Chia Niềm riêng

Chia niềm riêng

Gội sương sớm bơ phờ vóc liễu
Chở tình thâm trăng chiếu mông lung
Chia niềm riêng nổi đau chung
Cành Nam mõi cánh chim Hồng tha phương

Ngóng gió bắc đoạn trường Hồ Mã
Vọng non cao hoá đá chờ trông
Vai nào gánh nặng nuí sông
Tình nào biển cả một lòng theo nhau

Hờn quốc biến máu đào phơi kiếm
Hận gia suy mang nghiệp bút nghiên
Thẹn thùng bao nổi truân chuyên
Anh hùng bất luận thuyền quyên chữ tòng

Bạc áo vải tang bồng hồ thỉ
Mộng huy hoàng mỹ ý hoan ca
Nong tằm lúa mới muôn nhà
Cùng nhau dệt gấm thêu hoa cho đời

Vũ Thị Thiên Thư

Nếp Cũ

Nếp cũ

 

-Tay trái giữ ngay chính giữa , tay phải cuộn lại cho tròn, cho thật khít, bằng không thì bột chảy ra , nhân bánh sẽ bể.
Ngoại ngồi trên cánh phản trong nhà bếp,chung quanh là một bầy con gái, trước mặt mỗi cô bé là hai chồng lá chuối xanh mượt , nửa hình bán nguyệt ,nửa hình lục giác dài.Mợ ngồi bên trái với thau bột nếp nhồi bằng nước đường và mâm nhân đậu xanh bóc vỏ viên tròn như trái quất .Dì ngồi bên phải với thau bột nhồi bằng nước ấm và mâm nhân dừa xào đường trộn đậu phọng rang giã nhỏ. Ngoại đang dạy cả bầy cháu gái gói bánh ích .Chúng tôi là một lũ trẻ nhỏ ham chơi đùa ,Ngoại vẩn thường nhắc nhở tất cả:
– Con gái ,nếp nhà ,phải lo học làm các thứ bánh trái ,nấu nướng thức ăn,thêu thùa may vá ,dù trong nhà có kẻ ăn ngươì làm ,mình cũng phải biết cách ăn ở để dạy dỗ kẻo chúng khinh nhờn.
Ngoạị goá chồng từ thơì xuân sắc . Một đời tần tảo nuôi bầy con thơ daị . Từ công việc đồng áng bên ngoài cho đến việc chăm sóc nhà cửa bên trong ,tính toán chi thu ,trả công người làm…Mỗi năm, cần bao nhiêu giạ lúa thóc để ăn hàng ngày cho đến chi dùng trong các lần giỗ Tết, bao nhiêu lít đậu ,lít mè,con heo,lứa cá, mỗi thứ đều tính toán thật chính xác, chi ly .
Tháng tư ,đầu muà mưa,cũng là ngày giỗ ông . Ngoại hay kể chuyện ông thuở sinh tiền,ông thích mặc quần áo bà ba lụa trắng,đi guốc dông,sáng lập hội tài tử,vào những tối sáng trăng,cùng chúng bạn bè xuống nhà thuỷ tạ hoà đàn,ngón độc huyền của ông như “ nước chảy mây trôi “… Ðến năm đầu thời kháng chiến Ông bị quân giặc mang ra bắn trước sân nhà ,không bản án ,không cáo trạng ,chỉ vì ông để tóc dài búi tó như tín đồ Ðạo Hòa Hảo và trong nhà thờ trần nâu . Ngoại ôm con đỏ ra xin xác chồng về chôn cất .Từ đó ,mang hết aó luạ ngà nhuộm nâu ,tập ăn trầu , thu xếp nhà cưả lui về cạnh nhà bố mẹ chồng dựng mái lá nuôi con . Tuổi chưa đầy năm cậu mất cha ,mẹ tôi vưà tròn mười sáu.Ngoại còn giữ lại đôi guốc mộc,cái gối kê đấu bằng gỗ mun,mấy trang giấy lụa bút tích của ông mối mọt ăn thâm thủng nhưng Ngoại không nở rời. Mấy bà cô dì trong họ thường bảo chúng tôi:
– Ngoại con lúc đương thơì là hoa khôi trong làng đó,bao nhiêu người đi hỏi cưới, nhưng Ngoaị chỉ ưng lấy Ông con.
Ngày Ngoại theo chồng, để lại bao nhiêu chàng si tình ngơ ngẩn .Ðến khi mất chồng, cũng đã bao nhiêu người đến ngấm nghé , Ngoại nhất quyết thờ chồng , chỉ mặc aó nâu ,đầu quấn khăn rằn đen , lo chăm sóc ruộng vườn, nuôi dạy bầy con .
Quê Ngoaị là thiên đường tuổi thơ diệu vợi, hàng năm vào những ngày giỗ Tết chúng tôi xôn xao đợi chờ . Từ tỉnh lộ đi bộ vào nhà chừng ba cây số ,nhưng tuổi nhỏ xa xôi tưởng như nghin dặm.Mỗi lần về thăm, Ngoaị bảo Dì mang xuồng ra đón tận bến sông . Ngày nước ròng , con rạch thu nhỏ lại, phơi hai bờ bùn đen ,bọn trẻ con thường mang mảnh ván ra sông chạy chùi, chúng tôi nhìn thấy thật thèm thuồng, nhưng Mẹ và Ngoaị cấm không cho xuống bờ cùng chơi vì sợ miểng chai ,gai nhọn nằm lẫn lộn trong bùn cắt thịt đứt da.
Nắng tháng hai, mưa tháng tư , mỗi năm tháng chất đầy kỷ niệm .Những ngày tung tăng theo Dì ra vườn cắt lá chuối về gói bánh tét,bánh ích đám giỗ , Dì lấy cho cái áo bà ba cũ rách mặc vào,vì sợ mũ chuối dính áo mới sẽ biến thành màu nâu, không tẩy được . Môĩ bụi chuối chỉ dùng liềm cắt hai tàu lá , mang ra phơi nắng cho dẽo , dùng dao rọc lấy sống lá phơi cho héo lại để dành chẻ dây cột bánh tét , thân lá xếp laị từng xấp mười tấm , môĩ tấm mang về xé nhỏ thành từng manh dài chừng ba tấc , manh lớn hình chử nhật thì gói bánh Tét ,manh nhỏ hơn dài chừng hai tấc thì danh theo hình lục lăng dài dùng làm lá bao bánh ích ,nhỏ nhất thì danh theo hình bán nguyệt để làm lớp gói bên trong của bánh ích . Thuở nhỏ , công việc chính của chúng tôi là ngồi lau từng manh lá ,chờ Dì danh góc cho tròn,mang lá vụn ra góc hè chơi trò nấu cơm ,bán hàng, cùng mấy anh chị em con Dì con Cậu . Ðến tuổi lớn hơn thì được Ngoaị dạy và cho thực tập gói bánh .
