Ốc mượn hồn

Ốc mượn hồn

 

– Sao cái nầy vỏ ốc mà thò chân cua ra vậy Dì?

– Ừ! Nó là con ốc mượn hồn

– Ốc mượn hồn là gì vậy Dì?

– Là càng cua, thân cua bên trong mà cái vỏ ốc bên ngoài thôi đó mà

Câu hỏi và trả lời nầy quanh quẩn trong trí nhớ của tôi …

 

*

– Châu à! Nói dùm với Vân là tôi yêu em lắm

– Anh điên rồi à, tại sao Châu phải nói dùm anh. Anh đâu phải người câm .

– Biết rồi, khổ lắm, có miệng nhưng không nói nên lời

– Rõ lẩm cẩm, thì phải ráng chứ, ai lại đi nhờ người khác tỏ tình, hừ, Vân nó hiền khô, anh sợ nó nuốt anh à ! Anh đóng đô nhà nó hàng ngày, thiếu gì dịp,

– Châu ngồi cùng bàn với Vân mà, lại luôn ra chơi chung …

– Con gái có nhiều chuyện khác để nói.

– Thì nói dùm anh cũng là chuyện làm phước mà, hay anh viết thư Châu trao dùm cho anh đi

– Châu có là bưu điện đâu.

 

*

– Châu à, sao hôm nay Vân không đi học

– Châu làm sao biết được? Có thể hắn bệnh

– Thật à! Châu có sang thăm không?

– Chiều nay, có thể thôi .

– Vậy Châu mang ô mai sang dùm anh được không?

– Anh đền ơn gì đây

– Châu muốn gì anh cũng chiều mà.

 

Vân là cô bạn mới quen những năm sau cùng trung học, hắn và Châu chẳng những chung lớp mà còn ngồi chung bàn, cùng là người Hoa nhưng hắn và Ngọc lại trái ngược cá tính, Ngọc liếng thoắng, Vân thâm trầm, MẹVân khi gặp bọn Châu sang thăm lần đầu “ Họ Trần , bà con , bà con…” thật ra thì Châu cũng chẳng biết bà con bao nhiêu đời, dòng máu luân lưu qua bao nhiêu thế hệ …Ông Cố còn gốc thầy thuốc với dao cầu cối đá, bàn tán, chúng tôi thường mang ra làm trò chơi. Mẹ Vân thật hiền lành, trong nhà anh Tú là người toàn quyền quyết định, anh là người con thứ hai, sau chị Trinh, nhưng lại là con trai đầu cho nên khi Ông cụ mất đi, anh là người thừa kế cả sản nghiệp, Ngoài giờ học, anh chăm lo cơ sở kinh doanh cùng chú Tài phú. Anh Tú trồng cây si trước nhà Cô tôi, mê bà chị họ, cho nên chiều chuộng cô em Châu hết lòng, bao giờ gặp Châu cũng vui vẻ chào đón, trong khi các bạn thường nói lén với nhau “… nhìn anh khó đăm đăm.”

Trong số những gốc cổ thụ trồng trong sân nhà Vân, Dư cũng là người Hoa, anh có lợi thế hơn bọn húi cua trong lớp, là bạn của anh Tú, nên thường lui tới nhà , nhưng dù vậy vẫn không dám ngang nhiên chuyện trò riêng tư với Vân .

 

Thập niên đầu bảy mươi, bước vào trung học đệ nhị cấp, học chung với các đấng “ húi cua ”.Bọn kẹp tóc chúng tôi, dăm cô, đếm chưa đầy hai bàn tay, đúng là hoa lạc rừng gươm. Thật ra thì con số ít oi nầy mang lại những phản ứng khác nhau, phía kẹp tóc lẫn húi cua. Húi cua thì cho rằng chúng tôi cả gan xâm lấn đất đai, kẹp tóc thì cho rằng chúng tôi đang xé rào , nhưng dù thế nào thì những phản ứng nầy đóng góp đầy vào những tháng ngày vui buồn của thuở học trò, thời áo trắng mơ mộng, không biết bao nhiêu bút mực đã và đang tiếp tục viết không ngừng .

