Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui 3

Tiễn biệt

– Mya , chuyện gì mà trông buồn bực vậy ?

– Chuyện thiên hạ , nhưng mình nghe cũng cảm thấy buồn .

– Có muốn kể cho tôi nghe không ? kể ra cũng nhẹ nỗi chất chưá trong lòng đi .

– Chỉ ngại làm Dolly bực mình theo thôi .

– Không sao đâu , Mya cứ nói đi , có người nghe ,cảm thông và chia sẻ thì sẽ dễ chịu hơn .

– Cảm ơn bà, Mya có bà bạn thân , cùng làm việc chung trước đây , bà về hưu khá lâu rồi . Chúng tôi thường đi làm thiện nguyện, du lịch, chơi bài, tập thể dục với nhau. Nói chung là gặp nhau thường xuyên . Hôm qua bà báo tin buồn , người bạn trai cuả bà ta vừa qua đời.

– Oh ! tội quá, ông ấy năm nay mấy mươi rồi ?

– Ông ấy hơn bà chừng tám chín tuổi, tôi đoán là ông trên dưới bảy mươi lăm thôi.

– Vâng , tuổi nầy theo đông phương chúng tôi là thọ rồi đó , nhưng bên nầy thì hãy còn trẻ , tôi gặp nhiều người hơn tám mươi rồi , vẫn khang kiện.

– Đáng buồn cho bạn tôi, vì hai người dù không kết hôn nhưng gần nhau đã hơn mười năm nay. Họ gặp nhau thường xuyên , đi du lịch chung, đi xem hát …

– Tôi thấy điều nầy cũng tốt, có người chia sẻ vui buồn, chuyện trò cảm thông, săn sóc nhau khi đau yếu, dù chỉ là trên tinh thần thôi, quí lắm chứ.

– Đúng vậy Dolly à , Hai người không là vợ chồng, nhưng gần hơn tình nhân.

– Trước đây thì tôi rất ngạc nhiên , tôi không quen với lối sống nầy, vì phong tục cuả chúng tôi khác biệt. Rất khó giải thích, khi người hôn phối mất đi, phụ nữ thường sống một mình , hay với con cái, không kết hôn , rất hiếm những trường hợp tái giá, bên phía đàn ông thì khác , họ có quyền lấy vợ, không ai đàm tiếu.

– Lạ vậy Dolly, tại sao phụ nữ không được phép tái giá, mà đàn ông lại có quyền lấy vợ, thật là bất công vậy ? Người chết không thể sống lại , vậy chờ đợi làm gì ? thanh xuân được bao lâu ?

– Mya, phong tục tập quán từ bao nhiêu đời, chúng tôi sống trong gia đình như một tập thể, ông bà cha mẹ , con cháu quay quần, từ thuở nhỏ đã được nhồi nhét vào, phụ nữ luôn luôn phải phục tòng. Thực ra thì bây giờ đã thay đổi nhiều rồi, nhưng vẫn không thể sống tự do như ở đây .

– Tôi quen với cuộc sống trong xã hội nầy, con caí lớn lên, rời gia đình, có đời sống riêng tư, Lúc cha mẹ về già thì chỉ sống thui thủi một mình . Do đó tôi hiểu hoàn cảnh cuả bạn tôi, sau khi ông chồng mất đi, bà không muốn làm phiền các con, nên vẫn giữ ngôi nhà và sống một mình trong đó . Còn ông bạn cuả bà cũng có nhà riêng.

– Ông ấy có còn con cái không ?

– Các con cuả ông đã lớn, chúng ở xa, chỉ về thăm đôi lần một năm, Lúc ông còn khỏe thì thường đi thăm chúng nó.

– Bây giờ ông mất rồi .

– Vâng, chính chuyện tang ma cuả ông làm cho bạn tôi phiền não.

– Ông không có di chúc sao ?

– Vấn đề không nằm trong đó

– Thế thì chuyện gì làm cho bạn cuả Mya phải phiền não thế?

– Chuyện cử hành đám tang, các con cuả ông muốn mang quan tài về chôn ở Mississipi , là quê quán cuả ông.

– Nhưng hồi sinh tiền ý cuả ông thế nào?

– Ông đã mua sẳn sinh phần cho mình ở nghiã trang Holy Cross , bên cạnh bà vợ .

– Thế thì sao các con lại muốn mang về quê nhà làm gì , cho thêm nhiêu khê?

– Chuyện chính là chúng không muốn cho bạn tôi tham dự đám tang.

– Có chuyện đó sao?

– Thỉ mới nói, bạn tôi chỉ muốn đến đưa ông lần cuối cùng thôi, bà ấy không cần tiền bạc cuả ông, với tiền hưu trí cuả bà cùng số tiền an sinh xã hội cuả chồng, bà có thể sống an nhàn cho đến cuối cuộc đời. Tôi thân với bà nên biết rõ hoàn cảnh cá nhân .

– Tôi thấy chuyện nầy đơn giản mà , bà đã có hơn mười năm già nhân nghĩa , non vợ chồng thì bà có quyền đi tham dự đám tang chứ. Dù cho là bạn bè thì cũng đến được chứ nói gì tình thân như vậy .Tôi thật không hiểu được.

– Dolly còn lạ gì tính tình cuả thiên hạ, dù cho ông ta chết đi rồi, nhưng đám con cái thường ngày không thò mặt đến thăm, bây giờ lại bù lu bù loa than khóc, chúng nó có ngồi được ngày nào để chăm sóc miếng ăn, ly nước, an uỉ, vuốt ve. Bây giờ thì chúng chỉ trông mong cho qua tang lễ để còn tranh nhau chia chát cuả cải trong ngôi nhà.

– Có chuyện nầy nữa sao ?

