Chút tình tri ngộ

Chút tình tri ngộ

Cuộn một lá cải xanh, môt lát chuối chát, khế, gừng non, rau húng cây, lá quế, ngò om gắp một con mắm cá trèn , một miếng thịt ba chỉ luộc thái mỏng, chấm nhẹ vào diã giấm ớt anh chậm rãi nhai như chiêm nghiệm từng thứ hương vị hoà quyện lại, chiêu một ngụm rượu đưa cay, quay sang Quân khuôn mặt mãn nguyện anh bảo:

– Chú phải ăn từ từ với đủ thứ hương vị như vậy, thứ mắm cá trèn nầy cuả người nhà làm tận Bạc Liêu, độ muối cùng chao đường vừa vặn, không ngọt lừ dẻo quánh hay mặn chát như thứ mắm bán đầy ngoài chợ đó đâu.

– Nhìn thấy đã biết là ngon, đúng là thức chọn lọc,con mắm nhò vừa ăn lắm, ước gì có chút rượu nếp nguyên chất để nhấp một ngụm vào thì mới đã điếu hén.

– Ừ, chú mấy nói như người nghiện thuốc phiện vậy, anh cũng đồng ý thứ nầy mà uống Cognac thì hỏng bét,tệ tệ thì Vodka Tribble Distilles cũng tạm được. Nói không phải chứ caí chuyện ăn nhậu cũng là một nghệ thuật chứ bộ dỡn sao.

– Có nghề chơi nào mà không lắm công phu đâu anh Hai.

– Chuyến về quê ăn Tết năm ngoái, anh đã về tận kinh cùng Cà Mau, anh sống gần suốt cuộc đời rồi, dù có đi xa bao lâu nữa, vẫn thấy tình cảm quê nhà đậm đà không sao quên được, để anh kể lại cả câu chuyện cho chú mầy nghe hén.

1

Cuối con đường quốc lộ lớn là khu chợ quê hiu hắt. Chiếc xe du lịch nhỏ ngừng lại trước cửa gian hàng bán nước nhỏ, người tài xế trẻ bước vào hỏi thăm, anh ta đứng tần ngần suy nghĩ rồi trở lại chiếc xe thò vào nói với người ngồi bên trong.

– Cậu Hai, ở đây chỉ có một khách sạn nhỏ bên kia thôi, đi xa hơn nữa thì không biết mình sẽ nghỉ đêm ở nơi nào.

– Thì mình cứ đi tới, chắc chắn phài có đường đến đất mũi ở cuối bãi chứ.

– Cháu chỉ sợ trời tối xuống không tìm ra nhà trọ để cậu mợ ngủ qua đêm .

– Hãy còn chưa xế bóng mà lo lắng gì. Cứ đi rồi mình sẽ tính tiếp .

 

Bến phà nhỏ nằm cuối con đường nhựa lưa thưa khách dừng xe gắn máy chờ qua sông, chiếc xe du lịch dừng lại, người đàn ông trung niên xuống xe, ông ta bước vào căn chòi lá che tạm, treo lủng lẳng mấy chùm bánh lá, nước ngọt…

– Cô quán cho tôi hỏi thăm, phía bên kia bến phà nầy có con đường nào dẫn về vùng đất mũi cuả Kinh Cùng không vậy ?

Người phụ nữ ngồi phía sau gian hàng thoáng nhìn không đoán được tuổi đời, một nửa khuôn mặt che sau vành nón lá tơi tả , bà ngước nhìn lên chậm rãi

– Qua bên sông rồi chỉ có một con đường trước mặt thôi, ông đi đến cuối cùng sẽ thấy khu đất mũi .

– Ở đó có nhà trọ hay hàng quán cơm cháo gì không vậy cô ?

– Ối ! Khu vui chơi du lịch mà, có khách sạn, nhà hàng, không thiếu thứ gì đâu ông.

– Vậy sao, hồi nảy trên chợ họ bảo đường cùng rồi không có chợ buá gì ráo.

– Họ nói gạt ông rồi, sao lại không, nhà hàng khách sạn, không thiếu thứ gì hết, chắc họ ế quá nên tính nói để ông ngủ lại đó. Ông cứ đi qua phà, cũng gần tới rồi, còn sớm chán

– Cám ơn cô quán, vậy cô quán bán cho tôi bao thuốc lá hén.

2

 

– Rồi anh có tìm được khách sạn như bà quán chỉ dẫn không vậy ?

– Được chứ sao không, khi qua khỏi con sông đó, đi không bao lâu là đã tới đất mũi rồi, không những có khách sạn mà còn có cả trung tâm du lịch có rất nhiều khách đang viếng thăm. Chú có nhớ anh em mình mấy năm trước đi xuống Key West, chú đã chở anh đến chụp hình ở cây số cuối cùng nằm sát bờ biển Nam nước Hoa Kỳ, lần nầy anh nhất định sẽ đi tìm cây trụ cuối cuả đất nước Việt Nam mình.

