Giọt nắng cuối chiều III

 

 

Giọt Nắng cuối chiều

 

 

3 Chiếc võng đong đưa

 

Cơn nước ròng chảûy xiết, từ đồng ruộng bao la, đổ dồn về, vội vã chen chúc nhau trong lòng con sông nhỏ nhoi đục ngầu phù sa, nước từ muà nước nổi cuả năm qua. Chiếc xuồng như con trâu già mệt nhọc, cố gắng bơi gần bờ, tránh sức nước, Phấn nhìn tia sáng mặt trời lấp lánh, nhảy múa trên tàng cây kẻ lá, những gốc bần to chểm chuệ lấn ra tận đầu doi, hàng gừa bên dòng sông rễ buông chằng chịt như tóc rối, thả dài từ nhánh cây cao là đà tận lòng sông, như luyến lưu bám víu, như mời mọc đón chào.

Nắng đã lên cao, Phấn nghĩ thầm. Con cá lóc nằm lờ đờ trong khoang xuồng, cái miệng hả to ngáp ngáp, hai mang tai mệt nhọc. Phấn vốc nước cho thêm vào khoang, nhìn con cá, nghĩ đến sự sống mong manh, từ lâu, đã không còn nấu nướng thịt cá, mùi nhớt cá tanh tưởi, cộng với mùi đất bùn, Phấn có cảm tưởng như sắp buồn nôn. Nhưng Ba bệnh đã hơn tuần nay, thường ngày vẫn thả bộ từ vàm vô ngọn , vậy mà giờ không nhấc nổi cánh tay. Phấn thở daì, nhìn laị con cá lóc, miệng lẩm bẩm đọc Chú Giảng Sanh thôi đầu thai kiếp khác …

Chiếc xuồng vừa cập bến, căn nhà gỗ sơ sài, ngoài lan can treo lủng lẳng mấy chậu hoa Phong Lan, mấy chiếc xuồng cột san sát bên nhau, cạnh cây cầu dừa , con mèo nhỏ lông đã bắt đầu mượt mà, đang lim dim nằm phơi nắng trong góc. Phấn cột xuồng, thu dọn các thức cho vào thúng con, xách con cá còn đang hoi hóp thở, mở nón lá, quạt nhanh giọt mồ hơi trên chân tóc, bước vào, bóng tối ụp xuống, nheo ắt cho quen với ánh sáng trong nhà, nhìn ông cụ gầy gò nằm trên ghế bố, Phấn nhẹ nhàng

– Thưa Ba con mới về

Ánh mắt xuôi theo tay con dâu, cụ hỏi

– Con đi chợ về rồi à, mua cá chi vậy ?

– Mấy hôm nay Ba ăn cháo , con tính nấu tô canh cá Ba ăn cơm cho mau laị sức

– Ba ăn cháo cũng được, không thấy thèm khát gì, con mua làm gì cho tốn tiền, con rót cho Ba tách trà

– Ba có muốn ra ngoài trước hiên ngồi một chút không? Mấy đứa nhỏ cũng sắp về rồi, con đi nấu cơm .

 

Người đàn bà ẳm đứa bé trùm dăm ba lớp khăn kín mít trên tay, con bé hai má hồng , môi đỏ như toa son , người hâm hấp nóng, Phấn hỏi người đàn bà:

– Mợ Ngự, con nhỏ nóng laị sao mà ẳm nó ra đây ?

– Dạ , từ tối hôm qua đến giờ, tui cho nó uống thuốc nhưng không hạ nhiệt , tốc xuồng bơi ra hồi sáng tới giờ

– Anh đã coi nó chưa ?

– Dạ rồi, mới uống thêm một lần thuốc nữa đó chị

– Thôi mợ ẳm nó ra bộ ván sau nhà tránh gió đi, chị đi làm con cá nấu tô canh cho Bác Ba

– Cá gì vậy chị ?

– Cá lóc thôi, thịt hiền , bác bệnh cả tuần nay, có ăn uống gì đâu, chị tính khúc đầu nấu canh khúc giữa thì kho mặn cho dễ nuốt .

– Chị ăn chay mà, làm sao đập đầu cá ?

