Ghen

 

 

Ghen

 

– Bình hoa cuả ai vậy ?

– Của Dolly

– Tại sao lại có hoa tươi ở đây?

– Thì hôm nay là sinh nhật cuả bà ấy mà

– Ai gởi vậy ?

– Thi các con cuả bà ấy gởi cho Mẹ không được sao, mà ai gởi thì mắc mớ gì đến bà?

– Bộ chúng nó có nhiều tiền lắm sao mà dám gởi vậy chứ ? Chúng nó có công việc làm tốt không ?

– Bà thắc mắc chuyện vô lý, nếu chúng yêu Mẹ thì chuyện gởi hoa sinh nhật là chuyện bình thường, Dolly thích hoa còn ai lạ gì nửa.

 

Sonya nhìn Bà ta chỉ nửa mắt, im lặng nhìn sang tôi lắc đầu, tôi cười nhẹ, nhìn ba chục búp hoa Tử đinh hương đủ màu sắc rực rỡ đang cười vui trong lọ thuỷ tinh. Biết là các con yêu Mẹ, niềm hạnh phúc cuả tôi không để cho nỗi bực mình làm hoen ố.

Helen nghe tôi kể chuyện, bà chỉ mỉm cười

– Bà ấy ghen đấy, đừng bực mình ta làm gì.

– Tôi thương hại cho bà ấy thôi, cuộc đời ngắn ngủi, bà ấy luôn luôn chua chát, con người không nhìn thấy hạnh phúc chung quanh mình, thì cuộc sống còn gì là thú vị hén ?

– Con người khi ghen với người khác vì họ mặc cảm, tự ti, cảm thấy sự thua sút .

– Ngược lại với cá tính của tôi, tôi cảm thấy vui khi nhìn người khác hạnh phúc, biết con cái họ thành công, mình cũng thấy hân hoan theo, mỗi người có phúc đức riêng, tôi không thấy sự bất hạnh cuả người nầy mà khinh rẻ họ, mình nên thương họ hơn chứ.

– Bà ấy không có lấy một lời chúc mừng sinh nhật cho bà, chỉ lấy sự ghen tức che mờ mắt, nên không còn nhìn thấy lọ hoa tươi tắn kia..Thú thật, tôi cũng cố gắng bỏ qua cho bà ấy , nhưng nhiều khi cũng thấy bực mình, may mắn là tôi không làm chung sở với bà ta, nghĩ đến phải nhìn và nghe bà tan vãn hàng ngày, tôi cũng phát điên mất

– Tôi quen rồi,nên không để ý đến bà ta nói gì đâu. Lúc mới vào làm chung, bà ấy không bao giờ chào hỏi,coi tôi dưới mắt, mặc kệ, tôi chào bà rồi lo làm việc cuả tôi . Tôi đã từ chối nhiếu lần, không muốn nhận công việc quản trị mà bà đang làm, nếu tôi thật sự muốn làm, thì không đến tay bà ấy đâu, tôi nói thẳng với bà là tôi không tranh chấp chức vụ đó, đừng lo lắng, tôi yêu thích sự tự do, không ràng buộc, làm hết giờ, ra về …

– Mọi người yêu quí bà, ngược lại, không thích bà ta, điều đó càng làm cho bà ta ghen, chưa kể là con cái bà ngoan ngoãn học hành, tốt nghiệp thành công.

– Điều nầy do phúc đức cuả mỗi người, tôi không nghĩ là mình tài giỏi đâu, ai có con cái thành công , tôi đều vui mừng cho họ.

– Trong xã hội nầy có nhiều hạng người, Dolly cũng từng gặp mà. Có những hạng người, họ chỉ nhìn thấy sự bất hạnh chunh quanh mình, bà ta là một. Cho nên đến từng tuổi nầy,mà vẫn chua chát …

– Vâng, sống bao lâu …

 

Vũ Thị Thiên Thư

 

Quà Tết

Quà Tết

 

Móc trong túi áo trên, tờ giấy gấp cẩn thận , ông cụ ngồi xuống bàn, chậm rãi mở ra, tờ danh sách dài nhìn như lá Sớ Táo Quân

– Cô ghi dùm tôi, theo tên họ và cái địa chỉ nầy, cũng giống như năm ngoái hén.

