thăm.
  • Nợ từ bấy lâu mà bây giờ tìm trả lại ? Có phải trả lời lãi gì không?
  • Món nợ tinh thần thôi chú à, cháu trả không hết kiếp nầy đâu. Nếu chú ấy không tha cháu thì giờ nầy chưa biết cháu sống chết lưu lạc nơi nào.
  • Anh nói chuyện ly kỳ như tiểu thuyết.
  • Thật đó chú, cháu không biết dựng chuyện đặt điều thêu dệt gì đâu, nếu ngày đó chú Luân giao cháu cho chính quyền đưa vào Trại giáo huấn thì một là cháu ngồi tù, hai là chết mất xác chứ đâu có tự do khôn lớn như ngày nay.
  • Có chuyện đó nữa sao ?
  • Hồi cháu còn bé cũng quậy lắm, cải lời cha mẹ theo bụi đời trộm cắp, nhưng trời bất dung gian, cháu làm ăn trót lọt được nhiều chuyến, đến ngày đó cháu vào bệnh xá tính làm một mẻ kiếm tiền đi Sài gòn chơi, tưởng Chú Luân bị thương chân, ai dè chú ấy chỉ giả vờ thôi, cháu chạy không thoát bị chú nắm cổ lại, lúc đó mà chú ấy không thương hại giao cháu cho chính quyền thì cháu đã tiêu đời rồi. Trong đám trẻ bụi đời đó, chỉ còn lại có một mình cháu là trở vào lớp học và hiện nay cháu đã vượt biên sang Hoa Kỳ và đang sinh sống ở Atlanta.
  • Biết đâu đó chính là phúc đức ông bà của cháu chớ cái chú Luân nào đó có công cán gì mà cháu lại nhớ như vậy.
  • Làm người phải biết trước sau, nếu không bị thôp cổ và thả về cho cha mẹ thì cháu một là theo băng đảng nghiện ngập luôn , hai là chết rục trong tù. Tên cháu là Trung, cháu gởi lại chú số điện thoại nầy, chừng nào chú gặp chú Luân thì nhắn lại dùm cháu nhen, cháu cám ơn chú.

 

*

   Ly cà phê nguội mất từ bao giờ, những hoa tuyết cũng đã tan trong không gian xám xịt. Trong trí nhớ mù mờ hình ảnh choắt cheo của thằng bé con ngày tháng cũ, thôi thì cũng mừng cho nó, ngày nọ cũng không biết chút thiên lương nào còn sót lại mà mình đã tha cho thằng bé, nó cũng chỉ là môt trong những trăm ngàn đứa bé lăn lóc bên lề cuộc chiến tranh anh em tương tàn, hậu quả là những ngày nằm trong Trảng Lớn gậm nhấm đau thương. Vết thương thể xác không đau như nỗi thống hận trong đáy lòng. Anh em chia rẽ, nồi da nấu thịt, có phải từ khi lọt lòng mẹ Âu Cơ đã phải chia tay nhau, cho dù cùng mang chung dòng máu và mai mỉa thay cho hai tiếng “Đồng bào “. Bây giờ chỉ vì tham vọng cá nhân mệnh danh Thiên đường chủ nghĩa, tán tận vô lương đầu độc thế hệ trẻ để anh em căm thù giết nhau. Cái chiêu bài cải tạo không che dấu được mục đích tiêu trừ cả một thế hệ giáo dục trong chế độ tự do dân chủ. Những tên quản giáo không hơn cai tù học hành như con vẹt lên mặt dạy dỗ người đáng cha đáng chú, nhìn chúng nó lại thấy thấm thía hơn nỗi nhục nhằn của dân tộc. Năm mươi con lên rừng, ôi! Mẹ Âu Cơ có thấy nỗi gian nan nầy cũng nát bấy tâm can.

   Cú điện thoại bất ngờ cuả thằng bé ngày xưa kéo theo những chuỗi ngày thanh niên cũ, những phần thân thể, những giọt máu hồng đã thấm xuống lòng đất. Đã từ lâu lặn ngụp trong dòng đời , chạy theo chén cơm manh áo gồng gánh thê nhi, những tưởng giấc mơ đã chìm tận vào đáy biển ký ức muôn đời. Mình và bầy trẻ nhỏ chỉ là nạn nhân không hơn không kém. Tuổi thơ không là những ngày thong dong trên ruộng đồng với sáo diều cao vút, mà là những ngày giành giật kiếm sống bằng mọi cách kể cả trộm cắp từ những người thanh niên đã đổ máu xuống để bảo vệ cho cuộc sống an bình của chính quê hương mình.

   Thằng bé con ngày nọ, bây giở ít nhất cũng đã vào tuổi “ nhi bất cập” Cuối cùng cũng đã nên người A! Ý trời đã định, năm mươi con lên rừng bỏ xác, năm mươi con xuống biển trôi dạt đến đây!

   Những giọt nắng mùa đông khẻ vén màn mây xám le lói trong bầu trời, mùa Xuân sẽ một lần nữa quay về trên đất mới .

 

Vũ Thị Thiên Thư