Bánh ích gói bằng hai lớp lá chuối ,lớp bên trong dùng lá hình bán nguyệt , cuộn lại hình quặng , Mợ Hai nhồi bột nếp trong thau thật to ,ngắt một ít bột, đặt nhân bánh vào giưã viên lại cho tròn ,cho vào quặng lá chúng tôi đang chờ,tay Mợ thật nhanh ,thật đều , Ngoại dạy chúng tôi dùng tay xếp một bên lá nằm xuống ,ngón cái giữ laị , sau đó xếp cạnh đôí diện , phải giữ cho bốn cạnh thật đều hình tháp,bốn góc cân đôí ,đỉnh cao vừa vặn , đặt bánh vào lớp lá bao bên ngoài hình lục giác ,cạnh trên phủ xuống nằm bên trong ,cạnh dưới xếp lên bọc bên ngoài ,chận ngón tay và xếp hai bên lá lại thành hình tam giác cho đều, bẻ lên hai bên . Bánh sau khi gói xong ,hấp chín chờ cho nguội, mang xếp vào thúng theo từng loaị bánh ngọt hay bánh trắng và làm dấu để khi mang ra đãi họ hàng không phải phân vân bơí tìm .Cái hạnh phúc rộn ràng của chúng tôi bấy giờ là tranh nhau lời khen cuả NgoạI:” con gái tinh ý ,khéo tay học nhanh và làm gọn gàng .”
Bên cạnh bánh ích,bánh tét là thứ không thể vắng trong các lễ giỗ , Ngoại thường gói nhiều loại bánh tét , bánh tét nhân đậu mỡ ,nhân đậu ngọt ,nhân dừa xào đường ,và nhân chuối là món chùng tôi ưa thích nhất …Trước khi học gói bánh tét ,Ngoaị dạy cho cách cột bánh . Bánh cột bằng dây chuối, lúc cắt lá, rọc lấy sống mang ra phơi nắng cho dẻo , chẻ thành sợị ,thật mịn , thật đều , nhỏ quá dây sẽ đứt ,to quá cột vào đòn bánh không đẹp,trông thô kệch . Lúc cột dây không được xiết quá chặt ,bánh không chín dều , nhưng xiết không chặt thì bánh sẽ nong nước ,nhảo nhè nhảo nhét. Bánh nấu chín mang vào treo trên sào tre trong nhà bếp,chờ đến lúc mang ra cúng kiến và đãi họ hàng, Ngoại lại dạy thêm cho cách cắt bánh tét, cắt bằng dao khoanh bánh sẽ méo mó , phải bóc hết lá ra, dùng chính lá gói bánh lót xuống dĩa, bằng không khi đặt vào bánh sẽ dính, dây cột bánh gỡ ra một sợi dài, dùng dây nầy để cắt, khoanh bánh sẽ tròn trịa ,nếp và nhân thật cân đối, không trộn lẫn nhau, bánh chín đều ,đó là con gái nhà, khéo léo ,thành công .
Nếp dùng gói bánh tét Ngoại cẩn thận nhặt từng hạt thóc , ngâm nước qua đêm , dậu trắng phải chọn loại hạt nở đều , dừa khô không được khô quá . Tuỳ theo loại nhân, nhân đậu ngọt ,nhân đậu mỡ hay các loại nhân khác mà dùng nếp xào vơí nước cốt dừa , hay dùng nếp ngâm trộn vơí dừa khô nạo nhỏ. Mỗi đòn bánh dài gần hai tấc , dùng một chén nếp đầy vun ,đã xào hay ngâm sẳn trộn với muối ,dừa ,đậu trắng , lá chuối xếp chồng lên nhau ,nếp trải mỏng, nhân xếp vào giữa ,hai tay phải thật nhanh lúc cuộn nếp lại thành hình ống, bẻ hai đầu bánh cho vuông vắn, dùng dây cột bánh ,mỗi nuột dây cách nhau chừng hơn một phân tây , bánh cột xong cho vào thùng lớn ,bánh nhân đậu mỡ xếp bên dưới,đậu ngọt kế tiếp, bánh nhân chuối là lớp trên cùng . Bánh tét thường phải nấu cả ngày, củi đun là loại xấu, gốc mắc,cành to quăn queo, không thể chẻ được, nhưng củi nầy lại cho ra than thật hồng ,thật nóng, thuở nhỏ ,chúng tôi hay quanh quẩn bên cạnh khều than ra nướng khoai , nướng bắp … đôi khi, Ngoại nướng bánh phồng nếp,bánh tráng dừa , mang cả mạch nha trộn mè ra kéo thành kẹo bánh tráng làm quà vặt cho trẻ con .
Bên cạnh bánh tét ,bánh ích còn có bánh nước tro,là thứ gói bằng lá tre. Nếp dùng để gói loại bánh nầy Ngoại mang ra ngâm trong nước tro đốt từ cây đước ( là một thứ cây tạp sau khi đốt thành tro ,cho vào hủ nhỏ ,đổ nước vào , sau đó lọc lấy phần nước trong ,chỉ có nước tro nầy mơí có đủ độ mặn để ngâm nếp).Thường phải ngâm mấy ngày, xả laị nước lạnh cho nếp thật sạch và thật mềm.Dùng lá tre tàu để gói bánh, hình ống như bánh tét , hình vuông như bánh chưng , hình tháp như bánh ích hay bánh ú . Khi nấu bánh, Ngoại dùng một loại măng của cây tre gai thả vào nước làm màu nhuộm.Bánh nước tro là một thách thức cho chúng tôi, lá tre rất dòn, lúc gói phải nhẹ tay, cột bánh phải nâng niu, lá rách, nếp trộn nhân, bánh vỡ,măng tre phải đúng lứa không đốn măng quá già ,bánh đen,quá non bánh trắng…Ngoại thường nhắc nhở lúc gói cũng như khi ngồi canh bánh, lửa đều,thêm nước nóng ,không để nếp sượng, bánh thành công khi mở ra phải trong như hổ phách, ăn vào miệng vừa dẽo vừa dòn,nếp quyện vào nhau không nhìn thấy hột,nhân bánh nhìn thấy nằm ngay ngắn,vừa vặn bên trong …