– Dolly ngây thơ quá, dĩ nhiên là chúng nó phải tranh giành rồi, đó là lý do chúng luôn ngăn cản Bố chúng kết hôn với bạn tôi, nhưng chúng nó không nghĩ rắng bà ấy không cần tiền, bà có thừa tiền để sống an nhàn, du lịch hàng năm…

– Chuyện nầy thì tôi thấy cả hai phương đông và tây giống nhau, Bố tôi ngày xưa thường nhắc các con, sau khi Bố qua đời thì sẽ không còn đất đai cho con tranh giành , gia tài Bố chia trước là học hành, Bố sẽ cố gắng chu toàn cho các con ăn học nên người, chứ Bố không mua sắm cuả cải, đất đai. Bạn bè thường lấy làm lạ, nhưng chúng tôi hiểu ý định cuả người

– Ông cụ thật là người hiếu sâu xa

– Vâng, sau ngày thống nhất, Bố tôi mất cả gia sản, nhưng chúng tôi không mất kiến thức cuả mình, không ai có thể đoạt được điều nầy.

– Đúng vậy, chỉ tiếc là rất ít người thấy được , ai cũng lo gom góp cuả cải để truyền lại cho con. Chúng nó không làm ra nên chúng không biết sự khó nhọc, chưa kể chúng còn tranh giành nhau, làm cho anh em mất hòa khí, còn tệ hơn nữa.

– Tôi luôn căn dặn các con, phải luôn thương yêu đùm bọc lẫn nhau.Không bao giờ chia rẽ, nhất là vì chuyện chia gia tài, dù rằng tôi cũng học theo gương của Bố, không có gì để chia, trừ ra căn nhà, nếu tôi còn sống trong đó cho đến cuối cuộc đời.

– Thì ông bạn nầy chỉ còn căn nhà, theo như bạn tôi kể lại, tất cả tiền bạc, ông đã cho các con cả rồi, chúng nó luôn có những tặng vật thật đắt giá mà ông ấy mua cho vào các dịp lễ lạc.

– Thế thì còn gì để mà tranh gành ?

– Lòng tham vô tận Dolly à, chúng nghĩ là bạn tôi giữ nhiều tặng vật cuả ông ta, nhưng đó là do ông ta làm quà biếu, tính ông ta rất nghệ sĩ và nhất là rất hào phóng, lúc nào cũng yêu đời, vui vẽ, tôi cũng mến ông ta, tôi thất tình lo lắng cho bạn tôi, bà ấy khó mà tìm được người đàn ông nào hợp tính tình và tốt bụng như ông.

– Cũng không thể biết trước được, mọi việc an bày theo Thiên ý . Điều khó nhất là vượt qua lúc nầy. Bạn cuả Mya quyết định thế nào ?

– Tôi khuyên bạn cứ đường hoàng đi dự đám tang, nếu điều nầy làm cho bà an bình, vì tôi biết rằng nếu không đi thì bà sẽ ân hận, lúc bấy giờ đã muộn rồi

– Vâng, tôi đồng ý, nghĩa tử là nghĩa tận, kẻ tử thù còn được chào kính , huống gì người thân. Bà thật lòng yêu quí ông thì không nên để cho các con cuả ông làm chướng ngại vật. Ai có quyền cấm cản bà ? Câu chuyện nầy thật vô lý đó Mya

– Dolly, tôi đã nói rồi, chính tôi khi nghe bạn tâm sự còn thấy bất bình, huống gì đang sầu não như bà bạn.

– Tôi cầu nguyện cho bà ấy

– Cảm ơn Dolly đã chia sẻ với tôi.

– Mya , không có gì, bà đừng bận tâm , tôi chúc bà ngày an lành.

 

Vũ Thị Thiên Thư

 

Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui 2

Tóc Ngắn

** Chuyện kể cuả bạn tôi, chị làm cho một thẩm mỹ viện trong thương xá.

 

Người phụ nữ trung niên, khuôn mặt hiền hoà, dễ mến. Bà xin hẹn rất nhiều lần, tôi đã từ chối. nhưng bà vẫn kiên nhẫn chờ đợi. Có những khi đi mua sắm trong thương xá, bà cũng ghé vào thăm. Tôi giải thích rất nhiều lần, bây giờ thời gian làm việc cuả tôi không còn như ngày xưa, vì sức khỏe kém, nên tôi thu ngắn và không nhận thêm khách hàng mới. nhưng bà vẫn kiên nhẫn chờ đợi.

– Tôi thường quan sát cách làm việc cuả bà. Tôi biết bà làm ở đây từ lâu. Lần đầu tôi đến đây, tôi xin hẹn với bà, nhưng không có giờ nên tôi phải lấy hẹn với Dana Thật là phiền toái đó, bà ấy không chịu nghe tôi nói, mà chỉ muốn làm theo ý cuả mình.

– Khổ thật, bà chọn đúng vào con người nầy thì khó mà lay chuyển, bà ta rất độc đoán, chỉ có ý cuả bà là đúng, còn ý muốn người khác thì mặc kệ

– Nhưng tôi là người trả tiền, tôi phải có ý kiến chứ

– Đúng vậy, vấn đề rất đơn giản , bà là khách hang,cứ chọn lựa kiểu tóc, chọn màu sắc mình yêu thích, và Dana cứ thế mà làm theo thôi, có gì khó khăn đâu?

– Nhưng bà ấy không làm như vậy, cho nên tôi mới phiền lòng,thú thật là tôi đã không muốn trở lại đây nữa đó, nhưng vì tôi cố ý muốn chờ bà nên mới đến xin hẹn, Không ngờ tôi gặp Dana đang ngồi ngoài bàn tiếp khách, thế nên tôi không muốn sinh ra chuyện lôi hôi, tôi huỷ giờ hẹn và không trở lại đây thêm lần nào nữa.

– Tôi không ngờ có chuyện như vậy, phải chi bà nói cho tôi biết sớm để tôi giàn xếp ổn thoả hơn .

– Tôi không muốn làm phiền mọi người, bây giờ tóc tôi mọc thêm dài rồi nên mới quyết định trở lại tìm bà đó chứ.