– Vậy chứ Anh có tìm được không ?

– Nhất định phải được chứ. Nhưng bây giờ Đất mũi đã biến thành trung tâm du lịch rồi, không còn như những ngày tháng cây mắm cây đuớc cành lá um tùm, anh vừa chống dầm vừa xua muỗi, chân không dám thò xuống bùn sợ làm vật hiến máu cho điã mẹ đĩa con . Buồn vui lẫn lộn, nhớ lại thời anh lặn lội khắp vùng Năm căn, Giáp nước, rồi lại thêm lúc còn lang thang tìm lối thoát, vậy mà bây giờ đã không còn tìm được chút hình ảnh dính vấp với ngày xưa, khu rừng đước biến thành một thắng cảnh cho du khách vào xem, có lối mòn, cầu treo… Còn đất mũi thì đã xây cất khán đài, trồng trụ xi măng phân định ranh giới cuả ba quốc gia, cái nầy anh thật không hiểu là tại sao lại có ranh giới cả ba quốc gia, anh nhớ bài học Lịch Sử từ ngày còn cắp sách “Đất nước chúng ta hình cong chữ S, đã từ lâu biên cương phân định từ Ải Nam quan cho đến mũi Cà mau “ . Bờ biển từ Móng cái Hải phòng dẫn tới chóp mũi Cà mau dài ba ngàn cây số, hổng lẻ anh già rồi đã không còn nhớ bài học thuộc lòng tự thuở bé hay sao ?

– Anh chưa già đến lú lẫn đâu. Chuyện Lịch Sử từ ngàn xưa cho đến bây giờ, ông cha mình đã đổ bao nhiêu là máu để bào toàn và truyền lại, con cháu phải luôn gìn giữ mới đúng đạo lý chứ sao lại nhu nhược đem dâng cho người.

– Thì đã biết vậy nhưng phải nói ra cho đỡ ấm ức vậy mà. Cho dù trong cái khó bó cái khôn, bần cùng sinh đạo tặc, lắm kẻ gian ngoan, nhưng dù sao bên cạnh những con người biến đổi vì thời cuộc đó, vẫn còn có những tấm chân tình, mộc mạc cuả người nhà quê mình. Ở cái tuổi gần đất xa trời như anh, còn được diễm phúc đi viếng điểm cuối cùng cuả đất nước, bản thân anh lưu lạc xứ người đã bao nhiêu năm nay, nhưng vẫn không làm sao quên được con cá linh muà nước giựt, đọt lá lụa ngày đầu mùa mưa, hương mắm đồng bay theo khói cơm chiều trong góc bếp. Chú cũng sinh sống, thật ra thì phải nói là lớn khôn ở xứ người lâu hơn thời gian ở quê nhà, vậy mà chú vẫn nhớ con mắm đồng, ly rượu đế thì huống gì anh.

– Đúng là thời gian em lớn lên ở quê nhà ngắn hơn thời gian sinh sống bên ngoài, nhưng chắc chắn vẫn còn thèm tô canh chua cá lóc, con cá rô kho tộ, cá trê vàng chiên dầm chén nước mắm ớt hiểm mới hái bên hè.

– Ừ! Chú nhắc tô canh chua, để anh kể tiếp chuyến đi đất mũi đó. Tới nơi thì trời đã xế chiều rồi, nên anh bảo tài xế tìm khách sạn nghĩ qua đêm, mai sẽ đi thăm các nơi sau. Cơm chiều nay thì ghé tạm một quán ăn nào đơn sơ thôi, kêu một tô canh nóng, dĩa cá kho mặn định bụng là ăn cho qua bữa thôi. Bà chủ quán nhìn Anh biết là khách xa đến, kêu mấy món thức ăn, bà bảo là chợ chiều đã tàn tự bao giờ, quán có thứ gì thì bán thứ ấy thôi. Nhưng nấu nướng thiệt là ngon miệng, tô canh chua, cá kèo kho, rau luộc, cơm nóng. Anh ăn đến mấy chén cơm no căng cả bụng. Sau khi trả tiền, anh hẹn với bà quán ngày mai sẽ trở lại ăn cơm chiều. vì trong ngày Anh còn đi lang thang thăm viếng thắng cảnh các nơi…

– Có phải tại Anh đã đi cả ngày nên đói bụng, ăn cơm mới thấy ngon lành như vậy không ?