– Dạ , Bác cho cháu tờ giấy đi, phần nào không đọc được, cháu sẽ hỏi Bác

Tôi lặng lẽ ngồi gõ từng phím, hàng chữ chạy trên màn hình, cái danh sách dài lần lượt hiện ra, tên họ từ tiếng mẹ thân quen bên cạnh chi chít những con số vô hồn, nhưng nghĩ đến món tiền nhỏ nầy cho chiếc áo mới, bữa cơm được ăn no, trên bàn bày hương hoa trà quả. Con số biến thành các thứ cần thiết cuả ngày đầu năm.

Nhìn lại Ông cụ hom hem, những ngón tay run rẩy, co ro trong cái lạnh cắt da thịt, chiếc áo dạ dầy cộm như nuốt chửng cả mớ thịt xương chưa quá một trăm hai chục cân Anh.

– Bác xem lại dùm cháu, có còn thiếu ai không?

Cầm tờ giầy , dò lại từng tên , Ông cụ trả lại cho tôi

– Đầy đủ rồi đấy cô. Nhân tiện cô gởi luôn cho tôi hôm nay hén.

– Vâng, ở tỉnh thì hơi chậm hơn thành phố nha Bác

– Miễn về trước Tết là được rồi, năm nầy tôi đau yếu luôn, mớ lon nhôm nhặt nhạnh dành dụm suốt mùa hè bán ra chỉ có được bấy nhiêu thôi, tôi định đến gởi từ tuần trước cho kịp về quê , nhưng không ngóc dậy nổi, thôi đành vậy , cô có cách nào gởi nhanh hơn không?

– Cháu sẽ cố gắng, Tết nên mọi thứ đều gấp gáp bác à.

Ông Cụ trao cho tôi số tiền, những tờ giấy bạc màu xanh, nhìn làn da tay xám vì lạnh hay vì những giọt máu hiếm hoi trong cơ thể gầy gò đã không còn đủ sức để luân lưu.

Những cái tên, chỉ là từng hàng chữ vô tri trên tờ giấy, biến thành mắc xích trói buộc cho một sơị dây vô hình. móc nối một nửa đại dương, nối lại kiếp sống con người , do duyên nghiệp hay nợ nần từ bao kiếp , bác đã đi đến cuối con đường, sự sống còn được bao lâu nữa, vẫn còn băn khoăn lo lắng, vẫn còn chia sẻ cưu mang.

Tiếng chuông điện mở cánh cửa rít lên Ông cụ bước ra , ngoài kia cơn gió thổi từ hồ thốc vạt áo và tấm thân gầy long chong…

 

Vũ Thị Thiên Thư

 

Anh Hai

 

Anh Hai

 

– Anh Hai gọi nghỉ đi, mình chơi với cả nhà, vui lắm

– Baybee, mình không nên gọi nghỉ, khi nào mình muốn nghỉ thì phải xin phép trước, người ta sẽ xếp thời khóa biểu cho người khác làm việc, người ta chia thời gian cho mình, mình lại gọi nghỉ để đi chơi như vậy là không có trách nhiệm.

Mẩu đối thoại cuả hai anh em ghi nhớ trong lòng tôi cho đến bây giờ , Anh Hai dạy cho em bé một bài học trách nhiện và bổn phận từ thuở hắn chỉ mười sáu tuổi đầu.

 

– Bố , Anh Hai không thích làm việc cho cửa hàng nầy nữa đâu.

– Tại sao vậy ? Bộ họ kỳ thị hay là xử ép con hở ?

– Không Bố à , nhưng họ muốn con phải đề nghị bán cho khách hàng những hệ thống máy vi tính mới rất đắt tiền, nhưng mình không bán như vậy được, vì khách hàng không cần loại máy đó, họ chỉ cần máy vừa tuí tiền, chức năng đủ dùng cho công việc họ muốn làm thôi, người ta tin mới hỏi mình mà mình bán thứ đắt tiền không cần thiết như vậy là nói dối đó Bố.

