Cuối đời tơ vương

Cuối đời tơ vương

 

Bâng khuâng nhìn ánh sao mai

Tàn đêm cơn mộng ngất ngây huong nồng

cõi tình bước lạc mênh mơng

Đêm xuân bên ánh lửa hồng mắt môi

 

Cầu tình nối nhịp đơi nơi

Bên dòng thương đợi b óng người trăm năm

Chức Ngưu dù chỉ một lần

Ân tình là cả sông Ngân miệt mài

 

Gặp nhau từ thuở hoa khai

Nhớ nhau vàng cánh lá bay cuối trời

Vắn dài như giọt mưa rơi

Tình ơi đoạn nổi suốt đời tơ vương

 

Vũ Thị Thiên Thư

 

Kiều Nương

 

 

Kiều Nương

 

– Em biết anh không nhớ em là ai đâu, em giữ xe ở trước nhà Bác Năm đó

– Thật tình anh không nhớ, nhưng em sang được bên nầy từ bao giờ ?

Cô nhỏ khởi đầu câu chuyện, như dòng nước lũ, tràn lan, không dứt. Trong trí nhớ chỉ mù mờ, hỗn mang hình ảnh, không biết hắn là cô bé nào, trước nhà ngồi bao nhiêu người, nón lá che nửa khuôn mặt, tiếng nói liú ríu, câu chào hỏi hững hờ. Căn nhà như pháo đài, vào ra hai lần cửa sắt, khoá chìa lẫn khoá số, ngột ngạt với khí trời oi bức, khói xe và bụi đường luôn dầy đặc. Thành phố ngày mới lớn thay đổi bộ mặt hoàn toàn. Trở về như Từ Thức, lang thang các nẻo đường khi xưa cùng bạn bè đàn đúm, những tên còn lại, đếm không đầy ngón tay, nhìn nhau ngại ngần, cái khoảng cách thời gian và mặc cảm cuả người ở lại, như đại dương chia lòng người, biết bao giờ mới bắt được nhịp cầu cảm thông ?

– Chuyện dài lắm anh a, em qua Mỹ hơn một năm rồi, hồi đó chị Mỵ có cho em số phôn mà em để mất nên chẳng biết đâu mà tìm.

– Chị Mỵ đi làm đến tối mới về, cuối tuần em gọi lại được không?

– Dạ, để em goị chị Mỵ, gọi đúng số cuả anh chị rồi, em mừng lắm, nhưng cuối tuần em đi làm anh à, mà thôi, không sao đâu, em gọi cũng được mà.

Cô nhỏ huyên thuyên kể chuyện, liên tục như dòng suối, không đầu đuôi…gác máy xuống Quân hoàn toàn không hiểu câu chuyện ra sao, nguyên nhân bắt đầu vả diễn tiến thế nào. Cố moi móc trong trí nhớ, chắp nối lại, cũng không thể hình dung, bức tranh chỉ toàn những màu sắc vô nghĩa. Trong cuộc sống thường nhật, vội vã chạy theo kim đồng hồ, máy móc, sinh hoạt hàng ngày, đôi lúc không còn thời gian để ăn và ngủ, huống gì chuyện bàng quang thiên hạ. Nhưng có điều gì làm cho Quân băn khoăn, thường ngày đọc báo chí, trên mạng, những mẩu chuyện cuả người phụ nữ cùng với giấc mơ vượt khỏi thiên đàng xã hội chủ nghĩa, đã có biết bao nhiêu trường hợp sa chân vào cảnh ngộ đoạn trường…??

Nghe câu chuyện Quân kể lại, Mỵ không đủ chi tiết để có thể tìm ra cô nhỏ. Như bao nhiêu chuyện cơm áo, bầu cử, giá xăng dầu cao vùn vụt, thực phẩm tăng theo mức độ phi thuyền, mà giá lương thì nằm ì không di chuyển, từng ngày qua, tưởng đã chìm lắng, Cô nhỏ gọi điện thoại bất ngờ.

– A lô ! Chị Mỵ? Em là Thùy, chị còn nhớ em không? Em ngồi giữ xe ở Bưu điện bên cạnh nhà, mỗi lần chị về là gặp em đó

– Ô! Chị nhớ rồi, em sang đây bao lâu ? Sao không gọi chị ? Hôm trước chị về thăm nhà, nghe Mẹ chị hỏi có gặp em không? Lạ quá chị không hề nhận được tin tức gì cuả em hết, tại sao vậy ?

– Em qua năm rưởi rồi chị à , em làm mất số phôn nên không biết chị ở đâu mà gọi hết? Chị về thăm Bác Năm hồi nào vậy?

– Chị mới về hôm Tết

– Trời ơi! nhắc tới Tết, em nhớ nhà quá chừng, khóc muốn chết.

– Tội nghiệp, bây giờ em đang ở đâu?

– Em không biết, cái thành phố nầy tên gì, chữ dài thòng khó nhớ quá .

– Em có điện thoại riêng không ? Em đang gọi chị từ nơi nào?

– Em có điện thoại di động mà, gọi dễ lắm chị.

Chắp lại các mẩu chuyện, không đầu không đuôi, cố gắng hình dung, bây giờ thì Mỵ hiểu tại sao Quân đầu hàng. Cô nhỏ nói chuyện huyên thuyên, nhưng không biết bắt đầu từ đâu, đang kể chuyện mình, lại chuyển sang người khác… Từ sau chuyến về thăm Mẹ, thấy hắn đang ngồi giữ xe cho bưu điện cạnh nhà, hắn tíu tít khoe sẽ lấy chồng Việt Kiều, Mỵ ngần ngại, không biết câu chuyện thật hư, Mẹ kể lại rằng hắn hỏi thăm mấy chị bên Mỹ ở tiểu bang nào, biết Mỵ đang định cư ở Indiana, hắn mừng quá, chắc là cùng nơi hắn sắp đến.

Tết vưà qua lại về thăm Mẹ, không thấy hắn ngồi cạnh nhà giữ xe nữa, tưởng là hắn thôi việc. Cũng như bao nhiêu cơ sở kinh doanh nhỏ, bưu điện ế ẩm, bây giờ người ta dùng máy vi tính tại gia, các dịch vụ không còn thu được lợi nhuận, kèm theo chi phí thuê cơ sở lên cao, nên các nhà bưu điện dần dần đóng cửa, kinh tế bạo phát bạo tàn, người ta xoay qua tìm nguồn lợi khác để kiếm ăn.

– Chị biết tại sao em tìm ra chị không? Thiệt là hên chớ em biết chị ở đâu mà kiếm, mất cái số phôn từ nẳm rồi, Chị Giáo cho em số điện thoại, chuyện lạ hén, hồi em còn ở bên nhà, chị ấy đi bác sĩ, mắc mưa, em mời chị vô ngồi chờ mưa tạnh rồi hẳng đi, em hổng biết chỉ là Việt Kiều, ai dè khi em qua đây, em đi làm neo [nail] cho tiệm cuả bà Mỹ, gặp chị Giáo làm trong đó, em nhớ chỉ mà chỉ không nhớ em, mà em quên là hồi đó em ngồi ngoài nắng suốt ngày, da đen như Miên, bây giờ em ở trong nhà, da trắng và đẹp ra, mà chắc chắn chị cũng không nhận ra em đâu, em nói thiệt đó, em đẹp hơn hồi xưa nhiều lắm .

– Vậy chị cũng mừng cho em

– Ủa em kể tới đâu rồi ? Ừ ! Chị Giáo là bạn cuả bà Mỹ, nên em giấu chỉ, nói là em làm hôn thú giả để qua đây, nhưng mà qua bên nầy rồi em lấy chồng thiệt. Chồng em lớn hơn em nhiều lắm, nhưng ảnh thương em mà. Chỉ vì bà Mỹ ghen quá chừng nên ảnh phải dẫn em đi trốn.

– Ủa , sao có chuyện đó vậy em? Chị không hiểu em muốn nói gì, sao lại phải đi trốn?

– Thì bà Mỹ đó chị, bả là bồ cuả chồng em, bả có chồng rồi, nhưng ai cũng cặp bồ hết, bà mở tiệm neo, để cho chồng em hợp tác làm quản lý, rồi bả ghen tương tùm lum

– Lạ vậy em , không phải là vợ chồng thì ghen làm sao?

– Bả là chủ mà chị.Thợ neo nào đi làm cho bà không được đùa giỡn với anh ấy, bà mà thấy thì bà tức, cắt giờ làm, hay là cho nghỉ việc …Lúc đầu chị Giáo cũng làm cho bà, nhưng sau đó thì chỉ nghỉ, đi làm chổ khác dễ thở hơn, em còn chịu trận làm hoài, vì không biết đi đâu, chừng em lấy chồng thì bà biết được nên làm dữ với ảnh, bắt ảnh bỏ em, nên ảnh sợ quá, phải gởi em qua nhà bà cô ở xa lằm, ở tiểu bang gì khó kêu quá “ Sao Ca Rô Lai Na , Lái Nà [ South Carolina ] Mèn tiếng Mỹ khó nuốt quá.