Bao nhiêu là kinh nghiệm ,Ngoại mang ra dặn dò cùng bầy cháu ăn chưa biết no, lo chưa tới .Bao nhiêu là thứ bánh trái mộc mạc của quê Ngoại xa xôi trong trí nhớ, bao nhiêu lời cân nhắc chi ly ,như mực in ,như dao khắc…Hình ảnh Ngoại ngồi bên khai trầu, ngọn đèn dầu lung linh, hay đứng bên cây cầu dừa cạnh bờ sông lúc đưa con cháu xuống xuồng về tỉnh lỵ. Bóng Ngoại gầy gò đứng thắp nhang trước bàn thông thiên bên cội mai vàng nở rộ mỗi dịp Tết về .Hình ảnh nối liền với nếp cũ với thiên đàng tuổi thơ ,với quê hương chắt chiu thương nhớ …
Chúng tôi, bầy cháu Ngoại ở xa , mỗi lần về thăm như ngày là hội hè , bao nhiêu thứ bánh trái làm sẳn, bao nhiêu tình thân yêu . Sống bên Nội,chúng tôi quen với chợ buá hàng ngày, dù có được rong chơi thì cũng chỉ quanh quẩn dăm ba nhà lân cận.Về quê Ngoaị, thuở nhỏ là cả môt thiên đường nở hoa, nhà Ngoại cách liên tỉnh lộ Long Xuyên Cần Thơ có mấy cây số đường mòn, dăm ba cây câù tre, những ngày đầu mùa mưa,đất sét lầy lội,mỗi lần đi qua cầu là một lần sợ hãi, hai bên đầu cầu mỗi nhịp là một thân cây gòn trơn bóng, nhịp giữa nối nhau bằng hai cây tre nhỏ đong đưa kẻo kẹt theo từng bước chân qua,hai chị em cứ đứng nhìn nước chảy xiết dưới chân cầu, không chịu đi ngang ,Mẹ phãi bế từng đứa một sang bờ .
Lúc Dì chưa theo chồng , cứ mỗi lần giỗ tết về thăm, Ngoại thường bảo Dì bơi xuồng đưa Mẹ con ra tỉnh lộ, con rạch nhỏ, tháng nước ròng ,bông Tra rụng theo dòng trôi mênh mang ,Mẹ dạy hai chị em đếm bông cho quên đường dài
– Bông màu vàng cho Ba ,bông màu hồng cam cho Mẹ , một bông nho nhỏ ,hai bông to to , ba bông dật dờ ,bốn bông bay bỗng …tuổi thơ lồng lộng …
Ngoại chuốc cho mâý chiếc dầm con con , hai đứa tranh nhau bơi theo Dì và Mẹ ,
vừa bơi vừa vớt lá rong xanh , vớt được trái mã đề tranh nhau cắn vỡ ra lấy hột,hột nhỏ như trái sung , nhơn nhớt như trái bông sún,bao nhiêu là kho tàng tuổi thơ trôi theo dòng sông nhỏ, mãi chơi quên mất cả chuyện bơi theo mái dầm, Dì và Mẹ phải bơi nhanh cho kịp con nước , lúc Dì trở về ngược nước và vắng Mẹ con sẽ buồn nhớ biết bao.
Mỗi lần được về thăm quê Ngoại là một lần xôn xao ,nắm níu, dù chỉ cách nhau có mười cây số đường dài ,nhưng thuở xưa chưa có phương tiện giao thông , khoảng đường dài như quan san cách trở. Thuở ban đầu Ba Mẹ còn thường bơi xuồng vê thăm,đến lúc sinh các con, thêm bận bịu bán buôn,Mẹ ngoài những ngày giỗ chính và ngày mùng hai Tết, rất ít khi về .Cho đến lúc các con lớn lên,lúc nào cũng thèm thuồng ,hình ảnh quê Ngoại gắn liền với những trò chơi thơ ấu, hái lá ,bán hàng, cút bắt ,nhảy dây … con đường trước sân nhà lót một hàng tán đá xanh vuông vắn ,từ thềm nhà xuống mãi tận bến sông,thuở nhỏ chân chim , con đường nầy như một trò chơi chạy nhảy,với đôi bàn chân bước ngắn ,mỗi viên gạch lót dài là mỗi bước phiêu du,một chân trời mới lạ, mê mãi ,một hai …
Bên hông nhà, vườn trầu xanh mượt lá,mỗi chiều theo cậu mang gàu ra múc nước sông lên tưới mấy nọc trầu ,Ngoại căn dặn mỗi gốc trầu phải đếm bao nhiêu gàu nước ,và mỗi dây trầu chỉ được hái hai lá vàng mơ. Trầu hái xong, mang ra rưã sạch, giũ cho hết nước và xếp vào khay .Tôi vừa tưới nước,hái trầu vừa thắc mắc :
– Ngoại à,tại sao chỉ hái trầu buổi chiều vậy ?
Ngoại nhặt lá trầu vàng tươi , ngắt bỏ đuôi nhọn,chẻ một lát cau dầy ruột trắng tinh,têm trầu với ít vôi màu đỏ thắm , cho vào miệng nhai,nhổ nước vào ống ,nhả bã trầu,từ tốn trả lời:
-Chuyện kể lại ,có cô dâu mới về nhà chồng ,buổi sáng tinh mơ ra vườn hái trầu vào mời chào, chẳng may, khi phu quân ăn vào ngã lăn ra chết, làng bắt tội giết chồng, thị kêu oan,lúc quan Huyện xét tìm tội trạng ,hỏi chuyện ,thị kể lại đầu đuôi, quan bèn ra vườn trầu tìm kiếm mới thấy dưới nọc trầu có dấu rắn bò ngang , theo dấu nhìn vào lá trầu vàng còn đọng sương mai, quan nghiệm rằng :
-Ðúng như Quan nghĩ,thị không cố ý thuốc chồng ,đêm qua rắn độc bò ngang vườn trầu uống sương đọng trên lá ,nhả nọc lại ,thị vô tình hái nhầm lá có nọc rắn ,chồng ăn phải, trúng độc mà chết .
Nhờ Quan sáng suốt ,thị được minh oan .Quan dạy dân sau nầy không nên hái trầu đọng sương, và nhất là phải rữa cho sạch trước khi ăn.Lâu ngày thành thói quen, dân làng hái trầu vào buổi chiều, rưã và giũ cho sạch,sớm mai mang ra nhúng nước trầu sẽ tươi tắn lại như lúc mới hái thôi.