– Nghỉ, không cần phải làm nơi đó nữa, Bố chưa chết hay tàn tật mà ,con ở nhà đi học được rồi , Bố vẫn đi làm còn dư sức nuôi con. Chỗ làm không lương thiện, bỏ ngay…

– Bố , mình phải báo với họ là mình sẽ nghỉ sau hai tuần để học chuẩn bị kiếm người khác, mình không muốn bỏ công việc ngang , Bố noí…

– Thì Bố nói không cần phải đi làm, đi học quan trọng hơn , còn có cả đời để làm mà. Mình phải làm sao không trái lương tâm thôi

– Dạ, Bố , mai mình nói với ông xếp hén.

 

– Bố cho anh Hai tiền, đi xem xi nê với bạn đi

– Bố , mình có tiền mà , hơn nữa mình ở nhà chơi Video game , hay đọc sách cũng được mà

– Nhưng ở nhà hoài có buồn không?

-Không sao đâu Bố. Mình có nhiều thứ để chơi lắm.

– Nhưng phải nói với Bố khi nào cần tiền.

– Bố, anh Hai biết mà , mình chưa cần tiền đâu Bố ơi ! Hôm qua Best Buy gọi đi phỏng vấn đó Bố, chắc họ sẽ mướn mình vài tuần nữa thôi

– Lại là chổ buôn bán máy vi tính, Bố tưởng là anh Hai không thích làm những chổ nầy

– Không, làm trong khu sửa chữa Bố à. Không phả đứng bán bên ngoài, khi nào khách hàng đã mua máy rồi thì mình cài đạt Software và chỉ dẫn cách xử dụng cho họ, máy bị hư hỏng thì mình sửa chữa lại…

– Bố đã nói rồi, đi làm việc để học kinh nghiệm thêm cũng tốt , nhưng học hành quan trọng hơn, Bố không muốn chuyện học bị xao lãng, có cần thêm tiền thì Bố cho, chớ đừng ham tiền mà xin đi làm bây giờ, học xong rồi thì có cả đời để đi làm.

– Dạ, Bố , mình biết mà.

 

– Anh Hai, bài nầy Em bé không hiểu

– Baybee, phải giải từng giai đoạn một , trước hết làm như vầy nè …Thấy cái đó chưa ?

– Thấy rồi Anh Hai, vậy mà thầy giảng em bé lại không hiểu, hừ !!

– Em bé không chú ý lúc đó, ngồi lo ra trong lớp chứ gì , sao lại không hiểu , dễ quá mà..

– Không phải vậy đâu, tại Anh Hai kiên nhẫn, và giải thích rõ ràng hơn , Phương cũng nói anh hai kiên nhẫn như Ông Thánh

[ Không riêng gì Phương , Mợ, bác Lộc , bà Gwen…và ngay cả Mẹ cũng biết Anh Hai luôn kiên nhẫn, rà rất cẩn thận kia mà… ]

 

 

– Anh Hai , IIlinois Institude of technology chỉ nhận có tám người vào chương trình nầy thôi. Mèn! tới ba trăm đồng tiền lệ phí lận chớ đâu phải không tốn, vậy mà có cả ngàn người nộp đơn lận

– Baybee, phải nộp đơn đi chứ, không cần biết người khác ra sao, mình không nộp thì đâu biết mình có cơ hội vào hay không. Anh Hai tin tưởng Em bé giỏi lắm đó , cứ nộp thử xem, anh Hai cho em tiền đóng lệ phí

– Em có tiền rồi, chỉ không biết mình có đủ điều kiện để vào không.

– Mình đã nhất quyết thì phải làm chứ, không sau nầy lại hối hận.

 

Vũ Thị Thiên Thư

 

 

Tấm lòng cuả Mẹ

Tấm lòng của Mẹ

 

– Jan, lâu quá , bận rộn hay sao không thấy bà đến họp mặt?

– Mùa đông lạnh lẽo, ngại ra đường cũng có, nhưng một phần vì bận rộn nên không đến thường xuyên được.

– Các cháu ra sao? Chúng nó ngoan cả chứ?

– Ấy, các cháu ngoan, nhưng bố chúng nó vắng nhà nên tôi phải đến phụ với con dâu chăm sóc .