– Chú biết tánh cuả anh, trừ chị cuả chú ra, ít người đầu bếp nào nấu ăn mà anh thấy vừa miệng lắm, quán nầy nấu thật đúng với khẩu vị, ăn ngon thật tình chứ không phải vì đói bụng đâu, anh hẹn với bà quán mai sẽ trở lại là thật lòng muốn ăn thử lần nữa xem có ngon như vậy không. Chiều hôm sau, thấy anh vừa bước vào là bà quán đã nói ngay “ Ông không cần thực đơn, hôm nay tui đã để dành con cá thật đặc biệt cho ông rồi, chính tui tự đi chợ sáng nay tìm cho được nó, cái đầu cá tui nấu canh chua, còn mình cá sẽ kho mặn cho ông thưởng thức.” Anh ngạc nhiên nên mới hỏi lại : “Mà bà có chắc là tôi trở lại không ? Sao bà dám mua con cá to vậy ? “ Bà ta trả lời “ Ông hứa sẽ trở lại, tui đã nghĩ bụng, mua con cá nầy cho ông ăn, nếu ông không trở lại thì thà tui bỏ nó đi chứ nhất định sẽ không bán cho khách hàng nào hết”

3

Anh ngưng kể chuyện, thò đuả gắp một con mắm cá trèn, một miếng thịt ba rọi, lá tiá tô, húng cây, húng quế, ngò om, chuốc chát, khế…cuộn tất cả các thứ lại cho vào chấm nước giấm ớt, đưa vào miệng chậm rãi nhai, chiêu thêm một ngụm Vodka, khuôn mặt bình thản thường nhật chợt thoáng đăm chiêu, nhìn vào khoảng không gian trước mặt

– Nói thật với chú, cho dù mai nầy có trở lại Đất mũi, anh cũng không biết là mình có tìm lại được cái quán nhỏ bên đường đó không. Ngay cả người chủ quán hay đầu bếp đó anh cũng không hình dung được khuôn mặt bà ta ra sao nữa. Chú có thấy người nhà quê mộc mạc chân tình không? Chỉ có một lời hứa suông thôi, vậy mà bà ta dám để dành con cá ngon nhất lại chờ, nếu như chiều đó mà anh không trở lại, có phải là bà đã lỗ vốn rồi không ?

– Vậy chứ Anh còn nhớ bài hát vọng cổ “ Tình anh bán chiếu “ đã đã thu thanh vào dĩa nhựa và đưa danh tiếng cuả nghệ sĩ Út Trà Ôn vang lừng thuở xưa không ?

– Chú lại hỏi đố anh, sao lại không nhớ chứ, Câu chuyện si tình cuả anh bán chiếu, chỉ một lời hứa suông cuả cô gái bên bến chợ, anh chàng sang mùa chiếu dong ghe trở lại tìm người, bến vắng, người đã mắt tăm, anh vác đôi chiếu bông lang thang …

– Thú thật, câu chuyện cuả anh sao mà giống như hai câu kết cuả bài hát

“ Chiếu nầy tôi chẳng bán đâu

Tìm cô không đặng tôi gối đầu mỗi đêm “

– Ừ! Tấm thủy chung nầy, cũng ví như tấm lòng cuả bà quán, chỉ vì lời hứa suông cuả anh. Nhưng ngưòi ta thật tình, còn mình chỉ môi miếng đãi bôi thì quả là phụ lòng người ta lắm. bởi vậy, ăn ở phải có trước có sau ‘ nhân nghĩa tợ thiên kim, bạc tiền như phấn thổ”. Uống đi chú, cuộc đời đãi ngộ mình vào những lúc bất ngờ nhất phải không ?

 

Vũ Thị Thiên Thư

 

 

Ngũ Đại Hồ ! Đất lành

 

 

Ngũ Ðại Hồ , Ðất Lành

 

 

Buổi sáng , con đường đến sở , hai hàng cây lá xanh mượt , cơn mưa đêm còn long lanh vài giọt nước. Nắng rất trong , gió thật nhẹ . Hình như , lâu lắm , ở một nơi thật xa , không nhìn thấy , nhưng cũng rất gần , nằm yên trong ký ức , cũng buổi sáng nhẹ như sương , con đường đến trường , hai hàng cây lá me bay , áo học trò phơ phất … mỗi đầu ngày .

 

Cho đến bây giờ , một điều các em vẫn không hiểu tại sao tôi lưu luyến cái xứ đạo buồn hiu hắt nầy , mùa hè theo tuổi đời thu ngắn , mùa đông theo ngày tháng chồng thêm …Bao nhiêu lần cất bước , lại quay trở về. Bạn bè lần lượt xuôi nam , về vùng vịnh Mexico đầy tôm cá , hay về mãi viễn tây Cali nắng ấm . Tôi vẩn ngày tháng mênh mang , tôi vẩn dợm đi nhưng lại về , thoắt đó mà hơn hai mươi năm .