– Tôi thật cảm ơn sự kiên nhẫn và lòng trung thành cuả bà. Bây giờ tôi có thể làm gì giúp thì bà cứ thẳng thắng nói ra nhé.

– Vâng, tôi hòi thăm thì biết là Dana đã không còn làm việc ở đây, nên tôi cảm thấy tự nhiên hơn.

– Vâng , tóc của Susan bây giờ dài và đẹp quá, thoạt nhìn, thú thật là tôi không nhận ra bà .

– Tôi mới nuôi tóc lại mấy năm nay đó. Tôi luôn ao ước là sẽ có mái tóc uốn từng lọn dài, trong các chị em gái, tôi là người có sợi tóc thẳng như que, tóc của bà chị tôi, từng lọn cong dầy và đẹp cô cùng.

– Tôi hiểu, chúng ta thường ao ước ngược lại những gì mình có. Tôi uốn cong tóc cuả người tóc thẳng và kéo thẳng tóc quăn. Nhưng không như vậy thì chúng tôi thất nghiệp mất.

Câu chuyện xoay chunh quanh mái tóc, Susan hẹn sẽ đến khi bà sẵn sàng. Tôi cũng không nghĩ đến chuyện nầy nữa, những người khách hàng thường xuyên đã khiến cho tôi bận rộn suốt tuần rồi cho nên tôi rất ngạc nhiên khi nhìn thấy Susan bước vào. Lần nầy thì với lý do chính đáng. Bà ngồi xuống ghế,

– Tôi muốn uốn tóc quăn, bà nghĩ tóc nầy đã đủ dài chưa?

– Susan, chiều dài cuả tóc không phải là trở ngại chính, mà điều kiện cuả tóc mới là nan giải đó.

– Sao vậy?

– Tôi rất muốn uốc tóc cho bà, nhưng bà hãy nhìn đây, sợi tóc bà rất mỏng, hiện đang nhuộm màu, nếu tôi dùng hoá chất để uốn thì sẽ làm hư tóc .Tôi thậtkhông muốn làm, tôi biết bà trả tiền, và không ngại tốn kém, nhưng lương tâm tôi không cho phép tôi làm việc cẩu thả. Xin bà hiểu cho.

– Tôi luôn quí sự chân thật cuả bà. Nhưng tôi đã không còn nhuộm màu từ lâu rồi, và luôn dùng thuốc nuôi dưỡng tóc, nên tôi nghĩ là có thể uốn được rồi đó.

– Không Susan, thuốc nhuộm vẫn còn trong sợi tóc, trừ khi cắt bỏ hẳn đi.

– Thế thì tôi không còn hy vọng sao?

– Vâng, trừ khi bà cắt ngắn và nuôi cho tóc dài trở lại .

– Tôi đã cắt một lần rồi đó, lần nầy là “ Lễ Vàng “ kỷ niệm năm mươi năm ngày cưới cuả Ba mẹ, có rất nhiều thân nhân vè tham dự. tôi định giành sự ngạc nhiên cho mọi người nên mới làm phiền bà.

– Tiếc quá, ước gì tôi có thể làm khác hơn. Bà cắt tóc ngắn thời gian nào vậy?

– Hơn ba năm rồi bà. Lúc đó tóc tôi chỉ hơn hai lóng tay thôi.

– Nguyên nhân nào Susan lại cắt ngắn như vậy ?

– Kể ra thì dài dòng, Mẹ chồng tôi bị bệnh bứu trong óc, phải vào bệnh viện giải phẫu. Lúc xuất viện thì tóc cuả bà đã phải cắt ngắn đi, dĩ nhiên là bác sĩ không cắt như viện thẩm mỹ, dù sau đó tôi đã đưa mẹ đi thẩm mỹ viện để cắt sửa lại, nhưng mẹ cứ nhìn mái tóc dài cuả tôi mà buồn hiu hắt. Không muốn làm cho mẹ buồn thêm, nên tôi đã lấy kéo tự cắt tóc cuả mình, cứ đo chiều dài chừng hai lóng tay, tôi cắt hết mái tóc dài mượt mà không hối tiếc.

– Susan, bà thật là can đảm và hiếu hạnh, tôi khâm phục vô cùng.

– Mẹ sống hơn sáu tháng, sau khi mục bứu dữ tái phát lại, lúc bấy giờ thì không còn cứu chữa được nữa. Tôi không hề tiếc nuối mái tóc cuả mình, vì cho dù chì sống được có sáu tháng phù du, ít nhất thì mẹ cũng an vui hạnh phúc hơn.

– Susan, người đông phương chúng tôi ca tụng hiếu hạnh, có những người đã lão thành nhưng vẫn đóng trò hề cho cha mẹ vui tươi, tấm gương hy sinh cuả bà thật là đáng cho chúng tôi khâm phục.

– Tóc có thể mọc dài ra, nhưng mẹ thì chỉ có một, nếu có thể giữ được mẹ với chúng tôi thì mái tóc không cần thiết nữa.

– Susan, bà đã chờ bấy lâu, phải chi tôi biết trước, thì đã khuyên bà không nên nhuộn màu. Lần nầy bà có tiệc mừng, tôi thật đắn đo.

– Ba mẹ tôi tuổi đã cao, không biết còn lại bao nhiêu ngày, lần nầy chúng tôi mời tất cả họ hàng về chúc mừng, muốn làm bất ngờ, cho nên tôi cũng muốn sửa soạn cẩn thận. Gần một năm, tôi chưa về thăm, chỉ chuyện trò thường xuyên thôi.

– Susan, tôi hiểu tấm lòng của bà, tôi chia niềm vui, cầu chúc bà có một ngày thật vui mừng, hạnh phúc .

Vũ Thị Thiên Thư.

 

 

 

Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui 1

 

 Gwen

 

– Gwen có chương trình gì cho cuối tuần nầy không ?

