Nối giấc mơ xưa

IMG_4075-001

 

Nối giấc mơ xưa

   1 Người láng giềng

   Thoạt nhìn hắn chậm chạp bước đi, trông như cụ già vừa qua cơn ốm nặng, khuôn mặt in vết thời gian không ưu đãi, tôi đoán hắn là dân Đông Âu. Trên khuôn mặt rất khó có mỹ cảm đó, ánh mắt lạnh lùng nhìn chăm chăm vào người đối diện, ngược lại vợ hắn rất  lịch sự chào khi thấy tôi đang lui cui dọn dẹp trước sân. Bà nói tiếng Anh nặng giọng, đúng là dân Đông Âu không sai trái được. Bà ăn mặc chải chuốt, trang điểm cẩn thận, câu chuyện thời tiết bâng quơ, giới thiệu láng giềng. Tôi cũng mới dọn về thành phố nhỏ nầy, vẫn còn sắp xếp vật dụng trong nhà, thu vén chunh quanh cho nên chưa có dịp làm quen cùng hàng xóm láng giềng.

   Hắn phàn nàn sân cỏ trước nhà chúng tôi cằn khô trông xấu xí quá. Căn nhà từ lâu không có người cư ngụ cho đến khi chúng tôi dọn vào, sân trước vườn sau cỏ vàng cháy lốm đốm. Quen mắt nhìn thảm cỏ xanh mượt của Ngũ Đại Hồ mùa xuân, nhà tôi rất bực mình, nhưng giống cỏ nầy thích nghi với khí hậu bán sa mạc nên không mịn màng xanh mượt như giống Blue Grass trong sân nhà ở Góc Rừng. Tôi thấy anh hàng ngày nhìn chúng bực bội như mũi gai nhọn châm chích, nhưng ít nhất cũng phải có thời gian  an cư rồi mới có thể  tìm phương cách để phục hồi màu xanh mượt mà cho chúng nó.

    Đầu thu, khi những chùm nho chín đen trên hàng rào, nhà tôi cẩn thận cắt xuống mang qua trả cho họ, vì dây nho trèo qua hàng rào thòng xuống bên nhà chúng tôi. Hôm sau lại thấy bà ấy mang biếu chúng tôi mấy quả dưa chuột trồng trong vườn nhà. Chút tình thân thiện chớm nở qua câu chuyện thăm hỏi, chừng ấy thôi. Vắng một lúc lâu, không thấy ông ta vãng lai, chúng tôi cũng tất bật với công việc, thiên di, an cư và chuẩn bị ngày cưới xin cho con trai vào đầu mùa xuân tới.

   Nhà tôi vẫn chưa quen với sự khác biệt của thời tiết trong Thung Lũng Lá Rơi, tháng giêng bên Góc Rừng tuyết trắng mênh mông, ngược lại bên nầy cỏ non trong sân nhà lún phún, màu xanh lá mịn như nhung, tháng hai chồi non đâm lộc, nhìn sân cỏ đã bén đất thay màu, hoa cỏ nở nhanh không cắt kịp, nhìn sang nhà láng giềng,  sân cỏ rậm rạp, cỏ dại tràn lan, hàng hoa hồng rực rỡ trước đây tiêu điều xơ xác. Nhà tôi thắc mắc, không biết ông ấy vắng nhà bao lâu mà không có người chăm sóc nhà cửa. Mãi  lâu mới thấy dáng ông ta chậm rãi ra trước sân,  nhà tôi chào hỏi thăm, ông bảo là vừa qua một cuộc giải phẩu, chưa hồi phục nên không thể cắt cỏ làm vườn. Cuối tuần, khi anh cắt cỏ trước nhà, anh cắt và dọn luôn bên sân của ông ta. Lúc chúng tôi còn ở Góc Rừng, mỗi lần đi chơi xa vắng nhà, không Roman thì Sam, chúng tôi không phải lo lắng tìm người chăm sóc, ngược lại, chúng tôi sẽ làm y như vậy cho cả hai bên khi họ đi nghỉ hè. Bố tôi lúc sinh tiền vẫn nhắc  “ Bán anh em xa, mua láng giềng gần “.

   Mấy hôm sau, lại thấy ông bấm chuông nhà, tay xách một túi giấy dầu [loại chợ thực phẩm dùng để gói ghém cho khách hàng] chúng tôi mời ông vào nhà, lần đầu tiên thấy ông vui vẽ theo vào, ngồi xuống chuyện trò với nhà tôi. Ông cảm ơn liên tục. bảo đã chờ và bấm chuông mấy hôm nay mà không thấy chúng tôi trả lời. Hôm nay may mắn thấy tôi vừa về đến nên ông phải sang ngay. Mở túi ra, tôi thấy từng chum nho đỏ chin mọng, loại nho Concord rất ngọt và dễ lên men rượu, tôi ngại ngùng bảo ông biếu nhiều quá, ông lại gạt đi, Ông có nhiều lắm, năm nầy nho trúng mùa, ông sang cảm ơn nhà tôi đã cắt cỏ và dọn sân giúp ông.

–        Ông không nên bận tâm, chúng ta là láng giềng, giúp đỡ nhau là chuyện thường mà

–        Tên tôi là Mikhail, gọi tôi là Misha cũng được.

   Nhà tôi cũng tự giới thiệu tên mình, tôi mời ông uống nước  chuyện trò một lúc thì ông ra về. Bây giờ tôi tin chắc là nhà tôi đã chinh phục được cảm tình, phá được bức tường nghi kỵ cuả người hàng xóm nầy rồi.

   Misha sinh và lớn lên ở Nga Sô, tiếng Anh của ông rất nặng giọng, giống như Roman và các giống di dân khác, ông sang đây lo đi làm kiếm sống, không trở vào trường học lại, nhờ siêng năng cần mẫn, giành dụm cho nên cuộc sống của ông rất thoải mái dù đã về hưu mấy năm nay. Vợ ông vẫn còn làm cho một cửa hàng trong vùng Vịnh, hàng ngày ông đưa bà đến bến xe điện, sau đó thì về chăm sóc  vườn tược. Mảnh sân sau của ông trồng đầy cây trái, chưa kể khu vườn rau bên hông nhà. Lúc chúng tôi mới dọn vào, nhìn khu vườn màu xanh rợp bóng của ông rồi nhìn lại sân cỏ cháy tiêu điều của mình mà ngao ngán. Anh nông gia bất đắc dĩ nhà tôi mỗi lần xắn len xuống đào hố trồng cây là càu nhàu đất toàn là đá cuội, không chút màu mỡ, biết bao giờ mới trồng được cây lá xanh tươi ?