– Ưø, thì cũng phải làm chớ ai làm bây giờ, mượn người bán đập đầu nó cho chết đi, bơi nước ngược về tới nhà thì cá ngon thành cá ươn, thịt bở rạc, nấu canh đâu có ngon lành gì ..

– Thôi chị ẳm con nhỏ, để tui đi làm cá dùm chị, tui làm hàng ngày mà

Vợ Ngự đưa con nhỏ cho Phấn , xách con cá lóc ra sau nhà.Con bé cựa mình rồi thiêm thiếp lại, sờ lên trán hâm hấp, sắp đổ mồ hôi, vậy là sẽ bớt nóng. Phấn nhúng khăn tay, vắt cho khô rồi lau khuôn mặt nhỏ, mở lóp khăn quấn, đôi mi nhướng lên rồi khép lại…

Cầm con găng võng, xỏ ngang, nuột dây thắt lại, treo một đầu dây võng lên cây cột trong góc nhà, đầu kia vào cây đà ngang, nhún thử cho chắc , một tay vạch thành võng, tay kia bế con bé, dặt nó vào nhẹ nhàng, kéo lại mối khăn lót, con bé ngủ mê man, vì sức thuốc hay vẫn còn chống trả với sức nóng thiêu đốt trong thân thể nhỏ nhoi .Phấn lại nhớ con hiu hắt, thư từ qua lại đôi ba tháng một bức, không đủ chứa hết bao nhiêu nhớ thương.. Thằng cháu Ngoại chưa kịp bế bồng cho quen hơi, đã vượt rùng dương sóng gió. Những lần nghe tin con mang thai, trở dạ, đường vượt biển mồ côi, nhớ bầy cháu xa chưa được thấy một lần. Không biết lần nầy con nhỏ có bị hành không, hồi mang thai nó cứ thèm hết chùm ruột lại cóc ổi, ngược lại với thằng em, nay chè mai xôi …

Phấn thở dài , mong sao đời sống các con an toàn, không quá cực khổ hàng ngày. Hai đứa còn lại, chỉ tội thằng Minh, đi học mà không chịu thọc tay xuống bùn, ở cái thời khẩu hiệu “Lao động là vinh quang”, thằng nhỏ vốn ưa sạch sẽ, quần áo gọn gàng, tay chân không lấm cát bụi thì làm sao có điểm lao động tốt như học trò khác được? Còn đi học trong trường tiểu học thì còn có các Dì bao che, mai mốt ra trường trung học huyện thì không thể tránh được điểm xấu . Sinh ra muộn màn, khi các anh chị đã lớn lên, laị thêm ốm yếu bệnh hoạn, biết đi chập chững thì vướng bệnh căn, mỗi lần đau bụng khóc mòn mõi, mâm cơm dọn trên bàn nguội lạnh, Ôâng vào ra không nhấc đũa. Bồng bế các nơi, từ bác sĩ cho đến thầy ta, nghe bà con chuyền miệng vị nầy danh tiếng, bà kia nổi danh mát tay, lại bế bồng đến xin khám bệnh, nhưng chỉ hoài công, không ai tìm ra căn nguyên, chú Sáu nó nhai gừng đắp bụng nóng phỏng cả miệng lưỡi, Bà ôm trên tay ru suốt đêm ngặt nghẹo . Cô Tư nó lén mang tên tuổi ký bán vào chùa nầy đình nọ, xin cho cháu bình an.

Chưa kịp lớn thì nước biến gia vong, ngã ngũ, tan hàng, đang thầm lặng sống qua ngày thì bị tịch biên gia sản , đang tắm sông buổi trưa thì bị cấm cửa, không cho vào nhà xin chiếc áo che thân , phải chạy sang nhà hàng xóm xin cho manh áo cũ. Phấn nhớ lại cảnh con đang trần thân trong nắng trưa, nài nỉ chú công an xin được vào nhà lấy áo mặc và đôi mắt lạnh lùng nhìn thằng bé như kẻ thù truyền kiếp.