– Nghỉ ngơi thôi, đúng ra thì tôi dự định đi tiệm làm móng tay đó, nhưng hết nhẳn tiền rồi, thôi thì tự làm lấy, cũng không sao.

– Gwen cần bao nhiêu tiền? Tôi cho bà mượn tạ một ít vậy..

– Không cần đâu, tôi mượn cuả bà thì việc làm cuả tôi không còn ý nghĩa nữa

– Chỉ là mượn tạm thôi, bao giờ Gwen trả lại cũng được mà .

– Tôi kể vắn tắt tại sao, thật ra thì tôi có tiền, nhưng sáng nay, khi chuẩn bị mở cửa xe để đi làm, tôi gặp một người bạn học khi xưa, lâu lắm rồi không có cơ hội gặp nhau, từ khi bà ấy dọn về East site để chăm sóc cho Mẹ già. Vừa trông thấy tôi, ánh mắt bà ấy thật mừng rỡ, chào nhau xong, bà lại ngập ngừng, tôi hỏi bà có chuyện gì muốn nói ? Bà hỏi mượn tôi mười một đồng để mua vé xe đò đi Kentucky

– Bà đi Kentucky để làm gì thế ? Sao lại hỏi Gwen để mượn tiền ?

– Bà ấy đi nhận xác con

– Oh! Chúa tôi.

– Vâng, cơ khổ, nghe tin con gái bà tử nạn xe cộ, hiện đang quàng lại ở Kentucky, bà kể mà tôi thấy buồn chín ruột gan, cho nên tôi móc hết bốn chục đồng trong túi tặng cho bà. Bà nhất định chỉ mượn mười một đồng thôi, nhưng mình có lòng dạ nào mà chỉ cho mượn? Tôi tặng hết cho bà, nghĩ rằng ngoài chuyện di chuyển còn phải ăn uống dọc đường nữa chứ. Đã mất con, còn thêm đói khát, khổ nào hơn, mình biết mà không giúp thì còn xứng đáng làm người không? Thế là hết tiền đi làm móng tay, nhưng trong lòng tôi rất an vui, không cần phải làm đẹp nữa.

– Gwen, trái tim bà bao la như biển cả, Thiên Chúa sẽ ban cho Hồng ân bất tận.

– Tôi nghĩ Thiên Chúa đã an bày, vì đã khiến tôi gặp bà ấy cho nên mới có cơ hội chia sẻ, ân phúc cho cả hai chúng tôi, bà có nghĩ thế không ?

– Vâng, Gwen, cảm ơn bà đã kể lại cho tôi nghe, mỗi ngày chúng ta chia sẻ một niềm vui .

 

Tôi lại nhớ đến bạn tôi, miên man trên con đường về nhà, người bạn với trái tim bao la, luôn nhường cơm chia áo, nghĩ đến chiếc áo mới đã ngưng lại không mua cuả em tôi , nghĩ đến Gwen, và mối duyên tri ngộ cuả chúng tôi, niềm hạnh phúc vô cùng “ Giàu vì bạn …”

Bên cạnh cuộc sống bon chen, ích kỷ, trong đó vẫn không thiếu những tấm lòng…

 

Vũ Thị Thiên Thư

 

Em về trong giấc Liêu trai

Em về trong giấc Liêu trai


Ẩn hiện em về trong giấc mộng
Diụ dàng hơi thở tựa mây bay
Dừng tay ngọn bút e kinh động
Vai luạ mượt mà hương Liêu Trai

Thả xuống từng trang thơm mực đọng
Nở trăm nghìn đoá diệu kỳ ngôn
Ái yêu thắp sáng ân tình trọng
Viễn giác du hồn dâng môi hôn

Vóc liễu mình sương trăng nghiêng lộng
Nhịp nhàng cung bậc trổi hoan ca
Tay nhung mười ngón muôn trùng vọng
Gởi giữa tầng không tiếng ngọc ngà

Khép mở vòng tay hình hay bóng
Là em men rựơu ngất ngây say
Chìm trong đáy chén cơn cuồng vọng
Mờ nhạt tan dần sương khói phai…

Vũ Thị Thiên Thư

Tiếng đàn bên sông

Tiếng đàn Bên Sông

 

Chiếc xe vận tải loại nhỏ rẻ vào con đường mòn, bỏ lại sau lưng những cánh đồng bát ngát. Con đường nầy không có bao nhiêu xe cộ lưu thông. Hai hàng cây đan bóng mát dầy dặt, buị mù tung bay theo sau vết bánh xe, tấm bạt bằng vải dầu che sau khoang xe đổi màu xám xịt. Chiếc xe phản đối mặt đường đầy ổ gà, lồng lộn gào rú từng chập. Tiếng máy phát thanh trong xe cắt tiếng động cơ, xé nát khoảng không gian yên bình cuả vùng đồi xanh mượt.

– Quẹo, quẹo , già chạy nhanh quá vượt qua con đường mất rồi , phải quay trở lại đi.

– Cậu chờ đến tân nơi mới chiụ nói, mặt đường thì lồi lõm, dấu bánh xe vận tải nặng cày nát như hố bom , vết cắt như rồng rắn, làm sao mà thắng cho kịp ?

Dù lấu bầu, nhưng Tâm vẫn ngừng xe lại, gài số chạy thụt lùi, buị bay ngược lên mù mịt. Vói tay tắt máy phát thanh, Minh cằn nhằn

– Già ơi ! lái kiếu gì vậy, tớ đứng cả tim, có ngày chết không kịp ngáp. Không rơi xuống hố thì cũng vướng vào gốc cây bẹp dí.

– Ấy, đã vướng cành cây nào đâu . Thôi im đi, quẹo lối nào thì bảo, cậu cằn nhằn cứ như đàn bà vậy.

– Bên trái, nửa dặm trong sâu kia, cái quán trọ bên bờ sông. Tớ đã lấy phòng trước rồi, khi nào đến thì chỉ hoàn tất thủ tục, ký giấy tờ thôi. Sáng mai thì nhận xuồng bơi và vật dụng rồi lên đường.