 

2  Mối tình thơ

   Con sông Dnieper  biếc xanh lặng lẽ  chia đôi thành phố Kiev, bên nầy khu cư dân phố thị, bên kia bộ máy hành chánh cuả nhà cầm quyền. Đôi mái đầu xanh đang song bước, cả hai đều tràn đầy bao nhiêu ước mộng tương lai .

–        Michail, mai mốt mình sẽ  cùng nhau đi viếng  Roma, Florence, Venise,  sang kinh đô ánh sáng Paris,  thăm phố  nhà chọc trời New York .

–        Ừ ! Anna, bất cứ nơi nào em muốn đến, em muốn ngắm  mặt trời nửa đêm phía bắc, hay tắm nắng ấm miến nam, miễn là chúng ta cùng sánh bước với nhau, cùng chia sẻ những chuỗi ngày đầy hạnh phúc

–        Mikhail, em chỉ cần  một căn nhà nho nhỏ với mảnh vườn con, trồng hoa  hồng trước cửa…

   Đôi mái đầu xanh đầy ước mơ trong khu ngoại ô Kiev, mối tình học trò cũng như  trăm ngàn mối tình thơ dại khác, chan chứa với bao nhiêu bài hát thương yêu, tô thêm sắc màu rực rỡ.

   Kiev là thành phố thăng trầm qua bao nhiêu cuộc chiến tranh, từ khi gót giầy Mông Cổ dẫm nát vào thời Trung cổ cho đến bom đạn cày xới trong Đệ nhị Thế Chiến. Sau các cuộc chiến tranh Kiev mất một thời gian dài để xây dựng lại. Mikhail và Anna, cũng như những  đôi tình nhân trẻ  lớn lên sau cuộc  chiến tranh Thế Giới lần thứ hai, tưởng là được sống thanh bình an lạc, không ngờ Chủ Nghĩa Cộng Sản đã làm đảo lộn tất cả những giấc mơ cuả một cuôc sống bình thường.

   Mikhail theo chân Hồng quân đi miệt mài, cuộc sống cuả quân nhân không hứa hẹn tương lai, trong lòng anh vẫn nhớ người yêu nhỏ ở quên nhà và những giấc mơ chưa thực hiện, anh nuôi hy vọng khi trở về sẽ có được sự nghiệp  để đảm bảo tương lai tốt đẹp hơn.

  Nhưng đời sống không là mơ, cuộc tình thơ theo thời gian cũng nhạt nhoà, người thiếu nữ không thể chờ cho thanh xuân mãn hạn nên đã  lập gia đình cùng người khác . Mikhail không  trách cô ấy, anh an phận với binh nghiệp và cuối cùng cũng lập gia đình và di dân sang Hoa kỳ.

  Mặc dù không kết hôn, nhưng hai người vẫn giữ lại tình bạn, vẫn thư từ thăm hỏi thường xuyên. Anna sau khi tốt nghiệp, lập gia đình đã biến thành cô giáo dạy trong một trường tiểu học thuộc ngoại ô Kiev.  Mikhail  sang Hoa Kỳ lập nghiệp và định cư ở vùng Vịnh.

3   Cuộc tái ngộ

   Kiev là thủ đô và cũng là thành phố lớn của Ukrain nằm về phía bắc trên dòng sông Dnieper. Vào thời Nga Hoàng  cuối thế kỷ mười chin rất phồn thịnh. Ukrain  đã nhiều lần tuyên bố độc lập, cho đến năm 1921 Kiev vẫn còn là thành phố quan trọng trong Cộng Hòa Xã Hội Liên Bang Sô Viết. Sau Đệ nhị Thế Chiến bị bom đạn tàn phá, Kiev lại được phục hồi và tái thiết giữ vững vị trí quan trọng  đứng hàng thứ ba trong Soviet Union.

–        Misha, có bao giờ ông trở về thăm lại thành phố Kiev không?

–        Ukrainian giành lại độc lập một lần nữa vào năm 1991 sau khi Soviet Union tan rã. Tôi có trở về thăm lại quê nhà.

–        Cảm tưởng của ông như thế nào ?

–        Thay đổi nhiều quá, tôi không còn nhận ra

–        Tốt hay xấu ?

–        Tôi không biết nên vui hay buồn, tốt xấu do mỗi góc nhìn, nhưng sự thay đổi không thể phủ nhận, mặc dù đã nghe Anna kể lại rất nhiều, nhưng không thể nào tả được cảm giác khi đứng nhìn dòng sông cũ, con đường xưa. Tôi đi tìm lại những gì đã đánh mất, nhưng chỉ thấy một khoảng trống bát ngát trong tâm hồn

–        Rất khó mà quên được những kỷ niệm ấu thời, tôi cũng là người  tị nạn Cộng sản, năm 1975 tôi rời quê nhà sau cuộc chiến tranh anh em tương tàn, mặc dù  bây giờ tôi không trực tiếp sống dưới chế độ, nhưng tôi còn gia đình hai bên đang sinh sống  bên kia lằn ranh sắt máu đó.

–        Cuộc sống của những người còn lại dưới chế độ Cộng Sản cho dù Âu hay Á cũng không dễ dàng, tôi thông cảm cho hoàn cảnh khó khăn cuả Anna, có nhiều lần ngỏ lời giúp đỡ nhưng bà rất tự trọng, luôn  từ chối.

–        Thế vợ ông có biết chuyện tình của hai người không?

