Lạc giữa thiên đường

Lạc Giữa Thiên Đường

 

 

– Bố ơi, sắp tới chưa ?

– Em bé hỏi hoài ngủ đi.

 – Sao anh hai không ngủ?

– Anh hai lớn rồi, em bé không hỏi lôi thôi.

   Con đường đá dẫn về vùng ngoại ô xa tít, tôi mang thê nhi về miền nam, thăm một người bạn thuở xa xưa cùng nằm trong quân ngũ, chung nhau từ những ngày đói dài trong căn gác nhỏ, mỗi tháng hai lần nằm nghe tiếng đọc giảng phát ra từ hệ thống loa của ban tri sự Phật giáo Hoà Hảo bên kia bờ sông, thoạt đầu chưa quen không biết là ngâm thơ hay hát hò, đến lúc gặp mấy cụ già trong xóm hỏi thăm, các cụ giải thích

 

   Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ khai sáng nền đạo Phật giáo Hoà Hảo,Thầy dùng các thể thơ, văn vần,cho dễ đọc dễ nhớ, giảng dạy giáo lý cho tín đồ , khuyên dạy người đời tu niệm, tránh dữ làm lành, ăn ở hiếu thảo thuận thà.

 

   Đêm thanh, nằm nghe từng câu thơ thê thiềt, từng lời chỉ dạy ngọt ngào.Lúc túi rỗng tiền, lúc mưa rơi lộp độp trên mái tôn, lúc dăm tên thi nhau đàn hát ê a…Mấy thằng bạn tả tơi, tháng chưa hết cơm phần đã hết, xuống ca chỉ còn về vét chén cơm nguội , mấy cọng rau lang luộc dầm chút nước mắm trong, ngày tháng qua nhanh, chẳng chút bụi hồng.

   Tháng tư đen, tin trốn chạy từ xa, tin báo giặc về gần, trận tuyến đầu bỏ ngõ, cuộc chiến đã đổi thay.Chạy xấc bấc xang bang, từng tên bám theo tàu trong cơn mơ sảng, cuống cuồng, xuống mẫu hạm mặt còn ngơ ngác, nhìn con tàu lăn vào lòng đại dương lòng buồn thê thiết, những tưởng là gắn bó đời nhau, mấy cánh quạt chưa quay tròn vòng, tưởng là sự nghiệp chiến chinh thê nhi, tưởng như cánh chuồn chuồn tung mây lướt gió, ngày chưa tàn, chiến cuộc chưa đánh mà tan, chưa đầu đã mất, sang Phi Luật Tân, lột áo bay bỏ lại, trong lòng như muối sát , tần ngần cắt sợi chỉ tơ vương, cái huy hiệu Xà Vương vẫn giữ gìn như đời đời gia bảo, xuống Guam thất thiểu chạy tìm, bơ vơ như rắn không đầu, lang thang như chim mất mẹ..Cầm cái chứng chỉ tại ngũ, mặt còn ngơ ngác, lòng buồn vô hạn, “mất nước rồi gia hạn nơi đâu…?”

   Những ngày đầu bước chân vào Fort Chaffee mấy thằng độc thân túm nhau lại thành một mái gia đình, ngày ngày lang thang vào trại nầy ăn ké, sang trại kia đúm đàn, bỏ áo quân đội, xúng xính mang áo quần từ thiện phát ra do cơ quan trợ cấp xã hội, sáng cơm nhà ăn A chiều lang thang sang nhà ăn B .Nằm trong trại, có thằng bỗng nhớ lại thê nhi, ngày đi không một lời từ giã, có đứa bỗng nhớ lời mẹ hiền thấp thỏm quê nhà, mòn mõi mong tin. Có người đứng lên xin tổ chức hồi hương, cả bọn trẻ dại nhớ nhà xin về nhập bọn, đứa phân trần thê thiết

 

– Mẹ già chưa kịp nói câu từ giã , thanh bình về chẳng thấy bóng con. 

– Thế cậu nghĩ rằng chúng nó tha cho về ôm chân mẹ ư ?

– Cậu ngây thơ quá, chúng tôi chạy Cộng sản từ Bắc vào Nam, cậu nghĩ tại sao phải chạy thêm lần nữa ?

   Ngày chuẩn bị lên xe bus theo đoàn người xin hồi hương bằng tàu Thương Tín, gặp các cụ già di cư từ Bắc vào Nam , thêm một lần nữa lang thang đến Mỹ, các cụ một mực can ngăn, anh Khôi con cả của bác Huyến cũng hết lòng khuyên giải.

– Thằng nào muốn về thì ông đánh què cẳng, tụi mầy trẻ dạ non lòng, chưa thấy quan tài chưa đổ lệ, đánh mầy gẩy chân thì phải nhớ ơn ông, tụi mầy về chưa kịp thấy Mẹ Cha đã mất mạng rồi con ạ!

   Bác gái, mẹ anh , cũng khuyên can , bác ân cần bảo chúng tôi 

– Thôi có nhớ Bố mẹ thì trông vào bác đây, tuổi cũng đã cao, thấy các con dại khờ chưa có kinh nghiệm sống với chế độ Cộng sản, Bác xem các con là con tinh thần, có gì thì giúp đỡ lẫn nhau.

   Mấy thằng bạn bè dắt nhau thất thiểu quay về. Đứa lang thang xuống ban quản trại tìm danh sách người thân, đứa ra góc kẽm gai ngồi khóc đời phiêu bạt. Ngày tiếp ngày, tháng tiếp tháng , mỗi chuyến xe đêm lại đổ thêm người vào trại, người người lại xôn xao thăm hỏi , tuổi trẻ chóng quên, vừa thấy thấp thoáng bóng hồng là cả bầy lại xì xầm thách nhau

– Đứa nào dám tới làm quen thì ông thua điếu thuốc.

   Thập thò rồi cũng có đứa được trời cho duyên , chút bóng hồng làm tươi mát cuộc đời lang thang. Trại tị nạn đông dần theo những chuyến xe đêm. Luồng sóng đổ thêm người nhập trại, mỗi lần có chuyến xe là chúng tôi tình nguyện làm công việc điều hành , lập danh sách nhập trại, nhắn tin tìm người thân… nhờ mớ vốn anh ngữ học từ ngày vào hội Việt Mỹ thuở áo trắng học trò, đến khi vào nghiệp bay, bao nhiêu ngày dùi mài sách vở. Mang cái huy hiệu thông dịch viên cũng oai hùng như tung mây lướt gió, ánh mắt liếc của người ngọc cũng làm tim anh hùng ngất ngây…

   Ngày tháng qua, những chuyến xe đêm lại mang người xuất trại, từng khu theo mẫu tự thưa dần, mấy thằng độc thân con bà phước vẩn còn nằm bơ vơ lây lất. Cái sân bóng chuyền mỗi chiều quần nhau cũng lê la mòn mõi, tiếng hát Khánh Ly đã trôi nổi miệt mài, có chút tiền còm thi nhau mua băng cassette về thu lại mấy bài hát não nề, sợ mai ngày không còn cơ hội nghe nữa. Cái stereo xách tay thổ tả , mỗi lần thu băng thì rón rén thập thò ,kê hai máy lại gần nhau, phân công đứa đứng ngoài canh cửa, đứng ngồi nín thở nhấn nút, vậy mà anh cả Di còn la oai oái

– Tụi mầy khe khẻ chứ, bao nhiêu là tiếng động như phi cơ oanh tạc thì còn thu cái nổi gì.

   Cái thằng khù khờ nhát gái nhất trong bọn, thằng tối ngày chỉ sách vở cầm tay, chép bao nhiêu trang cuốn tự điển Anh Việt Anh của giáo sư Lê Bá Kông, chép đến chử bộ phận kín của phụ nữ là hừ …bỏ trống… Cuối cùng lại là tên được bao nhiêu gia đình ngấm nghé, mấy cô con gái cập kê , kẻ duyên dáng , người mặn mà , người học hành đỗ đạt, kẻ buôn bán siêng năng, chỉ cần anh hứa một tiếng thuỷ chung là theo nhau về trăm năm tơ tóc.