Những ngày tháng trốn chui trốn nhũi ở nhà người quen, ít lâu phải dời đi nơi khác vì không muốn người thân bị liên lụy tội chứa chấp tàn dư, che chở cho người dính dáng vào Nguỵ quân, Nguỵ quyền, tư sản, từ bên nhà Dì Thanh chạy ra Sài Gòn, rồi về lại Long Xuyên . Cho đến lúc cạn kiệt thì quay về dựng mái lá sống âm thầm bên cạnh con rạch nhỏ, nương tựa vào những người bà con chân lấm tay bùn …

 

Vũ Thị Thiên Thư

[ còn tiếp ]

 

Xin mời bấm vào link để nghe diễn đọc

 

 

Giọt nắng cuối chiều II

Giọt Nắng Cuối Chiều

2 Nắng trưa

Chiếc võng bố đong đưa theo nắng trưa, tiếng dây thừng cứa vào cột gỗ nhịp nhàng, tiếng giấy qua trang xào xạt , thanh âm như cắt vào không gian êm đềm, hài hoà cùng với tiếng đọc giảng đều đều
Tu đầu tóc không cần phải cạo
Miễn cho tròn cái đạo làm người

Gẫm nhìn Kỷ Mão vừa qua
Gẫm trong thiên hạ nhiều nhà thiếu cơm

Ngày nay tốt phước sang giàu
Xin thương kẻ khó giúp hào một khi

[ Sấm giảng thi tập, Đức Huỳnh giáo chủ , trang 27 ]

Bà Hương xếp lại cuốn Sấm giảng , mấy con muỗi đói bay lượn vo ve, con chó vàng nằm gác mõm bên cạnh khung cửa đôi mắt lim dim. Ngồi dậy, búi tóc vướng vào mắc võng xổ tung, bà dùng ngón tay của bàn phải vuốt tóc cho suông sẽ, quấn lại một vòng trên tay trái rồi lận ra thành múi tóc, tém đuôi tóc mượt mà, thả ngọn tóc như cái mồng nhỏ cong cong hình nửa vành trăng lưỡi liềm. Xỏ chân cào đôi guốc gỗ, bước sang hàng hiên, múc một gáo nước rửa mặt, hớp một chút, xúc miệng, tạt phần còn lại vào mấy trái dừa mộng xếp thành một hàng dài dọc theo đường mương. Nắng trưa thật gay gắt, nhìn ra vườn cây sau nhà, mấy cây mận trắng, nhánh nặng trĩu, bông trái non rụng đầy dưới mương, bà nghĩ thầm, phải gọi bầy trẻ bảo nó vớt lên, bằng không thì mấy trái mận hư rụng xuống sẽ làm thúi hết nước trong mương. Mấy cái mương bên nhà bà Tám nổi rong nổi rêu, nước đổi màu, xanh lè, hôi hám, bầy cá trắng không chịu được nước dơ bẩn chết dần mòn phơi cả bụng trắng phau, vài ngày sau thúi rữa, tanh hôi quá chừng. Chỉ còn lại đám cá dồ , cá tra sức chiụ đựng dai dẵng hơn , còn lất lây sống sót. Người chi mà biếng lười, chỉ cần chịu khó một chút, khai ống bộng, thả nước sông vào hàng tuần làm sạch nước mương mà cũng chẳng chịu làm.
Nhìn bóng nắng xuyên qua ngọn cây xoài, bà chực nhớ đến giờ nấu tấm cho heo ăn, lứa nầy lớn như thổi, mấy con heo giống ngày bà sai bọn trẻ xuống chợ Ô môn mua về còn đỏ hỏn, mới ba tháng nay mà đã nặng ôm rồi. Tháng sau bà sẽ bảo bầy trẻ đi mua một lứa khác về nuôi kế tiếp, lứa nầy sẽ cân vào dịp Tết, lứa sau thì giỗ bà nội sắp nhỏ vaò tháng năm.
Nhìn thấy bóng người đàn bà thấp thoáng sau cửa bếp, bà Hương bước ra, nhịp guốc gỗ lộp cộp đều đều trên nền gạch tàu đỏ thắm,
– Vợ thằng Bé, bây đi dâu giờ nầy ?
– Bác Ba cho con mượn mấy lít gạo nấu cơm, nhà hết trơn rồi
– Thằng Bé laị nhậu nhẹt ở xó nào rồi ?
– Dạ , ảnh trặc tay mấy hôm nay, không đi câu dược
– Tại sao nó lại bị trặc tay , có thuốc men gì chưa ? Cầm chai thuốc rượu về biểu nó xoa bóp hàng ngày cho mau hết, dặn bầy trẻ đi học sáng ghé ngang ăn rồi hẳng đi, đưa cái thúng cho con Năng, biểu nó đong cho chục lít gạo.
– Dà, thưa bác con dìa trỏng .
– Ưà , dìa lo cơm nước cho bầy trẻ đi.
Bà thở dài mở cuốn Sấm Giảng , tới chương nào rồi kìa, Kệ dân của người khùng, bà tiếp tục ngâm nga …