–        Catherine biết chúng tôi vẫn còn liên lạc vì dù sao Anna cũng là người bạn từ thuở thiếu thời, tình cảm chúng tôi  bây giờ chỉ là kỷ niệm đẹp của thời mới lớn thôi. Chúng tôi luôn tôn trọng nhau, vì cả hai đều có gia đình và cuộc sống êm đẹp. Catherine chính là vợ tôi, người đang chung sống và chia sẻ hàng ngày, là mẹ của các con tôi, không ai có thể phủ nhận điều nầy.

–        Catherine có gặp Anna bao giờ không ?

–        Catherine gặp bà ấy một lần thôi vào sinh nhật năm thứ sáu nươi của tôi, đối với chúng tôi là năm rất quan trọng cho một đời người.

–        Vâng, Chúng tôi không mừng ngày sinh nhật cá nhân, ngày đầu năm đối với chúng tôi là ngày mừng thêm một tuổi và là ngày sinh nhật chung của tất cả mọi người, đặc biệt đến năm sáu mươi tuổi thì chúng tôi mừng thọ  Lục tuần rất trang trọng .

–        Năm đó, Catherine đề nghị tôi nên mời Anna sang mừng sinh nhật năm sáu mươi tuổi. mặc dù không hy vọng điều nầy có thể sảy ra, nhưng nhà tôi rất thật tình, chính bà viết thư bày tỏ nhã ý mời Anna sang  Hoa Kỳ thăm chúng tôi .

–        Bà ấy không ghen tương sao?

–        Vợ tôi  thấu hiểu tình cảm của tôi, và bà cũng muốn giành một món quà đặc biệt cho chúng tôi ở cuối cuộc đời.

   Mikhail nhìn vào khoảng trống trước mặt, ánh mắt dịu lại. Trong trái tim cằn cỗi cuả ông le lói chút hơi ấm tình người. Câu chuyện không dừng lại nơi đó, ông chậm rãi tiếp theo

–        Chúng tôi đón Anna ở phi trường khi bà sang Hoa Kỳ,  chính bà ấy cũng không nghĩ rằng còn có cơ hội gặp lại nhau, phải cảm ơn vợ tôi, người đã chu đáo thu xếp mọi việc, từ chuyện thư từ qua lại, giấy tờ xin phép, bà còn cẩn thận mang bó hoa đến đón mừng Anna. Sau khi thăm viếng các danh lam thắng cảnh trong vùng Vịnh, tôi đưa Anna sang thăm Las Vegas, đây chính là cái thế giới thu nhỏ mà tôi muốn đưa bà đi du lịch để hoàn thành giấc mộng thuở thiếu thời. Còn có nơi nào hơn nơi đây, tất cả các thành phố lừng danh trên thế giới đều có mặt trong khu vực sa mạc nầy. Từ thành phố New York vĩ đại cho đến Venice thơ mộng, Ai Cập cổ kính, Paris hoa lệ…

  Chúng tôi trôi theo dòng sông trên chiếc Gondola cuả thành phố nước Venice nghe lại  bài hát trữ tình ngày thanh niên cũ. Chúng tôi lang thang trong bầu trời nhìn ánh sao cuả Roma, ngắm  những cột nước phun theo điệu Valse nhịp nhảng lã lướt. Lời hứa thời thanh niên cuả tôi nay đã thực hiện, cảm ơn người vợ tốt cuả tôi, người đã hết lòng yêu thương tôi mà không hề ghen tuông cùng bóng ma dĩ vãng.

–        Catherine quả thực là một người phụ nữ hiếm có. Ông rất may mắn đó Misha. Thế ông bà có còn liên lạc với bà Anna không ?

   Mikhail im lặng, tôi ngạc nhiên nhìn ông, không biết ông có nghe câu hỏi hay đang  nhớ lại  những hình ảnh đẹp trong khoảng thời gian Anna đang thăm viếng. Một lúc lâu tôi thấy ông thở dài

–        Chúng tôi vẫn thư từ thăm nhau, bà ấy luôn nhắc nhở và cảm ơn vợ chồng tôi đã giúp bà thực hiện ước mơ . Chuyến đi đó là chuyến đi hạnh phúc cuối cùng trong cuộc đời cuả bà, hai năm sau bà chết vì ung thư.

–        Xin lỗi ông, tôi thật không ngờ đã khơi lại chuyện buồn nầy

–        Cuộc đời rất ngắn ngủi, hôm qua đã khuất, ngày mai chưa tới, chúng ta cứ tưởng nhớ chuyện cũ, lo lắng chuyện tương lai mà quên mất cái hiện tại chúng ta còn đang sống đây. Tôi đã an phận với mình, ông cũng lo vui sống đi thôi.

   Tôi nhìn theo Mikhail đang chậm rãi bước, màu nắng chiều in chiếc bóng nghiêng nghiêng trên thảm cỏ xanh. Mỗi con người chúng ta, ai cũng có một khoảng đời thanh niên, có những mơ ước lớn nhỏ, cho dù không cùng chung ngôn ngữ, màu da, sắc tóc, nhưng dòng máu đỏ trong huyết quản luân lưu vẫn chở theo trăm vạn mảng ký ức muôn trùng .

 

Vũ Thị Thiên Thư

 

Quả Trứng

Chim non 08 001

Viet Tide Xuân Giáp Ngọ 2014

 

Quả trứng

 

Mẹ giành nguyên một quả trứng trong ngày Tết Nguyên Đán cho em trai, tôi lặng lẽ đập quả trứng còn lại, khuấy đều trong nồi canh cho cả nhà. Lâu lắm mới được ăn trứng tươi, dù chỉ là chút  lưa thưa  trong tô canh như gợn mây trắng bay trên bầu trời trong vắt .

Ba tôi phục vụ trong Hồng quân, cho nên thường vắng nhà kể cả ngày tư ngày Tết, cái gánh nặng sinh kế chất đầy trên đôi  vai nhỏ cuả mẹ tôi. Bà là chuyên viên phòng thí nghiệm cuả bệnh viện, công việc đòi hỏi hầu hết thời gian cuả mẹ. Tôi không còn nhớ rõ mình bắt đầu làm các công việc chăm sóc nhà cửa, nấu nướng, giặt giũ tự bao giờ. Sau giờ học, tôi vội vã đến hợp tác xã đứng xếp hàng chờ mua thực phẩm, có được thì phải nhanh chân về lo bữa cơm cho gia đình, sau khi dọn rửa bát diã thì lo học bài cho ngày mai.