 

Tâm sang số xe, rẻ vào con đường mòn, qua khỏi khúc quanh. con đường quang đãng dẫn vào khu đất trống dùng làm bãi đậu xe. Thấp thoáng bóng mái nhà, khi đến gần thì nhìn thấy rõ ràng hơn, là một căn nhà gỗ cũ kỹ , xây cất trông giống các trang trại cuả vùng đồng bằng miền Nam, nhìn quanh, đó là căn duy nhất. Tâm nghĩ thầm “Quán với xá, không chuột cắn thì cũng ma tha …” Chiếc xe vận tải nhỏ nằm chơ vơ trong bãi, già nua không đoán được con số tuổi đời, biến mất cả màu sơn nguyên thủy, bao nhiêu lớp bôi quẹt chồng lên nhau, chưa kể rỉ sét ăn mòn theo tháng ngày .

Minh bước xuống xe, bước vào căn nhà, mấy bậc thang dẫn lên sàn gỗ trở mình kẽo kẹt dưới gót giầy.

– Có ai trong văn phòng không ? Ông chủ ơi !!

– Tôi ra ngay .

Khuôn mặt rám nắng thò ra , vóc dáng cao lớn, râu ria xồm xoàm, người đàn ông xuất hiện sau khung cửa mặc chiếc áo nỉ sọc, quấn jean với yếm dài tận cổ. Nụ cười thân thiện làm sáng ánh mắt hằn những nếp nhăn cuả người quen nắng gió. Ông ta chià bàn tay chắc chắn, da tay chai vì làm việc hàng ngày, Minh xiết nhẹ, nhìn xuống bàn tay cuả mình, những ngón tay mếm mại cuả người cầm bút quanh năm, thấy hổ thẹn trước cái xiết tay nồng nhiệt .

– Tôi là Minh , người liên lạc ký hợp đồng qua điện thoại với ông.

– Oh ! Tôi đã chuẩn bị các thứ rồi , chỉ cần ông kiểm soát lại thôi. Phòng trọ nằm phía sau căn nhà nầy , các ông có thể trả xe nơi đó luôn .

– Thế thì tốt quá , chúng ta vào vậy .

Căn phòng sau khung cửa, bàn viết kê trong góc, điện thoại treo lủng lẳng sợi dây dài cuốn như ruột gà, trên vách dán đầy những tờ giấy ghi nhớ, nhắc nhở công việc hàng ngày. Cầm tờ hợp đồng lên, thủ tục ký nhận nhanh chóng.

– Nhân tiện , mời quí ông đến dùng bữa cơm chiều cùng chúng tôi .

– Oh! Cảm ơn ông, vâng , chúng tôi sẽ đến.

– Sáu giờ nhé, ở đây mặt trời khuất sớm .

 

Tâm tháo hành trang, cái tuí nhỏ chưá vật dụng cá nhân, thuốc men và quần áo. Các thứ khác sẽ do chỗ cho thuê cung cấp. Xếp đống hành lý vào gốc cây, ngối xuống trên thân gỗ súc chưa kịp cưa cắt ra, đưa tay tháo hộp đàn, nhẹ nhàng nâng niu cây Lục huyến cầm như vuốt ve người yêu. Ánh nắng chiếu chiếu qua tàng cây, kẻ lá, in thành từng vệt hình thể khác biệt, nối tiếp, cận kề. Vuốt nhẹ ngón tay, những sợi kim loại mong manh trở mình, mừng rỡ, reo vui thoát khỏi khoảng không gian tù hãm chật chội. Ánh nắng dù hắt hiu cũng chiếu rọi êm đềm hơn bóng tối thâm u. Minh càu nhàu khi thấy Tâm mang theo hộp đàn Guitar.

– Già mang theo làm gì? Bộ đi trình diễn hay sao, hoạ chăng chỉ có nai và chó sói làm thính giả.

Tâm thả những âm thanh đầu tiên, như tiếng gió nhẹ nhàng mời gọi. Tiếng lá thì thầm , những nốt nhạc theo ngón tay không ngừng nghỉ. Ngày tháng chập chờn, lúc cả nước tang thương, bạn bè như bầy chim vở tổ, đứa tha phương cầu thực, đứa về bám ruộng đồng, đứa vào tù làm phân xanh cây lá. Những ngày rạng ngời xanh tóc, nồng thắm tình yêu, bước vui theo chân chim sáo, ngón tay diệu kỳ thả từng thanh âm, nối lại nhip cầu sông Ngân, cùng bầy chim Ô Thước. Thanh âm cuả những ngày tù đầy trên chính quê hương mình, khi bạn bè thân quen từ bấy lâu, bỗng hiện thành những cây ăng ten, sóng điện từ chờ chực báo cáo lập công. Ngày vớ được cây đàn Guitar trên tay, mừng như trẻ nhỏ được quà, hát như chim trời tự do, hát quên mất bản thân đang cá chậu. Trả giá cho những đốm sáng huy hoàng, rồi chợt tắt đó, bao nhiêu tờ tự kiếm như bướm bay, bao nhiêu ngỡ ngàng gậm nhấm cho thế thái nhân tình, người bạn thân bỗng đâu biến thành tên thích khách.

Đóng lại cuộn phim, dập tắt nỗi bàng hoàng, Tâm hít cho đầy buống phổi, bầu không khí thơm hương đất ẩm, hương lá cây, hương sức sống tiềm tàng theo từng tế bào thực vật. Nhưng đây là bầu không khí tự do, không một ai chực hờ rình rập , không có họng súng trên đôi tay chàng thanh niên chưa đầy tuổi lớn, niềm kiếu hảnh chiến thắng bị gắn chặt như lớp keo dán dị hình, biến tuổi thanh niên thành bộ máy chỉ biết hờn căm, hách dịch nhìn những con người thụ động bước đi, thi hành không phản kháng, mòn mỏi vì đói khát triền miên, bệnh tật vì bị vắt cạn kiệt sức đề kháng lẫn sức sống từng ngày .