Vào những dịp văn nghệ thường niên, mùa xuân Tết Nguyên đán và Hạ trước lúc nghỉ hè, bọn con gái ban B [ Toán – Lý ] bỗng trở thành những bông hoa rực rỡ yêu kiều. Vì muốn đánh đổ thành kiến của các ban cho rằng dân học Ban B khô như củi mục , cứng như đá…Cho nên hầu hết các tiết mục nào cũng cố gắng đóng góp vào, từ ca hát, bích báo, kịch vũ…Dĩ nhiên trong số các đóng góp nầy không thể vắng mặt Dư. Anh là trưởng ban văn nghệ của lớp . Vóc dáng Dư cao lớn hơn tầm mức trung bình của dân húi cua thời bấy giờ, ít nhất là một thước bảy mươi tám, ăn mặc luôn chải chuốt, rất sát thời trang, nhưng cử chỉ nói năng lại rất nhẹ nhàng, nổi bật trong các tiết mục văn nghệ. Châu đoán anh lớn tuổi hơn cả bọn, do đó nhìn anh luôn chửng chạc như người anh cả..Mùa Văn nghệ Tất Niên, anh bận bịu tới tấp, đốc thúc tập dượt cho kịp thời gian, xếp đặt các tiết mục, và còn phải lo hối lộ bọn chúng tôi , khi thì chè nồi đất ở góc Tồn Nguyên, khi thì quán kem Như ý, các cô được dịp tha hồ vòi vĩnh.

 

– Châu, ngã đầu sang phải một tí, cười đi chứ.

– Cười? Anh cứ bắt Châu diễn lại cả giờ rồi, mệt quá! Châu nghỉ bây giờ.

– Châu à, ráng chút nữa thôi, anh dẩn tất cả đi uống nước mía vậy .

– Dư à , cười mõi cả miệng đó, Châu uống hai ly nha.

– Ưø! Thì hai ly.

Dư chuyện trò và chiều chuộng chúng tôi, cử chỉ anh luôn luôn trìu mến, dịu dàng trong cái cử chỉ săn sóc đó có điều gì làm Châu cảm giác khác thường.Khi cùng nhau viết và diễn một điệu múa, đóng chung ván kịch, anh rất chính xác, ngay cả những động tác đòi hỏi sự ẻo lả nhẹ nhàng của nữ giới. Thường khi anh đến thăm, ngồi chuyện trò hàng giờ , mấy chị em đang thêu thùa, anh bảo cho anh làm thử xem, nhìn bàn tay anh khéo léo , không thua chúng tôi. Nhân dáng anh thì hoàn toàn nam giới, nhưng cử chỉ lại mang nhiều nữ tính hơn. Mọi người đều nhận ra sự khác biệt, nhưng điều nầy lúc bấy giờ Châu không quan tâm, vì hãy còn vô tøư, lo mãi mê bắt chẹt, vòi vĩnh …

Châu trôi qua nửa năm học hiền hoà, cuối năm, ngày nghỉ Tết, lớp tổ chức tất niên, mượn được căn nhà trống của Ba Mẹ anh Long, thế là có ban nhạc sống do Dư điều khiển , chúng tôi lo chuẩn bị thức ăn nhẹ, các anh thì lo phần dọn dẹp và chạy rong .Ngày Tất Niên, Dư diện bộ quần áo trắng, nhìn anh đẹp như tài tử trong phim xả hội Trung Hoa . Châu nhớ điều nầy, vì tình cờ cũng chọn màu trắng và Ngọc chọn màu đen hai đứa thường hẹn nhau mặc màu sắc trái ngược trong các cuộc họp mặt bạn bè. Riêng Vân lộng lẫy trong chiếc áo màu đỏ thắm, bộ ba là những bông hoa xinh tươi rực rỡ trong buổi tiệc vốn dĩ khan hiếm phái đẹp của ban B khô như đá. Châu nhìn Dư xum xoe bên Vân . Từng ly nước, từng cái nhìn khi khiêu vũ, khi chuyện trò, cái gã si tình nầy đã biến thành tên nô lệ tự bao giờ.

 

Sau Tết Âm Lịch, trở vào trường, hầu hết đều lo lắng cho ngày thi sắp đến, may mắn cho bọn kẹp tóc chúng tôi, học nhưng không bị cái ám ảnh hỏng thi phải vào quân ngũ, trong khi các bạn trai thì phải cố gắng nhiều hơn. Sau ngày thi, trút được cái gánh nặng lại đối đầu cùng những ngày lang thang vội vã, bâng khuâng vì sẽ có người rời xa, có người phải vào quân ngũ. Mùa Hè, Dư vẫn thường đến thăm và chuyện trò như những ngày tháng mới quen nhau, nhưng Châu cảm thấy anh có điều gì bất an, Dư nói về những dự tính tương lai, không hề nhắc chuyện yêu đương, hay mơ mộng. Châu vẫn nhận ra điều khác lạ trong anh, nhưng cảm thấy chuyện trò cùng anh thoải mái hơn, có thể bàn luận về quyển sách mới đọc, truyện phim vừa trình chiếu. hay cả những mầu kiểu thời trang đang thịnh hành của phụ nữ, và cười vui cùng nhau như tình bạn bè .Trước ngày rời tỉnh lỵ về SaiGòn, Dư đến từ giã, mang cho Châu quyển lưu bút và cẩn thận ép mấy cành hoa Phượng hái trong sân trường. Châu còn lại một năm học cuối cùng của trung học. Ngày tháng như mây bay .