Tôi rất yêu thương mẹ, bà làm việc cật lực để có miếng ăn cho ba chị em chúng tôi. Lương bổng trong quân đội cuả Ba tôi rất ít oi, không đủ cung ứng cho chi phí cuả cả gia đình, nhưng Ba tôi không có khả năng nào khác để kiếm thêm tiền. Thuở nhỏ. mồ côi trong cuộc trường kỳ kháng chiến cuả Mao lãnh tụ, đói lã chốn quê nhà, được Hồng Quân cho miếng ăn, Ba tôi trả lại bằng một đời trung thành với Đảng Lảnh đạo, tận tuỵ với binh nghiệp. Tôi chưa bao giờ nghe Ba than phiền  về sự thiếu thốn, bất công, luôn triệt để tuân hành mệnh lệnh ban xuống từ Trung Ương Đảng.  Ba không hề thắc mắc về sự thất bại hay sửa sai, chỉnh đốn cải tạo cơ cấu  của nhà nước. Khi tôi lớn lên, nhìn thấy sự thay đổi trong cuộc sống của những người chunh quanh, thường tự hỏi “ Nếu Ba tôi không tuyệt đối tin tưởng vào con đường cuả Đảng thì biết đâu bây giờ cuộc sống cuả chúng tôi đã yên ấm đến ngần nào?”

Khi mẹ sinh em gái, vì không thể nghỉ việc để chăm sóc con. mẹ mang em gởi cho người khác nuôi. Mãi cho đến khi em lên năm thì mới mang em trở về nhà cho đi học. Bấy giờ tôi đã đủ lớn lên để biến thành cột chống trong gia đình. Tất cả công việc hàng ngày đều trông cậy vào tay tôi, cơm canh chờ khi mẹ tôi về nhà nấu nướng thì đã quá muộn. Tôi tập nấu ăn từ khi chưa lên mười, càng ngày mẹ thấy tôi biết chăm sóc nhà cửa thì càng  rảnh tay cố gắng  làm thêm giờ để có tiền phụ trội chi dụng trong gia đình. Riêng em gái thì viện cớ học hành, từ chuyện đơn giản là xếp hàng lảnh phiếu thực phẩm cho đến giặt giũ lau chùi nhà cửa em cũng không phụ giúp gì cả. Đã thế  mẹ và em gái luôn cãi cọ trong nhà, em hận mẹ bỏ rơi những năm còn bé phải sinh sống với người ngoài. Điều nầy cũng đúng thôi, vì không nuôi em từ tấm bé thì làm sao có sự thương yêu gần gũi được? Cho dù chính em là máu thịt do mẹ cưu mang chin tháng sinh ra, nhưng không được bồng ẳm nâng niu, sớm hôm chăm sóc thì tình cảm cũng không thể mật thiết đậm đà. Tôi kề cận bên mẹ nên cảm thông hoàn cảnh khó khăn, trong khi em tôi không thấy điều đó, em lại thương Ba tôi hơn, vì chỉ có Ba giữa chuyến công tác thường xuyên ghé lại thăm chừng em, chứ mẹ tôi thì làm việc mòn mõi không còn thời gian nghỉ ngơi thì còn có lúc nào thăm viếng ?

Khi mẹ sinh ra em trai, bà rất vui mừng, xem như bổn phận cuả người phụ nữ đã chu toàn, mẹ đã sinh được đứa con nối dòng cho nhà họ Dương. Vì thế Ba tôi cũng xin thuyên chuyển về sống gần gia đình, điều nầy càng khiến em gái tôi sung sướng hơn.

Em gái vẫn là viên ngọc qúi cuả Ba, cho dù em trai mới là người thật sự quan trọng hơn trong mắt Mẹ. Từ tấm bé Mẹ luôn chăm sóc lo lắng tìm thức ăn uống bổ dưỡng, món ngon vật lạ hiếm hoi, tem phiếu mua thực phẩm đôi khi chỉ được hai quả trứng, vào tháng sinh nhật hay lễ Tết,  mẹ đã giành phần riêng nguyên quả trứng luộc, trong khi cả nhà chỉ còn chút trứng nổi lều bều trong tô canh nước nhạt.

Cho đến khi vào đại học, tôi vẫn không có thởi gian vui chơi với bạn bè cùng lớp tuổi, ngoài giờ học tôi còn phải về chu toàn công việc cho cả nhà, không ai nghĩ đến chuyện tôi đã thành thiếu nữ, đang tuổi xuân thì, tôi cũng có những ước mơ thầm kín, những giây phút mộng mơ cuả thời con gái.

Anh thường thấy tôi vội vã rời lớp học, không hề la cà cùng chúng bạn. Tôi không biết anh đã đề ý mình từ bao giờ, khi anh ngỏ ý muốn mời tôi đi dạo, hay đi xem hát, tôi phải vội vã nấu nướng cơm nước xong cho cả nhà rồi mới tất tả đến điểm hẹn cùng anh. Khi Mẹ biết tôi đang hẹn hò với anh, hình như bà mới nhớ ra mình có một đưá con gái đang tuổi xuân thì. Khi ấy em trai đã vào trung học, Mẹ đã trút hết tất cả tình yêu thương vào cho em trai nên không còn giành lại chút nào cho chúng tôi. Tôi có được món quà  đầu tiên vào ngày Tết là chiếc aó chiếc áo lụa mới màu xanh do anh tặng. Tôi nhớ mình cảm động đến nghẹn ngào. Anh bảo màu xanh là màu hy vọng, anh muốn thấy tôi vui tươi xinh xắn như màu trời.

Anh tốt nghiệp đại học có công việc làm hẳn hoi, đến xin phép Ba Mẹ để kết hôn với tôi. Tôi vẫn chưa tốt nghiệp đại học, nhưng biết mình không có nhiều cơ hội chọn lựa đợi chờ để đánh mất thanh xuân  nên đã vội vã nhận lời, dù vậy đến bây giờ tôi không hề hối hận, cho dù có thêm người để chọn lựa, tôi chỉ chọn ưng anh thôi. Sau khi kết hôn, chúng tôi sống trong một căn chung cư nhỏ. Tôi rất an lành hạnh phúc, cho dù có phải chung cùng với bao nhiêu gia đình khác cũng không hề gì.