   Cuối cùng thì ba thằng độc thân cũng khăn gói lên đường, trại sắp đóng cửa rồi , ở lại với ai? Nhìn mãi vào bản đồ, thấy cái tên Whiting lạ quơ lạ quắc, nhưng nhìn kỷ lại thì nằm gần thành phố Chicago, nơi gia đình Bác Huyến đã rời trại về đó định cư , thôi thì một bước đưa chân…

   Cầm số tiền mười đồng do hội thiện nguyện tặng , hai thằng xuống câu lạc bộ mua cho được cái cặp da, chứa mấy bộ quần áo xã hội, túi trống rỗng , nhưng ông tị nạn cười tươi, xuống phi trường xách cặp nghênh ngang như …ông cớm… trong khi đó thằng bạn hiền lành chắt chiu xách cái thùng giấy chứa đồ hộp, đựng mấy thứ cần dùng, và trong túi thì rủng rỉnh leng keng. Về phi trường O’ Hare gặp thêm một gia đình lóc nhóc con thơ, hỏi thăm thì ra cùng nhà thờ bảo trợ với nhau, Người đàn ông trung niên dáng người nhỏ nhắn nhưng rất nhanh nhẹn, người vợ trông như người đàn bà nhà quê chất phác. Tất cả ngồi chờ chừng hơn tiếng đồng hồ , có người đến đón về chốn định cư, thuộc thành phố Whiting nằm phía Tây Bắc tiểu bang Indiana ,dân cư sống nhờ kỷ nghệ nặng như xưởng lọc dầu, xưởng chế biến cao su làm nhựa trải nóc nhà, làm dầu bắp. chế xà phòng…

   Nhà thờ bảo trợ mướn cho chúng tôi một căn nhà cũng gọi là có chổ che nắng mưa. Ba thằng nằm dài mùa đông đầu tiên xứ Bắc Mỹ gậm nhấm nỗi nhớ nhà, Bao nhiêu tờ thư bay như bươm bướm. Mấy đồng bạc dành dụm của thằng bạn lần lượt vào bưu điện trả tiền tem gởi thư . Hàng ngày vác đơn đi xin việc, giờ nghĩ lại mới thấy mấy ông trời con vô tư, nghề nghiệp trong tay chẳng có, chử nghĩa xếp lại chưa đầy… nhờ ơn trên, mãi rồi đứa xin được chân rữa chén nhà hàng tàu, thằng vào làm cho garage sửa xe… Mùa Lễ Tạ ơn đầu tiên ở nước Mỹ, thức ăn chưa quen, trên bàn nguyên một con gà tây nhồi bánh mì nướng thật vàng , bên cạnh bao nhiêu thứ bánh trái , cả đám chỉ ngồi ăn bánh ngọt ,uống cà phê nhạt nhách viện cớ

– Cảm ơn, thức ăn ngon quá,nhưng chúng tôi ăn đã no lắm rồi.

   Về tới nhà ba thằng chia nhau vào bếp kiếm cơm nguội, trứng chiên và mỗi đứa còn làm thêm một tô mì gói , thật là …

   Mùa Giáng Sinh chưa kịp qua, món quà đầu tiên, mấy cái áo pull cao cổ đổi cho nhau chưa kịp mặc phai màu, có thằng theo tiếng gọi ái tình bỏ cuộc vui. Thôi thì cũng mừng cho bạn có nơi xếp cánh. Còn lại hai thằng cù bơ, thằng ngậm ngùi hàng ngày dầm tuyết lạnh hơn một dặm đường rửa chén nhà hàng Tàu, thằng vào làm thợ phụ cho một tiệm sửa xe hơi, ít nhất cũng không phải ngữa tay chờ tiền xã hội, nhất là có được chút tiền còm trong túi. Cái xe hơi do nhà thờ tặng làm phương tiện di chuyển . Thằng chuẩn thợ máy chưa kịp thăm dầu , thằng nấu bếp đã dám mang ra chạy tuốt lên tận phố tàu Chicago mua …nước mắm…Nhờ chuyến phiêu lưu nầy cả bọn có cơm gạo, có bữa ăn , có ngày đánh chén…

   Tháng tư, gần một năm sau ngày chạy loạn, người bảo trợ xin cho hai thằng bạn vào US Steel, theo học chương trình huấn nghệ, đào tạo chuyên viên kỷ thuật, chuyên sửa chữa hệ thống máy móc dùng trong công xưởng kỷ nghệ. Cùng lúc lại được hồng thiệp của thằng bạn hiền lành báo tin ngày tàu về hang ga…Tội nghiệp ông bảo trợ cũng hết lòng, có cái xe Pinto cũ kỹ ho hen , đưa hai thằng bạn cù bơ đến tận xứ nghìn hồ Minnesota mừng thằng bạn hiền ngày thành gia thất.

   Cô bạn nhỏ biết nhau từ thuở lang thang trong Fort Chaffee, ngày mai là đám cưới mà chiều lạy xuất giá cô dâu trẻ còn lông nhông đạp xe đạp rong chơi ngoài sân nắng. Nhìn thấy hai thằng cù bơ bước xuống , cô bé vất cả xe đạp chạy đến tay bắt mặt mừng. Vậy mà cũng nên vợ thành chồng, năm sau báo tin mừng, đứa con gái đầu lòng nhởn nhơ chờ sau hơn mười tháng , tiếp theo là thằng con trai nối dõi tông đường .

   Cuộc sống mới với những bận bịu, thích nghi, hai thằng còn lại ở Whiting rồi cũng học hành đến nơi đến chốn, công việc bình an, thê nhi đàng hoàng. Thư từ vắng lần, thỉnh thoảng những cú điện thoại nhắc nhở, những lần báo tin, con cái lần lượt lớn dần theo năm tháng, đứa vừa thôi nôi, đứa lôi đầy tháng, đứa chịu Lễ Mình Thánh lần đầu, đứa dần dà Thêm sức. Cho đến ngày cuộc thăm viếng bất ngờ

– Vợ chồng tao ghé thăm tụi mầy trên đường dọn về Texas

– Về Texas ? mầy đang làm việc đàng hoàng trên Minnesota, mắc giống gì lại bỏ đi?

– Minnesota lạnh quá, cả nhà vợ tao đã dọn về Texas từ lâu, Mẹ Kim cứ thôi thúc mãi, Vợ tao nhớ bà , nên thôi thì tao dọn phức về cho có anh em.

– Mầy về đó làm gì sống?

– Ông anh Vợ đã mua tàu đánh cá, tao thì làm gì cũng được, trời sanh voi sanh cỏ.

   Bẳng đi, thời gian không chờ đợi, vẩn tin đi tin về. Công việc và đời sống ở xứ sở tân tiến kỹ thuật nầy như guồng máy cuốn đi. Ba chìm bảy nổi, thằng bạn hiền lành giờ như ông trùm trong cái xóm đạo hắt hiu, những lần nhớ nhau, tôi lặn lội về tận cái bến cá trong vùng vịnh nước đen ngòm, giữa những chuyến tàu ngày ngày ra khơi, chiều về bến đỗ, cá tôm đầy khoang, vừa mang lên cân vào dựa xong , lại nhậu nhẹt bài bạc từng ngày, mỗi mùa mỗi thức. Thằng bạn hiền bôn ba nhiều phen, cũng bến cá , cũng nhà hàng, cũng bao lần chìm nổi.

   Tôi quyết định đưa vợ con đi thăm ông bạn hiền mà tụi nhỏ chỉ thoang thoáng mơ hồ nghe kể lại. Ba thằng bạn cùng trong quân đội , chỉ còn lại hai thằng quanh quẩn cùng nhau. Từ Whiting đi Henderson Louisiana đoạn đường xuyên qua năm tiểu bang, mất mười tám tiếng lái xe mà tưởng chừng như đi sang một thế giới khác. Mùa hè miền nam nóng như thiêu như đốt, không khí ẩm ướt, côn trùng, muỗi mòng bay rì rào. Khu nhà di động chừng vài chục nóc gia, kê san sát nhau, trẻ con đầu trần chân đất chạy chơi chunh quanh, vịt gà kêu oang oác. 

– Bố, bộ mình đi camping ở đây ?

– Sao Bố nói mình đi thăm bác Louis ?

– Ừ , Mình đến nhà bác Louis rồi.

  Các con tôi nhìn quanh, chưa thấy ai sống trong trailler giữa một vùng đất bùn lầy như vậy bao giờ . Bước xuống xe, vô ý đạp chân vào vũng nước bùn xem xép do cơn mưa tối qua còn đọng lại, bên cạnh mấy bụt gỗ làm tam cấp bước vào nhà, con bé nhìn ái ngại , không chiụ bước xuống, đứng chờ, tôi cúi xuống bế con vào nhà, tay bắt mặt mừng…

   Buổi chiều hai thằng mang ghế ra sân ngồi nhâm nhi mấy lon bia lạnh, tôm cá tươi đầy dẫy , không cần phải ra chợ mua, Kim đi dạo một vòng mang về đầy túi, nào cá lưỡi trâu, cua xanh, chưa kể loại crawfish đặc sản của vùng Vịnh Mexico, New Oleans … Nhắc lại chuyện cũ tưởng như mới hôm qua, chỉ có lúc lủ trẻ con chạy quanh quẩn đòi Bố mới nhớ rằng hai thằng đều thê nhi nặng gánh. Cuộc sống hai đứa giờ khác hẳn, mặc dù cái thành phố Whiting nhỏ xíu đi năm phút đã về chốn cũ, nơi đầu tiên cả bọn đến định cư làm lại cuộc đời, so với cái thôn xóm đìu hiu nầy vẩn còn đông đúc hơn, vẫn còn có đôi hàng cột điện đèn đóm lập loè, ở đây, chỉ có ngọn đèn vàng vọt đứng chơ vơ đầu ngõ, chiều chưa tắt hẳn đã nghe tiếng côn trùng rĩ rã chung quanh, tiếng muỗi kêu rì rào, đàn đom dóm lập loè nơi góc nhà, cái hình ảnh quen thuộc của những ngày mới lớn lên tận cánh rừng cao su miền đất đỏ, hay nằm dài trong căn gác đói meo chờ cơm tháng bên cạnh con kinh nước đổ đục ngầu phù sa.