Vắng một thời gian, không gặp nhau, cuối hè năm sau Châu về Saigon tiếp tục học, nghe các bạn báo tin Dư đã về lại tỉnh lỵ .Cũng như hai con thuyền trên hai dòng xuôi ngược, mãi đến sau 1975, lúc lang thang về lại tỉnh lỵ, trở vào trường Sư Phạm, Châu mới có dịp chuyện trò cùng Dư thường xuyên hơn. Anh vẫn đến thăm, ngồi bàn chuyện trời đất mưa nắng cùng nhau, Châu nhiều khi thấy anh có vẻ băn khoăn, nhưng nghĩ vì thời cuộc, bọn ruồi ba mươi vẫn theo anh hàng ngày. Châu trở về trường nhưng tâm trí không còn chuyên học hành, những bài học cách mạng như những vết dao đâm …

 

– Châu, anh đi xa, mình sẽ không gặp nhau nữa, Châu có buồn không ?

– Anh nầy lạ. Sao lại nghĩ quẩn như vậy? Thời buổi nầy đi đâu bây giờ , hay anh đi cưới vợ lo làm ăn, sinh con đẻ cá,i nối dõi tông đường cho trọn đạo, xong đời.

– Châu đừng đùa, Anh nói thật đấy …

Vắng dăm ngày, anh lại mang đến tấm ảnh, cắm cúi ký tên ghi ngày giờ, nghẹn ngào từ giã, nứớc mắt rưng rưng

– Anh vượt biên, chỉ nói cho riêng Châu biết thôi, cầu nguyện cho anh, nếu anh không có tin tức , Châu lấy ngày đi cúng anh chén cơm, chung rượu…

– Anh có uống rượu đâu mà bảo Châu cúng ?

Châu nói lãng đi, đùa cợt cho bớt chuyện âu lo, cố gắng giữ lại ý nghĩ của riêng mình, tình trạng nầy đến khi cả bọn đi chắc cái tỉnh lỵ bé nhỏ sẽ vỡ tung ra …Châu đã nằm bến bao nhiêu lần, không dám nhớ, sợ sẽ chùn bước chân đi .

 

Cuối cùng, khi đã bình an cư trú nơi ngàn dặm cách xa quê nha, tất bật cùng cuộc sống, cố gắng bước lại những bước đầu ,Châu không còn thời gian nghĩ suy về những ngày mới lớn. Trong tận cùng những ngăn trái tim, mỗi người ấp ủ những hình ảnh, kỷ niệm, tờ thư bạn bè như từng chiếc lá bay, lăn lóc một góc trời, cuộc sống thầm lặng tan vào dòng đời cuốn trôi những ước mơ thời mới lớn.

Châu được tin anh, cuối cùng, cũng rời khỏi quê nhà, cái tỉnh lỵ bé bỏng chất chứa bao nhiêu tháng ngày hồn nhiên. Anh định cư Down Under, Australia, nắm níu chung cùng một số bạn bè ngày cũ. Không được bao lâu, lại như bầy chim tan tác, mỗi người theo đuổi những giấc mộng bốn phương, Anh lang thang trong vùng xa xôi nào đó, im lặng sống một cuộc sống khác. Tình cờ, có người bảo “… Gặp Anh Dư, chỉ có thể là anh thôi, không thể nhìn lầm, anh trang phục thật thướt tha, âu yếm sánh vai một anh chàng Úc cao lớn, nhìn anh rất ư là dịu dàng, khép nép theo nhau, hạnh phúc như một người hiền phụ ngoan ngoản …”

 

Năm trước đây, khi gặp lại cô bạn học sau phần tư thế kỷ, hai vợ chồng hắn kể lại những thàng ngày chung cùng với Dư ở thành phố miền Biển khi mới sang Úøc Châu. Cả bọn độc thân gom góp nhau chung một căn nhà, mỗi tên cố gắng tất bật chạy sở chạy trường, học đêm làm ngày vật vã. Dư đến muộn , trong khoảng thời gian đầu, Dư còn chờ niên học mới , anh chăm lo công việc, săn sóc nhà cửa như một người nột trợ, các bạn đi làm , đi học về đã có cơm dâng , nhà cửa tươm tất, sạch sẽ, săn đón nhẹ nhàng, chăm sóc như người vợ hiền .Lúc bấy giờ thì mọi người không thể phủ nhận sự khác thường trong anh. Anh ghen với tất cả những người bạn gái đến thăm, các bạn trong nhà càng cảm thấy khó chịu hơn, từng người lần lượt viện cớ để dời đi, cuối cùng thì căn nhà không còn là chốn nương thân, anh cũng trôi dạt về một phương nào vô định. Lần cuối cùng vợ chồng hắn gặp lại anh trong một khu thương mãi sang trọng, trang điểm cẩn thận như lời đồn, chào nhau , chuyện trò nhỏ nhẹ…