– Em có chồng thì chuyện gì phải đi trốn ?

– Em làm giấy gỉả mà chị, đâu có tính ở thiệt đâu, bây giờ lỡ lấy thì phải chịu thôi

– Nhưng em có giấy tờ hợp lệ không?

– Chồng em ảnh lo hết mọi chuyện mà, em không biết gì hết, chữ Tây chữ Mỹ em học không vô, ảnh dạy em hoài, để em nói chuyện với khách mà em cứ quên trước quên sau, nói ngược nói ngạo, nhưng mà khách hàng cũng thương, tại em chịu khó và làm kỹ càng lắm, mình chiều khách nên họ không cần em nói chuyện giỏi, làm khéo là họ ưng rồi.

– Vậy em làm có khá không?

– Em làm có ba ngày thôi chị à, cuồi tuần và thứ tư, tại mấy ngày đó bả nghỉ làm, mấy con nhỏ mới không biết em là ai, hồi trước em là Ti Na, bây giờ em là Li sa, bả tưởng là chồng em mướn thợ mới.

– Sao lại khó khăn vậy em? Không đi chổ khác làm cho tiện việc ?

– Em không biết đường xá, chồng em chở đi đâu thì đi đó thôi, cuối tuần ảnh chở em đi chơi, đi chợ, đi ăn nhà hàng, em đi ngang nhà má chồng em mà không dám vô. Em mà nói ra chị chắc biết bà má chồng cuả em đó

– Nhà chồng cuả em ở đâu?

– Ba má cuả ảnh có cửa tiệm mà chị, ở khu “ up thau “ [ up town ]tiệm lớn lắm có tên tuổi nên ảnh chưa dám đưa em về giới thiệu

– Nhưng làm sao em quen với anh ấy

– Chuyện vầy nè, bà Mỹ quen với chị cuả em, bà đi về Việt Nam thường xuyên mà, nghe bà giới thiệu nên chị em mới biểu em làm đám cưới giả để qua đây, Chồng em về làm hôn thú rồi lo giấy tờ bảo lảnh, hồi em gặp chị ở bên nhà là em sắp đi phỏng vấn. Nhiều người rớt đài lắm chị à, em hên quá, nó chẳng hỏi gì, nhìn ông Mỹ là sợ hết hồn viá rồi, chừng nó chứng giấy chấp thuận, em còn chưa tin mà. Em đi sau tháng mười năm hai ngàn lẻ saú .

– Tháng đó chị có về thăm nhà, sao không gặp em?

– Em nghỉ làm rồi, mấy tháng gần đi Mỹ, em đi học làm neo [ nail ] mà, hồi đó chồng em tưởng là em đi dạy học, tại bà Mỹ biểu chị cuả em nói dối, chứ em có học hành bao nhiêu đâu mà dạy dỗ ? Vậy mà chồng em cũng tin, ảnh về làm giấy tờ xin cưới xong rồi đi, làm giấy giả thôi chị à, tốn tiền bao nhiêu, qua bên nầy em sẽ đi làm trả lại từ từ.

– Chị hỏi thăm mấy người làm , biết là em đi Mỹ rồi, mà không nghe em gọi điện thoại, cho nên không biết em ở đâu mà tìm

– Em làm mất số điện thoại cuả chị rồi lấy gì gọi, ừ mà ngộ hén, em gặp lại chị Giáo, hỏi ra thì chỉ nói biết chị và anh Quân rành lắm, hồi trước chỉ ờ gần chị, nhờ chỉ cho em mới có số phôn để gọi chị đây nè. Em qua cả năm, buồn nhớ nhà quá chừng, lúc đầu còn đi làm suốt cả tuần, ra ngoài tiệm neo , có bạn bè tán dóc, đở buồn hơn, lại có tiền. Chị biết không, em để dành được mấy ngàn gởi về cho Ba em rồi đó.

– Em giỏi quá, Ba em năm nầy mấy mươi rồi ?

– Thua bác Năm có mấy tuổi thôi chị à, hơn bảy mươi rồi. Em ráng kiếm tiền để dành thêm, chồng em hứa Tết sẽ dẫn em về thăm nhà.

– Em chưa về lần nào hết hở?

– Em đâu có biết đường xá gì mà đi, ảnh phải dẫn em về một lần, em sẽ ráng nhớ đường đi nước bước, lần sau có về một mình thì còn biết mà đi, ba em già rồi, lỡ có bệnh hoạn thì em phải về thăm, mà bác Năm khỏe không chị ?

– Cảm ơn em, Ba Mẹ chị cũng an em à.

– Ừ , quên, thôi em để chị làm việc , bữa nào em gọi nói chuyện tiếp nhen.

Tần ngần nhìn con số ghi vội trên mảnh giấy con, hình ảnh cô nhỏ chỉ là những nét chấm phá mờ nhạt. Mỗi người phụ nữ sinh ra, ẩn dưới ngôi sao nào, trong xanh hay tăm tối ? Câu chuyên làm Mỵ nghĩ đến những trường hơp phụ nữ lấy chồng xa xứ, Mẩu tin tức đọc hàng ngày, Thời đại vi tính, khoảng cách nửa vòng địa cầu, chuyện trò nhau qua màn hình như gang tất. Con người văn minh, hiện đại, kêu gào Nhân quyền, phỉ báng chế độ nô lệ, bóc lột, nhưng tại sao vẫn còn trường họp bán thân để nuôi gia đình?

Bầy con gái, sinh trong vùng đồng bằng, sông nước Cửu Long ngọt ngào, chỉ vì một câu nói : “ Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô “, giá trị là con số không vì trọng nam khinh nữ. Đến lúc cán cân gái thiếu trai thừa, không có phụ nữ để kết hôn, sinh con, nối dòng nối dõi, bấy giờ mới chạy đôn chạy đáo sang xứ sở cuả người anh em mà kiếm tìm. Giá trị của những cô gái chân lấm tay bùn, hoa hèn cỏ nội, bỗng chốc biến thành Kiếu Nương, bán thân mình làm cứu cánh cho nồi cơm manh áo.

Từ vùng ruộng đồng thẳng cánh cò bay khi xưa, những người thiếu nữ aó nâu tay nọc cấy, quanh quẩn bên sông ngòi, như bầy kiến bám theo vết mật, lăn về thành phố, lột lớp chân phèn, học đi đứng ăn nói, để biến thành những kiều nương, phấn son, lụa là, chưng bày trong chợ buôn người cho khách đến mua vui trả giá, kỳ kèo bớt một thêm hai, ngắm nghía thân mình, vò nắm tay chân, như một món hàng không hơn không kém. Nếu may mắn hơn, thì được bọn buôn người mối lái cho tấm chồng ngoại kiều, Đài loan hay Hàn quốc, cũng chỉ là thân phận bọt bèo trôi dạt, bến nước mười hai.

Những cánh thư từ xa, mang theo món tiền dành dụm để trả hiếu cho cha mẹ nghèo, em thơ dại. Lưu lạc trong dòng đời xuôi ngược, có mấy ai được hưởng phúc phần?

– Chị Mỵ, em biết chổ ở cuả mình rồi …

– Vậy tốt lắm em à , nói cho chị biết đi,

– À ..P bê phở đó chị , ô , bê ô x sờ . em đọc từng chữ chị ghi nhen

– Uả , vậy là P O BOX hở em

– Đúng rồi đó chị, rồi kế đó là ếch xê …

– Thuỳ ơi, không phải địa chỉ nhà ở cuả em rồi. Đó chỉ là số hộp thư thôi em, tên thành phố nằm bên dưới đó, Chữ Il hay IN và một hàng năm số kế tiếp.

– Vậy sao chị, em đâu biết, mà cái nầy dài lắm chị à, năm số, một gạch rối bốn số nữa , hay để chiều nay em hỏi lại chồng em nha.

Tôi ngẩn người, không biết nên khóc hay nên cười cho số phận cuả cô nhỏ, phiá sau khung cửa xanh màu tự do, nơi hàng trăm ngàn người ao ước, có còn điều gì bí ẩn? Cô bé Thuỳ, sang Mỹ đã hơn một năm rồi. Ngôn ngữ Mẹ viết chưa trôi, đọc hàng số P.O.Box cuả bưu điện mà cứ tưởng là điạ chỉ nhà. Quân nhìn tôi ái ngại, biết trong tôi có trăm ngàn câu hỏi, biết tôi luôn nhạy cảm về những vấn để liên quan đến phụ nữ, cảm thông cho thân phận bọt bèo, nhưng trường hợp hãn hữu nầy, tôi cũng đành bó tay.

Không lẽ ở thời đại nầy, biết hỏi ai , trời xanh cao, tại sao vẫn còn những Kiều nương lưu lạc theo dòng đời?

Thân phận cuả người phụ nữ, như cánh bèo trôi dạt …nước cuốn hoa trôi ..!!

Vũ Thị Thiên Thư

 

 

Đá vàng ơi gọi !!

Đá vàng ơi gọi !!