Ông Hương mở nắp vỏ bình trà, làm bằng trái dừa điếc cưa ngang miệng, đánh bóng như gương soi, rót chén nước trong màu vàng lóng lánh, mùi trà ướp hoa sen nhẹ nhàng … Nắng chang chang , đi bộ từ ngoài vườn vào đủ đổ mồ hôi mẹ mồ hôi con , nhìn theo cái bóng vừa lách qua hàng rào, laị con vợ thằng Bé ra đây xin xỏ gì nữa.Ông quay sang bà
– Vợ thằng Bé ra đây làm gì ?
– Có gì đâu, nó ra mượn mấy lít gạo thôi, thằng Bé bị trặc tay , không đi câu được, nhà hết gạo lấy gì nấu cơm.
– Cái thằng làm biếng đó, chỉ giỏi nhậu nhẹt thôi, trặc tay chân gì nó. Tối ngày lo ăn nhậu say sưa té bờ té bụi , chưa gẩy ống quyển là phước mười đời, bà cứ dung dưỡng cái quân báo đời đó, kệ mồ tuị nó.
– Ông nóng làm gì, thằng cha nó tội, chứ tụi con nít tội gì, tui chỉ cho má nó lít gạo nấu cơm, hổng lẻ ghét thằng cha nó mà mình bỏ con nó đói ?
Bà lặng lẽ mở quyển Sấm giảng trên tay, tìm lại chương đang đọc dỡ, tiếng võng đưa nhịp nhàng, giọng đọc ngân nga những khuôn vàng thước ngọc…
Nói rằng lòng chẳng ham sang
Sao còn ham của thế gian làm gì …

Giàu sang như nước trên nguồn
Gặp cơn mưa lớn nó tuôn một giờ *

Bà sống gần hết đời người, những chuyện thị phi không còn bận tâm, ngay cả những khi ông nóng như Trương Phi, bà lặng lẽ đọc cho xong trang Sấm Giảng, xếp quyển sách lại,ngoài sân những giọt nắng vẫn đong dưa.

* Bà về với cõi Phật trứơc khi nhìn sự linh nghiệm , 1975

Vũ Thị Thiên Thư
[ còn tiếp ]

Xin mời nghe diễn đọc :

Giọt Nắng Cuối Chiều

Giọt nắng cuối chiều

 

1  Nắng đầu ngày

Bà Hương vói tay cầm lấy cái khay trầu, kéo chiếc ghế đẩu, đặt lên, tay trái chọn một lá, vuốt cho thẳng, tay phải ngắt bỏ chót đuôi, xé làm đôi, nhập chung lại, quết một tí vôi trắng, nhặt  một mảnh cau khô đã ngâm nước trong cái chén nhỏ, bà chậm rãi quấn lại cho tròn rồi cho vào ống ngoái, chiếc chìa bằng đồng bóng lóang nhịp nhàng nhấc lên, xắn xuống, cắt,  trộn, tất cả lại thành những miếng nhỏ vừa nhai, ngoái xong rồi Bà đưa sang  bà cụ đang ngồi trên chiếc võng bố đong đưa.

–           Má ăn đỡ cối nầy, hết mùa cau tươi rồi, đã rảo mấy buổi chợ , không tìm được buồng cau nào, thứ cau khô nầy cũng vừa lứa, là từ cau hòn ruột trắng tinh, không chát, ngâm nước qua hai đêm rồi mềm mại , trầu của dì Hai, màu vàng tươi, bọn trẻ mới vừa hái sáng nay .