 

Anh sáng cuối đường bùng cháy lại, trong ký ức muôn màu, Châu nhớ từng cử chỉ nhẹ nhàng, lời nói êm ái, những ngày còn bên nhau, những lần anh băn khoăn tìm kiếm .Những gì trong một xã hội bình thường không chấp nhận sự khác thường? Anh cố gắng thu mình sống với cái vỏ bên ngoài nam nhân như người đời gọi anh , nhưng bên trong anh kêu gào thèm khát cho một cuộc sống khác, vượt qua những giới hạn, sống như một người phụ nữ với ước mơ … nghĩ đến thế giới tự do , nơi con người sống không giới hạn, không bận tâm đến những ước lệ .

Có phải anh như con ốc mượn hồn , bên trong cái vỏ ốc là thân cua chỉ chực chờ, tìm kiếm một cuộc sống khác, Anh băn khoăn đi tìm chính mình , có bao giờ anh hỏi “ tại sao lại sinh ra trong cái vỏ nam tính trong khi anh chỉ muốn được sống như các cô gái bình thường …”

Tôi cầu chúc anh hạnhh phúc, dù sống một nơi nào đó .

 

Vũ Thị Thiên Thư

 

Góc Rừng

 

Góc Rừng

   Hơi lạnh gay gay của ban mai, sương sớm long lanh vương trên đầu ngọn cỏ, khu rừng cây xanh như vừa trở giấc, từng cành khoe lá nhỏ li ti, đang múa ca lơi lã, tiếnggió nhẹ nhàng hài hoà hợp tấu, hàng thông ủ rũ cũng vươn vai trở mình, lá mong manh khua xào xạt. Những chuyến xe đi về cuối tuần, con đường mòn với hai hàng cây, đất còn ướt mềm sương thấm đẫm đêm qua, đôi vết bánh xe in hằn xuống từng ngày đã trở thành quen thuộc. Sớm mai, nhìn hững nụ xanh mơ lấm tấm trên cành khô, sức sống thật là kỳ diệu, vạn vật như bừng tỉnh lại sau giấc ngủ triền miên, giấc ngủ bình an suốt một mùa đông dài …

Cánh rừng bát ngát, những bông hoa tuyết trắng xoá tung bay đã biến đi mất dạng. Hàng thông xanh hờ hững đứng trong góc, cuối khu vườn, từng cành cây như cánh tay vuơn ra, tham lam ôm đầy những nụ hoa trắng mênh mang, mùa đông qua đi, cánh tay cây đã không còn nặng trĩu, thay vào màu áo xanh non tươi mát, đồng cỏ như tấm thảm nhung êm mượt, hoa Dent de Lion nở vàng bát ngát, từng nụ xinh tươi cánh mỏng manh khoe tơ nhuỵ lấm tấm rung rinh trong nắng sớm.

Thương ôm con lên vai, vổ nhẹ vào lưng rồi đặt con lên chiếc xe đẩy, đôi bàn chân nhỏ đong đưa, mấy sợi tóc lơ thơ, mỏng manh như tơ trời . Nắng tràn ngập chan hoà, nắng lung linh nhảy múa, đôi bàn tay như chụp bắt cả một khoảng trời mênh mang. Thương trải mảnh chăn nhỏ, đặt chiếc xe đẩy kề bên, rồi ngồi xuống, bên cạnh chiếc xích đu, chỉ là mảnh ván nhỏ cột lại bằng hai sợi dây thừng, mắc trên cành cây cổ thụ trong khu vườn sau. Cầm quyển sách mở ra hờ hững, chữ nghĩa nhảy múa trong đầu đầy dặc, nhìn xuống đôi bàn tay con, mấy ngón nhỏ nhoi, thương quá, lại âu lo, ngại ngần, không biết những ngón mong manh nầy có đủ bám víu vào cuộc đời đầy trắc trở? Như giọt sương long lanh buổi sáng, rồi nắng sẽ mang đi về phương xa nào, sẽ tái sinh vào ngày kế tiếp, cái vòng lẩn quẩn, luân hồi. Nhìn xuống vầng trán và làn da non mịn mướt, những sợi gân xanh chằng chịt như dòng sông, con rạch, dẩn dắt từng giọt máu đi vòng quanh cơ thể. Vuốt nhẹ đôi má, cái miệng chúm chím, một chút sữa còn đọng trên mép môi. Kéo chéo khăn lau nhẹ cho con, giấc ngũ bình an tuổi thơ, cái đầu nhỏ lắc lư rồi lại nhụi vào tấm chăn đắp, đôi mắt nhắm hờ, như nắm níu với cơn mơ còn sót lại. Cái bóng người lêu nghêu ngã xuống, dừng lại bên cạnh, tiếng nói nhẹ nhàng

– Chào cô, cháu ngủ ngoan quá.