Con đường xanh cây lá

Những vòng xe vô ưu

Quên cánh rừng nghiệt ngã

Giết nhau không oán cừu

Tuổi vàng hay tuổi đá

Cũng chung một bầu trời

Che cánh dù tuổi nhỏ

Hữu tình mưa rơi rơi

Thẹn thùng chi cuí mặt

Khép lại trời đông phương

Bao từ ngôn góp nhặt

Chứa cho đầy dư hương

Màu trăng xanh huyền thoại

Vụng về tay ngón ngoan

Dìu nhau không ngần ngại

Niềm hạnh phúc lây lan

Bóng đêm và huyễn mộng

Mơ hồ dáng tiểu thư

Tên si tình vẫn ngóng

Vạt áo trắng sương mù

Đá vàng riêng một cõi

Thệ nguyền như gió bay

Thơ mây sầu trôi nổi

Cơm áo nặng oằn vai …

Vũ Thị Thiên Thư

Bên Kia Lăng Kính

Bên Kia Lăng Kính

 

 

– Cô có đi hộp đêm bao giờ chưa ?

– Hộp đêm à ? Là nơi uống rựợu phải không? Cô không uống được rượu

– Không , ý em muốn nói là loại vũ trường bỏ tuí ấy mà, nơi có bar rượu, có nhạc sống, có trình diễn vũ khỏa thân …

– Oh ! Chổ ấy thì , thú thật, cô chưa đến bao giờ

– Thưa Cô , Em đang làm việc nơi ấy .

 

Tôi nhìn cô bé hoc trò, khuôn mặt nhỏ nhắn, không còn nét ngây thơ. Ngày vào nhận lớp, từ cơ sở cũ chuyển sang, tôi ngại ngần vô cùng, thú thật , tôi vẫn thương đám học trò mà ban giám hiệu dán cho tấm nhản “ bất trị ”. Giống như dây chùm gởi, cơ sở daỵ dỗ cuả chúng tôi chỉ là những phòng học nằm bên một nhánh riêng biệt. Ngôi trường Trung học cuả thành phố nổi tiếng nhất nước Mỹ về tội ác, nơi tôi cắm cuí, kiên nhẫn, hàng ngày mang chút kiến thức mong truyền lại cho những thành viên tận cùng cuả xã hội, đưa bàn tay ra, níu kéo, diù dắt, giúp đỡ cho các em một cơ hội để làm lại cuộc đời. Điều cho đến bây giờ, chúng tôi vẫn tự hỏi, các em có cuộc sống bao giờ đâu mà bảo rằng làm lại? Lây lất trong căn nhà tồi tàn với người tạo ra hình vóc, ăn uống những thức ăn vương vãi, hàng ngày nhìn những cơn say ngất ngưỡng cuả rượu chè hay lờ đờ cuả ma tuý , nếu bảo đó là cuộc sống .

Đứng trên bảng đen, nhìn xuống những khuôn mặt trẻ không còn, già chưa tới, trong lòng đầy âu lo, giống như đang chờ ngòi thuốc nổ chậm bên cạnh kho mìn, như hai đối thủ gườm nhau trong trận đấu một mất một còn, giây phút quyết tử đang kề cận. Bây giờ tôi hiểu rất rõ lời cảnh cáo cuả anh chàng giám đốc chương trình. Dù Anh còn trẻ, rất nhiệt tâm, mới vừa nhập cuộc, còn tôi là người lính già, đã bao năm dạn dày sương gió. Nhưng điều nầy không làm Anh ngại ngần thú nhận là công việc trước mắt, thật không dễ dàng. Học trò cuả chúng tôi, nếu gọi những phần tử có tiền án, từ tuổi không còn vị thành niên, là học trò. Nhưng không gọi là học trò thì tôi không còn tên nào khác để gọi , và thật sự cầu mong Thượng Đế, nếu Ngài có lòng thương, hãy cho tôi can đảm vượt qua bước đầu tiên, tôi biết rõ hơn ai hết, không có cơ hội bắt nhịp cầu cảm thông, thì sẽ không còn chuyện dạy dỗ trong tương lai.

Thu hết can đảm, nhìn thẳng vào những ánh mắt chờ đợi, đánh giá đối tượng, tôi hỏi tên từng người, tự giới thiệu tên tôi. Bài học đầu tiên cuả tôi không dính dáng gì tới chương trình học, không khoa học nhồi nhét, không giáo điều căn bản, tôi hỏi chuyện từng em, dành cho một khoảng thời gian để phát biểu, im lặng nghe hoàn cảnh cá nhân. Không hỏi han , không kết tội, nhìn vào em, cố gắng tìm chút thiên lương nằm trong những khuôn mặt chưa thành nhân đã là tội phạm, chưa nên người đã mất quyền làm người .

Em học trò đang kể chuyện, mười tám tuổi, mới sinh được một bé gái vừa tròn năm tháng.Tên em là Sunny, tuổi nhỏ hơn trong số các cô học trò, nhưng trông già dặn, nét mặt cương quyết. Tôi cố giấu cảm tình với em, yêu mến ngay cái cá tính thẳng thắng, nhìn thẳng vào người đối diện. Là phụ nữ như nhau, tôi hiểu nỗi đau làm mẹ. Sunny hãy còn quá trẻ để gánh lên người cái trách nhiệm nặng nề ấy. Chính bản thân em còn chưa tự lực cánh sinh thì nói gì đến chuyện cưu mang thêm mốt đứa bé. Thuở cùng tuổi cuả em, con gái tôi hãy còn ngây thơ trong vòng tay cha mẹ, ngày ngày tung tăng đến trường, hết giờ học trong trường thì học đàn, học múa. Cuối tuần theo bạn bè họp Hướng Đạo, họp thanh thiếu niên trong nhà thờ

Để sinh được con lành lặn, tôi đã phải nằm treo chân suốt ba tháng trời , bao nhiêu khó khăn, con bé như một phép mầu, sau bao nhiêu lần thụ thai và hư thai, cơ thể tôi không chứa đựng được thai nhi, không còn hy vọng vào chuyện sinh con, vợ chồng tôi đã nghĩ đến chuyện nộp đơn xin trẻ con về nuôi, những ngày chầu chực ở văn phòng, chờ đợi thủ tục, đòi hỏi bao nhiêu giấy tờ, khai đi khai lại. Có người lại bày cho giải pháp thuê mướn người sinh con. Quá mệt mõi với các thủ tục giấy tờ, chờ đợi dai dẵng, và không còn tia hy vọng nào, cuối cùng như một phép lạ, khi biết mình lại mang thai, tôi xin huỷ hết các hợp đồng .

Bác sĩ đã cảnh cáo tôi, lần nầy phải hết sức thận trọng, nếu muốn giữ cho thai nhi khỏe mạnh để có thể sinh nở được.Khi theo dõi tiến trình lớn mạnh của thai nhi, dù phát triển chậm hơn dự tính, nhưng dạ con lại không đủ sức chứa, bác sĩ ra lệnh cho tôi phải vào bệnh viện ngay, thế là ba tháng nằm trên giường, ngay cả chuyện hàng ngày ăn uống sinh hoạt, tất cả cử động đều phải hạn chế, giống như gà nuôi ống tre, chỉ hai thước chiều dài, thước hai chiều ngang … Ròng rã cho đến lúc sinh ra Laura, con bé đỏ hỏn chưa nặng hơn hai kí lô, nhưng nhìn cái đầu nhỏ nằm trong lòng bàn tay, tay chân mong manh như cái que, trong lòng tôi dạt dào như trăm nghìn cánh hoa nở, nỗi đớn đau cưu mang không còn, làm sao đủ ngôn từ diễn tả cho hết thiên chức cuả Mẹ ?

Sinh được con, với tôi, đã trọn vẹn chức năng cuả người phụ nữ. Tôi thấy thương hơn những người chưa từng cưu mang, như vòng tròn chưa khép lại, như đêm không có rạng ngày, như hoa chưa mãn khai. Laura là niềm vui bất tận, là chuỗi ngày hạnh phúc, nhìn con lớn lên như con chim non, mọc từng sợi tóc, nứt từng nứu răng, cất tiếng đầu tiên gọi Bố Mẹ, bước chập chững, đi vào cuộc đời …Trong lòng tôi như mở hội, như caí bóng của tôi, theo tôi từng ngày, tuổi thơ ngây trân quí từng phút giây, là cuộn giấy thấm chứa từng giọt nước đẩm, tò mò theo chân Mẹ vào lớp học, để hiểu biết công việc cuả Mẹ hàng ngày. Đón đưa ngày đầu tiên vào trường, theo nhau từng mùa hè, lang thang đi cắm trại, chia sẻ nhau từng mảnh vụn vặt cuả cuộc sống, mở từng lớp hào quang bao quanh tuổi mới lớn, khám phá từng mảnh vụn liên kết cuả cầu vồng, nhìn xuyên qua lăng kính muôn màu vạn sắc cuả cuộc sống.