 

Ngày đầu đặt chân xuống phi trường O ‘ Hare , ngơ ngác như bầy chim lạc , chị Lisa Vũ đến đón, rối rít , hớn hở , nồng ấm .

– Chị đưa mấy đi nghe nhạc Việt Nam , may quá , gặp đúng dịp

Con đường về thành phố , hình như trong trí nhớ mù mờ có bài hát thuở sinh hoạt cộng đồng … ” đi đến Chicago , Chicago …” có toà nhà cao nhất thế giới , nằm cạnh hồ Michigan , lớn nhất trong Ngũ đại hồ . Xa lộ bát ngát , nhộn nhip xe cộ , phố xá ven đường , thật xa những đồi cát nắng cháy da ngày nằm trong trại tị nạn , thật nhỏ con đường mòn dẩn xuống bờ biển xanh , hàng dương liễu lá mong manh rì rào .

 

Tiếng nói reo vui của chị Lisa , hỏi bao nhiêu chuyện vắn dài , bao nhiêu con đường trong trí nhớ , chị huyên thuyên về những ngày còn ở quê nhà , lúc nghe tin hòa bình cũng là lúc chia xa , nước thống nhất nhưng lại mất nhà , có muốn về cũng chẳng còn nơi dung thân , chị lang thang như du mục , mãi đến lúc dân bỏ chế độ đi tìm đường sống , luồng sóng tị nạn gia tăng mỗi ngày , chị đến làm cho cơ quan xã hội để còn nghe và nói tiếng Mẹ , hướng dẫn đồng bào những ngày đầu tiên , công việc bận bịu giúp chị quên đi phần nào nỗi nhớ nhung khao khát .

 

Chương trình văn nghệ tổ chức trong hội trường Ðại học Truman , nhỏ và ấm cúng , chúng tôi vào đến nơi đã thấy rất đông người , tiềng chào mừng rộn ràng , người người dăm ba rối rít . Khai mạc bằng những tiếng hát học trò , và bất ngờ, đôi uyên ương Văn Phụng Châu Hà nhân vật chính trong buổi văn nghệ , cũng là khuôn mặt quen thuộc của những ngày đầu tiên đến Pulau Besar .

Chúng tôi đến chào và cảm ơn anh chị , bức tượng Phật Di Lặc { hay ông Ðịa } theo mọi người tin tưởng sẽ mang lại sự an vui và may mắn , lúc anh chị rời trại tam cư tặng lại anh Huỳnh Ngọc Ẩn , lúc anh Ẩn rời đi tặng lại cho chúng tôi , và hiện nay vẫn lưu truyền trong trại do các em đến sau gìn giữ , chúng tôi hy vọng sẽ chuyền tay nhau sự may mắn của người đi trước .Tha hương ngộ cố tri , chút duyên tri ngộ từ ngày đầu thở không khí tự do , bài hát ” Trăng trên Pulau Besar ” anh chị hát tặng chúng tôi thật ấm nồng .

 

Không thể diễn tả được cảm giác bâng khuâng , trên đường về , ngang qua một cánh rừng , sau nầy tôi mới biết là đó là khu vực chánh phủ bảo vệ , bên cạnh những bụi rậm , những thân cây sồi cao , nhưng điều in đậm trong trí nhớ là màu lá thu , tôi nhớ như ngày hôm qua , mùa thu trong sách vở học trò , mùa thu ngày tựu trường , mùa thu chỉ hình dung trong tâm tưởng , mùa thu trong tranh vẽ , bức tường mùa thu trong quán kem ở đường Lê Lợi , những ngày theo nhau chân vui , mùa thu tôi mê đắm đang trải trước mắt , đang thoi thóp trong tim…Những ngày nằm nghe mưa lướt thướt trên hàng lá me mùa đông ở miền nam , tiếng ve sầu cuối thu thê thiết , có điều gì thôi thúc , có nỗi nào trăn trở , những cánh thư bay đi về vội vã …

Cũng không biết vì nghiệp duyên tiền kiếp , hay mê đắm hiện nay , tôi xuôi Nam nhưng lại trở về . Lần trở về vẫn chị Lisa , người đến đón tận cổng , lần nầy có cả hai vợ chồng cùng đứa con gái nhỏ , chị vẫn tíu tít , giới thiệu mọi người , cẩn thận mang cả áo choàng dầy cộm

– Chị biết các em chưa hình dung được mùa đông ở Chicago , hôm nay ấm gần bốn mươi độ ( 40 F ), mới vừa qua một cơn bão tuyết …

 