Câu chuyện hái trầu chỉ là một trong kho tàng cổ tích Ngoại thường kể , những tối chong đèn quay quần bên bộ ván gõ, Ngoại kể chuyện anh hùng thuở xưa, chuyện bà Triệu cởi voi đánh giặc,chuyện Nữ tướng Bùi thị Xuân quấn vải quanh mình để lúc chết thân thể không phơi bày,chuyện Ðinh Bộ Lĩnh tập trận cờ lau, hay gương hiếu đạo Mục Liên cõng Mẹ vượt chín tầng điạ ngục,thành tích rằm tháng bảy là ngày xoá tội vong nhân…Nhưng thật gần và thật luyến lưu,chuyện ông tôi thuở sinh tiền và hội bạn tài tử, những cuộc hoà đàn đêm thanh,hay hát hò đối đáp, những câu hò tình tứ ,những bản vắn điệu ngũ cung ai hoài, hay bài vọng cổ mênh mang. Thỉng thoảng, chúng tôi lại xin Ngoaị hát ru,ngững câu ca dao ngọt ngào, những câu tục ngữ thân quen, tiếng võng đưa nhịp nhàng ,trong trí nhớ nhỏ nhoi cuả tôi ,Ngoại như quyển sách chứa bao nhiêu điều huyền diệu…
Những ngày lớn hơn, mùa hè về thăm ,nằn nì đòi Cậu dẩn ra chòm mã đá xem trâu ,con trâu già của bà Năm cột gần bụi tre , cặp sừng cong vút, hơi thở phì phò, tôi chỉ dám thập thò đứng từ xa len lén nhìn, chuyện ngồi lưng trâu thổi sáo,chuyện mục đồng cờ lau, chuyện giết giặc cứu nước chỉ nằm trong sách vỡ học trò,Làm sao có can đảm leo lên lưng con trâu cổ bóng ngời mà học đòi làm mục đồng ngồi trâu thổi sáo? ngay cả lúc nhất định đòi Cậu dạy cho thổi sáo,học bao nhiêu lần ,nhưng thổi lên như… thổi lửa.Chả bù với tiếng sáo của Cậu , những đêm sáng trăng thanh âm bay thật cao,thật xa, bên kia sông nước,trên ngọn trúc lao xao,dưới bóng dừa thì thào…
Ngôi miếu cổ xây bằng đá xanh nằm bên vàm sông , trong miếu thờ lủ khủ mấy ông Tà bằng đá ,thân hình như quả trứng tròn trơn bóng , trước miếu lau lách um tùm,bên cạnh cây gừa già,tàng lá che ra tận nưã bờ sông, rễ mọc thòng xuống bùn đen , lê thê như tóc thiếu nử ngồi hong trong sân nhà ngày nắng hanh.Con sông nhỏ,nước chảy dật dờ, cây gừa tuổi già hơn tuổi Mẹ, gốc to đến mấy người ôm, chúng tôi thường rũ nhau trốn ngũ trưa, dùng cành lá che nhà trên nhánh ba , dùng rễ gừa làm màn, mỗi nhánh cây theo tháng năm lớn lên là một lần tuổi thơ vụt thoát. Chán trò trên cây,lại cút bắt dưới nước, tập bơi bằng hai trái dừa điếc đóng hai đầu cành tre , cái miễu ông Tà cũng được chúng tôi thăm viếng thường xuyên. Huyền thoại linh ứng cuả ông Tà không đủ ngăn sự tinh nghịch cuả trẻ con, chúng tôi chẳng biết ông Tà thường bắt trẻ con nóng đầu, hay hành hạ mấy đứa con trai nghịch ngợm vì tội đái bậy vào thân ông ,chỉ thấy mấy cục trứng đá trơn nhẳn nhụi lây lất nằm trong miếu rong rêu, thế là mấy chị em rũ nhau mang hết xuống sông dùng xơ dừa kỳ cọ cho đến sạch bóng, còn bảo ông Tà ở dơ quá, người đầy đất bùn. Mấy anh chị con Cậu sợ hãi chạy vào mách Mẹ ,Ngoại lại lễ mễ mang bánh trái ,đèn nhang ra cúng tạ lỗi và xin cho trẻ con nhỏ dạ non lòng .
Những năm lớn lên, về Ngoại không còn những trò chơi thơ ấu. Con gái nếp nhà, phải chăm lo công việc may vá, thêu thùa,bánh trái, nấu ăn .Những ngày giỗ chạp, những ngày cưới hỏi, Ngoại mang bầy cháu gái ra truyền lại kinh nghiệm chăm chút trong ngoài, bánh mứt mỗi thức mỗi mùa.Dù là con gái thị thành nhưng không thể quên được nề nếp,dù không chính tay làm cũng phải biết cách tổ chức xếp đặt để chỉ bảo cho kẻ ở ngườI ăn .Mỗi lần trong họ hàng có đám tiệc, Ngoại lại mang bầy cháu trai gái đến phụ giúp,các anh thì lo việc dọn bàn ghế , các cô thì lo bếp núc trong nhà. Ðám cưới ở nhà quê là nơi hẹn hò gặp gỡ, nơi trai thanh gái lịch có dịp làm quen, cũng là nơi mấy bà mẹ chồng tương lai thường vào tuần tra trong đội ngũ con gái, nhìn quanh chọn lựa, xem từ hình dung đến cung cách, giã vờ chuyện nọ trò kia ..,bao nhiêu mánh khoé Ngoại thường nhắc chúng tôi coi chừng,dù không có ý định lấy chồng cũng không nên có lý do cho người khác chê cười dòng dõi tông môn.
Ngày người chị họ theo chồng, đứa cháu đầu tiên sang nhà khác ,Ngoaị dặn đôi câu, đêm lạy chào xuất giá, Ngoại cẩn thận xếp một hộp kim chỉ để vá may,một hộp bánh phòng khi đói lòng, những gì cận kề học hỏi …vượt cạn,biển đông …
Tết ,năm Ngoại bảy mươi,họ hàng đến chúc mừng, mỗi người một câu , nào phúc lộc, nào sức khoẻ,con đông, cháu đầy.Ngoaị ngồi lặng lẽ, con cháu về ,nhưng chưa đủ, còn một nửa bầy,thật xa, cách một biển khơi ,nửa vòng địa cầu … Quê hương tuổi nhỏ gói theo bầy cháu Ngoại tha phương ,những lần giỗ Tết hiu hắt, khoanh bánh tét gói bằng giấy nhôm tuy không có mùi lá mới, nhưng gói thật tròn cái nếp cũ bấy lâu.