– Thằng Hoà năm nay lớp mấy rồi?

– Hết lớp tám, chuẩn bị vào trường trung học.

– Trường học cách đây bao xa?

– Cũng không xa lắm, tụi nó có xe buýt đón hàng ngày

– Mầy có định dọn về thành phố kiếm chổ cho con cái đi học không ?

– Ừ ! vợ tao cũng có ý định mua nhà ngoài La Fayette , về ngoài đó thì cũng được nhưng tao di làm hơi xa

– Xa , đi chừng bao lâu ?

– Chừng mười lăm dặm, bình thường mất nửa tiếng lái xe .

– Vậy mà xa cái nổi gì? Bộ mầy tính ở trong cái trailler nầy suốt đời sao ? ông bà mình vẩn nói “an cư mới lạc nghiệp được“ phải chi mầy nghèo quá không có tiền mua thì tao không nói gì. Mình đã không học hành được bao nhiêu, nửa chừng đã vào quân đội, sang được tới đây rồi thì ít ra cũng cố gắng lo cho con cái chúng nó ăn học đến nơi đến chốn

– Tao cũng muốn đi, ngặt bà cụ cứ nắm níu, vợ tao là cây cột chống cả nhà, trong ngoài chỉ một mình nó thôi, tụi tao mà đi thì bà cụ chẳng còn ai giúp đỡ.

– Thì mầy cũng phải nghĩ đến các con, các em của vợ mầy đã lớn, chúng nó tự lo được rồi, chẳng lẻ tụi mầy cứ lo đến suốt đời hay sao?

– Ừ ! thì tao cũng nghĩ vậy, để từ từ rồi tao sẽ tính.

   Cái thằng vẫn vậy, năm ba năm sau vẫn địa chỉ không thay đổi, vợ chồng tôi đã xây nhà cho các con ở một thành phố khác, cách Whiting mười lăm dặm về hướng nam. Một thời gian khá lâu, bận bịu với cuộc sống, thăm hỏi cũng vơi đi, cứ đinh ninh rằng mọi chuyện cũng bình thường. Bất chợt, như thôi thúc trong lòng, tôi nhấc điện thoại thăm hỏi sau bao tháng ngày xa vắng 

– Lâu quá không nghe tin, vợ chồng mầy thế nào?

– Vợ tao bỏ đi rồi.

– Mầy nói đùa, bỏ đi đâu ?

– Tao không biết, chuyện dài lắm, nó thường xuyên vắng nhà, khi thì đi buôn bán, khi thì đi chơi, cho đến mấy tháng nay không thấy về.

– Mầy không biết nó đi đâu thật à ? Vợ chồng tụi mầy sao lạ vậy? Tao không nghĩ là chuyện nầy mới sảy ra, sao bây giờ mầy mới nói?

– Tao cũng không muốn làm mầy bận tâm, cũng tưởng là sẽ qua đi, chuyện vợ chồng mấy ai không lục đục, vợ tao dạo sau nầy đi đánh bạc triền miên, tao làm bao nhiêu cũng không đủ, cứ nợ nần tứ phía, đến nổi bao nhiêu thẻ tín dụng tao cắt hết, chưa kể trương mục tiết kiệm nó cũng lén rút tiền ra, tao chẳng biết phải làm thế nào, thôi thì nó bỏ đi cũng tốt, tao còn chút đỉnh sức lực để nuôi con.

– Hay là mầy mang tụi nhỏ về ở tạm với vợ chồng tao, chật thì ở chật , chừng nào mầy tìm được công việc vững chắc thì thuê nhà riêng cũng được chứ lo gì

-Tao cũng chưa tính đi, dù sao tụi nhỏ cũng còn bà Ngoại và dì út, vợ tao bỏ đi nhưng mọi người không ai bỏ tao.

– Tuỳ ý mầy, nhưng tao trước sau vẫn vậy, bất cứ lúc nào mầy cần, vẫn có thể nương náu với vợ chồng tao

   Thiệp cưới bất ngờ, con bé lớn chưa xong trung học đã theo chồng. Thời gian gấp rút không cho phép chúng tôi đến dự, rồi tin báo thằng bạn hiền giờ lên chức ông Ngoại, thôi thì cũng mừng cho nó. Còn lại ba đứa sau nầy hy vọng sẽ không là cái gánh nặng bên lưng. Tôi cũng không nghe nó than phiền chuyện gà trống nuôi con, nghĩ rằng nó đã tìm được bình an.

   Đếm lại bao nhiêu mùa tuyết đổ, lá rơi, nhìn đàn con lần lượt vào đại học, tôi nghĩ lại đời sống của chính mình, từ lúc vất lại áo bay trong căn cứ Guam đầy gió bụi, đến khi nằm trong trại Fort Chaffee , chờ cho đến trại gần đóng cửa, lên đường về đất hứa Whiting, lúc bế trên tay thằng con còn đỏ hỏn mà bàng hoàng. Chưa bao giờ tôi hình dung được đường đời dăm ba lối rẽ.

   Từ trên phi cơ nhìn xuống những cánh đồng bát ngát, sóng lá chập chờn, xanh biếc, không phải là quê hương mà mình sống ở đây lâu hơn nơi mình sinh trưởng. Rời Việt nam vội vàng, lớn lên ở Whiting khi phải thật sư đi làm nuôi sống bản thân. Bạn bè sống chết với nhau những ngày chinh chiến cũ, sang đến xứ tự do rồi lại mỗi đứa một nơi. Được tin nó vào bệnh viện thập tử nhất sinh, tôi lại tất tả lên đường. Đỗi chuyến bay ở Memphis, phải ngồi phi cơ nhỏ về La Fayette, từ đó mướn xe về Henderson.

   Đến nơi, vẩn cái trailler mười mấy năm nay không thay đổi, chỉ có thêm dấu tàn phá của thời gian. Thằng bạn vốn gầy gò bao nhiêu năm nay giờ thêm xanh xao vì mất máu. Cuộc giải phẩu bất ngờ nối ba động mạch tim, vết thương còn chằng chịt dấu. Nó vần điềm nhiên ngồi chuyện trò 

– Tao tưởng chỉ bị sơ sài thôi, không ngờ nặng quá

– Mầy đúng là dễ ngươi, bệnh từ bao lâu rồi?

– Chỉ tưởng là nhức đầu, áp xuất huyết cao thôi, đâu ngờ là động mạch tim bị nghẽn .

– Tao tưởng là mầy chầu trời rồi, cô bạn mầy nói là nặng lắm, tao mới tất tả xuống đây

– Tao cũng không muốn báo tin làm gì, không nghĩ là mầy có thời gian xuống thăm tao.

– Cũng như mầy im lặng mấy năm nay không báo tin tìm được người chia sẻ đoạn đời còn lại ?

   Ba ngày thăm viếng qua nhanh, tôi trở về an tâm là thằng bạn hiền đã có người sớm hôm bầu bạn. Chuyến ngã bệnh bất ngờ cũng làm mấy thằng tôi suy nghĩ miên man, ít nhất thì cũng không còn tự tin vào cái sức khoẽ vô hạn của chính mình. Nhìn lại, mỗi tên chúng tôi cũng lê lết cận kề với lớp tuổi tri thiên mệnh . Thằng bạn hiền giờ cũng siêng năng gọi nhau thăm hỏi, dù chỉ đôi câu thường tình, đã nghe tiếng nói pha chút sinh khí, chút vui đùa của thời trai trẻ . Còn hẹn sẽ mang cô bạn mới về thăm chúng tôi khi hoàn toàn bình phục. Những gì trước đây chần chờ giờ mang ra thực hiện, miếng đất mua từ bao năm giờ mới nghĩ đến chuyện đi xây nhà. Thôi thì cũng mừng nó tìm được chút bình an trên đoạn đời còn lại.

– Chị Xuân, Kim đây , anh Tân về chưa?

– Anh về muộn hôm nay, khoãng mười giờ , lâu quá không nghe tiếng Kim nói, thật bất ngờ quá.