Chúng tôi theo anh chị về ngoại ô , cách thành phố Chicago khoảng tám mươi dặm về phía bắc , khu trại nghỉ mát chỉ dùng cho mùa hè , nhưng anh chị vẩn thường về nghỉ mỗi cuối tuần . Tôi yêu cái không gian tĩnh mịch nơi nầy . Những ngày đầu lao đao , những bước chân làm lại cuộc đời , những ngày nghỉ cuối tuần … Mùa đông , buổi sáng nhìn ra sân trước nhà , con đường mòn và đôi vệt bánh xe lăn tối qua không còn dấu vết , trên cành thông tuyết trắng phủ đầy .Tuyết bay như bông gòn trong những ngày gió lớn thời ấu thơ , những ngày bình an chạy chơi trong vườn , đuổi theo cánh chuồn chuồn mỏng như mây . Chung trà nóng trên tay , anh Hải đến bên cạnh tôi , nhìn tuyết bay phơ phất , anh và chị Lisa hoàn toàn trái ngược , anh vẫn thường nhẹ nhàng

– Chị của em nói đủ rồi , anh không cần phải nói nữa …

 

Anh sống và làm việc bên ngoài đã lâu , nhưng bước vào nhà , từ bức tranh thuỷ mặc , ngọn đèn lồng trong góc nhà , hình ảnh quê hương , con trâu , cánh đồng …và nói chuyện như một ẩn sĩ …thời gian gần nhau không bao lâu , nhắc lại kỷ niệm ban đầu , những buổi trà đàm thâu đêm , những ngày nhìn tuyết rơi đầy ngõ , cái xao xuyến của lần đầu nhìn tuyết rơi , loay quay với đôi giày tuyết cao quá gối … cô bé Alexy chim sáo , cứ nhất định lôi chúng tôi ra ngoài đắp người tuyết , mãi mê đến lúc cóng cả tay chân mới chịu vào …

 

Cuối mùa đông , khu trại nhộn nhịp chuẩn bị mở cửa . Những cành khô hai bên đường đã thấy nụ xanh non , sáng ngày nghe tiếng chim reo vui , nhìn tia nắng len qua khung cửa sổ , không gian cũng chuyển mình nhẹ nhàng . Bên cạnh khu rừng thông già , con suối nhỏ , mạch nước thật trong , như mời mọc đôi chân trần dại dột , bước vào nước lạnh tái tê .Hàng ngày , tôi theo anh Hải sang bên nhà bếp kiểm điểm các vật dụng , mở cửa mấy căn nhà không dùng suốt mùa đông , có tất cả mười bảy căn , không kể hai căn anh và người phụ tá dùng làm nơi cư ngụ . Công việc nhẹ nhàng , so với những ngày ngồi thâu đêm bên ngọn đèn dầu lu , từng mũi kim may , từng manh vải nhỏ , hay dãi nắng dầm mưa xắn từng nhát len vào đất sét xanh , nắng cháy trên da , hay nước mưa từng giọt chảy dài…

 

Cuối hạ , không còn những ngày tung tăng , cánh đồng hoa vàng đã biến dạng , tơ trắng bay rộn ràng , tiếng trẻ thơ đêm lửa trại cuối cùng , tất cả cũng qua đi…Khu trại chẩn bị đóng cửa, cũng là lúc tôi rời cánh rừng bình an , theo nhau về vùng đất hứa .

 

Ðịnh cư phía đông nam thành phố , tỉnh lỵ nhỏ hiền hoà , lúc theo nhau về đây , từ trên xa lộ nhìn xuống , gác chuông nhà thờ nhấp nhô . Bên cạnh phố xá , công viên , con đường hai hàng cây , nằm dài theo bờ hồ , những ngày hè dài mang các con ra bãi cát , những ngày thu vàng nắng nhặt lá gió bay , cuộc sống thầm lặng , bình yên …Các em lớn lên , học hành và công việc , lần lượt ra đi . Các con lớn lên , mỗi mùa hè , đi thăm một vùng đất mới , từ miền viễn tây đến cận đông , từ bờ biển bắc Maine đến miền nam Key West …mỗi nơi , câu hỏi cuối cùng , lại khăn gói quay về .

 

Tỉnh lỵ , nhỏ như Long Xuyên yêu dấu , đi năm phút đã về chốn cũ ( bài hát miền cao nguyên vẩn thường nhắc , ngày xưa …) mỗi góc đường là nóc chuông nhà thờ , mỗi cuối đường về một bờ hồ , buổi sáng nhìn mặt trời lên bên hồ đông Michigan , chiều đuổi theo chim bồ câu bên hồ tây Woft lake… mỗi góc phố in hình ảnh của quê hương xa vời , của con đường xanh bóng cây , của dạt dào nổi nhớ .