– Roy công tác xa nhà ?

– Đơn vị hắn đang đóng quân ở A Phú Hãn.

– Oh ! Vậy sao ? Roy đi viễn chinh từ bao giờ ?

– Hơn sáu tháng nay rồi, hy vọng sẽ chóng mãn hạn trở về.

– Đánh nhau hoài, thật là khổ . Tôi cầu nguyện cho Roy được an lành, sớm về đoàn tụ với gia đình

– Cảm ơn bà.

Jan là thành viên trong nhóm thiện nguyện hàng tuần . Các bà tuổi đã hơn lục tuần, nhưng vẫn hăng say hoạt động. Rất hiếm khi các bà vắng mặt, dù mùa đông dài lê thê, trừ những ngày bão tuyết đường xá đóng kín. Những câu chuyện kể lại cho nhau nghe, từ lúc thành phố chỉ có con đường duy nhất xuyên qua, ngôi thánh đường với gác chuông cao vút, bên cạnh ngôi trường trung học cuả quận lỵ. Con đường lịch sử chạy dài từ đông sang tây, bao nhiêu lần trùng tu , khơi rộng. Trong ký ức muôn màu, câu chuyện kể lại như những manh vải nối kết nhau, biến thành tấm quil * trên khung mượt mà những mũi kim thêu tuyệt mỹ.

Roy, là con trưởng, vợ chồng anh có hai con nhỏ, tôi không thể hình dung anh chàng giáo sư nói năng nhỏ nhẹ đó có thể cầm súng trên chiến trường nóng bỏng Trung Á. Không khác gì thế hệ cuả chúng tôi, khi còn xanh tóc ở quê nhà, tuổi thanh niên rực rỡ, sách vở cầm tay, con đường tương lai đầy hứa hẹn, nhưng con đường nào cũng đưa về quân trường khói súng. Những ngày tháng học tập qua nhanh, một đôi ngày thành phố hoa đèn, đổi lại đêm đêm ngủ dưới vòm sao cùng tiếng đại bác thay cho tiếng hát ru ngọt ngào. Bài học lịch sử cay đắng, mối hận nước mất nhà tan, nối những chuỗi ngày tha hương đi tìm sự sống còn.

Vùng đất sa mạc, gió cát, sinh tử cận kề, chiến tranh lần nữa về gần, nỗi ám ảnh triền miên chết chóc. Tin tức hàng ngày, những cánh thư, viết bằng mạng điện tử, hình ảnh xuyên qua màn hình vi tính, từ một nửa địa cầu gởi từng lời nhắn nhủ về cha mẹ già, vợ dại con thơ. Cho dù tất cà các phương tiện tối tân nầy, vẫn không thể thu ngắn được khoảng cách không gian, thời gian, để được ôm con trẻ vào lòng, hôn lên đôi má nhăn nheo cuả mẹ, nhìn vào đôi mắt âu lo cuả vợ mà xoá tan đi những đám mây u ám đợi chờ.

“ Roy, sắp đến Mùa Giáng Sinh, các cửa hàng đang chưng bày rực rỡ, Mẹ lại nhớ những ngày con còn thơ và lá thư cho Saint Nicolas… Hôm nay Jack đang gò gẫm từng câu để gởi lên Cực Bắc, Mẹ hứa sẽ gởi đi nếu hắn viết xong … Julie lên mặt chị cả, chê em viết chưa ngay hàng thẳng nét…”

“ Mẹ, có phải là cuộc đời luôn tái diễn, và lập lại không ?? Cái tuổi thơ ngây, bao nhiêu là huyền thoại, tấm bánh và ly sữa để cạnh lò sưởi lót đường cho bầy nai và thánh Nicolas viếng thăm, những gói quà giấy màu điểm tô cho tuổi thơ thêm rực rỡ. Ôi ! Nhớ tấm bánh làm bằng nho khô và lúa mạch quá chừng…”