– Kim chỉ sợ là không có tin vui cho anh chị. Chị báo cho anh Tân là Louis đang nằm bệnh viện ở New Orleans

– Tại sao lại nhập viện nhanh vậy? Anh mới nói chuyện với anh Tân tuần trước đây, còn rủ anh Tân về thăm Mẹ và ăn Tết ở bên nhà nữa mà.

– Anh vào bệnh viện ba hôm nay, đi tái khám ở La Fayette, bác sĩ giữ lại không cho về, nằm được một đêm rồi chuyển sang New Orleans, sáng nay thì còn nói chuyện, trưa lại kêu mệt và khó thở, bác sĩ cho vào phòng cấp cứu thở bằng dưỡng khí , hiện nay anh đã hôn mê, bác sĩ nghĩ rằng anh không qua khỏi đêm nay.

– Bệnh nguy ngập đến thế sao. Anh Chí đã biết chưa?

– Kim mới gọi báo tin, gọi anh Tân không được nên gọi anh Chí .

    Chờ đến nửa đêm, cú điện thoại báo tin chẳng lành, câu nói nghẹn ngào đứt quãng, đêm dài lê thê. Rạng ngày vào sở làm, ngồi thẫn thờ bên điện thoại , bên tai vẫn còn nghe tiếng nói cười, thằng bạn hiền lành, thằng bạn chân thật. Những ngày tháng chiến chinh chuyện chết sống đường tơ kẻ tóc, lúc về Whiting, ba thằng tưởng là chung nhau đến hết cuộc đời, lúc thằng bạn chán cảnh độc thân khăn gói lên xứ nghìn hồ lấy vợ, hai thằng còn lại đã thấm nổi buồn sinh ly, bây giờ sẽ chẳng còn cơ hội ngồi lại với nhau, buồn nào hơn tử biệt ?

   Hai thằng bạn còn lại khăn gói về Henderson đưa nhau lần cuối. Cái áo quan im lìm và hai hàng hương khói .Dù có bao nhiêu người khóc tiển thì cũng đã nằm yên .Vợ xưa có về cũng hương tàn khói nhạt, vợ nay có khóc thì cũng xác lạnh hồn tan.

   Cuộc sống phù du, chưa kịp tri thiên mệnh đã từ giã cõi đời. Bạn bè cũ dăm ba năm sau có người nhớ lại, hỏi thăm nhau

– Tụi mầy sang Mỹ cuộc sống thế nào ?

   Biết kể thế nào về cuộc sống ở đất nước nầy? Hơn một phần tư thế kỷ, sống ở giữa xã hội kỹ nghệ tân tiến hàng đầu thế giới, giữa cái thiên đường mơ ước của những người dân đói nghèo khắp nơi, cái thế giới mâu thuẫn nghèo giàu vẫn muôn trùng cách biệt , vẫn đầy người xếp hàng xin trợ cấp thất nghiệp trong những ngôi nhà chọc trời với thang máy tối tân, với máy điều hoà không khí êm ái, mỗi con người trong xã hội không còn tên tuổi , chỉ là những biểu hiệu bằng hàng chữ số dài thậm thuợt …thằng bạn hiền sống hai muơi bảy năm dài chưa ra khỏi cái vùng đất sình lầy , hàng ngày lặng lẽ đi về, làm việc như máy móc, vẫn chung sống trong cái thôn xóm sơ sài mấy nóc gia, cái thôn xóm không có luỹ tre làng bao bọc nhưng vẫn đầy dẫy những đất lề quê thói. Bên cạnh những bon chen của cuộc sống hàng ngày , vẫn bình thản , vẫn âm thầm , vẫn chịu đựng, vẫn hằng tin mỗi người một thánh giá phải cưu mang , cho đến những ao ước cuối cùng, trở về quê hương thăm lại Mẹ già, đốt nén hương trên bàn thờ cha ngày Tết , cái ao ước của một đời bình an đã nằm vào áo quan chờ lây lất ngoài đồng trống.

   Cho đến cái chết, vẫn phi lý, biến chứng từ một năm sau khi giải phẫu, những cơn sốt dai dẵng về chiều, nổi đau âm thầm chịu đựng, cái chết bàng hoàng như giấc mộng , bao nhiêu kỹ thuật tân tiến của y khoa, sao không tìm được nguyên nhân, sao không chuẩn đoán được để cho máu độc lan tràn vào tận tim mạch ? Chết cũng âm thầm như sống, chôn cất cũng là thử thách cuối cùng, nằm ba ngày sau ngoài đồng hoang chưa hạ huyệt, lý do thật đơn giản vì không có công nhân đào huyệt. Ơi ! cái xứ sở văn minh bậc nhất thế giới dầy dẫy chuyện khóc cười…

  Ba thằng bạn thân, sinh cùng năm lớn cùng thời, sang đất Mỹ cùng chung đời tị nạn, chuyện sống chết phù du, buông tay nằm xuống còn lại những gì ?

 

Vũ Thị Thiên Thư

 

 

Ngũ Đại Hồ Phú

Ngũ Đaị Hồ Phú

 

Bát ngát , Ngũ Đaị Hồ, bát ngát

Nước biếc mên mông , trời xanh man mác

Thênh thang không thấy bến cùng bờ, giáp nối trời mây .Traỉ rộng đông tây chẳng cội nguồn, chia phân nam bắc

Nhớ xưa : Đất vỡ từ trời , lưỡng nghi tan tác

Bày bốn biển năm châu băng giá, thổi luồng sinh taọ hoá muôn loài , lộ cân phân trũng nuí song ngòi,biên giới rành rành phô dấu tạc

Nay có : Mênh mông nước bạc, cận kề nhị quốc

Ngũ hồ phân chia vành vạnh, ngõ ngách tiếp nối nhau. Xanh mượt đôi bờ thông phong, nghiêng soi bên dòng thác

Trăm thứ trò vui, từng ngày an lạc

Tung tăng bầy trẻ nhỏ , bong bóng đỏ xanh. thong thả dăm cao niên,  phơ phơ tóc bạc

Kià thăm thẳm trên cao, lo lững đứng cầu treo . Nọ cuồn cuộn theo dòng , nước xoay quanh sóng bạc

Kính kong chuông đổ trên sân ga, nhôn nhịp khách chen vai. Ù ù còi hú dưới cầu tàu  vội vã người chen bước

Khác gì :  lũ lượt hội xuân , trang thanh thuỷ mặc

 

Ta nay : bình nguyên bát ngát , về Ngũ Đaị Hồ , cảm non song hung vĩ vui thay , làm chơi một đạc

Ai tri âm , ai hữu tình , dừng laị cùng nhau, kiếp nhân sinh là bao , hưởng trời mây an lạc

 

 

Vũ Thị Thiên Thư

Từng sợi tơ trời

Từng sợi tơ trời

 

Gió nhẹ bên hồ hương phấn bay

Dừng chân tráng sĩ đêm ngất ngây

Ánh hồng trong mắt tim nồng cháy

Gởi lại giang hồ như bóng mây

 

Trăng non thấp thóang sau màn liễu

Hẹn thuở chưa đầy khuyết đã lâu

Mong manh sương ướt vai hồ hải

Bến đợi xuân thì trôi khuất mau

 

Bên song nhạc cửi ru êm ái

Từng sợi tơ trời ươm ước mơ

Quấn quít theo chân nghìn phương tại

Chuông ngân đêm lạnh ánh sao mờ

 

Vũ Thị Thiên Thư

 

 

Con Đốm

 

Condom

Con Đốm

 

Con nái ì ạch từ mấy hôm nay, mỗi bữa ăn nằm dài gác mõm lên thành máng, gục mặt xuống, tấm cám chảy dài hai bên mép, Nội thường vào thăm, xối nước tắm rửa, xoa bụng, vuốt lưng dỗ dành, còn bảo xách nước dội sàn chuồng cho sạch sẽ.

Trân theo Nội ra sau vườn cắt lá chuối khô, bó lại thành chùm, kệ nệ ôm vào. Nội che một góc chuồng, cẩn thận phủ chùm lá chuối khô lên, con nái ì ạch lê cái bụng to gần chấm đất đến dựa lưng vào cột, đong đưa thân hình gải soèn soẹt .

Đêm sâu tự bao giờ, trong giấc ngủ mơ màng, nghe tiếng bản lề rít, cửa sau nhà mở ra, Trân nhìn thấy ngọn đèn dầu leo lét, bóng Nội in trên vách, tiếng guốc dông gỏ đều đều lộp cộp, thanh âm quen thuộc, cộng với tiếng thì thầm nho nhỏ lao xao “ Con nái đang rên rỉ, chắc nó chuyển bụng, coi chừng nó sẽ sanh lúc sang canh” Trân tụt xuống giường, quờ quạng xỏ chân vào đôi dép, rón rén theo sau, Nội quay lại “

– Con đi ngủ đi, con Nái mới đau thôi, còn lâu lắm mới sanh mà .