Mặc dù đã kết hôn, nhưng tôi vẫn tiếp tục cho xong đại học và vẫn hàng ngày trở về  nhà lo cơm nước cho Ba Mẹ. Anh càng không phàn nàn tôi càng cố gắng lấy cho được mảnh bằng để có một nghề nghiệp vững chắc. Mặc dù  anh có công ăn việc làm tốt, nhưng thêm vào tiền lương cuả tôi thì mới có thể đảm bảo tương lai cho con cái sau nầy.

Tôi ao ước sinh cho anh đứa con trai để nối dòng, bây giờ tôi hiểu tại sao Mẹ tôi phải cưu mang cái gánh nặng tinh thần đó. Thật ra trong lòng tôi có chút phản kháng lại những phong tục tập quán ràng buộc bổn phận cuả người phụ nữ. Tại sao đã hô hào giải phóng phụ nữ, cho quyền tự do làm việc, phấn đấu trong các cơ sở cùng với nam giới mà vẫn khư khư giữ lấy thói “ Trọng nam khinh nữ ” ? Bây giờ Đảng Lảnh đạo ra chỉ thị mỗi gia đình chỉ được phép sinh một đứa con, với khoa học càng ngày tiến bộ, người ta đã biết giới tính cuả bào thai, những nữ nhi chưa sinh ra đời đã bị huỷ hoại từ trong trứng nước, những bé gái trót sinh ra bị vất bỏ như giấy rách giẻ vụn bên lề đường. Không còn phụ nữ để giữ cán cân bằng âm dương, để sinh con cái, tương lai cuả quốc gia sẽ về đâu? Trừ khi người ta có thể tạo được hài nhi mà không cần đến người mẹ cưu mang chin tháng muời ngày.

Những âu lo cuả tôi tan biến khi nhìn thấy anh nâng niu đứa con gái đầu lòng như trứng mỏng. Đồng thời anh cũng bảo tôi “ Anh sẽ đưa em và con  đi tìm nơi khác sinh sống. Vì tương lai cuả con mình cũng như cuả chính em, gia đình lợi dụng và bốc lột em còn hơn đầy tớ trong nhà, có ai nghĩ đến sức khỏe cuả em cũng có giới hạn, họ chỉ nhắm vào sự tận tuỵ phục vụ chăm sóc mọi người cuả em thôi, họ thật là vô ơn quá!.”

Và anh làm thật, khi anh báo tin là đã nhận việc làm mới và chuẩn bị đưa mẹ con tôi sang Hoa Kỳ, bấy giờ gia đình tôi mới thấy chới với hụt  hẫng. Bao nhiêu năm nay, họ đã  ỷ lại vào sự làm việc cuả tôi, bây giờ thì phải tự lực cánh sinh, em gái phải thay tôi săn sóc cha mẹ. Phần Mẹ đã gom góp hết tiền bạc gởi em trai lên Bắc Kinh trọ học để tìm tương lai. Mẹ đã cấy vào đầu em tư tưởng phấn đấu vươn lên, đất Trường An nầy không phải là nơi cho em tạo sự nghiệp, Bắc Kinh mới là đất để dụng võ giương oai.

Tôi  theo anh sang cư trú ở Boston miền bắc Hoa Kỳ, thời gian đầu rất khó khăn, ngôn ngữ bất đồng, con gái hãy còn bé, mỗi ngày hai bận đến trường đưa đón.Trời lạnh cắt thịt da, không một người thân quen hay bạn bè. Tôi học tiếng Anh cùng với con tôi, nhưng dù có cố gắng cách nào đi nữa cũng không thể phát âm chính xác được. Khi tôi ngỏ ý muốn vào trường học thêm sinh ngữ để tìm việc làm phụ giúp, anh ngại tôi khó nhọc, với thói quen tiết kiệm cho nên với tiền lương cuả anh thì gia đình cũng đủ chi tiêu hàng tháng rồi. Nhưng tôi thích làm việc, nên không thể ngồi yên nhìn anh vất vả, nhất là sau khi con gái vào trường học suốt ngày, tôi quanh quẩn trong bốn bức tường như tù giam lỏng.

Tôi ghi tên học nghề thẩm mỹ. Thật là trớ trêu, tôi chưa hề biết trang điểm làm đẹp như thế nào khi còn ở quê nhà, sang Hoa Kỳ choá mắt, ngẩn ngơ nhìn các gian hàng mỹ phẩm thật đồ sộ. Rất may mắn cho tôi, bài học lý thuyết lẫn thực hành không khó khăn, đàm thoại mới là trở ngại chính, tôi vượt qua được cưả ải nầy thì giống như cá hoá long. Khi cầm lấy mảnh bắng tốt nghiệp và giấy phép hành nghề, tôi sung sướng như cánh diều no gió bay bổng cho đến khi thực tế giáng cho tôi một cú đấm lăn lóc xuống đời.

Tôi làm việc cho một viện thẩm mỹ tư nhân, họ nhận tôi như một con ở để sai vặt, lương bổng trả theo luật tối thiểu, làm việc không ngừng nghỉ. Tôi phải đi hai chặng xe buýt, đến nơi bắt tay vào việc, từ  gội đầu cho khách đến giặt giủ khăn,  chùi rửa chén cọ pha màu, quét tóc trên sàn nhà, chạy ba tầng cầu thang để mang vật liệu lên cho thợ làm việc, mùa đông vùng Bắc Mỹ rất khắc nghiệt, trời lạnh như dao cắt da, hai tay tôi khô nứt nẻ sần sùi như da trâu, tôi xuống cân thảm hại nhưng không dám than phiền với anh, hơn nữa tôi cần tiền để phụ giúp ba mẹ tôi ở quê nhà. Tôi đã không giúp được anh thì thôi chứ còn lòng dạ nào dùng tiền do công lao khó nhọc cuả anh để phụ giúp cho gia đình mình ?