–           Mấy hôm nay trời mua dầm, hơi đất xông nhiều quá, sao Má không nằm trên nệm cho ấm, nằm võng gần cửa sổ quá, lỡ trúng sương trúng gió.

Bà cụ lặng lẽ nhai trầu, cái miệng móm mém không còn răng bày hai hàng nướu đỏ hồng, đôi mắt sâu hun hút,  chứa đựng  một vùng trời xa hiu hắt, cái khăn rằn nâu đã bạc màu, từng canh chỉ tơi, mỏng như tờ giấy quyến, vắt hờ hững ngang vai. Ngày bắt đầu khi nắng xuyên qua khung cửa sổ, tiếng cười đùa của bọn trẻ lao xao trong bếp, tiếng chén dĩa va chạm, tiếng ấm nước sôi  reo vui, nhìn xuống đôi bàn  tay xương xẩu,  đã từ lâu, Bà không còn dùng đến đôi tay nầy, chẻ củi, nhóm bếp, những công việc hàng ngày cũng không còn ai cho phép mó vào. Chúng nó xem bà như pho tượng, hàng ngày tắm rửa lau chùi cho bóng lộn, mang ra đặt ngồi trên bộ ván gõ, chờ mấy người khách đến chào hỏi  bâng quơ. Nhưng ít nhất cũng còn bầy trẻ con ôm cặp đến vòng tay thưa Bà rồi tung tăng ra cửa. Bọn trẻ con luôn quanh quẩn những ngày không đến trường, mân mê đôi bàn tay chỉ còn lớp da nhăn nheo, bọc những lóng xương hình thù đã biến dạng.

–           Bà ơi, sao da bà bóng lộ và đùn đống vậy , bắp thịt biến đâu mất hết rồi?

–           Người già bắp thịt rữa tan, bà chỉ còn như bộ xương khô bọc da thôi.

Con bé hàng ngày vẫn đến dắt bà  sang võng, kéo dây đưa rồi chụp nhanh  lại sợ bà chóng mặt rơi xuống, Bà nằm võng cả đời, gần một thế kỷ rồi con ơi! Những đốt xương sống thu ngắn không còn chống nổi tấm thân còm cõi, con bé cố nhón gót đứng lên cho cao bằng bà, miệng cười toe, mấy cái răng cửa sún bày ra khoảng nướu hồng thật nõn nà.

Bà bắt đầu ngày bằng ánh mắt mệt mỏi, ngước nhìn vào bóng cây ô môi ngã xuống bên ngoài cửa sổ, đếm thời gian trôi  theo vệt nắng, chiếc bóng cây khẳng khiu báo cho Bà giờ khắc trong ngày, khi cành nầy chấm vào chấn song, đã đến giờ cơm trưa, đứa cháu dâu sẽ mang cho Bà mâm cơm, trong cái chén kiểu Bát Tiên nhẹ tênh,  chứa mấy  hạt cơm gạo lúa thơm trắng bong lạt lẽo, Bà lại tha thiết nhớ  đến tấm gạo Trung hưng, gạo nàng Tây, thổi trong cái nồi bằng đồng , màu cơm đỏ hồng ngọt ngào, cái dĩa nhỏ chứa miếng cá he vàng, chiên dòn tan, dầm tí nước mắm cá đồng ửng màu gạch cua, món ăn thường ngày Bà ưa thích, nhưng dù có cố gắng nuốt vào vẫn lạt nhách như dâm bào, như nuớc ốc luộc, thật là vô vị.