– Mẹ ơi ! Em chảy máu rồi …

Giọt nước mắt long lanh, tôi lặng lẽ ôm con vào lòng, nhẹ nhàng dỗ dành, thì thầm giải thích chu kỳ cuả phụ nữ. Sự bí mật huyền nhiệm vượt qua ngưỡng cửa thơ ấu, bước vào khung trời thiếu nữ đầy mơ ước băn khoăn. Tôi nhìn con, như nhìn vào tấm gương soi lại tuổi thiếu thời, thuở bóng tối che đầy, bí mật khám phá từ lời rỉ tai cuả bạn bè trang lứa, không đứa bé nào có kinh nghiệm về chuyện nguyệt kỳ, không có can đảm hỏi người lớn, chỉ thì thầm với nhau, giấu diếm cơn đau toát người, ẩn trốn những ngày không sạch sẽ như tội phạm, lén lút giặt giũ một mình, chờ đêm xuống mới mang quần áo ra phơi. Tôi nguyện với lòng, sẽ không bao giờ để Laura phải âm thầm chiụ đựng, gồng gánh một mình, chu kỳ cuả phụ nữ, như chuyện nắng mưa cuả đất trời, chuyện sản sinh truyền giống, luật tuần hoàn cuả vũ trụ, những gì tôi hiểu đưọc, quyết không giấu diếm con tôi .

Những năm trung học qua nhanh như ánh chớp, không còn những ngày rộn ràng chuẩn bị áo dạ hội đầu tiên, không còn ngất ngưởng ôm sách ngồi chờ con trong các trò chơi , thể thao, âm nhạc. Ngày Laura tỏ ý muốn tình nguyện sang Phi Châu một thời gian, tôi không biết nên khuyên thế nào. Tôi hằng khuyến khích con, học hỏi luôn luôn, tìm về nguồn cội, sao lại đành tâm ngăn trở khi Laura có ý định sống thực tế với đời. Chuẩn bị các thức cần thiết, hành trang nào đủ mang theo tấm lòng người Mẹ âu lo qua hàng ngàn dặm xa? Ngày tháng như chậm trôi, thư từ không nói hết, tôi mong ngày con về như nắng hạn chờ mưa. Lúc mới vào đaị học, dù ở trong ký túc xá, nhưng chỉ cách nhà hơn một tiếng lái xe, tôi có thể đến đó, mang các thức, thuốc men thực phẩm, khi trái gió trở trời, có thể đến đón con về, không phải chờ đợi từng cánh thư, theo dõi tin tức hàng ngày qua viễn thông hay báo chí…

Cuối cùng, khi hạn kỳ đến, tôi xôn xao ra phi trường.Ôm con trong tay, vuốt nhẹ những bím tóc thả dài xuống lưng, tháng năm thơ ấu và kỳ niệm trùng trùng ngập cả nỗi lòng, từ ngôn mất hút. Những ngày riú rít chuyện trò bù đắp cho khỏang thời gian cách xa cũng qua đi. Laura trầm mặc hơn, làm việc chuyên cần, cố gắng không ngừng nghỉ, nhìn con, đọc được sự trưởng thành sau chuyến đi trong đôi mắt, trong cách hành xử hàng ngày , niềm vui thấy con khôn lớn không qua được nỗi lo âu. Nghĩ đến con, ngày phải đương đấu với cuộc sống, tương lai.

Sống gần gũi với người bản xứ, giúp Laura nhìn thấy rõ hơn thế giới bên ngoài, còn có những cuộc sống bấp bênh, những chiến đấu không ngừng nghỉ với thiên nhiên, bệnh tật, để sinh tồn. Có những lúc, Laura nhìn xa xôi, trầm mặc, những lúc thả thanh âm hoang dã theo từng ngón tay, trút xuống phím đàn, gởi gấm trong cung bậc nỗi niềm khát khao. Bất chợt, như trong những mẫu chuyện trò cuả chúng tôi, như bức tranh sinh động, hàng ngày biến đổi rõ rệt ý hướng, tôi cố gắng giữ khoảng cách thân thiết, cận kề, để luôn là người bên cạnh con, Ngày nhìn con bước lên bụt nhận văn bằng, tôi như mộng du trong niềm hân hoan. Ít nhất trong cuộc sống, tôi đã hoàn thành việc sửa soạn cho con mớ hành trang cần thiết. Tôi không còn cái cảm giác lo âu sợ hãi, dù cho tương lai có những khó khăn mà tôi bất lưc, không thể che chở cho con suốt cuộc đời, nhưng đến phút giây nầy , tôi đã chu toàn điều mình luôn mong mõi .

 

– Đây là em bé cuả em

– Oh ! Mẹ em mới sinh à ?

– Không, con cuả em

Tôi ngẩn người nhìn tấm ảnh, giọng nói Sunny kiêu hãnh, đầy tình cảm chất chứa, ánh mắt ngổ ngáo thường ngày, thách thức tất cả mọi nguời, chợt diụ dàng thiết tha. Con bé trong tấm ảnh chừng gần tuổi đời, mái tóc xoăn tít, vành môi toát ra nụ cười ngây thơ trong sáng.

– Em bé được bao nhiêu tháng rồi ?

– Hơn tuổi rồi cô à, hình nầy đã cũ , em chưa có tiền chụp hình mới

– Thế ai trông em khi em đi học?

– Ban ngày thì gởi Mẹ em, tối thì em mang nó theo vào chỗ làm, họ có nhà trẻ cho con nít

– Chỗ nào mà nhận trẻ nhỏ ban đêm ? Làm sao em đưa đón ?

– Đâu cần đưa đón, ở tại chỗ mà cô, trong hộp đêm có phòng riêng

– Ấy chết ! Thật vậy sao? Em mang con vào hộp đêm gởi ?

– Dĩ nhiên rồi. chính vì lý do đó mà em mới làm cho họ

– Sunny , em có biết là họ lợi dụng em không ?

– Cô nghĩ là em còn cách nào khác hơn ? Tiện lợi cả hai đàng, em làm cho họ, còn họ sẽ giữ con cho em .

Tôi nhìn em đau điếng cả người, bọn buôn người, chúng nó lợi dụng sự khó khăn cuả các em để mướn hành nghề. Hộp đêm, chỉ có trời biết bao nhiêu hạng người vào ra, thuốc lá, men rượu, âm nhạc cuồng loạn. Học trò cuả tôi, không còn những ánh mắt thơ ngây, khuôn mặt trẻ chưa vào tuổi hai mươi, đã dạn dày sương gió, khói thuốc thở hàng đêm, cởi từng mảnh y phục mong manh, khêu gợi, làm một thứ trò chơi cho bọn đàn ông khả ố. Tôi không dám tin vào đôi tai mình, nghe những lời chân tình kể lể, suốt những năm dài hành nghề, truyền dạy kiến thức, sống qua bao nhiêu cảnh đời, vẫn không đủ sửa soạn cho tôi, làm người phải đối đầu với thực tế, mà tôi chỉ hình dung là những hư cấu cuả các nhà văn. Cuộc sống bên kia lăng kính muôn màu, không là màu hồng hạnh phúc, không là màu xanh hy vọng, không là màu vàng kiêu sang, không là màu đỏ thắng lợi rực rỡ. Trước mắt tôi, màu đen tăm tối đã tàn nhẫn tô lên đôi mắt trong sáng thơ ngây. Tôi cảm ơn thiên lương còn sót lại, cảm ơn tình yêu con vô biên cuả người nữ chân truyền mà thượng đế ban cho, tôi cuí xuống nhìn lại nụ cười thơ ngây trong tấm ảnh, vuốt ve chiều cong cuả manh giấy, tôi thành tâm cầu nguyện, hãy ban cho tôi nghị lực, soi sáng nẻo đường tâm, hãy cho tôi niềm tin và tinh thần minh mẫn, đủ can đảm để hoàn thành công việc, giúp cho các em cơ hội làm lại cuộc đời.

 

– Laura, Bố mẹ sang thăm Nội , con có đi bây giờ không ?

– Con đang soạn thêm một chương nữa. Chút làm xong con sẽ sang sau.

Laura trở về nhà chung sống với chúng tôi được hơn năm nay. Tôi thật sự an lòng hơn khi con quyết định về nhà. Dù tôn trọng ý muốn tự lập cuả con, nhưng hai năm sống bên ngoài, tất bật công việc mưu sinh và cộng thêm các công tác thiện nguyện đủ hao mòn sức khoẻ, cơn suyển thường xuyên phát tác, làm tăng thêm nỗi lo sợ cuả tôi. Từ khi Laura về, không khí trong nhà ấm hẳn lên, Bố cháu cũng trở nên linh động, vào ra tươi cười, căn bếp trống lạnh lẽo từ mấy năm nay, như có luồng khí nóng hồi sinh, đêm đêm trong nhà lại vang lên tiếng đàn thánh thót, chiếc dương cầm đứng trong góc buồn thiu, được người chuyên viên đến cẩn trọng cân lại từng cung bậc, những phím ngà réo rắc reo vui dưới những ngón tay thân yêu.