Vũ Thị Thiên Thư

[ Chia niềm hạnh phúc  tuổi nhỏ trong bầu trời quê hương yêu dấu ]

 

 

Bài thơ Sinh Nhật

Muà Trăng Sinh Nhật

Áo luạ mềm phơ phất

cười cợt với hư vô

thả xuống đời

từng sợi mỏng

dây mơ

Từng trang thơ mực đọng

Bàn tay nâng ngọn bút

vẽ một đời

vẽ miệt mài vẫn chưa hoàn tất

những ngón bâng khuâng

nét ngập ngừng

khởi điểm từ đâu

để vẽ một tấm lòng

Cảm ơn đời thường

và tiểu phong

mối tình chân

đơn sơ trân trọng

những ngón tay đau

bám vào cuộc đời hụt hẫng

tình chung vẫn biết rằng

ta hãy còn có nhau

Cảm ơn tuý nguyệt

nửa cuộc đời từ chồi non xanh biếc

ôm mãi giấc mơ vàng

lạc lõng bên trời

từng cánh lá bay hoang

Thân trọng

ân sâu

duyên nghiệp

danh chẳng cần

lợi không tham

giữa chợ đời cỏ mềm lực bạc

chuyện thị phi

thả vào lòng biển khơi bát ngát

Sợi cát đằng gió lay

quấn quít theo tùng quân vững chắc

Ơi ! muà trăng sinh nhật

ươm hạt giống từ tâm

gom từ ngôn cẩn trọng

tưới từng giọt tình chân

chuyền cho nhau sức sống

Vũ Thị Thiên Thư

 

Bởi theo anh

 

Bởi
theo anh

Bởi theo anh

Vào Đường thi bỏ ngỏ

Lạc  giữa mù sương

Quên mất lối quay về

Ngày tháng phiêu du

Cuối đường hoa nở

Rực rỡ diệu kỳ từng đóa ngữ ngôn

*

Đối nến long lanh

Chập chùng hơi thở

Lạnh phủ vai gầy buốt giá nghìn thơ

Bài hát tương tư

Ơi! Mặn nồng như thuở

*

Em chẻ bóng trăng xanh

Đi tìm trong huyễn mộng

Gở từng lớp ngũ sắc cầu vồng

Chỉ thấy lấp lánh trong trời giọt tuyết đông

Những đường cong

Không thể nối lại tròn vòng

Như nổi nhớ

Là từng giọt cường toan

Nhỏ xuống

Nhỏ xuống hồn mênh mông
*

Khung tranh mờ nhạt

Nét bút hững hờ

Bởi theo anh

Hiền ngoan như thuở

Tắm đẫm hương trời

Bơi lội giữa hiên trăng
*

Bởi theo anh

Gieo từng hạt mầm ngôn từ vụn vỡ

Rút ruột tằm

Nhả mài miệt nợ tơ

Là giam thân vào tổ kén đợi chờ

Là tận tuyệt

là cuống cuồng nỗi nhớ

 

Vũ Thị Thiên Thư

 

 

Ôi ! Niềm nhớ Quê Hương

Ôi ! Niềm nhớ Quê Hương

 

 

 

Tôi đang cúi xuống nhặt những lá khô từ muà thu trước, trời trong xanh ngắt, hương mùa xuân phảng phất, cỏ non lấm tấm xanh, nhớ những ngày nắng mới aó luạ bay, lang thang bước chân chim non nhảy nhót, đường về quê Ngoại miên man niềm hạnh phúc.

Roman cầm mấy chùm hoa Lilac trĩu nụ tím, khuôn mặt tươi cười , ánh mắt diụ dàng. Tôi nhìn nét rạng rỡ cuả anh ta, thầm nghĩ hôm nay ngày chúa nhật, nhưng hắn ta chưa say, hẳn là một phép lạ.