Mấy hôm nay, lại không thấy ánh mặt trời, giọt nắng hắt hiu khi mờ khi sáng. Những dốt xương sống chuyển động thật khó khăn , đôi bàn chân cơ hồ như không còn nghe theo mệnh lệnh, vẫn khoảng cách chỉ mấy bước chân hàng ngày, từ bộ ván gõ đến cái  võng, bước qua  khúc sân trống cạnh bồn nước, lê đôi chân nặng như mang gông cùm, từng bước, Bà không thể hình dung dược  có ngày nầy, tấm thân thể từng dạn dày mưa nắng lại không bước nổi , chỉ cần vài bước thôi, nhìn  mấy đứa trẻ vào ra rón rén, Bà ngại ngần , không muốn nhờ chúng nó nâng đở , bao nhiêu lần, chỉ cần một chân nhấc lên, một chân theo sau, Bà cố gắng bước ra ngoài, khoảng sân trống lộ thiên , nơi tắm giặt, Bà chỉ muốn ngồi phơi chút nắng ấm quen thuộc, trên đôi má nhăn nheo,  những giọt nắng chói chang theo Bà từ thuở thanh xuân má hồng môi thắm, ngày mang nón lá, nọc cây ra đồng cấy lúa, nhổ ma. Những giọt nắng đuổi theo nhau khi  ruộng đồng vàng luá chín trong  vụ sớm, vụ mùa. Bà lặng lẽ múc một gáo nước trong, mấy sợi tóc bạc phất phơ, trong  đôi tròng mắt sâu hoắm nét tinh anh ngày nào lạc lõng, cái mặt xương xẩu nhăn nhíu phản chiếu trong gáo nước gẩy vụn , tan biến đi khi Bà nâng gáo lên môi, cái miệng móm mém không giữ được, nước sóng sánh chảy dài xuống đất , hớp nước  lạnh buốt, thấm vào hai hàng nướu, nhổ xuống nền xi măng, Bà đổ nước ra tay, rửa mặt, vuốt đôi hố mắt, úp cái gáo lên thành bồn nước, tia nắng yết ớt cố xuyên qua mái hiên , Bà thở dài…

Ngày bắt đầu với chén cơm nuốt vội, tất tả quấn lại mảnh khăn rằn xếp xéo, soắn hai ống quần cho chặt, cái thúng con chứa dôi nọc nhọn hình chử thập, cán quả trám, cái lưỡi hái cong như trăng non bén ngót, lận vắt cơm nguội bọc trong mo cau non, vớt miếng dưa gang dầm trong khạp mắm, rửa sơ cho bớt mặn. Đội cái nón lá trên đầu, theo chân bạn cấy cùng nhau ra ruộng sớm, những tia nắng ngũ sắc rực rỡ cuối chân trời, vầng dương hãy còn ngủ nán, ánh sáng mờ mờ vừa đủ nhìn thấy bờ ven ngoằn nghèo theo con rạch nước trong . Đám mạ non xanh mượt , từng bó xếp dọc theo bờ ruộng, Bà cúi xuống đặt cái thúng con lên bờ ven, ngã nón, ngước mặt hít vào đầy hai buồng phổi, thật thiết tha mùi đất bùn trộn lẫn với mùi sương sớm, nhớ từng tiếng cười nói bông đùa dòn tan trong gió mai, nhớ lại lời đồn đãi, Bà cấy nhanh như máy, hai công một ngày lan qua khắp các làng lân cận . Ôi! Cái thời tuổi mười bảy bẻ gẫy sừng trâu, lúc tai còn tỏ, mắt còn trong, bước chân như chim sáo rộn ràng…

Cuộc sống thật bình an như ruộng mạ xanh, như lúa sớm trổ đòng đòng, như  ruộng ánh vàng ngày  mới chín, thật xa lắt xa  lơ cái ngày tháng bông bắn dậy buổi sớm mai, Bây giơ, Bà nhìn ngày tháng trôi dật dờ, nhìn nắng qua chấn song, nhìn mưa bong bóng, mỗi hạt bóng tượng hình, tan đi, tiếp theo một hạt khác tái sinh.

Đời sống bây giờ  buồn tênh, đời sống bây giờ lặng lẽ, chiếc võng đong đưa một góc hè. Bà ngồi làm bạn với bóng cây, chờ mâm cơm ,chờ chén nước, chờ ngày xuôi tay .