Chỉ một câu nói thường cũng làm lòng mẹ bồn chồn, thương nhớ con đoài đoạn. Jan gọi bạn bè hỏi thăm, tìm cách gởi bánh cho Roy. Nghĩ đến con mình, và nghĩ luôn những bạn bè đồng đội cuả hắn . Tất tả đi chợ, mua đường bột các thức, về cắm cúi nhồi nướng, quay quần với bọn trẻ con trong nhà, chia ra từng hộp nhỏ, đóng thùng để gởi đi…

“ Mẹ, các bạn không biết nói gì hơn, chúng nó cắn từng hạt ngọt ngào, nghĩ đến công lao khó nhọc…”

Jan lại nghĩ đến những khuôn mặt hắt hiu nhớ, nghĩ đến niềm vui mong manh, tấm bánh nhỏ mang theo niềm vui trọng đại, Ngày Lễ Giáng Sinh không được xum họp cả gia đình, nhưng ít nhất cũng đủ ấm lòng. Miếng bánh chở chuyên gởi gấm bao nhiêu ngôn từ thầm lặng, cho dù đang an bình hạnh phúc ở quê nhà, cũng không quên người chiến sĩ bên kia dặm ngàn gió cát .

“ Mẹ ơi! Nhớ món spaghetty * quá, bao giờ về phép chắc phải ăn một bửa thỏa thê…”

Jan nghe mà xót xa, lại đi mua các thứ và gói ghém để gởi sang cho cả đội, không quên dặn dò cách thức nấu nướng, phân lượng rõ ràng. Nhìn bức ảnh gởi về, Roy khoe tài nấu nướng đãi cả bọn, món quà quí do chính tay mẹ gởi sang, đọc những lời cảm ơn chân tình từ bọn trẻ, Jan vui mừng rơi nước mắt.

– Jan, làm sao bà có thể gởi ngần ấy thứ sang cho Roy vậy ?

– Cước phí gởi đi đắt hơn là tiền mua vật liệu, lần trước gởi vật liệu làm Taco*, tôi tìm được một công ty hảo tâm, họ tặng bánh Tortillas *, gia vị, tổng cộng mười thùng, tôi gởi sang, Roy nấu đãi cả đội hai lần mới hết.

– Hay quá, làm sao Jan biết nguồn mà tìm vậy?

– Không khó đâu bà, đặt chúng ta vào tình huống, chúng ta sẽ làm được ngay mà, không phải phụ nữ là nội tướng đó sao?

– Nhưng tôi phục Jan thật đó, bà đúng là người Mẹ yêu con hết lòng

– Có người Mẹ nào lại không yêu con? Tôi không thể cản bước cuả Roy, hắn có bổn phận với quốc gia, tôi có bổn phận làm mẹ, mỗi người cố gắng trong cương vị cuả mình. Con tôi đang ngoài chiến trường, tôi sẽ chăm sóc tiểu gia đình cho hắn, như vậy thì hắn mới an tâm thi hành nhiệm vụ chứ.

– Ít người ý thức được điều nầy, tôi rất cảm phục Jan.

– Không ít đâu, chỉ vì chúng ta chưa gặp đúng lúc thôi, Bà biết không, hôm nọ, khi tôi đến bưu điện để gởi quà sang cho Roy và đồng đội, sau khi xếp hết các hộp, tổng cộng số tiền hơn bốn chục đồng lận đó, tôi đang móc ví lấy tiền ra trả, chợt phía sau có bàn tay đặt lên quày tờ giấy bạc hai chục đồng, tôi chưa hiểu thì bà ấy nói với cô nhân viên :

“ Tôi trả một phần số tiền cước phí cho bà, xem như món quà nhỏ tặng cho những anh hùng đang bảo vệ chúng ta”

Tôi quay lại cảm ơn, bà ta mĩm cười xua tay, từ chối không cho tôi biết danh tính để tôi bảo Roy viết thư cảm tạ.

Tôi nhìn thấy giọt lệ long lanh trong đôi mắt cuả Jan, niềm cảm động vì nghĩa cử cuả người phụ nữ như luồng sinh khí lan tràn.

Cuộc sống tất bật bon chen, thời đại vi tính điện tử, ở bờ đông hay bờ tây bên kia, cuộc chiến nào cũng luôn có những chiến sĩ âm thầm dũng cảm, và những tấm lòng cuả người Mẹ vẫn không bao giờ thay đổi, tình thương trong con người vẫn chưa mất đi .