 

Mùa hè , mẹ con thơ thẩn dắt nhau ra bờ hồ nghe sóng vỗ , nhìn chiều buông , mang bắp rang rãi xuống bờ đá , nhìn bầy chim đuổi nhau tung tăng …hay ngồi thòng chân đong đưa trên cầu tàu , đếm mấy chú cá tung tăng bơi theo làn nước trong xanh biếc . Nhớ lại những ngày nước nỗi chờ lớp học tan, vội vàng chạy về nhà cất sách vỡ để ra ao bắt cá lìm kìm , mấy cái chậu sành của bà thả đầy cá con .Bây giờ , nhìn đàn con nhỏ tung tăng chạy đuổi nhau trong thảm cỏ xanh mơ , hay ngồi đếm bao nhiêu cánh chim bay qua , mỗi cánh chim bay chở theo ít nhiều ngày tháng… Nắng vàng như nắng ở quê hương , như xôn xao thời tuổi nhỏ , ngày bắt gặp tổ chim sẻ nằm trên mái nhà sau . Như lần gọi khẽ các con , trên nhánh cây thông xanh trước nhà có tổ chim , mỗi ngày đi học về , các con rón rén ra đứng bên cửa sổ , nhìn mãi đôi vợ chồng chim , tha từng cọng cỏ khô , từng chiếc lá vụn về xây tổ cho con . Cũng như Bố Mẹ , nâng niu , gìn giữ các con . Bố vừa đi học thêm , vừa đi làm , chút tiền dành dụm , mua được căn nhà cũ làm mái ấm , đến lúc các con sinh ra , căn nhà nhỏ dần theo tuổi lớn , Bố Mẹ lại lọc cọc cưa cắt , tầng dưới nhà trước đây ẩm thấp , tối tăm , vất vả hàng ngày , hàng tháng , cả đời Bố Mẹ chưa từng cầm cưa , chưa từng xây viên gạch , bài học những này đi sinh hoạt cộng đồng thời mới lớn : tự tin và gây tin tưởng , không ngại ngần khi gặp khó khăn , học hõi không ngừng … cuối cùng thì các con có cả căn phòng lớn làm chốn chạy chơi , làm nơi học hành .

 

Mùa đông , bờ hồ đóng đầy băng , những lượn sóng thay bằng lớp đá trắng tinh , cầu tàu đã kéo lên , bờ đá khi xưa biến dạng , con đường hai hàng cây lá xanh giờ cành khô lặng lẽ , đàn chim xuôi nam phương đã vắng bóng từ lâu . Những ngày trời trong , lạnh se sắt , hơi thở như khói sương , xa xa những người ngồi câu cá giống như pho tượng trên nền tuyết trắng . Mấy anh em muốn phiêu lưu ra giữa hồ , Mẹ dặn dò bao nhiêu lần

– Không nên đi ra xa , băng còn mong manh lắm ,coi chừng sẫy chân rơi xuống hồ bị nước ngầm cuốn đi.

Mãi chơi đến lúc hai má đỏ như tô phấn hồng , dắt díu nhau về với cốc Hot cocoa nóng bỏng . Những ngày tuyết đầy sân, mấy anh em chạy vào nhà xin mẹ củ cà rốt làm mũi cho snowman … Tuổi thơ các con trong mái ấm đầu tiên thật bình an . Ngày tháng , qua nhanh như bốn mùa , các con lớn lên như cây thông xanh trước nhà , thật hồn nhiên , bên cạnh Bố Mẹ luôn vất vã , luôn âu lo trăn trở .

 

Bao nhiêu lần dợm bước chân đi , bao nhiêu mùa đông tê tái , đến lúc nhìn những nụ xanh non trên cành khô , những giọt mưa xuân nhẹ nhàng , lại có sợi dây vô hình trói buộc , lần về Nam tìm bạn bè , lần sang Tây tìm tình thân , những tối băn khoăn , những ngày toan tính …cuối cùng chúng tôi lại về .

 

Lúc nhìn thấy ngọn đồi nhỏ và hàng cây vàng lá cuối thu , có tiếng nói thầm thì mời mọc , có thôi thúc đợi chờ , tôi tìm thấy nơi bình an trú chân , lại theo nhau bắt đầu xây mái ấm , giống như đôi vợ chồng chim tha từng cọng cỏ khô , suốt mùa thu đi về , những ngày đầu đông theo nhau lếch thếch

 

…Ðầu năm , như những con chim non mới nở , tung tăng vào nhà mới , chia nhau từng góc nhà . Những bâng khuâng , thay đổi , luyến lưu của căn nhà cũ , của chúng bạn quen …cũng qua đi .