Vũ Thị Thiên Thư

[ Còn tiếp ]

Di tích nghìn năm Quốc Tử Giám

Bia Tien Si

Viet Tide

Số Tháng 4 ngày 18

Di Tích Nghìn Năm
Quốc Tử Giám Văn Miếu

Mỗi dân tôc đều tự hào về nền văn hóa của riêng mình, Việt Nam cũng không ngoài thông lệ. Văn Miếu Quốc Tử Giàm là biểu tượng ngàn năm còn đứng giữa Thủ đô Hà Nội hay Cố Đô Thăng Long đã chứng minh điều nầy.
Văn Miếu
Văn Miếu được dựng nên bởi Vua Lý Thánh Tông vào năm 1070, thờ Đức Khổng Tử là người sáng lập ra học thuyết Nho Giáo [ Khổng Giáo ] có ảnh hưởng sâu đậm trong các Vương triều Trung Hoa lẫn Việt Nam.
Nho học đã hình thành ở Trung Hoa từ thế kỷ thứ XI trước Công Nguyên do Chu Công soạn ra, Khổng Tử và các môn đồ sưu tập và hoàn chỉnh Nho học với các bộ Tứ thư gồm có: Đại Học, Trung Dung, Luận ngữ, Mạnh Tử và Ngũ kinh gồm có: Kinh Dịch, Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ và Kinh Xuân Thu.
Khổng Tử [ 551-479 trước Công Nguyên] Tên Trọng Ni là người nước Lỗ nay thuộc tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ông là nhà tư tưởng, giáo dục, chính trị. Sinh thời chu du khắp các nước, dạy học trò truyền bá tư tưởng học thuật và làm quan phục vụ cho các tiểu quốc [ Vào thời nầy Trung Hoa chia ra nhiều nước tranh chấp đất đai lẫn nhau nên còn gọi là Thời Xuân Thu Chiến Quốc.]
Năm 1010 Vua Lý Thái Tổ sau khi lên ngôi dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La, theo truyền thuyết khi chuẩn bị dời đô nhà Vua nằm mộng thấy Rồng bay lên nên dùng Thăng Long làm tên đặt cho kinh đô mới, hiện nay thuộc thủ đô Hà Nội.
Để xây dựng quốc gia, lập nền tảng cho an dân trị nước, nhà Lý chọn Nho Giáo làm căn bản,vào năm 1075 mở khoa thi tuyển chọn nhân tài có thể nói đây là khoa thi đầu tiên được ghi lại trong lịch sử. Tuy nhiên không thể phủ nhận ảnh hưởng sâu đậm của Phật Giáo do Lý Thái Tổ từ thuở nhỏ đã sống trong chùa, rất tôn sùng Phật Giáo, cho nên vào thời Lý có rất nhiều các vị cao tăng là cố vấn cũng như rất nhiều chùa chiền được xây dựng khắp nơi trong đó có Chùa Trần Quốc, Chùa Một Cột [ còn gọi là Chùa Mật, Diên Hựu Tự hay Liên Hoa Đài ], chùa Láng, chùa Hòe Nhai [ Hồng Phúc Tự ]…
Quốc Tử Giám
Có thể nói đây là ngôi trường đại học đầu tiên được thành lập vào năm 1076 vào Triều Lý. Đứng đầu có Tế tửu và Tư Nghiệp, phụ trách giảng dạy còn có các Giáo thụ, Trực giảng, Trợ giáo, Bác sĩ. Giám sinh hầu hết là những người đã đỗ cuộc thi Hương, qua một cuộc kiểm tra ở bộ Lễ và được vào trường theo học cùng các Hoàng tôn, Công tử để tếp tục các cuộc thi Hội và thi Đình.
Quốc Tử Giám vào thời Lý chưa được phát triển mạnh, được theo học chỉ có một số các Hoàng tôn, Quí tộc cùng một ít các nhân tài tuyển chọn sau kỳ thi đầu tiên vào năm 1075. Vương Triều Lý vẫn còn chịu ảnh hưởng sâu đậm của Phật Giáo và các cao tăng,