– Chào ông, cảm ơn ông

– Tôi có làm phiền không, nhìn thấy cô thường mang cháu ra sân phơi nắng.

– Vâng, suốt mùa đông ngồi mãi trong nhà, giống như con gấu trốn trong hang. Bây giờ mới cảm thấy yêu quí những giọt nắng chói chan của quê nhà, sau khi đã đi xa lơ xa lắt .

– Cô rời nơi ấy đã được bao lâu rồi?

– Một tháng, một năm , thời gian đã trở thành vô nghĩa , khi không còn muốn xác định .

– Tôi hỏi cũng bằng thừa thôi, chúc cô một ngày vui

– Cảm ơn, và chúc ông như thế .

Thương cúi xuống, mảnh bút chì lăn lóc dưới chân, nhìn theo bóng người thanh niên xa lạ và mẫu chuyện không đầu đuôi. Cái bóng mảnh khảnh, ngã dài liêu xiêu trong nắng sớm, khập khểnh di chuyển chậm chạp qua hàng cây, mấy quyển sách cầm trên taỵThương đoán anh ta hãy còn đang cắp sách đến trường.Chút bình yên đầu ngày xao động. Khu rừng nầy biệt lập, phía bên kia là những căn trại dùng cho trẻ con vào mùa hè, khu nhà nguyện với vườn hoa cỏ mọc tràn lan, hàng trăm mẫu rừng, mười mấy căn nhà le hoe, chỉ có gia đình anh giám đốc và anh phụ tá giám đốc thường xuyên lui tới, anh ta đến nơi đây chắc hẳn phải là người quen thuộc với một trong hai. Khu rừng nhộn nhịp với ánh nắng mai, chim chóc đùa giởn đuổi bắt nhau, nhởn nhơ qua từng cành cây phong vừa trổ nụ xanh mượt.

Mảnh chăn len đạp tung toé xuống chân, giấc ngũ chưa tròn đầy, đôi tay nhỏ quơ quào, chới với như muốn chụp bắt lại giấc mơ. Kéo lại mảnh chăn đắp, Thương bế con vào lòng, ôm lại máu thịt cuả chính mình, nghe trong lòng như muôn ngàn con sóng vỗ, tiếng thuỷ triều rì rào, tiếng đại dương mời gọi bao la. Ðôi mắt trong suốt nhìn như mặt hồ phẳng lặng, Thương nhớ lại, từng cơn đau như biển động, cơn đau xé nát thịt da, từng mảnh trời tối tăm, từng giọt máu hồng chưa kịp đọng. Người ta nói vượt biển mồ côi, vượt sông vượt suối…Cơn đau không ai chia sẻ, cơn đau không bàn tay nào nâng niu. Trăm hoa nở, nghìn tia nắng khai. Nối tiếp cho những đêm chong đèn nhìn con mà cào ruột thắt gan. Từng ngày âm thầm nhặt từng sợi chỉ, may từng mũi kim…, chiếc áo nhỏ gói lại mớ thịt xương khúc ruột, cái miệng thơ ngây không khép chặt, từng đêm ngồi nhỏ từng giọt sữa, từng giọt nước mắt lăn…Con ơi! Nếu có phải trăm lần vượt cạn, vạn nẻo chông gai, đổi được cho con toàn vẹn một đời, Mẹ sẽ không ngại ngần dấn thân lần nữa .

Con ra đời, đã mang trong người định mệnh chưa biết khắt khe nào, chân chưa chạm đất, chồi lá chưa xanh, bão giông cuồn cuộn. Hai tháng, Thương đau thắt ruột gan mang con vào bệnh viện, người y tá lặng lẽ bế con vào phòng rồi đóng cửa lại, Thương đứng nhìn theo, chỉ muốn ôm lấy con , chạy thật xa, chạy lên tận trờùi xanh hỏi rằng sao nghiệt ngã ? Con nhỏ nhoi, con mong manh, sao không cho Mẹ gánh hết mọi đớn đau dù có chịu thêm một lần banh da xẻ thịt, Mẹ cũng không chối từ, hãy cho Mẹ chịu cơn đau đớn, hãy cho Mẹ sinh con lại một lần, dù có chịu thêm chín tháng cưu mang , dù có thêm lần vượt biển mồ côi , dù có qua bao cơn phong ba bão táp …