 

Buổi sáng , nhìn ra khu rừng nhỏ sau nhà , những cành khô đêm qua nở đầy hoa tuyết , ngọn đồi , con dốc. Không gian thật bình yên , bên cạnh cuộc chạy đua cơm áo hàng ngày , những thư đi thư về , ở vùng kỷ niệm xa xưa , kể lại cuộc sống , bên nầy bên kia . Con đường nào cũng bắt đầu từ khởi điểm , cái hạnh phúc mỗi cuối đông nhìn những nụ xanh non hàng ngày , cái hạnh phúc mỗi ngày đi làm về , rón rén ra nhìn xuống gầm deck xem đôi Robin có còn ấp trứng trong tổ chim , chờ vết răn trên vỏ trứng xanh biếc , chờ đợi tiếng chim chíp và màu lông vàng tơ . Cho đến ngày em bé mặt buồn queo chạy vào:

– Mẹ , mấy con chim non của em bay mất rồi …

Tôi nhìn xuống deck , cái tổ chim chỉ còn lại mấy cọng cỏ khô và mảnh trứng vụn xanh biếc .

Mỗi ngày , em bé đi học về là chạy ngay ra cửa sổ nhìn xuống , hy vọng là mấy con chim Robin sẽ trở về . Không thể giải thích cho các con , như giọt nước chảy xuôi , đàn chim non sẽ có ngày rời xa Bố Mẹ . Một ngày nào đó , các con cũng bay xa như bầy chim non . Một ngày nào , các con lại tha từng cọng cỏ khô về xây tổ ấm .Mỗi mùa xuân , lại có đôi Robin xây tổ ở một góc nhà nào đó , các con sẽ tiếp tục nhìn thấy và chờ đợi , nhưng thời gian rồi sẽ qua mau , con sẽ lớn lên , nắng mưa hờn dỗi ,học trò vụng dại ,băn khoăn bận bịu trong cuộc sống, đôi chim và cái tổ sẽ không còn là mối bận tâm lúc bấy giờ ,có chăng chỉ là những thoáng qua xao xuyến …

 

Cuộc sống bình yên ở quê hương thứ hai , cái xứ đạo buồn hiu hắt , không thể giải thích được những bâng khuâng , lưu luyến , câu ” đất lành chim đậu ” , ” sống gởi thác về ” của một thời yêu thương tha thiết , cái quê hương tuổi nhỏ nằm yên trong nỗi nhớ , thật xa và rất gần . Một nửa đời khôn lớn , thương nhớ nơi nào ? Một nửa đời qua đi , nơi sinh ra hay nơi dung dưỡng ? Trong nỗi nhung nhớ trùng trùng …