Miên man với ký ức muôn màu, nỗi đớn đau từng ngày trong tù, từng giây trong hầm tàu ngột ngạt, nước ngập xâm xấp dưới ống chân, nước không thoát được vì chỉ có mỗi cái bơm, mà tuổi đời không biết đã bao nhiêu năm, khục khặc lê lết không đủ sức tháo nước ra, cộng với nước thừa thải ra từ những tấm thân rã rời, những anh hùng hay chiến bại, chân cùm, thân thể dật dờ hoi hóp trong bầu không khí tù hãm, mùi xú uế nồng nặc. Tâm nhớ như hôm qua, nhớ như giấc ngủ và cơn ác mộng hàng đêm, tưởng chừng như không bao giờ biến mất, chỉ có ánh sáng, công việc mưu sinh, cơn mộng du giữa ban ngày và cây Guitar bầu bạn. Tâm hồi sinh, thoi thóp kéo lê cuộc sống, thở lại không khí trong xanh, nhìn nắng hồng tươi nơi chân trời, đuổi theo dòng nước bạc nhẹ nhàng trôi. Mãi mê chìm đắm trong vùng ký ức, cắt đứt với hiện tại, Tâm không còn nhìn thấy ánh nắng đã nghiêng soi, tất cả các thanh âm, bổng trầm, như chìm sâu vào bóng lá tự bao giờ.

Tâm tiếp tục, vuốt, thả ngón tay trái trên cần đàn Guitar, khuỷu tay phải tựa nhẹ trên thùng đàn, móng tay di động, buông từng giọt khói sương, thanh âm rơi vào không gian êm ái. Bất chợt, có tiếng Băng cầm giòn giã nối theo Tâm nhìn lên đống gỗ chất cao sau hàng cây, mái tóc vàng hoe như râu bắp cuả thắng bé con, khuôn mặt đầy tàn nhang, trên tay thằng bé là cây Banjo, màu thép phản chiếu lấp lánh. Tâm búng mấy ngón tay, tiếng đàn vang lên rồi ngưng bặt, bốn con mắt nhìn nhau, mấy ngón tay di động, thằng bé con mĩm cười, rung tiếp mấy trường canh, lại nhìn nhau, Tâm tiếp tục, những ngón tay vuốt lên cần đàn, thắng bé con lại đàn tiếp theo, không gian trầm lắng bỗng chốc rộn ràng với những thanh âm đuổi theo nhau, nốt theo nốt , trường canh theo trường canh, khi vuốt ve, lúc khiêu khích, buổi song tấu bất ngờ, mối duyên ơ hờ không hẹn, hai mái đầu, một khách, tóc điểm sương lo thơ, từ bên kia bờ biển xanh, dày dạn phong trần, một chủ , tóc vàng hoe từng lọn, bên góc rừng cạnh dòng sông, cuộc sống chưa bắt đầu, bao che bởi ngàn cây êm ái. Ngữ dị biệt, ngôn bất đồng, nhưng thanh âm phát ra từ hai thứ nhạc khí, bổng trầm theo nhau, hài hoà tuyệt diệu.

Tiếng cồng lanh lảnh, cắt đứt dòng nhạc đang miên man, như suối chảy, như mây bay. Thằng bé nhún mình nhảy xuống gọn gàng, Tâm cũng dừng tay lại, vác đàn lên vai, bước về phía thằng nhóc con, bàn tay giơ cao vẽ một vòng cung trong không khí, nghiêng mình cuí chào đúng phong cách, tiếng cười thanh thoát, khuôn mặt thông minh tinh nghịch, đôi mắt chứa màu xanh biếc cuả vùng đồi non xanh mượt. Tâm nắm bàn tay nhỏ nhắn, nheo mắt sau cái bắt tay nối tình thâm trọng, buối hoà nhạc bất ngờ nối hai mái đầu, phong sương và thơ trẻ lại với nhau, sợi dây huyền nhiệm, không ranh giới phân chia, không màu da sắc áo.

 

Buổi cơm tối đơn sơ, nhưng chắc bụng, ánh đèn vàng diụ dàng toả ánh sáng, câu chuyện về cuộc sống đậm đà , cởi mở, tiếng cười ấm áp trong căn phòng nhỏ, khi Tâm và thằng bé con đứng dậy thu dọn bát đĩa, Minh và Joe ra trước hiên hút thuốc, tiếp tục chuyện trò.

Nhìn theo ánh mắt tư lự cuả Joe, Minh có trăm ngàn câu hỏi, tại sao một con người năng động, kiến thức sâu xa, lại bỏ tất cả, về sống nơi đèo heo hút gió nầy ? Còn thằng bé con nữa chứ, làm sao nó học hành? Không lẽ suốt đời chui rúc trong cánh rừng và con sông? Nhưng thằng bé cũng lạ, trong suốt bửa ăn, chẳng hề nói một câu, chỉ nhìn Tâm và cười rạng rỡ. Cả hai có điều gì bí mật với nhau, không nói mà như hiếu nhau bắng ánh mắt, nụ cười.

Hai mái đầu, tóc đã điểm sương phai, bên cạnh chồi non xanh mượt, kẻ rửa người lau, trong phút chốc, chồng chén dĩa, chiếc chảo gang, đã sạch sẽ gọn gàng. Bốn bàn tay giơ cao, thằng bé tung tăng đi về phòng ngủ, trở ra với cây Băng cầm, thanh âm lại vang lên dòn giã, Tâm phụ hoạ theo với tiếng Tây Ban Cầm, cả hai quên mất sự hiện diện cuả Minh và Joe, hai thính giả ngoài hiên nhà, cùng ngọn cỏ lao xao, ngàn lá cây xào xạt, và tiếng côn trùng gọi nhau nỉ non.