Ðêm vô tận, ngày bồn chồn, chờ từng giờ, đến hẹn để vào thăm con. Ôm chặt con vào lòng, hai bàn tay nhỏ nắm lấy tay Mẹ không rời, Thương nhìn con đau quặn thắt, bàn tay nầy Mẹ ngày xưa xỏ từng sợi chỉ, khâu từng mũi kim, nhìn xuống vết cắt, trong lòng như dao đâm, muối xát, lạnh mùa đông chưa đủ tái tê, sao trong lòng như băng giá.Càng nhìn con càng thêm se thắt, Thương nằn nì, xin được ở lại trông con , “ cho tôi một chiếc ghế thôi, hay tôi không cần nữa, chỉ cho tôi ở bên cạnh con tôi ”…

Cánh cửa im lìm, màu của sự sống chết tranh nhau từng tí từng li, đêm thâu không dám chợp mắt, ngồi canh từng cử động, từng giấc, lau từng giọt mồ hôi. Thương lặng lẽ nhìn ống nylon nối vào cánh mũi phập phồng, tưởng tượng từng giọt dưỡng khí đang chảy qua, từng giọt thấm qua, từng giọt, hai bàn tay nhỏ chực chờ, nắm lại tay con, trong lòng trăm vạn mũi kim đâm, Con ơi !

 

Người thanh niên ngồi bệt xuống thảm cỏ, đặt quyển sách bên cạnh, thò bàn tay vuông vắn, ngón tay thẳng, khều vào lòng bàn tay nhỏø nhoi, cử động nhẹ nhàng nâng niu, đôi bàn tay xinh xinh nắm chặt lại, con nở nụ cười thơ ngây, đôi mắt long lanh nhìn vào người đối diện, đôi môi thật rạng rỡ

– Cháu bao nhiêu tháng rồi vậy cô ?

– Cháu vừa tròn ba tháng

– Tôi có làm phiền cô không ?

– Thưa không, nắng ấm quá, hơn nữa trời đất không dành cho riêng ai, tôi mang cháu ra hong chút nắng đầu ngày .

– Tôi thấy cô ra đây hàng ngày, và bao giờ cũng bút mực trên tay, muốn trò chuyện cho vui, lại ngại rằng đã làm gián đoạn ý nghĩ của cô .

– Tôi chỉ viết nhăng và suy nghĩ lan man thôi, không nhất thiết .

– Cô về sống trong khu rừng nầy bao lâu rồi ?

– Từ mùa đông.

– Cô hay thật, tôi thì không chịu nổi cái vắng lặng nơi đây, chỉ có cây mà không thấy bóng người, tôi đi suốt đoạn đường vào đây chỉ thấy bóng nai ..

– Vâng, chúng nó đi hàng đòan, cả gia đình , sáng nào cũng ngang qua, tôi có cảm tưởng chúng nó quá quen thuộc nơi nầy .

Chúng nó đi nhởn nhơ như những chủ nhân ông đang dạo mát, mà đúng là chủ nhân thật, vì còn ai ngoài mấy căn nhà trong góc đìu hiu, cả khu rừng trăm mẫu chỉ có hai gia đình, nếu như anh giám đốc và con chó Lulu cũng được gọi là gia đình. Thương và con có nguyên một căn nhà, trước đây dùng cho người y tá . Căn nhà thênh thang hai phòng ngủ , căn bếp nhỏ đủ để đun sữa, nấu ấm nước sôi pha ly cà phê sáng, Những đêm nằm nghe tiếng lá thông reo như lời thì thầm, bóng trăng non thập thò sau khung cửa. Thương ôm con ngồi tựa vào khung giừơng, ngọn đèn ngủ vàng vọt, chiếc bóng hiu hắt in lên vách .Cái miệng nhỏ nhoi cố gắng ngậm bầu sữa, những giọt hồi sinh lăn dài theo khoé môi.

Ngày Thương mang con xuất viện, mang theo những vật dụng và lời ân cần căn dặn, bà y tá còn cẩn thận viết vào mảnh giấy, thời khoá biểu hàng ngày, giờ nào uống thuốc, giờ nào ăn…Về sống âm thầm trong khu trại, ngày qua ngày… Những tờ thư, khi qua đi khi trởø về, dăm khi, rơi xuống khoảng trống không. Ngày mang hành trang lên phi cơ, cũng là ngày quyết định gồng gánh một mình.Thương bình an chờ ngày sinh con. Ôm trong tay máu thịt của chính mình, nhìn vào đôi mắt trong vô ưu, trong lòng như muôn vạn vết thương âm ỉ, càng thương con đoài đoạn, nghĩ đến những ngày sẽ tới, nghĩ đến lúc cơn đau như biển động, lúc nhìn lại tận cùng, khi đôi nắm tay nhỏ như bấu vào cuộc đời gay go, khi đôi mắt trong mở to vào vùng ánh sáng nhân tạo trong đêm sâu, tiếng khóc xé khoảng không buốt tận, chút hơi sức cuối cùng bốc lên như những vết khói tan trong buổi chiều lặng lẽ.Nơi chốn nào cho cả Mẹ cùng con ?? Những buổi sáng ngồi bình yên trong nắng, những ngày dài tiếp ngày. Thương lặng lẽ nuôi con. Ngày một ngày hai, những mảnh thịt da nối nhau lại, đôi môi nhỏ nở nụ cười nhẹ như nắng mai. Mùa hè, sức sống diệu kỳ, khóm hoa vàng trong sân rực rở.Chút yên tỉnh đầu ngày , không còn ngồi chuyện trò cùng bóng mình, không còn ngày vắng lặng vào ra, những mẫu chuyện bâng quơ, những săn đón nhẹ nhàng.