Vũ Thị Thiên Thư

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Đông Từ

Đông từ

Ba mươi vẫn thói giang hồ

Vẫn mê phiêu bạt vẩn mơ dặm dài

Đàn xưa vẫn nặng trên vai

Áo xanh vẫn bạc như ngày còn nhau

Em từ phương ấy có sầu

Thắp đôi ngọn nến màu nâu thương về

Nay em còn để tóc thề

Mai sau còn biết có về du ca

Xưa xanh áo ngọc mơ ngà

Vụng về tiếng hát thăng hoa nghĩa tình

Ta nay giữa kiếp phiêu sinh

Nhớ phương trời cũ thương mình vàng phai

Mai về môi có còn tươi

Hồn còn nung nấu hát lời ca xưa

Đàn còn mười ngón mây mưa

Vỡ cung bậc cũ cho vừa nhớ thương

Mùa đông lòng cũng miên trường

Một phương trời nặng hai phương mong chờ

Ngón tay vàng thuốc thờ ơ

Hồn giang hồ cũ bơ phờ tiếc thương

Em từ thuở lạc hai phương

Có còn mắt sáng môi hường tin yêu

Vàng thu trải tóc trong chiều

Đếm bao lá đổ bấy nhiêu nỗi niềm

Ta gầy sương gió bao miền

Yêu con trăng cũ nhớ thềm nhà xưa

Chân cầu cuối hạ chớm mưa

Con sông chở mấy cho vừa nhớ thương

Cà phê còn đọng môi buồn

Mù mù sương khói che khuôn mặt gầy

Trong tay là những tháng ngày

Theo nhau bước xuống trần ai đoạ đày

Hạ nồng trong mắt tình say

Hắt hiu ngọn nến tàn phai nụ hồng

Tháng tư mưa đổ trong lòng

Ơi phương trời cũ ơi mong manh tình

Đứng trên đỉnh vọng âm thinh

Mười đầu nhỏ máu xuống hình hài xưa

Áo xanh phai vẫn mong chờ

Tóc sương phai tóc bao giờ trùng hoan

Ba mươi vẫn thói hoang đàng

Một manh áo bạc một đàn trên vai

Nữa đời vẫn cánh chim bay

Vẫn giang hồ thói vẫn hoài du ca

Em từ thuở nọ chia xa

Có còn hát dưới bóng tà huy bay

Mai ta về tóc sương phai

Nhìn nhau nhớ cả tháng ngày bên nhau

Mai ta dù ở phương nào

Cũng xin thắp nến về trao mộng dài

Quê hương nghìn nụ hoa khai

Đốt trầm hương toả ra ngoài không gian

Mai ta về hát trên ngàn

Lời ca lãng mạn với đàn trong sương

Mai ta về với vô thường

Tấm thân xin trải đường hương quê nhà

Vũ Thị Thiên Thư

Ngày Nắng Lạ

Ngày nắng lạ

Mở lại vườn xưa ngày nắng lạ

Đắm chìm lây lất nụ trầm kha

Nghe trong cơn gió lời khôn tả

Nhẹ gót hài tiên hương thoáng xa

Hãy rót vì nhau chén ấm nồng

Lam Điền Ngọc chuốc giữa tầng không

Bên kia biển nhớ chân dung lộng

Vẽ xuống Hoa Tiên nét mục hồng

Bơi trong ánh mắt long lanh mộng

Đuối giữa mây trời mãi miết trông

Thanh âm thiên cổ ru trầm bổng

Duyên nghiệp bao giờ như mải lông

Lực như Hạng Mã muôn trùng dặm

Đêm dài một khúc sáo Trương Lương

Tình giấc Nam Kha cơn huyễn mộng

Nào có hề chi cuộc vô thường

Vũ Thị Thiên Thư

Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui

 

1  Gwen

 

– Gwen có chương trình gì cho cuối tuần nầy không ?

– Nghỉ ngơi thôi, đúng ra thì tôi dự định đi tiệm làm móng tay đó, nhưng hết nhẳn tiền rồi, thôi thì tự làm lấy, cũng không sao.

– Gwen cần bao nhiêu tiền? Tôi cho bà mượn tạ một ít vậy..

– Không cần đâu, tôi mượn cuả bà thì việc làm cuả tôi không còn ý nghĩa nữa

– Chỉ là mượn tạm thôi, bao giờ Gwen trả lại cũng được mà .

– Tôi kể vắn tắt tại sao, thật ra thì tôi có tiền, nhưng sáng nay, khi chuẩn bị mở cửa xe để đi làm, tôi gặp một người bạn học khi xưa, lâu lắm rồi không có cơ hội gặp nhau, từ khi bà ấy dọn về East site để chăm sóc cho Mẹ già. Vừa trông thấy tôi, ánh mắt bà ấy thật mừng rỡ, chào nhau xong, bà lại ngập ngừng, tôi hỏi bà có chuyện gì muốn nói ? Bà hỏi mượn tôi mười một đồng để mua vé xe đò đi Kentucky

– Bà đi Kentucky để làm gì thế ? Sao lại hỏi Gwen để mượn tiền ?

– Bà ấy đi nhận xác con

– Oh! Chúa tôi.

– Vâng, cơ khổ, nghe tin con gái bà tử nạn xe cộ, hiện đang quàng lại ở Kentucky, bà kể mà tôi thấy buồn chín ruột gan, cho nên tôi móc hết bốn chục đồng trong túi tặng cho bà. Bà nhất định chỉ mượn mười một đồng thôi, nhưng mình có lòng dạ nào mà chỉ cho mượn? Tôi tặng hết cho bà, nghĩ rằng ngoài chuyện di chuyển còn phải ăn uống dọc đường nữa chứ. Đã mất con, còn thêm đói khát, khổ nào hơn, mình biết mà không giúp thì còn xứng đáng làm người không? Thế là hết tiền đi làm móng tay, nhưng trong lòng tôi rất an vui, không cần phải làm đẹp nữa.

– Gwen, trái tim bà bao la như biển cả, Thiên Chúa sẽ ban cho Hồng ân bất tận.

– Tôi nghĩ Thiên Chúa đã an bày, vì đã khiến tôi gặp bà ấy cho nên mới có cơ hội chia sẻ, ân phúc cho cả hai chúng tôi, bà có nghĩ thế không ?

– Vâng, Gwen, cảm ơn bà đã kể lại cho tôi nghe, mỗi ngày chúng ta chia sẻ một niềm vui .

 

Tôi lại nhớ đến bạn tôi, miên man trên con đường về nhà, người bạn với trái tim bao la, luôn nhường cơm chia áo, nghĩ đến chiếc áo mới đã ngưng lại không mua cuả em tôi , nghĩ đến Gwen, và mối duyên tri ngộ cuả chúng tôi, niềm hạnh phúc vô cùng “ Giàu vì bạn …”

Bên cạnh cuộc sống bon chen, ích kỷ, trong đó vẫn không thiếu những tấm lòng…

 

Vũ Thị Thiên Thư