Nghiêng tai lắng nghe, dụi đốm lửa đỏ, chôn tàn thuốc lá vào cái bồn cát bên góc nhà, bóng tối bao trùm lên vạn vật. Joe lắng nghe tiếng đàn diù dặt reo vui, trong lòng trăm mối. “ Annie đã bao nhiêu năm, ước gì em nhìn thấy con chúng ta, Mike lớn như thổi, mười năm, như bóng mây qua, vẫn thách thức tất cả, vẫn còn sống đây, vẫn tươi tốt như cây xanh, vẫn hài hoà cùng vạn vật …”

 

– Annie, anh nghĩ nó là con gái

– Nhưng nếu nó là con trai thì sao hở anh ?

– Thì mình vẫn yêu nó chứ sao , nhưng mình sẽ sinh đứa con gái khác

– Con trai hay con gái thì nó vẫn là con của chúng ta, kết tinh cuả aí ân nồng đậm, anh đừng bao giờ bỏ con nhé.

– Sao em lại nói thế? Con cuả chúng ta, làm sao anh bỏ được ?

Annie, mối lo sợ vẫn vơ,, không ngờ là sự thật, nhưng không phải anh là người bỏ con , mà chính em. Tại sao có thể nghiệt ngã như thế ? Đưá con gái xinh xắn chưa kịp chào đời, em lại bỏ anh đi? Joe nhớ nổi đau tê dại, nổi đau thắt chặt trái tim, nổi đau không thể quên dù ngày tháng qua đi.

– Thưa Ông, chúng tôi cố gắng , nhưng ..

– Bác sĩ , bằng mọi cách, làm ơn…

Nỗi ngây dại, nỗi cuống cuồng, những bước chân đếm không ngừng trong căn phòng chờ đợi, một hai, bước tới rồi quay lại, gọi bao nhiêu đấng thiêng liêng, cầu xin tất cả. Niềm tin cuả thường ngày vắng bóng, Joe khấn cầu, tuyên hứa. Cánh cửa mở, Joe lao vào như tia chớp, Annie nằm yên, ánh mắt rạng ngời, trên ngực ôm hài nhi còn đỏ hỏn, ngo ngoe tay chân, nụ cười chưa kịp nở bùng lên, đã nhạt phai như tia nắng chiều tàn lụn. Dán vào ánh mắt lạc thần, chuyền tất cả hơi sức vào, nắm bàn tay lạnh giá, Joe khẩn cầu

– Annie, Annie cố gắng lên.

– Chúng tôi đã tận lực, không thể nào cứu cả Mẹ lẫn con .

Joe không nhớ mình đã nói gì, không nhớ mình đã làm gì, ngày giờ trôi như mộng du, như cuốn băng trắng, dù cho có cố gắng tìm lại hình ảnh tiếp nối, cũng không thể nào. Lúc Joe tỉnh giấc mơ, nhìn đứa bé đỏ hỏn trong tay, không biết nên vui hay buồn. Căn nhà đầy những hình ảnh, đầy những dấu vết, vào ra như nhắc nhở, hàng ngày, mọi thứ trước đây được sắp sẳn, chăm chút, giờ phải làm lấy một mình, từ chiếc khăn, cho đến manh áo cho con, Joe đọc hết cẩm nang cho đến công thức hướng dẫn, cuống cuồng khi con ốm đau, hai bố con sống âm thầm trong căn nhà thênh thang thiếu bàn tay phụ nữ chăm sóc. Cho đến lúc quá mệt mõi vào ra bệnh xá, những đêm ngồi ngất ngưởng ôm con thức trắng, Mike ngặt nghẻo vì bệnh tật, chán chê vì dời từ nhà trẻ nầy sang nơi khác. Thách đố với tất cả những lời tiên đoán, chuẩn bệnh cuả các danh y, Joe từ nhiệm, bán nhà, mang con về sống trong vùng quê an bình, xa vắng.

Mike lớn theo cây cỏ, hai Bố con như hình với bóng. Nhiều lúc nhìn con Joe nghĩ đến an bày cuả Thượng Đế. Không hề hối tiếc việc từ chối cuộc sống ồn ào, buị bậm cuả thành phố để về đây. Thiên nhiên, phương thuốc kỳ diệu, hơn cả bao nhiêu điều khoa học không thể chứng minh. Âm nhạc, sức sống tiềm tàng thôi thúc, nguồn năng lượng cung cấp hàng ngày, chỉ có thanh âm mới xuyên thủng màn sương dầy dặc đó. Mike và cây đàn không rời trên tay, cả hai như hình và bóng. Từ một đứa bé tính mạng mong manh, thân thể như bộ xương, khi di động không đủ lấp khoảng không khí, cho đến lúc những tiên đoán không thể phát triển về trí năng, làm sao có thể lấp đầy quả bóng trống không?

Cảm ơn cây Xylophone, những mảnh gỗ đơn sơ, chắp lại, gõ bằng chiếc dùi con, taọ ra thanh âm, khi Mike hãy còn chập chững. Sự chú ý về thanh âm bắt nguồn cho niềm hy vọng. Sau khi đã không còn phương cách, mòn mõi, kiệt lực, tất cả các bài học tập tành khác không mang lại kết quả cụ thể nào. Mike vẫn èo uột, vào trường không theo nổi bọn trẻ cùng tuổi, cùng lớp. Không chấp nhận cho con vào trường giành riêng cho trẻ tật nguyền. Joe thu xếp xin thôi việc, mang con về vùng quê nuôi nấng. Vậy đó, mà đã gần mười năm…

– Mike , muộn rồi

– Vâng, tới giờ ngủ rồi, chúc cháu ngủ ngoan, sáng mai nhé .

Vuốt tóc thằng bé con, từ giã, Tâm đứng lên . Đêm và bóng tối, một ngày qua .