Muà Lễ Giáng Sinh, hai tuần nghỉ phép thong dong, chuẩn bị cho nửa năm học tới, Laura đang thảo chương trình sẵn sàng. Mai chúng tôi sẽ đi chơi xa vài hôm, năm nầy chúng tôi thực hiện chuyến đi Hot Spring đã hẹn từ bao lâu nay mà vẫn lần lựa mãi. Sau ngày rời trường, lao đầu vào công việc, chúng tôi có rất ít thời gian cho nhau, ngoài những lần đi làm tóc, đi lang thang trong thương xá ngắm hàng. Lần nầy chọn điạ điểm nghỉ ngơi, vào vùng suối nước nóng, tôi đã goị giữ chỗ trước, cho một ngày nghỉ ngơi và làm đẹp, phần thưởng giành riêng làm quà tặng bất ngờ cho Laura.

Phòng khách đầy bóng tối yên lặng, hơi lạnh rờn rợn, bật công tắc tiền sảnh, ánh đèn sáng diụ dàng không đón mời như thường ngày. Lạ nhỉ, Laura đi đâu mà không báo cho tôi. Chờ lâu, tưởng là con bận viêc làm chưa xong, không chờ thêm nữa, ăn tối xong chúng tôi từ giã bà Nội cháu quay về. Trong nhà im lìm không đèn đóm, cửa vẫn khóa. Ánh sáng nhỏ nhoi hắt ra từ trên phòng Laura, mở cánh cửa đang khép hờ, tôi bước vào, đèn bàn viết vẫn sáng, Laura gục trên bàn tư thế bất thường đập vào mắt tôi, hốt hoảng lay con, thân nhiệt không còn, bàn tay lạnh ngắt, tôi gọi chồng, không biết mình đã nói gì, điện thoại cấp cứu, cuống cuồng theo xe ..Tôi không còn nhớ những gì sảy ra sau đó, đầu óc hoàn toàn tê liệt, đi đứng như bản năng sinh tồn cuả muông thú. Cơn mộng dữ, trăm ngàn câu hỏi quay cuồng. Sao lại là con ? Sao không chờ Mẹ ? Ưóc gì tôi có thể quay lại thời gian, ước gì tôi đừng đi , ước gì …

 

– Bà nói gì ? Tôi có nghe lầm không ?Ai chết ?

– Laura, khi tôi về thấy con gục trên bàn, tay đã lạnh . Tôi không biết cháu bị từ bao giờ, goị cấp cứu nhưng đã muộn .

– Chúa tôi , sao lại có chuyện như vậy được ?

– Tôi cũng hỏi như vậy .

 

Tôi mất hướng đi, không còn thiết sống, nhìn quanh mỗi góc nhà, từng dấu vết thân quen. Vào nhà thờ, bạn bè nhìn tôi ái ngại, trông tiều tuỵ và mệt mõi, tôi như già nua hẳn dù chỉ một qua đêm. Bà bạn cũ gọi điện thoại thăm tôi, hẹn nhau đi ăn trưa. Thật lòng chuyện ăn uống không còn hứng thú, nhưng quanh quẩn mãi chắc tôi sẽ phát điên lên, nên tôi nhận lời. Bà hỏi tôi :

– Bà có nghĩ đến chuyện trở lại làm phụ giáo không ?

– Tôi đã về hưu mấy năm nay rồi .

– Nhưng không có nghĩa là Bà không có khả năng daỵ dỗ, hơn nữa Bà hãy còn trẻ, thừa kinh nghiệm, năng lực chưa dùng hết, bao nhiêu công trình học ngày trước, sao không nghĩ đến chuyện mang ra giúp đỡ cho người khác ?

– Tôi không biết mình có còn sức để làm việc không ? Tôi buồn chán quá bà à .

– Tôi hiểu chứ, tôi đâu có khuyên Bà quên Laura, cháu là người năng động, đầy sức sống, lúc nào cũng hăng hái, cháu mà biết Bà chán nản như vậy chắc cháu cũng không vui đâu . Người Phương Đông chúng tôi tin tường rằng người chết vẫn quẩn quanh, lưu luyến, không về được thiên đàng nếu người thân cứ lo buồn.Bà có nhớ cháu thì ôn lại những ngày tháng có nhau, giữ gìn, trân quí những gì đã chia sẻ, Laura mang laị bao nhiêu năm hạnh phúc cho bà, chỉ nên nhớ lấy điều nầy thôi. Cuộc sống phù du, ngay cả chúng ta cũng không thể sống mãi được, những gì có, còn lại cuả ngày hôm nay, giúp ích được mọi người, sao chúng ta lại không tiếp tục ?

– Tôi hiểu ý bà, cảm ơn bà đã khuyên tôi, thật ra thì chính tôi cũng suy nghĩ điều nầy, nhưng tôi không quyết định, Vâng, tôi sẽ tiếp tục công tác, đầu tiên là sinh hoạt thanh niên với bầy Nữ Hướng Đạo Sinh, Laura chắc chắn sẽ vui mừng.Tôi cũng gọi vào Phòng giáo dục cuả thành phố, xin phục hồi công tác.

– Tôi chúc bà thành công.

 

Tôi trở vào làm bán thời gian, ở trung tâm giảng dạy những người lớn tuổi muốn quay về trường lấy bằng tốt nghiệp trung học. Có ngồi lại tâm tình, mới thấy bên kia lăng kính, cuộc đời muôn màu vạn sắc. Học trò cuả tôi là những người tuổi từ trung niên cho đến thanh niên, họ vào lớp chuyên cần hơn vì muốn đạt được mảnh bằng tốt nghiệp trung học. Có người vì hoàn cảnh, phải thôi học đi làm việc sớm, chuyển trường, đi xa …Nhưng lý do gì thì hiện nay cũng đang ngồi chung trong lớp, đang chuyện trò tâm tình…Có mở mắt ra mới thấy nỗi bất hạnh cuả mình như giọt nước trong đại dương thăm thẳm. Ngồi xuống lắng nghe mới thấy chunh quanh mình còn bao nhiêu nỗi đắng cay. Học trò cuả tôi, họ từ những vùng trời xa thẳm, dắt diú nhau, như con chiên đi tìm đất hứa, từ bao nhiêu đời lận đận … Không ít thì nhiều, đã trải qua những thăng trầm …Tôi thường nghĩ đến cuộc sống với những ưu tư riêng, mỗi người chúng ta sinh ra dưới một vì sao, mang theo một định mệnh nào, đớn đau hay hạnh phúc, ngắn hay dài, số năm tháng hiện diện trong cõi trần gian, có vui buồn, có yêu thương giận ghét …

Mãn khóa học, tôi chúc cho mọi người may mắn, duyên thầy trò cuả chúng tôi chỉ một khóa học phù du, nhưng đã giúp cho tôi tìm lại được chính mình, phần thưởng quí giá cho những ngày thầy trò là mảnh bắng tối nghiệp. Chỉ là hình thức, nhưng nó là chu toàn, viên mãn, cho một ước ao, sự thành đạt cuả chính mình, để caí vòng tròn khép chặt lại, chút kiến thức không làm thay đổi cuộc sống, nhưng làm bình an cho tâm hồn

 

Tôi lại mở ra một chương mới, quyển sách đời còn đầy những trang giấy trắng. Nhặt lại mớ hành trang, tôi lặng lẽ lên đường. Chọn nơi dạy ở thành phố Gary, chính bạn bè cũng ngạc nhiên: “Tại sao bà lại muốn đi vào vùng nguy hiểm đó ? Bà không biết đây là vùng từng thống kê là thủ phủ cuả tội ác hay sao ?” Tôi biết rất rõ, nhưng tôi không nghĩ ngợi hay lo lắng, tôi đã tin vào sự an bày cuả chính bản thân mình, hơn nữa, tôi đã sống hạnh phúc suốt những năm tháng dài có Laura kề cận, khoảng thời gian còn lại cuả cuộc đời, ít nhất tôi cũng mang lại chút hữu ích cho mọi người, nghĩ tận cùng thì còn nơi nào cần tôi hơn nữa ?

Ngày đầu tiên vào nhận việc, dù đã chuẩn bị tinh thần đối phó, cùng với lời cảnh cáo từ anh giám đốc chương trình, nhưng cũng không thể giấu được sự ngạc nhiên, cơ sở thật nghèo nàn, học trò lơ láo, những em tuổi nhỏ hơn con tôi, nhưng đã dạn dày từng trải. Trong lòng tôi, những câu hỏi sẽ không có câu trả lời. Nhìn xuống lớp học, không biết nên bắt đầu từ đâu, ba mươi năm đi dạy, lần đầu tiên tôi thấy mình thất bất lực, từ ngôn bay biến.