– Con muốn coi Nội lấy heo con ra

– Trẻ con, chuyện nầy con chưa cần biết, mai mốt lớn lên , không muộn.

Trân rón rén trở vào, trong lòng vẫn nôn nao, không ai chiụ giải thích cho trẻ con biết, bảo là chuyện người lớn, nhưng không cho xem thì bao giờ mới biết đươc? Nhìn con Nái lê la cái bụng to tướng, ì ạch trong chuồng, Trân tò mò chỉ muốn xem làm sao mà nó có thể chứa ngần ấy con trong bụng được? Lần trước con Nái sinh được một lứa mười con, nuôi vừa tròn ba tháng thì người ta đến bắt đi mất …Trân buồn hắt hiu, lần nầy Nội hứa sẽ cho Trân một con để nuôi riêng . Chờ đợi nôn nao, từng ngày, đi học về lại ra thăm, nhìn con nái đang lê la, biếng lười, càng mong sao cho đến lúc khai sinh.

Tiếng thở khò khè nặng nề, hục hặc, thanh âm cơ hồ không thể thoát ra trong cổ họng, con nái nằm tựa lưng vào vách chuồng, miệng nhai nát những tàu lá chuối khô…hơi thở mệt nhọc đứt quảng, Bà ngồi cạnh, vuốt lưng dỗ dành, khi con heo con vừa lọt khỏi lòng mẹ cất tiếng kêu lên, Nội nhanh nhẹn đở lấy, chùi sạch rồi cho vào chiếc thúng con ủ lá chuối khô và giẻ rách. Khi ánh mặt trời nhuốm hồng sau hàng cây, con heo con cuối cùng đã nằm yên trong thúng.

 

Trân duị mắt, ánh sáng đầu ngày chói lọi, chưa kịp rửa mặt, nhớ lại đêm qua, con nái đang chuyển bụng, vội vã chạy ra vườn sau. Bờ cỏ cạnh mé mương còn long lanh sương sớm, Trân quên mất trò chơi trêu đùa với những hạt ngọc mong manh, trong suốt nầy, đang nóng lòng nhìn bầy heo con, thấy Nội đang bê cái thúng, lẩm nhẩm đếm, kiểm soát lại lần cuối cùng, nhìn con nái với cái bụng lép xẹp đang thở phì phào. Trân cuí xuống sờ lên làn da màu hồng cuả bầy heo con, mắt nhắm mắt mở, chúng nó rúc vào nhau như bản năng tự nhiên đi tìm hơi ấm, lông tơ mịn, lớp da mỏng, tưởng chừng như thấy cả từng mạch máu luân lưu trong cơ thể bé nhỏ .

– Nội à , cho con bồng nó được chưa ?

– Chưa đâu con, phải lau chuì cho thật sạch sẽ đã, nó mới lọt lòng, còn phải chờ cho nó quen với không khí bên ngoài, và chưa biết còn sót lại con nào nữa hay không.

– Mười con rồi Nội

– Giống nầy có thể đẻ một lứa mười hai con như chơi. Phải cẩn thận chờ, rủi còn sót lại, không kéo ra kịp con nó sẽ bị ngộp, chưa kể con nái kiệt sức, ngã xuống đè nhẹp nó không chừng . Thôi con đi học đi, trưa về mới bồng chơi được.

Trân nhẹ vuốt làn da mịn màng, màu hồng nõn nà. Trong thúng lúc nhúc bầy heo con, có con màu hồng , có con lốn đốm đen

– Nội à, tại sao chúng cùng một mẹ mà lại không giống nhau hén

– Ừ thì cũngnhư con người thôi, cũng có người vầy người khác vậy con

– Con nầy bé quá, thân hình màu trắng hồng, nhưng lại có đốm đen trên vành tai, lạ quá vậy Nội

– Ừ , chắc là nó được làm dấu đó, thôi con đi học, trể rồi

– Nội chừa con Đốm lại cho con nuôi nha

– Ừ !

Trân vuối nhẹ đôi tai vểnh lên cuả con Đốm thì thầm “ Mầy Ngoan nha…” rồi tung tăng chạy vào nhà .

 

Những đứa con tròn lứa lần lượt được chủ chúng nó đến mang đi, Nội giữ lời, để dành con Đốm lại cho Trân nuôi. Khi mẹ nó hất ra, không cho con Đốm theo bú nữa, hàng ngày, Trân sang nhà máy xay lúa cuả Ông xúc cám mịn về trộn với cháo gạo lứt cho con Đốm ăn. Nó lớn nhanh như thổi, mới đó mà thân hình đã tròn vòng ôm. Trân thường nghe người lớn mắng câu “ Ngu như heo”, nhưng có thật không? Con Đốm không ngu như người khác mắng oan, nó rất thông minh theo tưởng tượng cuả Trân, nó biết vòi vĩnh, nũng niụ, bao giờ Trân ra thăm, nó cũng chạy đến bên vách chuồng, cọ lưng vào cây tràm nhỏ làm thanh chắn, ngóng mũi chờ đợi. Con Đốm rất tinh nghịch, suốt ngày hết lăn lóc trong chuồng, lại thò sang khu đất trống, uỉ mấy gốc cây, nhủi mặt vào bùn ..nthân thể đính đầy bùn khô, .trông nó lấm lem như khối đất di động.

– Đốm! Lại đây tắm, mầy thật là dơ như heo.

Trân mắng con Đốm, vậy mà nó cũng mon men đến bên chuồng phơi cái lưng tròn trịa ra cho Trân xối nước. Gải vào lưng mấy cái là nó nằm dài ra, biếng lười gác mõm lên máng ăn chờ đợi. Ngọn gió bấc liu hiu lùa qua khe cửa, những sáng gai lạnh, không muốn thò tay vào thau nước, Trân lo lắng nhìn mấy chùm lá chuối khô, không biết con Đốm có đủ ấm không, Nội bảo là da nó dầy lắm, không biết lạnh đâu, nhưng thấy nó nằm co ro trong đùm lá thật tội nghiệp quá. Nội bảo gần Tết người ta sẽ đến bắt nó đi, Trân luôn mong Tết đến, nhưng trong lòng đầy mâu thuẩn, lại sợ con Đốm bị bắt đi. Mỗi ngày đi học về, vội vã ra sau chuồng tìm nó. Thấy con Đốm còn nghịch bẩn trong bùn, lại mắng nó, lại xách nước tắm rửa kỳ cọ cho sạch bóng, trong lòng chỉ mong sao người ta quên nó đi .

– Nội à, Tại sao người ta nuôi heo ?

– Thì người ta nuô heo là một cách để gầy vốn hay để dành tiền.

– Vậy người ta mua con Đốm làm gì thế ?

– Thì người ta mua về để chuẩn bị bán Tết .

 

Chuẩn bị Tết thật rộn ràng, Nội lóng nước vôi, trử nước tro để chuẩn bị làm bánh mứt. Hàng năm, còn làm thêm bao nhiêu là thứ dưa hành, dưa kiệu, dưa cải chua …Nếp đã được xay ra, mang về từ bên nhà máy. Nội nhặt từng hạt thóc, đo lường phân chia, bao nhiêu lít để làm bột bánh in , bao nhiêu làm bột nếp để gói bánh ít, phần nào dùng để làm bánh tét, bánh nước tro …Trân cũng xôn xao theo Nội đi đào củ gừng vế làm mứt. Chọn riêng gừng non để làm mứt dẽo, chừa lại một phần để ngào chuối khô. Gừng già thì xâm tơi làm mứt. Phiên chợ càng ngày càng đông đảo, từng gian hàng nối dài nhau. Những chiếc đệm chất đầy các quả dưa hấu, màu vỏ xanh biếc. Từng đệm rau cải nối tiếp nhau, người dân quê đi chợ mua sắm Tết, nhà nào ít nhất cũng vài chục cây cải xanh về muối dưa, kẻ thì chục dưa hấu. Nội đã chọn mua cà chua, trái đậu que, bí đao loại già , loại non, bao nhiêu là thứ để làm mứt. Càng gần Tết, khu chợ càng xôn xao với người mua kẻ bán, dù cho nghèo giàu cũng ba ngày Tết, ai cũng muốn sắm sửa mâm cơm, chén rượu cúng Ông bà cho phải lễ.