– Dolly, nhìn đây nè, có đẹp không??

– Vâng , rất đẹp, sao anh hái sớm vậy? Không chờ cho hoa nở à?

– Hái tặng cho Dolly đó.

– Oh! Cảm ơn Roman, thế anh đã hái cho Allena chưa? Cô ấy đâu rồi?

– Allena còn ngủ, mới về sáng nay.

– Cô làm tối qua à ? Thế các con đâu rồi?

– Vâng, chúng đi chơi với bạn rồi, nầy Dolly có muốn hoa thì cứ hái vào nhà cắm nha, hoa nở nhiều lắm đó.

– Cảm ơn Roman

Tôi mang mấy chùm hoa vào nhà, lấy cái bình thuỷ tinh, đổ nưóc vào, những chùm hoa Lilac màu tím, nhìn như những hạt ngọc long lanh, mai ngày sẽ nở thành những đoá mượt mà.

 

Roman là người láng giềng, khi chúng tôi về xây tổ, anh ta và Allena cũng như chúng tôi, đang tha từng cọng cỏ rơm. Đứa con đầu hãy còn đỏ hỏn trên tay, thằng bé bị bệnh khóc đêm, nghe tiếng khóc từng đêm đoạn đoài lòng mẹ. Sang xuân, khi những giọt nắng ấm bám nhẹ nhàng xuống thảm cỏ nhung, bầy chim non bay ra khỏi tổ, khung trời cao bát ngát xanh, đất trải bao la, hoa Dendelion nở vàng rực rỡ . Allena mang con ra sân sau, nhìn thằng bé tóc mưọt như tơ nụ cười như hoa nở, tôi suýt soa trầm trồ. Có còn gì hơn mối dây mẫu tử, như những truyền cảm có chung thiên chức Mẹ. câu chuyện với Allena đang quay quanh chứng bệnh trở dạ, khóc đêm cuả trẻ con, Roman bước vào, nghiêng người cuí chào tôi rất ư lịch sự, nâng bàn tay tôi nhỏ nhắn lên môi hôn, lăng xăng vào nhà mở tủ lấy ly rót rượu nho mời . Chuyện trò chưa được dăm câu, tiếng Anh cuả tôi khả dĩ, với Allena thì hoàn toàn lưu loát, vì cô sinh ra nơi đây, nhưng ngôn ngữ cuả Roman, mở miệng ra, câu nói nào cũng bắt đầu bằng tiếng chưởi thề dòn tan , hai tai tôi nóng bừng, vốn tiếng Anh tôi học qua, cộng thêm với tháng ngày làm việc, mớ từ ngữ không tra được trong tự điển, thứ tiếng Anh học từ những cơ sở lao động, nặng nề hơn những chiếc loa phóng thanh, màng tai tôi như đang bị tra tấn, không còn đủ máu luân chuyển, khuôn mặt đỏ ngượng ngùng, Allena biết tôi không quen nghe chưởi thề, cô xin lỗi rối rít, và giải thích thêm, Roman sinh ở Ba Lan, cách Warsaw chừng vài tiếng lái xe thôi, anh sang đây diện di dân, lao động, làm việc, nhờ kết hôn với cô nên nhập tịch Hoa Kỳ .

Vượt qua những tiếng chưởi thề mở đầu và chấm câu cuả Roman, tôi nhìn thấy sự chân thật, đơn giản trong cuộc sống cuả anh. Mảnh vườn sau nhà anh trồng đủ các thứ hoa màu. Thuở mới dọn vào nhà, khi nhìn thấy tôi đang cuốc đất, dọn một khoảnh sân cỏ để trồng hoa, anh mang cuốc sang, hỏi bằng thứ tiếng Anh đơn giản

– Chồng Dolly đâu rồi? Đây là chuyện cuả đàn ông.

Tôi cố gắng giản dị hoá ngôn ngữ, nói với anh là nhà tôi đi làm, tôi nghỉ hôm nay, tôi thích làm vườn, nên ra ngoài cuốc đất trồng hoa. Nói thế, anh vẫn giằng lấy cuốc, bảo tôi tránh ra, anh chỉ nhanh tay cuốc một loáng là cả luống đât đã bung lên, thành hàng, ngay ngắn. Mảnh vườn hoa con con cuả tôi vốn dĩ đầy đất sét, tôi phải khệ nệ mang từng bao đất về xới, trộn cho có chút màu mỡ, nuôi những luống hoa tươi thắm màu sắc cho mùa hè, rực rỡ vào mùa thu. Roman làm cả xóm phải khổ sở vì anh. Sân cỏ nhà anh bao giờ cũng xanh mượt, hết tưới nước thì lại cắt cho bằng, Những luống hoa kèn nhiều màu, hống thắm, tím ngát, ai đi ngang qua cũng trầm trồ…Suốt mùa hè, ngày nào Roman về tới nhà, không ra cắt cỏ thì tưới hoa, vun quén khu vườn sau nhà…Khu vườn nhỏ nhoi nhưng trồng đầy các thức rau cải, gia vị, cà chua, , ớt ngọt , bắp …

 

– Cheer

Nâng ly rượu Vodka lên , Roman cheer với Tân, dăm lần như vậy là cả hai ngồi lờ đờ, ngất ngưỡng, miết rồi Tân phải chờ cho Roman vắng nhà mới dám ra ngoài cắt cỏ, vì thấy bóng Tân là anh chàng lại tay xách chai Smirnoff ra , hai cái ly đầy nước đá cục, hắn uống như đổ nước xuống cống. Ngày nào không có rượu vào, là chuyện lạ với hắn … Nhưng hắn lại rất ngoan đạo, sáng chuá nhật nào, cũng quần áo chỉnh tề, đi nhà thờ xem lễ. Vừa về nhà, thay bộ quần áo lễ bằng y phục thường ngày, chưa quá ngọ đã thấy trên tay cầm cái ly đá pha Vodka, màu trắng trong vắt. Muà Lễ Chuá Giáng Trần hay Phục Sinh, anh ta luôn cẩn trọng mang quà cáp sang, anh biếu chúng tôi món xúc xích đặc biệt cuả dân Ba Lan, do chính anh tự đi giết thịt, làm lấy, hong khói. Đổi lại chúng tôi phải ròng rã cuốn chả giò, chiên cơm mang sang biếu trả lễ.