Khi anh xin thuyên chuyển làm việc ở miền Nam California, tôi như thoát gánh nặng. Những mùa đông dài thăm thẳm miền Bắc Mỹ như cơn ác mộng đã qua đi. Bây giờ tôi đã quen với đời sống ở Hoa Kỳ và đã có thêm kinh nghiệm nghề nghiệp. Tôi tự mình muớn một gian hàng nhỏ để làm việc riêng, không cần phải lệ thuộc hay chiụ dưới quyền sai bảo cuả chủ nhân hay người quản trị nào hết, lợi tức cuả tôi có phần ổn định, nhưng mỗi lần gọi điện thoại về quê nhà thăm gia đình lại chuốc thêm lo âu buồn bã, Ba Mẹ tôi ngày càng cao tuổi, nay yếu mai đau, tôi không ở gần chăm sóc được, cảm thấy xót xa nên cố gắng kiếm tiền để gởi về hàng tháng. Sau khi Ba tôi mất đi, em gái và mẹ tôi cứ phiền trách lẫn nhau làm cho tôi đứng giữa không biết nên nói năng thế nào. Mẹ muốn giữ lại kỷ niệm cuả chồng, em muốn giành lấy phần cuả Ba, cứ thế mà giằng co rồi nay lời qua mai tiếng lại. Trong lòng em vẫn hận mẹ bỏ rơi khi còn bé, tôi biết tính em cố chấp, nhưng đã quá lâu rồi tại sao không chiụ thông cảm cho mẹ, cả hai đều mất người thân thiết nhất cuả mình, sao lại không nương tựa an ủi nhau mà lại cấu xé cho thêm đau lòng?

Tôi xin cho mẹ sang du lịch Hoa Kỳ và ở lại với tôi được sáu tháng. Mẹ thích đời sống dể chịu bên nầy nhưng mẹ không thể định cư ở Hoa Kỳ được. Khi mẹ về lại quê nhà tôi gởi theo rất nhiều quà cáp cho em gái, cả hai sống êm ái được ít lâu. Đến khi em gái bảo tôi phải gởi tiền về để  xây nhà cho Mẹ thì tôi không còn nhường nhịn được nữa,  tôi đào đâu ra tiền? Tôi vẫn chưa có đủ tiền mua nhà cho mình thì tiền đâu mà gởi về ? Thế là chiến tranh lạnh giữa chúng tôi. Em trai tôi từ khi tốt nghiệp Đại học có việc làm ở Bắc Kinh, đã lập gia đình và di dân sang Úc Đại Lợi và không hề trợ giúp gì được cho Ba tôi lúc sinh tiền thì còn nói gì đến góp tiền xây nhà cho Mẹ ?

Tôi đón Mẹ sang Hoa Kỳ được hai tháng thì anh phải thuyên chuyển về vùng Vịnh. Giá sinh hoạt và nhà cửa nơi nầy quá đắt đỏ, cả gia đình chỉ có một căn phòng vuông vắn trong cao ốc để tạm trú. Mẹ phải trở về Trường An lần nầy buồn lắm, nhưng tôi không biết phải giúp cách nào đây, Mẹ đã già yếu rồi, với trợ cấp y tế và tiền hưu bổng của cuả nhà nước do những năm dài tận tụy, Mẹ cũng có thể sống qua ngày, chưa kể đến sự trợ giúp của tôi, nhưng tinh thần Mẹ sa sút vì cô đơn và thất vọng, đứa con trai mẹ đặt hết kỳ vọng, hy sinh cả quả trứng trong khẩu phần của gia đình để bồi bổ, chắt mót dành dụm từng đồng để lo cho nó ăn học, niềm ao ước được phụng dưỡng lúc xế chiều như bọt bóng bay tan biến trên không trung. Từ khi sang Úc Đại Lợi , ngày Lễ Tết hàng năm, em trai chưa lần nào về chúc thọ, viếng thăm Ba Mẹ, mỗi khi đau yếu thuốc thang, chỉ có tôi là người thường xuyên gởi tiền về phụ giúp. Ngay cả khi lo đám tang cho Ba, cũng chẳng thấy em gởi gắm gì. Khi Mẹ bệnh nặng, tôi về Trường An chăm sóc cho đến khi Mẹ hồi phục thì mới trở lại Hoa Kỳ. Không ngờ Mẹ chỉ cố gắng sống hy vọng để rồi mỏi mòn chờ đợi trông thấy đứa con trai lần cuối mà nó vẫn biền biệt như bóng chim tăm cá.

Mẹ mất đi tôi chín ruột gan, đau phần mất đi người cưu mang sinh đẻ ra mình, nhưng vẫn chưa bằng cho đau cho thân phận cuả người mẹ đợi chờ con trai trong tuyệt vọng.  Người ta thường nguyền ruả  “Đẻ ra đứa con bất hiếu thà rằng đẻ ra quả trứng để luộc ăn”…

Tôi không biết cho đến cuối cuộc đời, mòn mỏi chờ mong, Mẹ tôi có khi nào hối hận đã sinh ra đứa con trai bất hiếu đó hay không ?

Vũ Thị Thiên Thư.

Bỏ lại quê hương

IMG_3683

 

Bỏ lại quê hương

 

– Xin mời hành khách Nguyễn Tâm trở lại quầy gởi hành lý

Ngạc nhiên khi nghe tên gọi trong hệ thống phòng thanh , giác quan thứ sáu cho tôi biết chuyện gì sảy ra, tôi quay sang nhìn anh

– Em biết tại sao rồi

Thư thả bước trở vế quầy vé, nhìn vào người nhân viên cuả Hàng Không Việt Nam, tôi hỏi cô

– Tôi là người hành khách vừa được gọi tên. Xin cho tôi biết lý do.

Cô ta nhìn tôi lạnh lùng, ra lệnh

– Bà vào phòng an ninh cuối quày vé mà hỏi.