 

 

Vũ Thị Thiên Thư.

 

 

• Quilt : chiếc mền nối từng manh vải, lót bong chính giữa

• Spaghetty : Món ăn cuả Ý, gồm có sợi mì và sốt cà chua, thịt, rau …tuỳ khẩu vị.

• Taco : món ăn cuả Mễ Tây Cơ, thịt nấu với sốt , gia vị, ăn với bánh bột bắp dòn hay bánh bột mỏng tortillas.

• Totillas : bánh làm bằng bột mì nhồi với mỡ cán dẹp dùng để gói thịt , thức ăn thường ngày cuả người Mễ Tây Cơ.

 

Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui 4

Nắng chiều

Mẩu đối thoại sau đây , ghi lại trong cuộc sống hàng ngày ,

xin tặng cho đời một nụ hoa tươi .

 

– Peggy , mai nghỉ làm , có định đi chơi đâu không ?

– Vâng , mai được nghỉ nên tôi đến đón Mẹ đi chơi

– Oh! hạnh phúc quá , được ở gần để đón Mẹ đi chơi hàng tuần .

– Tôi chỉ mong là được săn sóc Mẹ hàng ngày , nhưng mẹ tôi bị bệnh lãng trí đó Dolly à, Cụ không thể sống một mình , cụ vào nhà dưỡng lão mấy năm nay rồi .

– Xin lỗi, tôi không biết .

– Mẹ tôi tự chọn nơi ở đó, Mẹ luôn tự quyết định cho chính mình, khi cụ tám mươi lăm thì cụ không xin gia hạn bằng lái xe nữa, lúc trí nhớ bắt đầu giảm sút, Mẹ thu xếp nhà cửa, chia hết tư trang rồi xin vào trung tâm người già cư trú.

– Cụ tự nguyện vào nhà dưỡng lão sao ?

– Vâng Dolly, Mẹ tôi luôn luôn là người chủ động, Cụ muốn tránh cho con cái vấn đề nan giải, nhất là baỏ chúng phải gánh vác chuyện chăm sóc cho mình , nên Mẹ làm trước mọi việc , từ chuyện cư trú cho đến tang ma, cụ đã viết thành chúc thư tất cả rồi.

– Nhưng bổn phận làm con cái, lào sao chúng ta không lo lắng chu toàn cho Mẹ được ?

– Mẹ tôi cương quyết lắm, Cụ vào viện hơn bốn năm rồi.Chúng tôi luân phiên nhau đến trông nom hàng ngày. Chỉ có chị cả cuả chúng tôi ở xa, cho nên chị hàng năm chỉ có thể về chừng hai tuần lễ thôi , trong suốt khoảng thời gian nầy , chị chăm sóc, kề cận bên Mẹ.

– Sinh hoạt cá nhân hàng ngày cuả Cụ ra sao ? Cụ có còn tự mình làm được các việc vệ sinh không ?

– Chỉ cần nhắc nhở thôi, như chuyện giờ giấc nào nên ăn uống, các thứ thuốc men, giữ gìn vệ sinh hàng ngày.

– Thế Cụ có nhớ các con không?

– Lúc nhớ , khi quên Dolly à, ban đầu tôi buốn lắm , nhưng dần dà cũng quen đi, bớt tủỉ thân..

– Thú thật là tôi chưa hình dung được. Đừng buồn khi tôi hỏi tò mò quá, Vì tôi cũng có những khó khăn riêng.

– Vâng , khó giải thích lắm, nhưng tôi tự nhủ “Đây là lúc Mẹ cần mình “ thế nên tôi quyết định xin đổi việc làm, tôi chọn công việc nầy để thuận tiện đi về chăm sóc Mẹ.

– Tôi rất ngạc nhiên khi biết với học thức và kinh nghiệm làm viêc cuả Peggy, tại sao lại nhận công việc không xứng đáng tí nào .