 

Tiếng động cơ máy cày rì rào, hình dạng to thù lù trông như con quái vật, đang há cái mồm to, hàm phô lởm chởm, sừng sửng tiến vào, ngấu nghiến nhai nát tấm thảm cây xanh , hàng Dã quì vừa lấm tấm màu lá non, hoa dại phô màu vàng mơ rực rỡ, chưa kịp tắm nắng mai, đã tàn theo dấu chân hung bạọ. Cỏ cây sinh ra từ lòng đất, nay nghiêng ngã trở về …Dolly sửng sốt nhìn những luống đất, hình ảnh Roman và Joey, những giọt mồ hôi thấm vào lòng đất, hẳn vẫn còn giọt muối chưa tan. Mảnh vườn con con mà hai bố con hì hục cuốc từng luống, lên từng liếp, thả những hạt giống, vừa bén mầm xanh mơ. Chiếc maý cày lù đù tiến vào, cuốn theo dưới làn mắc xích, rể cây bật tung, thân non nhầu nát, Dolly nhắm mắt lại, nhớ thật rõ ràng hình ảnh chiếc xe tăng, nhìn như con quái vật, đã cán nát giấc mộng đầu đời. Cuộc chiến bao nhiêu năm qua, chỉ là cơn mộng dữ, theo đưổi đến bao giờ ? Luồng hơi lạnh chạy dài theo sống lưng, tựa vào gốc cây, nhìn thẳng, ánh mắt như dán vào con vật vô tri giác, đang tham lam ngốn ngấu, đang gieo rắc kinh hoàng.Tưỏng chừng không còn nhớ lại được, thời gian qua, từ lâu lắm rồi, nhưng nổi ám ảnh không chịu rời đi .

Roman hùng hổ bước ra từ trong khung cửa, chưa kịp thấy bóng người đã nghe một tràng chưởi thề, giòn giã như tiếng tiểu liên đang khạc đạn. Dolly nhíu mày , không khí bùng lên muì chiến tranh, như cơn hoả hoạn đang được chế thêm dầu, quạt thêm gió. Lao theo dấu chiếc máy cày, ném tung toé các cọc nhọn làm hàng rào chắn họ hàng nhà thỏ, Roman như điên cuồng nhìn mảnh vườn tan hoang, chiếc máy cày ngạo nghễ , anh ta buông ra từng tràng, đầy những tiếng chưởi ruả muôn màu vạn sắc, thứ ngôn ngữ một đời cần cù tụng tự điển, Dolly cũng không thể nào hình dung. Hàng ngày, theo mỗi chấm câu, mở đầu của anh đã đầy tiếng chưởi thề, trong cơn giận dữ, không còn từ ngữ dơ dạng tượng hình nào mà anh học được từ trong công xưởng, laị không mang ra thực hành .

– Allena, ngăn Roman lại, anh nóng quá, đánh người là mang hoạ vào thân

– Roman nổi cơn điên vì mụ chủ đất cày nát vườn rau, chặt bỏ hàng Lilac.

– Mụ cày xới , lấy đất để làm gì vậy ??

– Mụ có cần làm gì đâu, đất trống mà, chỉ vì mình trồng trọt, mụ không thích nên phá bỏ đó

– Tưởng là mụ nên mang ơn mình mới đúng chứ, đã dọn dẹp và trồng trọt cho vui mắt, làm sạch sẽ các thứ cỏ dại cho mụ rồi .

– Thế thì còn nói gì nữa, đáng kiếp mụ, hồi lão gia qua đời “ God rest his soul” mấy anh chị em tranh nhau miếng đất, cãi cọ lung tung , mụ ta ỷ có bồ là luật sư nên xử ép hai người kia, Mụ nghĩ là miếng đất nhiều giá trị, có thể chia ra thành lô bán nhiều tiền hơn nên mới giành lấy, giao các phần gia tài khác lại cho mấy người anh em, không ngờ là đất trủng, không thể xây cất được, cuối cùng thì nằm đó thôi. Đã vậy, vẫn phải chăm sóc, chi phí cho việc cắt cỏ, khai khẩn sạch sẽ, và nhất là phải nộp thuế đất đai hàng năm.

– Thật ra thì muốn xây cất trên khu đất đó, bà ấy phải mướn hoạ sư vẽ và thiết kế cẩn thận, không thì tiền mất tật mang.

– Mướn thì phải tốn nhiều tiền lắm, Chưa kề, Dolly nhớ hồi mấy căn nhà bên kia khi xây không ? Tốn bao nhiêu là móng mới xây được, dù sao, đất chổ ấy còn cao hơn, nếu mảnh nầy muốn xây nhà, còn cần nhiều hơn nữa đó

– Vâng, phần đất nầy chỉ có thể để cây xanh thôi, chứ nếu xẻ ra, ít nhất phải có người thật giỏi, tính toán cho thật chính xác chi li, không thì xây hỏng, chưa kề sẽ dễ bị ngập nước. Mà nầy Allena, lâu nay không thấy gã luật sư gởi giấy tờ gì hết ?

– Sau lần Mụ đòi đốn hàng Lilac, bị Roman điên tiết rượt chạy, hắn gởi thư hăm doạ, sẽ nộp đơn kiện ra toà, Roman mắng cho một trận tơi tả, không thấy gã trở lại. Chắc lại bỏ nhau rồi, cái bọn hút máu đó, giống như đỉa ấy mà, khi hút đầy máu cũng đã chán chường rồi, bám theo làm gì nữa ?

– Chuyện cũng lạ đó, chứ đỉa mà laị tha máu hay sao ??

– Biết đâu đã tìm được mồi ngon hơn ? Bọn già nhân ngãi non vợ chồng, không thích nhau thì xách gói ra đi .