– Thương à, mùa hè sắp qua

– Vâng , tiếng ve kêu thê thiết quá

– Em có điều gì băn khoăn ?

 

Băn khoăn ? Mang cả cuộc đời ra chơi trò đen đỏ, đã chạy trối chết, chạy trốn những ràng buộc, vượt thoát những bàn tay, nhưng không vượt khỏi chính mình.. Thương nhìn xuống đôi vàn tay vuông vắn, ngón chặt chẻ đan vào nhau . Nhìn lại khoảng không xanh bát ngát, những tia nắng xuyên qua cành lá, ngoài kia là con đường dẩn vào vùng trời vô định, Thương nghĩ đến những bước chân theo nhau, nghĩ đến cội tùng thân yêu, vững chắc.

Bóng nắng in thành những tia muôn màu.

 

Xếp lại mảnh chăn đắp, những chiếc áo đã nằm gọn gàng trong thùng giấy, cuối chân tường, trong góc phòng, mấy quyển sách chồng lên nhau lặng lẽ chờ đợi. Cái chậu tắm, tấm gương soi mặt nhỏ, mấy quyển vỡ học trò, chút luyến lưu của một thời một thuở.Thương xếp lại từng chiếc áo sơ sinh, từng vật tuỳ thân lỉnh kỉnh vào trong một thùng giấy carton nhỏ, đi vòng quanh căn phòng, vệt nước mưa loang lỗ từ bao giờ còn lại trên trần nhà, những đêm sâu trằn trọc nhìn nhau như nhắc nhở. Khung cửa khôïng thể khép chặt, khoảng không gian bé nhỏ quấn quít, những tiếng trở mình của sàn gỗ nhắc nhở sự hiện diện của một đời sống nào khi xưa, khi hãy còn là cây sồi xanh lá mùa hè bát ngát, hay cành trơ lóng lánh hạt tuyết sương. Bên kia hành lang, căn phòng nhỏ và chiếc giường đơn nằm hờ hững, căn phòng dành riêng, nhưng không bao giờ được đón người trú ngụ, Thương mang nệm gối vào phòng ngủ ngày đêm bên con, chiếc giường trống giờ cũng được xếp lại gọn gàng. Căn bếp, mấy cái tách, dăm ba chén dĩa đã quá thời xuân sắc, cái ấm nước đã trút cạn, cái bếp điện và mấy món đồ dùng hàng ngày, dụng cụ đơn sơ, hầu hết các bữa ăn nấu từ nhà bếp lớn cho nên cũng chẳng có gí để phải thu xếp. Có chăng là chút nắm níu, chút hương khói nhẹ nhàng ngày đông rạng, lóng cóng những ngón tay, đun ấm nước đầu ngày pha chút cà phê, mang ra phòng khách nhỏ, khung cửa sổ đủ nhìn thầy những tia đầu ngày trời trong xuyên qua kẻ lá, vệt nắng đùa vui chạy đuổi những hạt sương muối hoá sinh thành những giọt ước li ti, từng giọt, từng giọt biến dạng , ra khỏi thế giới sáng loà, trở về cõi thâm sâu.

Thương nhìn ra ngoài cửa sổ, nhìn cội tùng chắc chắn, những bước chân không rụt rè, vững vàng, mớ hành trang chỉ võn vẹn dăm ba thứ lặt vặt, tất cả nằm gọn gàng trên chiếc xe vận tải nhỏ.