Từ ngày hai mươi ba, sau khi Nội nấu chè cúng đưa ông Táo về trời, Bắt đầu sên mứt bí, từng khai lộng đủ hình thể, hoa văn, chúc tụng, Trân theo Nội canh từng mâm mứt, hàng ngày mang phơi nắng cho trắng, khô quá thì mứt không trong, ướt quá mứt không giòn, Nội canh chừng từng li từng tí. Niềm kiêu hãnh khi nhìn thấy thành quả nầy thật vô biên. Bánh mứt đã chất đầy các ngăn trong tủ kính. Từng hủ dưa kiệu, dưa hành xếp thẳng hàng, hàng năm,dù cho bận rộn thế nào, Mẹ cũng làm mấy hủ dưa đầu heo, dưa rau muống để cho các Chú Bác nhâm nhi với rượu nếp Than [ Cẩm ] do Nột cất lấy.

Mãi nôn nao chuẩn bị Tết, Trân quên mất ngày hẹn bắt con Đốm. Hàng năm , Trân theo Ba Mẹ về tỉnh lỵ sắm Tết, Ba đưa các con đi ngắm các gian hàng, chưng bày các thứ bánh mứt, đi ăn cơm nhà hàng Tàu, nhưng thích nhất là đi xem phim tình cảm Ấn Độ. Trong ký ức muôn màu cuả con bé, những tài tử đóng phim nầy thật đẹp, nhạc đệm trong phim nghe rất vui tai, dù con bé không hề hiểu họ hát thứ tiếng gì. Sau nầy, khi làm quen với màn ảnh đại vĩ tuyến, với tài tử Âu Mỹ, Trân vẫn đi tìm xem những rạp hát chiếu phim Ấn Độ, chỉ vì chút luyến lưu cuả tuổi thơ.

Ôm các gói hàng vào nhà, chưa kịp rửa mặt, Trân chạy ra sau chuồng tìn con Đốm, cái đùm lá chuối khô còn treo trên vách, cánh cửa chưồng mở toang.

– Nội ơi ! con Đốm sẩy chuồng rồi

– Hôm nay người ta bắt nó đi rồi,

– Sao Nội nói là ngày mai mới đúng ngày

– Họ năn nỉ bắt trước một ngày .

Trân tiu nghĩu vào nhà, niềm vui cuả ngày đi sắm Tết bốc lên như làn khói mỏng, tan biến trong không gian. Sao người ta không chờ một ngày nữa thôi. Tội nghiệp con Đốm, chắc nó sẽ rất buồn vì Trân chưa kịp nói lời từ giã. Mấy gói hàng nằm im lặng, chia nổi bâng khuâng, nuôi nó gần trọn năm, chăm sóc hàng ngày, tay chân quyến luyến, Đốm ơi , mầy lưu lạc đến nơi nào ?

 

Trẻ con, buồn vui bất chợt như nắng mưa. Tết còn bao nhiêu công việc phải làm cho xong, nào là quét vôi, rửa sạch buị bậm bên trong nhà, ngoài cửa, vườn tược, cắt tỉa cây kiểng ngoài sân , nhắt lá các gốc Mai. Nội đã mang mấy bộ lư đồng xuống đánh bóng, lau chùi cho rực rỡ. Những khung cửa sổ, cửa lá sách, từng mảnh tủ khảm sa cừ, nấu dầu dưà và sáp ong, mỗi đứa được giao cho một phần việc riêng.

Chiều ngày hăm tám, chuẩn bị cúng rước ông bà. Mẹ nấu nướng bày biện các thứ từ sáng sớm. Trên bàn thờ, hai dĩa ngũ quả, màu sắc tươi thắm, Trân xếp từng ngọn rau, tỉa từng cánh hoa. Mang các thứ dưa hành, dưa kiệu, dưa gừng ra xếp vào dĩa

– Trân ơi ! mang cho Mẹ hủ dưa đầu heo

Mẹ đã luộc đầu heo và ngâm giấm từ mấy hôm trước, Mẹ vớt từng miếng ra , cắt thành lát mỏng, xếp hình nan quạt cho vào diã, bên trên là nguyên trái ớt đỏ chẻ thành hoa cùng với hành xanh cuốn tròn, màu trắng cuả thịt mỡ cùng màu xanh đỏ trông rất đẹp mắt. khi Mẹ với cái tai cuối cùng ra, Trân sửng sờ, đau buốt, cảm giác không thể diễn tả được, không thể lầm được, caí đốm đen trên vành tai, dù đã ngâm vào giấm, vẫn in đậm. Con Đốm thân quen, Trân không hình dung được, dù biết là người ta mua nó về làm thịt. Bàn tay run rẩy, mắt rưng rưng, Trân nhìn Mẹ

– Mẹ, cái tai nầy … tai cuả con Đốm

 

 

Vũ Thị Thiên Thư

 

 

Thanh ca

Thanh ca

 

Hãy vẽ cho em sợi nắng hồng

Cột làn tóc liễu thẹn hoa dung

Hong tơ lụạ mới đan đôi cánh

Chở niềm hạnh phúc thả mênh mông

 

Hãy hát vì em lời châu ngọc

Điạ đàng êm ả nhạc suối xanh

Mở cánh rừng hương thơm mời mọc

Khép lại trần gian giấc mộng lành

 

Hãy bỏ vương hầu cùng châu báu

Góc rừng nhật nguyệt chén tiêu dao

Hứng giọt sương mai mềm ty thảo

Chung trà thơm dưới cội hoa đào

 

Hãy thắp vì nhau tia hy vọng

Phong kiếm giang hồ nhặt bút lông

Tảo khởi kề vai chung giấc mộng

Yêu kiều tay vẽ nét mày cong

 

Vũ Thị Thiên Thư

Tờ Di chúc

 

Tờ Di chúc

 

• Betty, tôi sẽ gọi cảnh sát, bà trông chừng giùm tôi nha, xem thằng mất dạy kia đến làm gì đây.

• Đừng lo, tôi sẽ qua bên đó ngay, bà nhớ báo cho Doris , tôi sẽ báo cho Penny.

Mấy người đàn bà kéo nhau đến trước nhà Daisy, tên đàn ông trung niên đang loay hoay cạy ống khóa, gã quay lại sừng sộ với các bà

• Mấy người kéo lại đây làm gì ? vào nhà không xin phép, đi ra ngay, không thì tao gọi cảnh sát .

• Không cần đâu, cảnh sát đến bây giờ đó, liệu mà trả lời, ai là người cạy cửa nhà. xâm phạm gia cư bất hợp pháp

• Nhà nầy cuả Dì tao, ai cấm ?

Ánh đèn xanh đỏ cuả xe cảnh sát vừa tắt, nhân viên công lực mắc sắc phục bước xuống, đảo mắt nhìn mọi người,

• Chuyện gì sảy ra ?

• Mấy người nầy vào nhà không có phép, tôi đuổi họ ra.

• Ông là chủ cuả căn nhà nầy?

• Chủ nhà là Dì cuả tôi

• Tại sao mấy người nầy gọi chúng tôi ? Báo tin có trộm đạo đang cạy khóa?

• Dì tôi đã vào nhà dưỡng lão.

• Anh có giấy uỷ quyền không? Không thì tôi sẽ bắt anh tôi xâm nhập gia cư bất hợp pháp, anh có gì chứng minh là anh là cháu cuả Bà ta không ? Mấy người nầy nằm trong tổ chức tương trợ cuả xóm nầy, họ có quyền báo cáo khi người lạ xâm nhập, tổ chức bài trừ tội ác, giúp đỡ người cao niên,

• Tôi là cháu cuả bà, không tin thì đến viện dưỡng lão hỏi xem xem bà có nhận ra tôi hay không.

Gã nắm chắc, vì hôm qua gã đã vào viện dưỡng lão và khéo léo đóng kịch thương yêu săn sóc, Dì Daisy đang dưỡng bệnh trong đó, cho dù không còn đi lại vững vàng, nhưng dĩ nhiên là vẫn còn sáng suốt và nhận ra gã. Vì ngoài gã ra thì Dì không còn ai là người có liên hệ huyết tộc.

Dì là người em cuối cùng cửa Mẹ hắn, mấy người kia đã lần lượt qui tiên. Trước sau gì thì căn nhà và tài sản cuả bà ấy cũng vào tay gã. Mấy mụ hàng xóm đáng ghét nầy có thẩm quyền gì ngăn trở gã chứ ? Họ không bà con thân thuộc gì cuả Daisy. Gã tưởng như đã cầm chắc trong tay, lợi dụng thời cơ, lúc Daisy phải vào nằm trong viện chờ hồi phục, hắn toan tính đến lấy trước một ít vật quí giá , nhân tiện thay luôn bộ ổ khóa cửa chính cuả căn nhà. Hừ! không bị mấy mụ nầy phá rối thì gã đã làm xong rồi. Đúng là lũ đàn bà ăn không ngồi rồi, chắc là mụ ta canh chừng từ bao giờ, hắn chưa kịp thực hành thì đã thấy cảnh sát tới. Bọn nầy y hệt như bầy kên kên, xác chết chưa thối đã thấy chúng bu quanh rồi. Gã hậm hực trở ra xe, bọn người nối đuôi nhau như những toa tàu hoả theo chiếc đầu máy…

• Daisy, má phải ăn thêm một miệng thịt nữa, món thịt bò xay đúc lò nầy má vẫn ưa thích mà.