 

 

– Cheer,

– Cheer

Vốn Anh Ngữ cuả Roman ngoài những câu chưởi thề giòn tan, thật ít ỏi, nhưng cũng đủ giải thích với chúng tôi, tấm lòng thương nhớ quê nhà. Tiếng mất tiếng còn, từng manh chắp vá, từ những cánh đồng bát ngát cuả quê nhà, Roman đã lớn lên, Ba Lan vào những ngày Xã Hội chủ nghĩa, cũng giống như các nước nghèo nàn của Âu Châu, hắn tha phương cầu thực, lao động vinh thân. Roman sang đây, theo gót một người anh họ, lao động cực lực, công việc không đòi hỏi chuyên môn, hay vốn liếng Anh ngữ. Vừa học thêm nghề nghiệp, vừa lao đầu vào công việc, dùng sức khỏe, mồ hôi, đổi miếng ăn và cuộc sống hàng ngày. Cái hào quang rực rỡ cuả thiên đường Cộng sản không giữ ấm được mùa đông băng giá, không làm đầy cái bao tử lép xẹp vì thiếu ăn.Trong lúc, thực phẩm thừa mưá phải đổ đi, nơi mà họ goị là điạ ngục tư bản bóc lột nầy. Những muà Giáng Sinh, tấm thiệp ghi các món quà dài như lá sớ Táo quân, dù đông hay tây, dù màu da trắng hay vàng, trong tận cùng các ngăn tim máu đỏ, vẫn là hình bóng quê nhà, vẫn là người Mẹ già hắt hiu trông ngóng đứa con xa.

Mùa hè năm trước đây, Roman sang tâm sự với Tân, anh nhớ quê nhà da diết, muốn về thăm Mẹ, lại ngại chuyện phải qua bao nhiêu cửa khẩu khó khăn. Sau lần khủng bố, vào ra các phi trường như qua bao nhiêu vòng thành kiên cố. Thủ tục thật lôi thôi, hỏi han bất nhất .Vốn tiếng Anh quờ quạng, anh rất ngại ngần, nếu mang cả nhà, Allena và các con cùng về thì tốn quá nhiều tiền …chi phí nầy anh không thể gánh nổi, cuối cùng thì Tân khuyên anh nên đi một mình, vì nghĩ đến Mẹ già mong thấy lại đứa con đi xa. Tân tình nguyện đưa anh ra phi trường, sẽ lo dùm anh các thủ tục xuất cũng như nhập cảnh, anh cám ơn rối rít, sau dăm ba lần “ Cheer “ anh ngất ngưỡng chân đàng nam lôi chân đàng bắc, lê thê bước về nhà .

Ngày hành trang lên đường, Roman lễ mễ, lăng xăng xếp các thức quà cáp, nhìn đống hành lý, nghĩ đến những chuyến về thăm quê nhà cuả chúng tôi, cho dù Âu hay Á, cũng giống như nhau, cũng gói ghém bao nhiêu thứ để mang về. Anh cảm ơn rối rít khi Tân đưa anh vào phi trường, giúp anh lo xong các thủ tục. Chia tay anh, Allena và hai đứa bé theo chúng tôi ra về, cô liên miên kể cho chúng tôi nghe về tình hình sinh sống bên ấy, lần cô sang thăm, lúc chưa sinh các con, những khó khăn vật chất cuả các nước xã hôi chủ nghiã, cũng khuôn phép, luật lệ lề mề như nhau. Cô sinh và lớn lên bên xứ tự do, cho nên những thiếu thốn chỉ là hình dung trong báo chí. Ngược lại, Roman sống trong khu nông trại, cả gia đình bám vào năm mươi mẫu đất trồng trọt. Anh khoe với Tân những luống hoa màu, ngũ cốc, khi ngọn bắp trổ cờ, luống rau xanh ngắt, trong đôi mắt anh, niềm kiêu hảnh long lanh rạng ngời, ánh mắt chan chứa nổi khát khao, niềm vui thoát ra theo từng câu nói vụng về, nhưng tình thương đất Mẹ bao la, không phân biệt màu da chủng tộc.

 

Hàng cây Lilac, hình ảnh cuả Mẹ anh, qua từng mẫu chuyện, dù vụng về, tiếng mất tiếng còn, nhưng chúng tôi hiểu cơn giận dữ cuả anh, Khi nhìn thấy con quái vật đang chực chờ ngấu nghiến. Hình ảnh căn nhà ở vùng quê, Bố anh đổ bao nhiêu mồ hôi ra xây cất, những luống hoa đủ màu sắc, mỗi năm, ngày Mother Day, anh và các anh chị em trồng cho Mẹ.Hàng Lilac sau nhà, nụ đầy cành, tím long lanh, hương ngát từng muà xuân, anh vẫn trân trọng cắt mỗi ngày, khi nghe tiếng gỏ vào cửa kính , nhìn thấy anh ngoài sân nắng, chùm hoa trên tay, anh lại mang sang tặng tôi, làm sao anh không nổi cơn , điên tiết khi thấy chúng sắp sửa tận diệt?

Nắng đầu ngày, nắng thật trong, những nụ hoa tím ngát trên tay tôi hương thơm nhẹ nhàng, hương thơm gói trọn niềm nhớ quê hương .

 

Vũ Thị Thiên Thư

 

Lilac : Hoa Tử đinh hương

Dendelion : Hoa màu vàng lá dài răng cưa nhọn như hàm sư tử

Vodka : Rượu cuả Liên Sô , trắng như rượu nếp cuả Việt Nam

Smirnoff : Tên riêng cuả mốt loại rượu Vodka

“ God rest his soul “ : Cấu cho linh hồn ông ta an nghĩ

Mother Day : Ngày Lễ Mẹ

 

Xin Mời theo link :

Truyện : Vũ Thị Thiên Thư Diễn đọc Hồng Vân VOA

http://www.voanews.com/vietnamese/archive/2008-11/2008-11-25-voa40.cfm