Ðóng lại cửa xe, đi quanh một vòng, thắt lại các mối dây cột, nhìn lại bóng dáng nhỏ nhoi đang ôm con tần ngầân nơi khung cửa, chút nắm níu, chút vấn vương, những bước chân nhẹ nhàng. Ðôi bàn tay vuông vắn trước mắt, mở ra nhẹ nhàng Thương đặt vào đó những ngón nhỏ nhoi của chính mình, của cuộc sống bắt đầu, mái tóc măng tơ, đôi tay bé nhỏ nhú ra ngoài góc chăn phơ phất, từ giã góc rừng, về nơi bình an xa …

 

Vũ Thị Thiên Thư

 

 

 

 

Tàn thu

Tàn Thu

Có phải là anh giọt nắng vàng

Mang cho em hơi ấm mùa sang

Chốn ấy bình yên thu tĩnh lặng

Nhẹ nhàng hơi thở gió mênh mang

 

Tháng chín vàng bay qua khe cửa

Thắm màu Hồng diệp buổi chớm thu

Em đi nhặt lá về nhom lửa

Đốt sợi chung tình khói tương tư

 

Anh mang son thắm vẽ tranh đời

Vượt suối băng đồng gội tuyết rơi

Lá biếc dòng thơ xin anh hãy

Giữ lại vì nhau một khoảng trời

 

Em vẫn mong chờ ngọn gió đông

Chở lời biển hẹn tới đầu sông

Lá thắm theo dòng thương mòn mõi

Tàn thu nắng úa nhạt mi hồng

Vũ Thị Thiên Thư

 

 

Chén…Huynh Đệ chi binh

 

Chén Huynh đệ chi binh

 

Huynh đệ chi binh …hề ….

 

Rót cho đầy chén cạn…

Nam vô tửu …hề…

Uống cho cạn chén đầy…

 

Tuổi năm mươi chưa mà đầu đã bạc

Chuyện hàn huyên quanh bài hát lên đường

Lỡ cuộc cờ như bầy chim tan tác

Thôi có hề gì…một chén đau thương

 

Thân dầu dãi giày trận mòn lê bước

Bỗng ngác ngơ xếp vũ khí qui hàng

Bao nhiêu máu bấy nhiêu đường đất nước

Ðổi màu cờ đổi lấy một màu tang

 

Uống cùng nhau hâm nóng tình chiến hữu

Ngươi trời cao ta biển rộng thênh thang

Cánh chưa gẫy ấm ức đời khai tử

Khóc cười chi cũng một thuở ngang tang

 

Chén chưa cạn hồn đã say bí tỉ

Ðêm chưa tàn cuộc chiến đã tan hoang

Rượu tràn chai ngã nghiêng tình mới cũ

Xác xơ cười vết chém đoạn tâm can

 

Vũ Thị Thiên Thư

 

Vọng các

 

Vọng các

Điện vàng cung các ánh quang đăng

Đàm hoa mỗi bước sáng như trăng

Nhẹ gót phương Tây … đêm Vọng Các

Đài sen rạng rỡ sắc tinh anh

*

Mây trời ngũ sắc tiếng thanh ca

Thướt tha lụa mỏng khói bay xa

Khoan thai nhịp phách tay ngà ngọc

Tiếng trúc êm đềm đêm thiết tha

*

Ta từ vạn lý trở về đây

Áo vạt phong sương quyện khói mây

Trêu ngươi một khúc nghê thường ấy

Hoa cười ngọc thốt thêm ngất ngây

*

Bâng khuâng liễu biếc ngậm sương bay

Lơi lã vòng tay cánh mượt dài

Hởi ơi ! một chút duyên trần thế

Đã nhuốm phong trần hương sắc phai

*

Lụa gấm cung son thoáng ngọc ngà

Lạnh lùng nến bạc đổi thăng hoa

Phút giây phù thế nghìn cân nặng

Tiếng thở dài chôn chặt đời ta

*

Khép chặt mi nàng ánh từ quang

Cung thiêng rực rỡ đoá hoa vàng

Mái đền cong vút hồ như mở

Đông Hải nghìn châu xoá lệ tràn

*

Xứ Phật muôn trùng như giấc mơ

Vàng son hương khói quyện bên bờ

Chín tầng mây trắng mênh mang quá

Nhẹ gánh giang hồ lưng túi thơ

Vũ Thị Thiên Thư

 

 

Nợ Tình

Nợ tình

 

Rót tình vào chốn hư không

Bay câu kinh kệ phiêu bồng trời cao

Phất phơ ngọn gió phương nào

Lao xao hồn phách rạt rào hương xuân

 

Lang thang trong chốn bụi trần

Chút tình vương vấn trầm luân kiếp nầy

Mai về ngủ giữa vòm cây

Gọi hè suốt cả tháng ngày sầu ve

 

Vàng phai giọt nắng thu về

Chiêm bao tơ liễu bốn bề mong manh

Hoá thân hồ điêp an lành

Thoát phàm chuyển kiếp vòng quanh một đời

 

Nợ tình nhỏ xuống mù khơi

Kinh thư mang xuống chợ đời bán rao

Tóc sương trắng nhuộm hôm nào

Giấc đông dưới cội hoa đào miên man

 Vũ Thị Thiên Thư