– Tôi biết công việc nầy không đúng khả năng, nhưng giờ giấc thuận lợi cho tôi, Cầu Ân Thiêng ban phước , bao giờ chu toàn cho mẹ thì tôi sẽ tìm việc khác muộn gì . Công việc thì luôn luôn có , nhưng Mẹ chỉ có một cơ hội nầy thôi

– Tôi phục Peggy quá, sự hy sinh và chọn lựa cuả bà thật là hiếm có trong cuộc sống bon chen nầy .

– Không hiếm đâu, nếu là Dolly, tôi tin là bà cũng làm như vậy thôi.

– Vâng, chỉ tiếc là tôi không có cơ hội, gia mẫu qui Tiên nhanh chóng quá

– Oh ! xin chia buồn với Dolly, Cụ mất bao lâu rồi ??

– Cảm ơn Peggy, khi nhận được tin Cụ bệnh nặng, tôi hối nhà tôi nên lên đường về với mẹ ngay.Tôi sẽ thu xếp côn việc nhà rồi sẽ theo sau . Nhưng khi anh ấy về đến quê nhà thì Mẹ cuả chúng tôi đã đi rồi .

– Cụ đi nhanh quá, để lại tiếc thương, nhưng như vậy thì sẽ không đau đớn kéo dài .

– Vâng, năm trước tôi về thăm, Cụ đã trối sống, người bảo lần sau con về , sẽ không thấy Mẹ nữa đâu . “ Tôi nói với cụ là “ Mẹ an tâm , sang năm con lại về mà .” Me vẫn nhất quyết là “ Lúc đó Mẹ đã đi theo Bố rồi “

– Cụ tiên đoán được điều đó sao ?

– Những năm gần đây, Mẹ cứ bảo là cầu mong Bố về đón. Cụ cũng lãng trí nhiều rồi, có khi tôi đang ngồi ngay trước mặt mà Mẹ vẫntìm quanh quất, chừng nhận ra tôi thì mẹ cười thật rạng rỡ. Tôi nhớ Mẹ quá Peggy à !

– Dolly, mình không thể giữ mãi Mẹ, Ngày nào còn có nhau , ngày ấy mình chu toàn thôi.Cụ bệnh thế nào mà mất vậy ?

– Mẹ chỉ chớm bệnh lãng trí thôi, tuy không nhớ chuyện hiện tại, nhưng nhớ chuyện cũ từ lâu lắm …năm trước về thăm , nhà tôi thường mắc võng dưới gốc cây nằm nghỉ trưa, Mẹ mang ghề đẩu ra ngồi bên cạnh , đong đưa chiếc võng và hát ru hàng giờ .Những câu hát ru con đã từ lâu lắm rồi Mẹ vẫn nhớ như in .

– Lạ thật, mẹ tôi cũng thế, hình như âm nhạc thật kỳ diệu, bà không còn đánh đàn, ngón tay bệnh phong thấp nên đã hư từ lâu, nhưng vẫn còn nhớ bài hát, ngày xưa bà từng là giọng hát chính trong ca đoàn cuả Xứ Đạo chúng tôi .

– Oh ! Cụ giỏi quá vậy .

– Vâng Mẹ tôi dạy âm nhạc và hội hoạ , sau khi về hưu thì Mẹ đàn cho thánh lễ và hát cho ca đoàn, cho đến khi sức khỏe không cho phép nữa.

– Sau đó cụ có còn hát không ?

– Chỉ thỉnh thoảng thôi. Sau khi mắc bệnh thì Mẹ rất giới hạn chuyện đi lại. Lần tôi đưa mẹ đi xem nhạc kịch , ra về Mẹ hát suốt một khoảng đường trong khi tôi lái xe, mấy chị em chúng tôi cũng hát bè theo, khi đến Viện , cụ khen chúng tôi hát hay lắm

– Mà Cụ có khen thật không ?

– Đó là lần đầu tiên tôi thấy Mẹ vui như vậy, từ khi nhập viện thì Mẹ rất lặng lẽ, it khi cười nói. lần nầy, Mẹ khen, chúng tôi nhìn nhau rơi nước mắt. Cái vé nhạc kịch thật là cắt cổ, nhưng có tốn tiền hơn con số đó để được thấy Mẹ vui, chúng tôi cũng cam lòng đó Dolly.