 

Khói thuốc lờ đờ như sương trắng, màn sương đục quấn quít trói buộc, giam hãm, những khuôn mặt nhuể nhại dưới ánh đèn quay cuồng. Tôi tựa lưng vào tường, khuất trong góc tối, nhìn chunh quanh mình , không ai bận tâm nhìn tôi, chợt thấy hoang mang với chính mình, sao lại có ý định đi thăm chổ làm việc cuả Sunny ? Tôi chỉ muốn nhìn tận mắt, nơi mà tôi chỉ hình dung nhưng chưa có can đảm bước vào, dù là những ngày còn lang thang với bạn bè, khi chúng hô hào chống chiến tranh, lan man hút sách, dật dờ với âm nhạc xé màn tai, lao đao với chuyện gọi hay không gọi đi vào quân đội, xem chuyện học hành như trò chơi.. Ba tôi, người đã từng chiến đấu cho cuốc chiến tranh thế giới thứ hai, anh tôi, người nối gót, bốn năm chờ đợi tin nhắn từ Nam, trở về như giấc mơ, chuỗi bệnh hoạn xác thân, không so sánh được với niềm câm lặng hơn hai mươi năm, sống âm thầm , làm việc, với những cơn ác mộng đêm đêm, rồi cũng qua đi.

Trong vùng ánh sáng chập chờn, muôn màu vạn sắc tranh nhau từng khoảng không gian, tiếng nhạc dồn dập, xoáy vào tai, buốt tận óc, liên hồi giục giã, quay quắt loạn cuồng, âm thanh chợt im bặt, ánh sáng vụt tắt, như con thuồng luồng, đủng đỉnh trườn mình ra từ trong vùng thâm sâu, cùng lúc với ánh đèn chiếu xuống, bao nhiêu tia tím hồng tía đỏ, tập trung vào thân hình rực sáng, bóng loáng vệt dầu thoa, toát ra nồng nàn thứ hương vị sa đoạ. Như ác quỉ đội lốt mỹ nhân, cái thân thể uốn éo theo từng tiếng, từng âm, từng cử động gọi mời. Manh ván nhỏ nối nhau làm sân khấu, không đủ chứa những tia lửa đốt thiêu. Cái không gian ngộp mùi thuốc lá và men rượu, không dung được tấm thân trần, làn da như bung vỡ thành trăm ngàn sợi cơ, muôn vạn tia máu dồn lên mặt, tưởng chừng như đang dẫy duạ, như cố cùng bám víu. Bao nhiêu tiếng reo hò, giống như bầy lang sói châu nhau, chực chờ xé toang con mồi đang giẫy chết, như bầy kênh kênh giương đôi mắt canh từng cử động, chỉ cần đôi cánh tay kia buông xuôi là lao xuống, móng vuốt xé ra từng mảnh tan hoang.

Bây giờ tôi mới biết được công dụng cuả chiếc cột trồng trơ trơ giữa phòng, chiếc dây thừng xoắn không dùng để neo cột con tàu. Nhìn cái thân hình bốc lửa đang làm thứ trò chơi cho những đôi mắt hau háu, những đôi tay vuốt ve, cử chỉ trêu ghẹo, ánh mắt đong đưa, từng bắp thịt di động, từng mảnh vải tí ti không che đậy, chỉ là những sợi tơ vô tình, cột tờ giấy bạc màu xanh, món tiền thưởng đổi trao cho những hành động trơ trẽn. Tôi nhìn khuôn mặt phấn son che đậy, hình dung cái bàn tay nhẹ nhàng cầm tấm ảnh ra khoe, không thể nào nối được cái vòng tròn, giống như hai thái cực, hai bộ mặt thật trái ngược cuả cuộc sống. Khoảng không gian tù hãm muôn đời, thân phận mong manh cuả người phụ nữ, từ thuở khai sinh cho đến ngày cùng tận, làm sao tôi tìm được câu trả lời ?

 

Vũ Thị Thiên Thư

 

 

 

Hợp tấu mùa trăng

 

Hợp tấu muà trăng 

Con rạch nhỏ, dòng nước cạn bày hai bãi bùn non. Bóng chiều ngã dài trên ngọn hai hàng cây gừa , rể loà xoà như tóc xõa, buông xuống tận lòng sông. Dừng tay, người bạn chèo gọi vào trong khoang:
– Cậu hai, đoạn nầy cạn quá . chắc không chống xa hơn nữa được, hay là mình tạm nghỉ, chờ con nước lên rồi đi tiếp nha cậu ?
Từ trong mui ghe người thanh niên buông quyển sách xuống, thong thả nhìn bóng nắng , nhìn con lạch nước thu laị không đầy hai thước tây . Chép miệng 
– Sắp tối rồi, chờ nước lớn cũng gần nửa đêm mất .
– Không sao, sáng trăng mà cậu, cạn như vầy thì chống khó quá, , nước lớn chèo nhanh hơn, chứ caí đà nầy biết chừng nào mới qua hết con rạch, còn cả hai ba cây số nữa mới ra tới vàm Bắc Đuông .
– Ừ, nghỉ dưỡng sức cũng được, ngươi chèo cả ngày nay rồi. Tấp vô chỗ kia , ta lên bờ daọ chơi một chút 
– Câụ đừng đi xa, Ông có dặn …
Người bạn xếp hai mái chèo dọc the thành ghe, nhổ cây sào tre chống xuống bùn, lớp bùn non sền sệt, thân cây sào lún sâu xuống cả nửa thước tây , chiếc ghe ngoan cố nằm đong đưa trong lòng con lạch nhỏ. Người thanh niên bứớc ra gần mũi ghe, ước lượng khoảng cách từ lòng sông để lên bờ. Ẩn hiện trong nắng chiều, mái nhà ngói đỏ xa xa, chung quanh thôn xóm lặng lẽ nằm dọc theo hai bên bờ con rạch, khoí bêp toả nhẹ nhàng. Lâu lắm, không còn nhớ tự bao giờ, trong ký ức muôn màu, caí không khí rộn ràng đón Tết cuả thôn quê, những ngày bé thơ theo song thân về quê ngoại xa xôi . 
– Câu chờ cho mũi ghe cập sát lại , rồi hãy lên bờ , chỗ cây cầu dừa trước mặt đó .
Cầu chỉ là cây dừa dài thả nằm ngay trên mặt bùn đen, thân cây khắc từng nấc cho dễ bám. Quân cởi giày ra , gấp lai quần lên quá nửa ống chân, bước thử lên thân cây , gang bàn chân chạm vào lớp phù sa bám trên thân cây dừa, cảm giác lành lạnh , nhớ lạị ngày tuổi nhỏ, mê bỏ dép chaỵ chơi với đôi bàn chân trần, bao nhiêu lần bị Mẹ cấm ra sân. Quân bước cẩn thân, bám từng bước chân, mùi bùn non toả theo hơi mát từ lớp da trong gan bàn chân thấm vào tận ký ức . Mùa mưa dầm, trên đường đến trường, đất sét lầy lội bám vào dép, càng bước đi, đất sét quyện dầy thêm, nặng đến không giở nổi , chỉ còn cách bò dép đi chân trần, bấu ngón cái chặt xuống, mím môi bước, thật ngoan cố, nhất định không chiụ cho người bạn hầu cõng đi …khi về đến nhà ống chân dính bê bết bùn , Mẹ phải dẫn ra sân lộ thiên, tắm rửa, xối nước từ đầu xuống chân, chà hai bàn chân đến đỏ hồng …
Hít một hơi dài, không khí căng đầy hai buồng phổi, mùi thơm nồng nàn ngay ngái cuả rơm rạ vừa mới cắt, những ngôi nhà lá núp sau tàng cây, trước sân nhà trải đệm, lúa muà vừa đập xong, đổ thành đống cao ngùn ngụn, khói bếp toả lên nhẹ nhàng. Bước thong thả dọc theo bờ sông, qua một khúc quanh, khuất sau buị tre gai, thân tre theo gió luà nghiến vào nhau kẽo kẹt, tiếng lá reo vui, tiếng trẻ cười thánh thót, chợt tắt nghẽn lại, hắn nhìn sửng vào người lạ mặt, trên môi nụ cười chưa kịp khép, thằng bé chừng chín mười tuổi xuât hiện thật bất ngờ. Quân chưa kịp hỏi thăm thì nó đã chaỵ vụt đi, nhìn theo bóng nó khuất sau tàng lá, Quân tiếp tục bước đi.Thằng bé lại xuất hiện bất chợt như trước, theo sau chân là người thiếu nữ.
– Đó, em đâu có quáng mắt , thực là có người lạ đến mà 
Cô thiếu nữ tay bưng caí rổ đầy rau lang xanh ngắt, khuôn mặt tròn đầy đặn, làn da hồng xinh xắn, tóc daì quá nửa lưng, kẹp lại gọn gàng. Cô e thẹn dừng lại, nép mình bên vệ đường, liếc nhìn người khách lạ rồi kéo tay thằng bé con , hai chị em theo nhau khuất dần cuối con đường vào thôn xóm .