• Penny, ngán tận cổ rồi, ăn thêm một miếng nữa thì ta ói ra đó, mắc chứng gì mi cứ thúc ta ăn vậy ?

• Má, có ăn mới chóng lại sức chứ, sắp sang xuân rồi, mấy hàng Tulip sau vườn nở hoa không ai ngắm.

• Ừ! Có ta hay không thì chúng nó vẫn nở thôi, Mang cái mâm nầy đi, ta không muốn ăn nữa. Đưa cái tuí len lại đây, xem mi đan đến đâu rồi . Ây !! Penny, mũi chỉ phải khít lại, mối miếc lung tùng thế kia, mi đan nón cho trẻ sơ sinh, chứ có phải đan cho người to đầu đâu rộng thùng thình như vậy ?

• Mũi đan khít lắm rồi má, coi nè, đẹp hén.

Người đàn bà da nhăn nheo, mái tóc bạc phơ, ngồi trên chiếc xe lăn bên cạnh cửa sổ, chiếc khăn thêu đắp ngang chân. Khuôn mặt gầy gầy, thanh tú, đầy nếp nhăn , nhưng không mất đi vẻ yêu kiều cuả một thời xuân sắc, những ngón tay xương xẩu cong queo, dị hình, hậu quả cuả căn bệnh thấp khớp, nhưng trong đôi mắt sắc vẫn lấp lánh tia lửa mệnh lệnh. Ngưởi phụ nữ ngồi đối diện với bà, trên chiếc ghế nhỏ, không thể ước đoán được bao nhiêu tuổi, trông hiền hoà, ngây ngô chất phác, cử chỉ chậm chạp, vụng về, trên tay bà ta là hai chiếc kim đan, lọn chỉ len đổ long xù xì chứng tỏ đã được sử dụng nhiều lần Nhìn hai mái đầu kề nhau, trái ngược như hai thái cực, không thể nào mẹ tiên đẻ con cú ? Dù vậy, hai người vẫn chuyện trò nhẹ nhàng, chứng tỏ mối tương quan rất mật thiết.

• Daisy, bà có khách đến thăm

• Nếu là tên vô loại thì bảo tôi không muốn gặp hắn.

• Bà nói gì cơ ?

• Thôi được, nếu là Larry thì bảo tôi không khỏe, hắn muốn gì thì hôm khác tới.

• Daisy, ngoài Larry có cả nhân viên công lực và mấy bà láng giềng cùng đến .

• Lại chuyện gì nữa đây, thật là phiền toái quá, Penny, mi đẩy ta vào phòng khách đi.

Mấy bà hàng xóm cũng vừa vào tới phòng khách chung, họ lẵng lặng ngồi xuống ghế chờ xem màn kịch diễn ra. Nhìn những khuôn mặt quen thuộc chunh quanh mình, Daisy cất tiếng

• Ủa, hôm nay chưa phải là ngày sinh nhật cuả tôi, tại sao mọi người đến chúc mừng sớm vậy ? Chào Danny, hôm nay không đi làm việc sao ? Ông cũng đến chúc mừng tôi đấy à, thôi đã đến rồi, cảm ơn mọi người nhé, hãy giải tán đi, tôi sẽ về phòng bây giờ.

• Chào Daisy, bà khỏe chứ? Thật ra thì tôi đang trong giờ làm việc đây, tổ chức “ Bảo vệ láng giềng, phòng ngừa tội phạm ” quí bà nầy gọi báo, nên toi phải đến đây gặp bà, chỉ cần bà xác nhận là ông bạn nầy có thẩm quyền đến thay ổ khóa cưả nhà cuả bà thì tôi sẽ xong công việc.

• Ông ta có mang theo giấy tờ chứng minh là thợ chữa ổ khoá hay không? Và ai gọi cho ông ta đến làm việc đó ?

• Ơ ! Dì Daisy, là cháu Larry đây mà. Cháu đến trông nhà cho Dì …

• Tôi có nhờ anh bao giờ không? Mắc mớ gì anh lại đổi ổ khoá nhà tôi? Anh bạn dân nầy, tôi là chủ nhân , và chưa chết, chỉ vắng nhà thôi, vậy ra cũng có trộm đạo đến viếng khu phố rồi sao ? Mấy bà láng giềng nầy, tôi ủy thác cho họ trông coi nhà cửa dùm, có chuyện gì đã sảy ra ?

• Thưa bà, họ báo cho tôi, nếu như bà xác nhận không hề ủy quyền cho ông đây thì mời ông theo tôi về văn phòng, nhiệm vụ cuả tôi là lập biên bản, còn chuyện phạm pháp hay không thì ông ra toà mà trình bày.

• Betty, Doris, Liliam…cảm ơn quí bà đã trông chừng nhà cửa cho tôi, tiện thể, khi nào thấy ruồi nhặng, rác rưởi thì quét hộ tôi luôn nhé, vài hôm nữa tôi sẽ về lại.

• Bà cứ an tâm dưỡng bệnh đi, có chúng tôi chăm sóc nhà cửa cho bà, Penny sẽ vào thăm bà và báo tìn thường xuyên, thôi chúng tôi về để bà nghỉ ngơi nhé.

Mấy bà đứng dậy theo nhau ra cửa, không quên ném sang Larry những tia nhìn mãn nguyện. Gã ấm ức vì thua mấy người đàn bà thì ít, mà oán Daisy nhiều hơn “ Thử xem bà còn giữ được cái mạng già và căn nhà nầy bao lâu nữa” Gả nhủ thầm.

Khu phố cổ thật bình an, Daisy là một trong những người đầu tiên đến cư trú. Ngôi thánh đường trang nghiêm nằm ở đầu phố, tháp chuông cao vút thả từng hồi báo giờ thánh lễ hàng ngày. Các cư dân lâu đời cuả phố, họ rất thân thiết với nhau, bà là người tuổi cao hơn cả, con số còn lại cũng mòn mỏi theo tháng năm, từng mùa đông qua, lại thêm một chiếc lá lìa cành, bà cũng không biết mình còn sức chịu đựng bao lâu nữa, nhưng cuộc đời bà, không có gì phải hối tiếc. Bà đã thấy bao nhiêu mùa xuân hoa tươi , bao nhiêu mùa thu vàng lá, từ những đứa trẻ thập thò gõ cửa nhà muà Hallowin, cho đến khi chúng dẫn con cái đến trước nhà hát Carol trong mùa Thánh Lễ Giáng Sinh …

Con bé Penny, ngày bà nhặt nó trong cái bọc giấy dầu lót sơ sài bằng chiếc áo cũ, còn đỏ hỏn, da dẻ tím ngắt, tiếng khóc khản không thoát ra cái miệng nhỏ nhoi, hơi thở mong manh. Âu cũng là mối duyên, nếu bà không trở lại nhà thờ vì bỏ quên tập nhạc thì con bé chắc đã chết cóng mất rồi. Vào trình với cha xứ, không ai biết con bé đến từ đâu. Cuối cùng thì Cha xứ hỏi bà có muốn nhận nó làm con không? Bà ngần ngừ, vì nuôi dạy một đứa trẻ, trong hoàn cảnh cuả bà, thật là khó mà chu toàn. May mắn thay, ông bà Carter ở cuối phố, xem như Thiên Chúa ban ân, họ hiếm muộn chỉ có một đứa con gái, nên sẳn sàng cưu mang thêm con bé bệnh hoạn ngặt nghẹo nầy. Không ai nghĩ nó có thể sống được, huống gì lại khôn lớn , vậy mà, Chuá xót thương, nó vẫn trưởng thành, đi học đến hết bậc tiểu học, không lanh lợi như người bình thường, nhưng lại rất hiền hoà trung hậu. Vì mối duyên lành đó, cho dù không trực tiếp nuôi dưỡng nó, nhưng bà vẫn thương yêu chăm sóc nó, coi nó như đứa con bà không có diễm phúc cưu mang.