 

Bóng chiều ngã về tây, con sông cuồn cuộn chảy. Tâm thả tay bơi, chiếc xuồng con vẫn lướt nhẹ nhàng. Khúc sông nầy đã vượt qua những năm trước đây, chợt nhớ thằng bạn cùng lớp khi xưa, ngày nó về Giang đoàn, mặt búng ra sữa, chưa kịp quen luồng nước lợ vùng tam giác cuả các cửa sông Tiền, sông Hậu , đã lảnh trái B-40 vế nằm ụ Đồng tâm lây lất. Gặp hắn mò về thủ đô, xanh mướt màu bệnh viện

– Cậu ở đâu ra ?

– Mới xuất viện

– Ăn phải thứ gì ? Tưởng cậu đang ở Cà Mau

– Thì Cà Mau mới ăn B-40, chúng từ trong rừng mắm thổi ra , tớ bay mất cái đài chỉ huy, tưởng không còn chổ đội nón nữa

– Bao giờ thì trình diện lại ?

– Tuần sau. Ông cụ muốn tớ lên bờ, nhưng chuyện nầy cũng khó. Tớ muốn vào trường Sinh Ngữ Quân Đội , nhưng ngại chuyện thi tuyển sinh

– Chuyện đó dễ mà …

Cũng mối duyên nghiệp nào, hắn vào được trường Sinh Ngữ quân đội, để rồi sau 75 đi tù tận miền quê hương ngày xưa đã bỏ cuả chạy lấy người. Nếu hắn còn trong Giang đoàn thì biết đâu đã thoát đi ngày rã ngũ, nếu thân xác đã không nằm dưới lòng sông , hay chân dung trên bàn thờ hương khói, nếu và nếu …

 

Khúc quanh nầy, bờ đá nầy, con sông còn một đoạn bằng phẳng nữa mới đến thác. Sẽ ngủ lại đây đêm nay. Sáng mai, một ngày mới. Nghĩ đến ánh mắt rạng ngời cuả thằng bé con khi cầm cây Guitar trên tay, nhớ khuôn mặt đầy dấu tàn nhang, ánh mắt trong xanh, đơn giản cuả đứa trẻ chưa nhuốm âu lo, chưa hề xông pha vào cuộc đời trắng đen lừa đảo. Cuộc sống nầy, có bao nhiêu năm, Những tháng năm lận đận nối theo những ngày thăng hoa, muôn màu vạn sắc, không trung hòa đơn giản như đưá bé con, chỉ làm bạn với thanh âm, chỉ chuyện trò cùng cây cỏ. Ngôn ngữ, thứ qui ước diễn đạt không cần thiết, ngôn ngữ cuả Mike nằm trên những ngón tay, trong ánh mắt rạng ngời.

Cả hai khiêng chiếc xuồng con, đặt lên bãi cỏ. Tâm gom mấy nhánh cây khô, kinh nghiệm những ngày theo Hướng Đạo Sinh, phong trào thanh niên, thêm khoảng thời gian tù đày, phút chốc ánh sáng từ những thanh gỗ mỏng manh bùng lên, nấu ấm nước đầu tiên, tiếng reo vui trong lòng, nhúm hoa gói cẩn thận trong những lớp giấy ny long, hình dung vị hoa Vối tê tê trên đầu lưỡi, mùi hương theo nhau từ thuở vượt vỹ tuyến vào Nam, bất chợt, lây lan. Minh vẫn không bao giờ hiểu được

– Già biết uống cái thứ nước quê mùa đó à ?

Minh nhìn ngạc nhiên, khi thấy bạn trân trọng đun nước cho những nụ hoa be bé, màu nâu hồng sẫm. Tâm nghiện thứ nước quê muà đó, thấm qua từng tế bào, thẩm thấu từng mạch máu. Cũng như khi hắn tròn mắt nhìn thắng bé con trân trọng nâng niu cây Guitar Ephanol

– Già tặng nó cây đàn thật à ?

– Thế cậu tường tớ đuà sao ?

– Già quí cây đàn như sinh mệnh mà .

– Có những lúc, sinh mệnh không còn nghĩa lý gì, cây đàn nầy , trong tay người tri kỷ, có phải là đã sống một cuộc đời đáng sống không. Gươm thiêng tặng danh tướng. Hoa đẹp tặng Mỹ nhân.

– Tớ cũng chịu thôi, không thề hiểu được già

.

Chút hơi ấm len lõi trong những mạch máu, nhịp tim nhẹ nhàng, tiếng nói như gần xa…làm sao có thể hiểu được, Tâm còn không hiểu nổi chính mình, bao nhiêu năm qua, tưởng đã không còn những rộn ràng ấp ủ, chợt thở dài …Vương vấn một mùi hương .

 

 

Vũ Thị Thiên Thư

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Về Muôn Phía Hoa Khai

 

Về muôn phía hoa khai

 

Soi mái tóc xanh đối gương tự hỏi

Bao lần lá đổ mấy lượt xuân qua

Tình cũng như sông khúc chìm đoạn nổi

Đời bỗng gian truân sao chẳng cùng ta

 

Khêu nến lụn mong manh hư ảnh

Đêm chưa tàn tóc trắng màu sương

Đau niềm chung lận đận đời riêng

Chớm nụ biếc cuồng phong trăm mảnh

 

Trời đất bao la Phượng ơi tung cánh

Tình cũng như trăng lúc khuyết khi đầy

Chân mòn mỏi và đôi vai nặng gánh

Cánh nhỏ bên đời gió tạt mưa bay

 

Điểm phấn son tô màu cảm khái

Bút mực nào tận tuyệt niềm đau

Thôi chờ mong từ lúc xa nhau

Ôm ký ức dốc đời trang trải

 

Không ai trả hơn một đời lời lãi

Nước bình an rửa đoạn tháng qua ngày

Sống bao lâu mà bâng khuâng nghi ngại

Trải lòng ta về muôn phía hoa khai

 

Vũ Thị Thiên Thư