Căn phòng nhỏ màu xám trắng trơ truị, không một chiếc ghế cho khách ngồi, cô nhân viên an ninh ngồi chong mắt trước màn hình X-ray, tôi nhìn vào chiếc thang cuốn dùng chuyên chở hành lý, nhận ra chiếc rương quen thuộc cuả mình đang nằm trơ trọi . Không buồn nhìn lên tôi , cô ta hất hàm buông lệnh vào khoảng trống không

– Mở hòm ra.

Tôi đứng im lặng giả vờ như không hề nghe lệnh cô nói. Cô ta lập lại khẩu lệnh, lần nầy ngước mặt lên. Tôi nhìn thẳng vào mặt cô hỏi lại

– Cô bảo tôi ?

Tôi cảm thấy chán ghét thái độ bất lịch sự, hống hách cuả cô ta, giả vờ như không thấy chỉ có hai chúng tôi là hành khách đang đứng trong phòng.

– Hòm đó cuả bà, hãy mở ra cho chúng tôi khám.

– Đúng là cuả tôi. Cô muốn khám cứ tự nhiên

Tôi nhìn cô trả lời, Anh biết tôi ghét thái độ trịch thượng cuả cô ta, nên nhíu mày nhìn tôi, không muốn nhùn nhằn mất thời gian thêm nữa, càng đứng lâu càng chán cái khuôn mặt lạnh căm kia, tôi mở dây kéo, lật tung nắp rương rồi nhìn cô .

– Lọ gì thế , lấy ra

– Tương bần Hải Dương, quà biếu cuả quê nhà

– Thứ nầy không mang lên máy bay được .

– Tôi không thấy bảng liệt kê các thức không mang theo được, lọ nầy đã đóng khằn lại , niêm rất chặt và có bao bì cẩn thận vẫn không gởi theo h ành lý lên máy bay được ư ?

– Không mang lên máy bay được. Bảo người nhà mang về đi.

Tôi im lăng móc hai lọ tương Bần ra , đặt lên bàn

– Người nhà không theo tiễn chúng tôi, nên không thể gởi trở về. Chúng tôi biếu cô vậy , chào cô

Xếp lại các vật dụng trong rương cho ngay ngắn, chậm rãi thắt lại mối dây, đóng nắp rương. Những ngón tay đặt trên sợi dây kéo như trăm cân nặng, tôi khóa lại nổi niềm nghẹn ngào.Tôi không tiếc hai lọ tương, không đáng là bao, chỉ thương cháu công trình cháu dầm sương sớm, dậy từ lúc trăng non còn trên đỉnh, lặn lội vượt qua con đường dài, sang tận Hải Dương, rồi lại qua mấy chục cây số, mang hai lọ tương ra tận Hà Nội, tần ngần duí vào tay, ngày tôi từ giã gia đình trở vào Nam.

– Cháu biếu mợ, chút quà nhà quê .

Tôi nghẹn ngào, chỉ vì một câu nói tình cờ cuả Cậu, mà cháu tận đáy lòng ghi nhớ, và đi tìm mua cho bằng được thứ tương Bần nổi tiếng cuả quê nhà.

– Mợ con kén ăn cực kỳ, không cần thịt cá, mợ chỉ thích ăn rau và đậu phụ thôi, có đĩa rau luộc chấm tương là mợ hạnh phúc rồi .

– Thế mợ ăn được tương Bần à ?

T ôi mĩm cười

– Có phải tương bần Hải Dương không con ? Mợ chỉ nghe nói, đọc trong truyện thôi, nhưng chưa được ăn thử bao giờ, chắc là ngon lắm hở?

– Tưởng mợ muốn sơn hào hải vị, tương Bần thì chán vạn mợ à

– Câụ con chỉ kể xấu thôi, mợ ăn kiêng chứ không phải ăn kén. Đừng lo lắng thức ăn cho mợ, làm phiền mọi người chuyện ăn uống, th ật không muốn tí nào trong nhà nhà có rau đậu là đủ lắm rồi .

– Mợ có ăn được mắm tôm vắt chanh không ?

– Mợ không ăn được mắm tôm, vì kiêng thức ăn mặn.

– Câu bảo mợ thích rau muống , chị để giành cho mợ cả ao kia, rau non lắm , chiều nay bảo bọn trẻ hái cho mợ một ôm.

– Rau nhà ta trồng lấy thì ngon nhất rồi chị.

 

 

Nhìn qua lũy tre xanh, ngôi đình làng khiêm nhượng ẩn dưới tàng lá lưa thưa. Con đường nhỏ dẫn vào làng trải đầy rơm rạ mới cắt, chợt nhớ ra đang là mùa gặt hái. Hít một hơi dài đầy hai buống phổi đói, đã từ lâu lắm rồi không được thở không khí thơm ngát mùi rơm rạ mới cắt cuả quê nhà.

Ký ức trùng trùng, như cuộn phim liên tục, Cuối tháng chạp thuở thiếu thời, những ngày cận Tết, được nghỉ học xin theo Dì vào ngủ trong ruộng Ngoại, cánh đồng thênh thang lâp loè ánh sáng từ những chiếc đèn bão lung linh. Chén cháo nửa đêm dưới bầu trời sao lấp lánh, ấm mùa gió bấc tận đáy lòng.

Trước mắt, nhìn màu vàng óng ánh cuả các thửa ruộng nhỏ như manh đệm, nhớ lại khu dinh điền thẳng cánh cò bay, những cánh đồng bát ngát bên dòng sông Hậu mà thương vô cùng.

Mỗi gia đình chỉ có dăm ba sào ruộng được chia theo nhân khẩu, đất vừa gặt xong vụ mùa, chưa kịp hồi sinh, đã phải gồng mình nuôi thêm hoa màu phụ, đây giồng khoai sắn, kia luống rau xanh, như các loại ký sinh trùng bám hút đến tận cùng, vắt cho khô cạn kiệt, từng giòng máu sinh, từng tia mạch sống. Nhìn xuống đôi bàn tay, những ngón chai cứng, cùn mằn cuả Hà, để hiếu và cảm thông nỗi khó khăn cuả một đời người nông dân bám vào con trâu và mảnh ruộng.

– Vụ muà nầy, sau khi con gặt hái xong bán thóc ra được chừng bao nhiêu tiền ?