Bố Mẹ nuôi cuả nó, Ông bà Carter, Thiên Chuá đã đón đi rồi. Hai đứa con gái, đứa con đẻ khôn ngoan, thành công khắp mọi mặt, nhưng không vì thế mà bỏ bê con bé khờ dại nầy. Con chị Anna luôn luôn bao bọc, chăm chút cho nó. Sau khi Bố Mẹ mất đi, chỉ riêng phần gia sản chia đều cho cả hai, đã có thể bảo đảm cho Penny đến cuối cuộc đời. Dù vậy, hàng năm, dù đang lưu diễn bất cứ nơi nào, con bé chị Anna vẫn trở về chăm nom, thanh toán các thủ tục cần thiết, cũng như giấy tờ quan trọng, đễ bảo đảm tiền chi phí hàng tháng cho Penney. Kể ra thì Anna cũng có tình có nghĩa đó chứ, từ thuở nhỏ, nó đã biết dang tay che chở cho Penny. Khi mới bắt đầu tấp tểnh vào trường học, bầy trẻ con thấy Penny khù khờ, luôn theo trêu ghẹo bắt nạt, biết em mình không có khả năng tự vệ, Anna luôn sẳn sàng kề cận chunh quanh để chống lại bọn trẻ con vô ý thức.

Daisy chợt nghĩ đến tên Larry vô loại, còn cái mối dây oan nghiệt nầy, không thể chần chờ lâu, mình chưa chết mà nó đã trổ mòi bất lương rồi, ngữ nầy thì không thể dung thứ được nữa. Bà mĩm cười, mình sống ngần tuổi nầy, không lẻ với chút sức tàn lại không gánh được chuyện hậu sự hay sao ? Bà quay lại bảo Penny

• Mi bấm số điện thoại cho ta, gọi lão luật sư Myzak, bảo hắn mang hồ sơ di chúc sang cho ta có chút chuyện cần bàn.

 

Tin tức lan nhanh, ngày cử hành đám tang cuả Daisy, theo thư mời thảo trước, đình kèm chữ ký cuả chính bà, ủy nhiệm cho Luật sư Myzack , người thay mặt gia đình đứng ra tổ chức tang ma, từng chi tiết, đã được ghi chép cẩn thận, cha xứ làm chủ lễ, sau đó di chúc được đọc ngay với sự chứng kiến cuả mọi người. Trong thiệp báo tang đã ghi rõ ràng, xin miễn phúng điếu, xin miễn vòng hoa, áo tang .

• Betty, bà nhận được thiếp tang chưa?

• Nhận rồi, còn bà ?

• Vâng, tôi thắc mắc là miễn phúng điếu, miễn vòng hoa, miễn tang chế. Lạ thật, cũng không thấy ghi cống hiến cho cơ sở thiện nguyện, bà ấy vẫn là thành viên tích cực hoạt động kia mà

• Tôi cũng hơi ngạc nhiên, không lẽ là Daisy không còn tỉnh táo ? Nhưng chính bà tự tay viết thiếp báo tang kia mà, tức là bà đã sắp sẳn mọi việc rồi.

• Bà không lạ gì tính cuả Daisy, và cả lão Myzak nữa, cả hai người đều không tính toán chi ly hay sao? Chuyện khó tin đó.

• Tôi nghĩ Daisy có lý do riêng, bà ấy luôn làm việc cẩn trọng, ta cứ chờ xem

• Bà nghĩ là có nên mặc áo đen đi dự tang lễ không?

• Ấy, bà biết rồi mà Daisy rất ghét màu đen, chưa kể bà lại quên nữa rồi, thiếp mời dự đám tang ghi rõ: Xin miễn tang phục.

Đại sảnh cuả nhà quàn, ánh bạch lạp lung linh, Daisy nằm bình an trong áo quan đặt cuối căn phòng. Trên dãy ghế cho khách đến dự, đã thấy đủ mặt cư dân cuả cả khu phố, chưa kể họ đạo, hội các Mẹ …Penny ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế bành, ánh mắt đỏ hoe nhìn ngơ ngác. Larry lăng xăng chào khách, bộ mặt đóng kịch đau buồn xót thương cuả hắn càng làm mọi người thấy chán ghét thêm. Tiếng cầu kinh rì rầm cuả qúi bà trong hội Thánh Giá, cha sở đến làm lễ cầu nguyện, sau khi hoàn tất thánh lễ thi hài Daisy sẽ được hoả táng theo ý nguyện.

Tang Lễ scử hành đơn giản, suốt cuộc đời Daisy làm việc tận tụy, khi về hưu, khi không còn đủ sức khỏe để du hành, bà vây bọc quanh mình với những kỷ vật khắp các nơi bà đã thăm viếng. Từ vùng hải đảo NamThái Bình Dương bao la, đến vùng tuyết băng Alaska trắng xoá. Khi thì vùng cát trắng Đại Tây Dương đến sa mạc vàng Điạ Trung Hải. Mỗi một châu lục địa, dị thảo kỳ hoa, cho đến nụ hoa vàng đơn giản trong vườn nhà, nơi nào bà cũng cảm nhận sức sống diệu kỳ, thiên nhiên diễm tuyệt. Cuối cuộc đời, như bà vẫn thường nhìn vào đôi mắt xanh trong đơn giản cuả Penny, không còn điều gì hối tiếc .

Cha sở thông báo cho mọi người vui lòng nán lại để dung bữa cơm trưa, do Daisy khoản đãi theo thư mời. Sau đó , sẽ công bố di chúc như bà đã căn dặn. Larry hớn hở nhìn quanh, phen nầy thì cho mấy người hết ngăn trở, hắn đã nghĩ đến chuyện sẽ mang thứ nào đi bán, đầu tiên là chiếc đại dương cầm hy vọng sẽ còn đắt giá, các bức tranh vô tri chẳng biết được bao nhiêu tiền, mấy bức tượng bà cưng như báu vật, các thứ kỷ vật bà thu thập khi du lịch khắp các nơi.

Lão luật sư Myzak cẩn thận lau đôi tròng kính đeo mắt, rồi mở cặp hồ sơ, tài sản cuả Daisy ngoài các báu vật, hiện kim, căn nhà đang sở hữu, cùng hộp nữ trang … tất cả chi tiết được liệt kê rõ ràng kèm theo giấy biên nhận sở hữu chủ, bảo hiểm… Không ngờ bà ta giàu hơn mọi người tưởng tượng. Larry nuốt nước bọt, ngần ấy thứ, bán ra cũng hơn nửa triệu bạc, chưa kể căn nhà, thật không thể tưởng tượng tại sao bà vẫn cư trú trong cái xóm nhà nghèo nàn đó .

Sau phần liệt kê tài sản là phần thừa hưởng, tặng phẩm cho mỗi người. Myzak đọc từng câu, từng tên người mồ hôi Larry toát ra từng hạt, lăn dài xuống thái dương. Cây đàn Đại dương cầm tặng cho nhà thờ, con số hiện kim chia đều cho cơ sở dưỡng lão, nhà nuôi trẻ mồ côi, và chương trình bảo vệ sự sống. Còn các bảo vật trong nhà, cái bình cổ tặng cho Betty, bức tranh Monée cho Doris, chuổi ngọc trai Tahiti cho Anna…Từng người, không thiếu một tên nào, nhưng quan trọng nhất là chưa nghe nói gì đến người thừa hưởng chính là hắn. Cứ cái đà nầy thì chẳng còn lại gì, bà ta có điên chăng? Không sao, còn căn nhà, bán ra cũng cả mấy trăm nghìn. Larry bồn chồn nhìn xấp giấy cạn dần trên tay lão Myzak…

Chiếc xe Cadillac cà tàng, đã mười lăm tuổi thuộc về hắn, Larry thở phào hớn hở, chờ đợi…. Cuối cùng, chỉ còn lại căn nhà, một ít vật dụng, và khoảng tiền tiết kiệm, con số không nhỏ còn lại trong ngân hàng. hắn có nghe lầm không ? Penny, con mẹ dở người dở ngợm kia chính là người được thừa hưởng.

• Hả ! Ông đọc nhầm tên rồi , Larry chứ không phải Penny,

Hắn gào lên. Lão Myzak lặng lẽ nhìn hắn, bọn đàn bà quay lại, những cặp mắt sắc như nhát dao cứa từng mảnh da, không thể nào, làm sao có thể như thế được? Hắn là người thừa kế, người cuối cùng có liên hệ huyết thống kia mà. Hắn chồm tới, định giằng lấy xấp giấy tờ, nhưng cánh tay cuả Danny nhanh hơn, như chiếc kẹp, nắm chặt hắn kéo lại, tia mắt anh cảnh sát viên nhìn thẳng vào mặt hắn gằn giọng,” Ông mà làm rối loạn nơi tôn nghiêm thì tôi sẽ không tha …”

“ Tôi , Daisy… Viết di chúc nầy trong tinh thần sáng suốt …có nhân chứng ..” Lão Myzak chấm dứt bản di chúc, thong thả đóng cặp hồ sơ lại.

Cha sở làm dấu thánh giá và đọc kinh cầu nguyện, nắp áo quan hạ xuống, che kín khuôn mặt nhăn nheo an bình cuả người đàn bà, dường như nụ cười lung linh phiêu phất nở trên đôi môi xanh không còn sự sống …

 

Vũ Thị Thiên Thư