Bộ bà ba luạ trắng nhàn nhạt trong nắng chiều, chiếc kính lão nằm ngang trên sống mũi, tay cầm ngọn dao nhỏ, tỉa từng cành con, bông Nguyệt Quí trắng tinh thơm ngát, nặng triũ cành, Mai Chiếu Thuỷ đong đưa theo gió nhẹ, cội mai già gốc to cả vòng tay, đứng kề bên bàn Thông thiên, từng chiếc lá xanh vun thành đống nhỏ trên mặt đất , Cụ lặng lẽ tuốt lá, bấm ngón tay, tháng chạp muà trăng tròn, con nước lớn, thời điểm tốt để tuốt lá Mai, Cụ nghĩ thầm , phải nhắc bọn trẻ siêng năng gánh nước tưới mấy gốc Mai cho kịp nở hoa vào ngàyTêt . Bất chợt, Cụ ngạc nhiên nhìn xuống, ẩn trong tàng lá xanh, nụ hoa Mai nhỏ nấp sau cành, e ấp nở, phơi năm cánh mong manh vàng nhạt, bao nhiêu năm nay, hoa Mai không nở sớm. Cụ ngước mặt lên, nhìn thấy người khách lạ đang thư thả bước đến gần, mắt nhìn vào nhà dường như đang tìm kiếm, thăm dò, cụ cất tiềng hỏi :
– Cậu từ đâu đến, muốn tìm nhà cuả ai trong xóm nầy ?
– Thưa chaú là khách lỡ đường, đi ngang qua đây, ghe mắc cạn nên lên bờ daọ chơi chờ con nước lớn mới đi tiếp.
– Trời cũng sắp tối rồi, cậu đã dùng cơm nước gì chưa? Mời câụ ghé lại dùng bửa cơm đạm bạc
– Cháu đường đột, không dám làm phiền chủ gia.
– Phiền cái nỗi gì, trước lạ sau quen, để Qua bảo bầy trẻ dọn thêm chén đũa, câu dùng chén cơm lấy thảo,
– Thật cảm ơn Chủ gia , cung kính không bằng, cháu xin vâng lời .
Căn nhà lợp ngoí đỏ âm dương, nền xây bằng đá ong, từng phiến tiếp nối, tấn chặt chẽ chung quanh, gian giữa kê bộ trường kỷ màu gỗ đen bóng ngời, trong mâm cơm, con cá trê vàng chiên dòn dầm nước mắm gừng, diã rau lang luộc xanh ngắt, tô canh bầu trong vắt,, thức ăn mộc mạc cuả vùng đồng quê, Quân nhìn aí ngại, vì không biết phải làm sao đền đáp nhiệt tình cuả chủ gia. Ông cụ lại chân tình mời mọc
– Cậu cứ tự nhiên dùng bữa với qua, thằng Hai nhà nầy đi thăm đồng chưa về kịp, còn bầy trẻ nhỏ , chúng nó ăn cơm với bà .
– Dạ cháu xin mời chủ gia .
Quân nâng chén cơm gạo đỏ Trung Hưng, ăn ngon lành như bữa cơm ngày thơ ấu, hạt cơm khô rời, vị ngọt lạ lùng. Từ lâu lắm rồi, nhớ rằng Ngoại vẫn thích hạt gạo nầy, lần nào sang thăm con và cháu Ngoại cũng mang theo cả giạ để kiến biếu hai bên. Ngoại chê gạo trắng dẻo cơm như nếp, nấu trong nồi nhôm nhạt mất hương quê, vị cơm không còn ngon ngọt đậm đà . Gạo đỏ, Nàng Tây , Trung Hưng, phải nấu trong nồi đồng, canh lửa cho vừa sôi để chắt nước cơm thật quánh đặc, lớp rán trên mặt dầy như bánh ướt tươi , Ngoại thích uống nước cơm, mặc dù hàng bữa luôn có canh bầu canh bí, Ngoại vẫn luôn có tô nước cơm bên cạnh, là thói quen tự bao giờ . Câu hỏi cắt ngang dòng tư tưởng 
– Cậu từ đâu sang ? Đi thăm ai ? Làng nào ?
– Dạ cháu về bên Bắc Đuông thăm Ông Ba Nghĩa, và thăm Ngoại cháu ở Ngã Tư
– Cậu là cháu gọi Ông Nghĩa bằng gì ?
– Dạ gọi bằng cậu, Má cháu là dì thứ Năm
– Ừ! thế thì chỗ quen biết cả mà, Thỉnh thoảng Qua cũng sang thăm ông Ba , sao Qua chưa gặp Cậu bao giờ ?
– Dạ cháu đi học xa, chỉ khi Giỗ Tết mới được về thăm quê ngoại
– Ạ ! Thảo nào, thôi Câu dùng thêm chén cơm nữa đi 
Chuyện trò bắt đầu từ muà màng cuả năm nay, đến những biến chuyển cuả thời cuộc…càng về sau, hai mái đầu tương đắc , cho đến khi ngọn đèn dầu thắp sáng được mang ra , lúc bữa ăn vừa tàn. Chủ gia mời người khách bất ngờ sang bộ trường kỷ, cuộc đàm đạo bất tận…
Người đàn ông mặc bộ áo nâu bước vào, anh cuí chào thân sinh, gật đầu cùng người khách trẻ, bóng tối nhá nhem không nhìn rõ khuôn mặt nắng mưa rắn rỏi, 
– Thưa ba! 
– Thằng Hai về , con đi tắm rồi ăn cơm 
Anh dạ, rồi rút lui vào nhà sau. Buổi chiều xuống êm ái, vầng trăng vừa mọc lên thấp thoáng sau ngọn cây, tuấn đấu tháng chạp, trăng sắp tròn, trong xóm nhỏ, tiếng chày quết bánh phồng nhịp nhàng văng vẳng xa xa. 