– Vâng, tôi hiểu điều đó, Mẹ tôi rất thích nước hoa, lần nào về tôi cũng mua và mang cho Mẹ .Sợ tốn tiền, Mẹ cứ bảo thôi, nhưng nhìn thấy Mẹ vui, thì mình làm sao ngừng lại được ?

– Đúng vậy , Mẹ tôi cũng rất thích quần áo lót bằng lụa, hàng tuần tôi phải đến lựa riêng ra và mang về nhà giặt, vì tôi không muốn nhân viên phục vụ cho vào giặt chung và làm hỏng hay thất lạc cuả Mẹ. mà lạ hén Dolly, tại sao có những thứ mẹ tôi nhớ, mà thứ khác lại quên ?

– Điều nầy không thể giải thích được, trong bộ óc kỳ diệu cuả con người, căn bệnh Lãng trí nầy đóng lại những ngăn nầy và chừa ra ngăn khác …

– Thật buồn cười, vì tôi vào thăm mẹ , gặp một bà cụ khăn áo chỉnh tề, trang điểm cẩn thận, xách ví tay đang đi xuống nhà ăn, chưng diện như đi ăn tiệc, và trên tay bà đang mang vớ.

– Oh ! Thật vậy sao ?

– Tôi không nói ngoa, Cụ có thói quen mang vớ, nhưng lại không nhớ là phải xỏ vào đâu, nên lấy vớ ra rồi tần ngần, khi cảm giác bàn tay đang lạnh, thế là cụ tròng vào tay …Tôi hặp nhiều cảnh , không biết nên cười hay khóc , gặp một bà cụ khác mặc quần áo lót cẩn thận, nhưng lại mặc ra bên ngoài quần áo thường …Họ chỉ nhớ là phải mặc quần áo lót, nhưng không thể phân biệt được là nên mặc bên trong hay bên ngoài, thật là cơ khổ .

– Chứng bệnh nầy rất lạ lùng, lúc Mẹ bắt đầu kể những chuyện không đầu đuôi, tôi đã cảm thấy bất an, đến lúc không nhận ra tôi, tôi lo lắng quá, vì nghe kể lại những trường hợp các cụ đi lang thang ra ngoài, không nhớ lối quay về, phải luôn có người canh chừng, may mắn là Mẹ tôi yếu sức , nên người không thể đi xa, và Cụ hay sây sẫm, có khi té lăn ra đất, tay chân trầy sướt … nhìn thấy thật xót xa cả lòng dạ.

– Tôi nhớ khi Mẹ tôi mới bệnh, Cụ vẫn còn tự nấu ăn, nhưng khi cụ bắt đầu quên tắt bếp, hay đứng ngẩn người tay cầm hai miếng bánh mì, loay hoay không biết cách nào để cho vào lò nướng. Bấy giờ tôi biết không thể kéo dài thời gian lâu hơn, mẹ cần người theo dõi thường xuyên, nên tôi mới tuân theo ý mà đưa cụ vào Viện dưỡng lão đó . Nhưng lòng tôi cắn rứt vô cùng, thấy mình bất lực, không chăm sóc cho Mẹ được, khổ nổi, tôi không thể nghỉ việc hoàn toàn, tôi cần bảo hiểm sức khỏe, và cần tài chánh .

– Peggy, bà không thể làm hơn nữa , bà đã cố gắng hết khả năng rồi, tôi cảm phục sự hy sinh cuả bà lắm .

– Cảm ơn Dolly, chuyện trò với nhau, tôi thấy nhẹ cả người, sự thông cảm cuả bà là phần thưởng cho tôi ,

– Không phải khách sáo Peggy à , cuộc sống hàng ngày quá tất bật, tin tức chỉ là những mẩu tin gây sự chú ý và chấn động, lung lạc niềm tin, không mấy ai chịu chú ý đến những tấm gương hy sinh âm thầm, ít người bỏ thời gian nhìn nụ hoa mới nở, nghe tiếng chim kêu thanh thoát đầu ngày, Chúng ta có cơ hội chia sẻ với nhau , đó là niềm hạnh phúc vô biên .

 

Vũ Thị Thiên Thư