– Năm này giá cao đó mợ , gần ba trăm ngàn một tạ thóc cơ

– Thế ư ? Làm ruộng có thu được lợi nhuận đủ để chi dùng hàng năm không con ?

– Cũng tuỳ theo thu hoạch hàng năm mợ à, năm nào thất muà thì không có mà ăn nói gì đến bán .

– Cơ khổ, cả một vụ mùa mà không đủ lúa thóc để ăn nữa, vậy thì lấy gì mà sống đây con ?

– Đấp đổi thôi mợ ạ! Cháu là nông dân, nên sống bám vào đất đai, cùng với mấy sào ruộng, nhiều người đã bỏ làng ra đi tìm phương sinh sống khác, nhưng dù cháu có đi đâu cũng biết làm gì mà sống, cả đời chỉ biết cấy cày, và chăn nuôi gia súc thôi .

– Tại sao con không chuyển sang học một nghề nghiệp gì khác, hay buôn bán nho nhỏ cho đời sống bớt cực khổ, mai kia sức yếu, làm sao có thể dãi nắng dầm sương, ngâm mình dưới ruộng nước mà cấy luá cả ngày ?

– Cháu không có tiền làm vốn liếng, học thức chẳng bao nhiêu thì lấy gì làm phương tiện ?

Nhìn xuống hai bàn chân khô, đôi gót chân nứt nẻ, nước ruộng phèn thấm vào làn da dầy như mo cau, qua bao nhiêu muà, tiếp mùa, càng dầy thêm, như lớp da trâu bò, phản ứng cuả cơ thể cố sức chống chỏi lại sự tàn phá cuả nắng mưa, càng thêm tuổi đời càng khô cằn thêm vì dạn dày sương gió.

 

Con đường về thủ đô, Nghìn Năm Văn Hiến, qua dòng sông Hồng, cầu Long Biên ngơị ca trong chiến sử, nước sông mùa khô bày ra hai bên bãi lạn . Dân số càng đông, bỏ ruống vườn bám vào thành phố, cho đến mảnh đất phù sa bên ngoài con đê cũng được tận dụng tối đa. Từ bao giờ, niềm kiêu hảnh cha ông lưu truyền chỉ bằng lời lẽ trống không, cơm gạo sản xuất vơ vét bán ra bên ngoài nhưng không đủ nuôi cho trẻ con no bụng trong nước, bài hát ngợi ca người phụ nữ, không giúp được đôi bàn tay lấm lem kia, c úng với thân xác hao gầy vì hai sương một nắng. Tôi đi như người mộng du, đi nhớ trong lòng câu than thở nhỏ nhẹ

– Cháu cũng muốn ở lại thăm cậu mợ ít lâu, nhưng phải về lo chăm sóc viêc nhà mợ à.

– Cận Tết , muà màng xong, còn làm gì nữa vậy con ?

– Cháu về lo vét mương bắt cá , đã sang mùa bấc rồi , rét lắm mợ ạ

– Rét vẫn phải dầm mình, vét mương sao con ?

– Vẫn phải làm mợ à

– Còn bố cuả các cháu đi đâu mà không phụ ?

– Anh ấy không phụ giúp việc của đàn bà .

Câu nói như tiếng than u trầm, như tiếng vọng lại từ ngàn xưa Tôi ngẩn người, có tiếng chuông nào gióng lên trong tiềm thức. Những hình ảnh quá khứ nối tiếp nhau, bài học từ sách vở chỉ trích người đàn ông dài lưng tốn vải, người đàn ông không thò đôi tay cầm bút học thói thánh hiền vào công việc nhỏ nhặt trong nhà, người đàn ông quên mất chuyện vợ chồng phải chia sẻ nhau, như chồng là cái đăng thì vợ là cáí đó, chồng chài vợ lưới , trong có thiếp ngoài có chàng.

Thân phận người phụ nữ sinh ra là đã gánh gồng vượt biển mồ côi, còn cưu mang thêm số phận hẩm hiu, thân cò lặn lội bờ sông , gánh gạo nuôi chồng …

 

 

– Bác cho chúng tôi về Khách sạn Hồ Gươm, phố Hàng Trống .

– Hai bác không đi phố à ? Có chợ đêm cho đến hôm rằm đó

– Chợ đêm ở khu phố nào vậy bác?

– Cứ dọc theo bờ hồ, rẻ vào Phố cổ, sang phố hàng Đào, chợ Đồng xuân, chợ đêm mở cho đến hôm Trung Thu .

Chiếc tắc xi chạy trên con đường dọc theo bờ hồ Hoàn Kiếm đầy những bộ hành tất tả, tôi không tìm thấy hình ảnh những nam thanh nữ tú thong thả dạo chơi trong các mẩu truyện đọc từ thuở còn mài ghế nhà trường. Mặt hồ như tấm gương phản chiếu những năm tháng dài, những nhọc nhắn cuả một đời tận tuỵ, trong ánh mắt cuả những người thấy quá nhiều đổi thay, như người đi lạc, tôi hỏi bác tài xế, về những điạ danh trong sách vở, về dấu tích cuả một thời vàng son, Bác bật cười

– Bà không tìm được đâu, may mắn găp được người Hà Nội khi xưa thì họ có thể nhắc lại tên cũ, chứ còn người mới nh ập cư thì họ cũng không biết gì như bà thôi .

Tôi tưởng chừng như trong lòng có một khoảng trống nào không thể lấp được. Cũng như, tôi đang đi tìm bóng ma giữa ban ngày, những hình ảnh trong ký ức tuyệt vời thuở còn cắp sách, cành bàng trong đoản văn, màu lá bàng cuối thu, vẽ vời trong trì tưởng tượng, hoa Gạo em tôi ao ước nhìn thấy, bờ đê Yên Phụ cuả chàng Dũng … Em ơi! Tôi cũng như người mộng du, đang đi tìm hư ảnh, những trao gởi dặn dò, tôi đã không có quá khứ ở nơi nầy, làm sao có thể đi tìm lại linh hồn ma cũ cho em ?

 

 

Vũ Thị Thiên Thư