Bàn tay vuốt nhẹ lên thanh trúc, tấm thân thon thả, lóng nhỏ mong manh, nhả ra từng âm thanh, tiếng trầm như gió thôỉ thì thầm, tiếng bổng như mây trôi vi vút, theo bóng trăng bay lượn chập chờn, theo tiếng lá eỏ lả reo vui …Trong cái im lặng trong suốt , ánh nắng nhạt nhoà ban chiều chìm khuất sau bóng cây, ánh trăng nửa diụ dàng, nửa e thẹn, như người tiếu nữ trong tranh vén rèm tha thướt bước ra, ánh sáng huyền hoặc, theo từng bước chân nghê thường bay lượn trên hàng dừa, thanh âm luạ là quyện theo tiếng sáo trúc. Quân ngẩn ngơ, lâu lắm rồi, cung bậc nghe quen thuộc, không biết đã từ bao giờ, những âm thanh ngọt ngào như tiếng ru con, ngày măng sữa còn nằm trên ngực Bà, ngủ ngoan trong tiếng hát ầu ơ.
Quân nhìn xuống bến sông, ngôi nhà thuỷ tạ lung linh trong ánh sáng u huyền, hình dáng cuả người thiều nữ cũng khi mờ khi hiện trong ánh trăng. Chủ gia nhìn theo ánh mắt cuả người đối diện, lặng lẽ bước sang gian bên, khi trở ra trên tay người cầm chiếc Độc Huyền đen bóng màu gỗ, đưa tay mời, chủ khách theo nhau xuống căn nhà thuỷ tạ bên bờ nước. Ngồi xuống chiếc ghế gỗ cạnh lan can, bàn tay nhẹ nhàng nhấn cần đàn, âm thanh trầm hùng, như tiếng trống đồng nghìn năm cũ, vuốt nhẹ dây tơ , tiếng trăm dâu rì rào trong gió mới. Những giọt thánh thót thăm dò, cung bậc như nước nguồn xuôi chảy, khi diụ dàng thiết tha, khi bàng hoàng thảng thốt, như tiếng vó câu thôi thúc, như tiếng chim goị đàn, như đôi cánh tung ra trong trời rộng . Trong caí im lặng tịch mịch của đêm, trong ánh sáng diụ huyền, Quân ngỡ như hồn đang bay trong khung trời đẫm hương hoa bát ngát.
Không như những bóng ma từ nghìn năm trước, bên cạnh tiếng âm hồn thôi thúc goị nhau, thanh âm cuả ngày tuổi nhỏ, khi nghe giàn Bát âm lê thê báo đám tang trong thôn xóm, âm thanh gắn liền với nổi sợ hãi ma quái, cuả khói hương và lời kinh cầu, cuả tiếng trống lung tung hoà tiếng đàn nhị thê thiết. Không giống như tiếng trống Chầu giục giã trong đêm thâu, một trăm lẻ tám tiếng, goị nổi xôn xao trong lòng, gọi bước chân tuổi nhỏ như dài thêm tung bay theo từng cánh diều căng gió, gọi tiếng Quan viên xướng lên ngân nga tế đất trời cuả ngày lễ Kỳ yên ngỡ đã mờ sâu trong trí nhớ.
Quân nghe trong lòng có điều gì ấm lại, lan toả như khói sương, gần gũi hơn da thịt. Như dòng sông lan man từ nguồn cao rồi cũng xuôi về biển rộng. Biến mất những hồn ma, tan đi những thê thiết, tiếng nhạc ngựa reo vui, tiếng nô nức đợi chờ, tiếng tim đập rộn ràng cuả nàng thiếu nữ theo chàng về dinh *. Tiếng hùng tráng cuả tướng quân khải hoàn ca . Ngôi thuỷ tạ như đền dài tráng lệ hồi sinh . Có lúc như Cô Tô thành cuả Ngô Phù Sai vang lừng tiếng nhạc , sáng rực hoa đăng vì người đẹp Tây Thi , như Cung Quảng Hàn cuả Đường Minh Hoàng diụ dàng thanh thoát nhã nhạc quyện hoà theo gót ngọc Dương Thái Chân . Có khi trầm buốn như tiếng đàn mang tâm sự cuả Minh Phi Chiêu Quân vọng về cố quốc, thê thiết như tiếng hí ngựa Hồ theo gió bấc gởi đau thương . Khi lại êm ái hiền hoà như Lưu Thuỷ, như tiếng suối reo nhẹ nhàng .
Anh Hai, người sử dụng cây đàn Lục Huyền cầm đã đưọc thích nghi thay đổi lại, hàng phím móc sâu trên cần đàn, phát ra những âm thanh sâu sắc, luyến laý theo ngón tay, khi rung, khi nhấn, khi vuốt ve theo từng bậc ngũ cung, hoà theo tiếng đàn Nhị reó rắc, tiếng đàn Kìm trầm ấm, tiếng đàn Tỳ thiết tha. Nhịp song lang giòn giã lúc khởi đầu, khi chấm câu, khi báo hiệu cho các tài tử chuẩn bị vào bài, khi bản rao tươi vui khởi sắc, chuyển sang ai tha thiết, thả về Nam xuân đaỏ sang Ngũ cung, luồn về hơi oán xuống Phụng Hoàng , như dây cương trên bờm chiến mã, khi buông thỏng khi căng, như cánh buốm khi no gió, khi hạ lèo thư thái lan man …
Những người nghệ sĩ không sân khấu, không màn nhung, giữa thiên nhiên trầm mặc, bên cạnh con rạch nhỏ nước khi đầy khi cạn, thanh âm thấm từ lóng trúc, từ gáo dừa, từ manh gỗ song lang giữ nhịp, từ sơi tơ đồng run rẩy theo ngón tay. Đêm sâu cùng tiếng nhạc, cùng ánh trăng , đêm hội ngộ cuả tài tử giai nhân, từng bóng người theo nhau, những cung bậc chìm lắng, như dòng nước âm thầm chảy vào lòng con rạch nhỏ, sức sống muôn đời theo dòng máu chảy về Nam, hoà quyện vào mạch phù sa, thấm nhuần theo chân lúa xạ .
– Cậu Hai, con nước đã lên cao, ghe phải nhổ sào đi cho kịp.
Quân quyến luyến nhìn theo ánh trăng ngã về Tây , chắp tay từ giã cụ già và ban nhạc đờn ca tài tử, trong lòng thật vấn vương, mái chèo nhẹ nhàng xẻ nước, bên tai còn nghe tiếng hát ngọt ngào 
– “ Đố ai kiếm được cái vẩy con cá trê vàng, cái gan con tép bạc ….” ** 
Nhớ tiếng hát tinh nghịch tưoi thắm không kiểu cách 
– “ Ngó ngó lên chót vót , bân rồi lại cầy bân, có caí con khỉ đột nó ăn nó ăn trái bần ….” ***
Sang ai oàn thiết tha 
– Từ Phu tướng …****
Ngọn gió khuya rạt rào khua lá dừa , tiếng sáo vọng theo từ xa luyến lưu tha thiết … Con rạch nhỏ như hình ảnh trong trí nhớ mù khơi ….

Tất tả hối người bạn chèo, Quân nhìn sang hai bên bờ, vẫn là những mái tóc rể gừa thả xuống lòng sông. Con rạch nhỏ, đoạn nầy thường cạn nước, khóm dứa gai mọc lấn miết ra gần giữa dòng, qua cái doi nầy, khúc ngả ba, bên kia là xóm nhà. Quân nhớ như in, bụi tre gai bên con đường mòn nhỏ, khuôn mặt trẻ thơ và ánh mắt thẹn thùng cuả người thiếu nữ năm xưa.
– Ngươi ngừng lại chổ bến kia đi , ta sẽ lên bờ, dễ tìm hơn 
Chiếc ghe hầu cắm lại, không chờ cho dây cột, Quân bước vội ra mũi ghe, cây cầu rong rêu bám. Bóng nắng thưa chiếu qua tàng lá, xuống mặt đất thành những hình thù kỳ lạ, mặc cho người bạn cheo và chiếc ghe phiá sau , Quân bước lên con đường nhỏ, phiá xóm nhà trong xa . Lạ thật , đi một đoạn đường dài, xóm nhà lá nằm kia, maí ngói đỏ âm dương và khu vườn Mai bên cạnh đó, tưởng là mắt chói ánh nắng chiều, Quân bước vội vàng hơn .
Gốc mai già nằm hiu hắt , cột bàn thông thiên còn lại mấy viên gạch hững hờ. nền đá ong chỏng chơ không mái ngói. Quân duị mắt … lẽ nào ?? Đi vòng quanh mấy góc sân , cố tìm lại chút vết tích, căn chính nằm đây, bộ trường kỷ giữa nhà, bên trái là gian nhà chứa các nhạc khí, kia là bờ sông, ngôi thuỷ tạ …
Quân thẫn thờ nhìn mấy chiếc cột nghiêng ngã, nhớ mái tóc trăng soi, câu hát trữ tình , tiếng đàn tranh trong vắt, âm thanh theo ngón tay uốn lượn, nửa đưòng cong bán nguyệt như đôi mày. Nhớ tiếng song lang khởi nhịp, tiếng đàn nguyệt trầm ấm lan ra từng ngọn cỏ xôn xao, tiếng sáo trúc vút cao như thiên thai mở ngõ. Bản Bắc sang Nam, hơi ai sang oán, người chủ soái đưa các thầy đờn bắt theo , giọng hát khi trong trẻo, khi diụ dàng, khi thiết tha khi ai oán. Hơi thở nhẹ từ cành lá, nhịp đập loạn trong trái tim, Quân đối diện con sông con hỏi người năm cũ, hồn dật dờ hà phương ??

– Bác, cho cháu hỏi thăm 
– Cậu vào nhà đi , tôi biết cậu là ai rồi , chỗ nầy không tiện đứng lâu.
Theo chân người trung niên , băng qua cây cầu khỉ nối hai bên bờ mương , mái lá thấp thoáng sau bóng tre . Kéo tấm liếp che hờ ngang khung cửa, căn nhà nhỏ chỉ vỏn vẹn chiếc giường tre đóng cọc xuống sàn nhà, nửa bên kia cũng là những thanh tre nối thành sạp vưà làm ghế vưà làm bàn.
– Câu ngồi nghỉ chân, Qua rót chén nước
– Không dám phiền chủ gia, cháu chỉ muốn hỏi thăm
– Qua biết, chuyện thương tâm
– Chuyện gì ??
– Tháng tư, năm ngoái, họ bố ráp ngang qua, từ bên rạch Rít , qua Mương Trâu, bao nhiêu thanh niên trốn thoát , Chủ Soái gặp nạn, chúng nghi người theo Quốc Dân đảng, mang ra bắn trước bàn Thông thiên .
– Còn cả nhà ? Ban nhạc tài tử ?
– Tiêu tán hết rồi, nghe chừng về quê Ngoại …Chúng nhiều lần trở lại, cậu Hai mang cả nhà tản cư , thật là chuyện không may 
Quân lặng người, dường như chính viên đạn xuyên qua trái tim mình, những giọt máu thấm xuống lòng đất, bên cội mai .
– Cháu cảm ơn bác, xế chiều rồi , cháu xin phép 
– Thôi Cậu đi keỏ muộn, trời tối mau, không nên dần dà nữa 

Nhìn lại nền đá ong, căn nhà thuỷ tạ còn giòn giã tiếng nhạc trong ký ức, khuôn mặt hồn nhiên, mái tóc nhuộm ánh trăng, nhịp song lang mạnh mẻ khởi đầu. Vuốt những nếp nhăn không dưng mà khắc vào vầng trán rộng, dòng sông chảy nhẹ in giọt nắng mong manh cuối cùngQuân baỏ bạn chèo nhổ saò lui ghe .

* Lý ngựa ô nam 
** Lý áo vá quàng 
*** Lý con khỉ đột 
**** Dạ cổ hoài lang 

Áo Tình


Áo tình

Mong manh chiếc lá vàng thêu
Vàng thơ em trải nắng chiều soi chung
Mềm môi tiếng gọi muôn trùng
Thiết tha em ngóng bắc phong nhớ người

Tay nào nét bút trêu ngươi
Vầng trăng em chẻ tìm lời ái yêu
Dáng trong mơ thơ yều kiều
Mảnh tình si nhuốm tịch liêu chốn nầy

Cho em một chút đắm say
Ươm tơ dệt lụa em may áo tình

Vũ Thị Thiên Thư