Đến năm 1253 đời Trần Thái Tông vua cho lập Quốc Học Viện [ Quốc Tử Giám cũ] Nho giáo đã có ảnh hưởng mạnh thì mới thật sự mở rộng cho các nhân tài sĩ phu trong nước cùng theo học. Bấy giờ thì chế độ thi cử, học vị được qui định và các chức quan được bổ dụng vào tận các lộ, phủ, châu
Giám sinh được chia làm ba cấp : Thượng xá sinh, Trung xá sinh và Hạ xá sinh để được cấp học bổng theo học. Thời gian học tập tối thiểu ba năm, tối đa chin năm. Học tập chú trọng vào việc đào tạo nhân tài ra làm quan, cai trị gìn giữ xây dựng nền tảng quốc gia, cho nên giám sinh được dạy các thể : Kinh nghĩa, Chế, Chiếu, Biểu, Thơ , Phú, Văn Sách. Tài liệu học tập được trích ra từ các sách Tứ Thư, Ngũ Kinh, cùng các tuyển tập thơ, phú, cổ văn.
Vào Thời nầy đã có những vị nhân tài như Sử gia Lê Văn Hưu, Ngự sử Đoàn Nhữ Hài, Lưỡng Quốc Trạng Nguyên Mạc Đỉnh Chi, Tư Ngiệp Chu Văn An…Khi vua Trần Nghệ Tông đưa các vị Chu Văn An, Trương Hán Siêu và Đỗ Tử Bình vào thờ ở Văn Miếu đã chừng tỏ sự hưng thịnh của Nho Giáo .
Sau Khi vua Lê Thái Tổ đánh đuổi giặc Minh, giành lại đất nước thì chú tâm đến việc học hành, tổ chức trường học từ kinh đô cho đến các phủ, Quốc Tử Giám lại được chọn làm nơi học tập cho các thí sinh đỗ cao nhất nhì trong các cuộc thi.Hương, thi Hội. So với Triều Lý , Trần thì đã có một nền giáo dục mở rông đón nhân tài theo học.
1484 Vua Lê Thánh Tôn hạ chiếu lập bia đá dựng ở Văn Miếu để khắc tên các vị Tiến sĩ thi đỗ từ khoa thi đầu tiên của nhà Lê từ năm 1442 đến khoa thi năm 1779, đây là đơt dựng bia đầu tiên gồm 10 tấm bia đá.
Hiện nay thì còn lại 82 tấm bia đá khắc họ tên, quê quán của 1307 vị tiến sĩ được dựng hai phía đông tây bên cạnh giếng Thiên Quang, các bia không xếp theo thứ tự thời gian, triều đại, hình thức các bia cũng không giống nhau. Không biết vì sau mỗi lần trùng tu có sự thay đổi, cũng như sự tàn phá của thời gian. Lần trùng tu cuối cùng vào năm 1994, khi các mái che được sửa sang lại cho đến bây giờ
Kiến Trúc Văn Miếu – Quốc Tử Giám
Văn Miếu – Quốc Tử Giám nằm ở phía nam thành Thăng Long, xưa thuộc thôn Minh Giám, tỗng Hữu Nghiêm, Huyện Thọ Xương. Hiện nay thuộc thành phố Hà Nội.
Diện tích toàn khu vực là 54.331 mét vuông gồm có : Hồ Văn, Khu Văn Miếu- Quốc Tử Giám.
Hồ Văn diện tích 12,297 mét vuông, giũa hồ có gò Kim Châu, trên gò dựng Phán Thủy Đường là nơi bình văn của các văn nhân của kinh thành, hiện nay chỉ còn lại tấm bia dựng từ năm 1865 thời vua Tự Đức.
Văn Miếu – Quốc Tử Giám nằm trên khu đất dài 300 mét, rộng phía bắc là 75 mét, phía nam 61 mét. Tiền án dựng Tứ Trụ [ Nghi Môn ] hai bên là hai bia Hạ Mã. Khu Nội tự ngăn cách bằng tường gạch chia làm năm khu vực nối tiếp nhau: Cổng Văn Miếu, Cổng Đại Trung, Khuê Văn Các,cổng Đại Thành, khu điện thờ, cổng Thái Học và cuối cùng là nhà Thái Học.
Cổng Văn Miếu tam quan xây hai tầng, chính giữa cao với tấm biển Văn Miếu Môn, xưa chỉ mở cho vua quan vào thăm hoặc tế lễ, giám sinh và thứ dân dung cổng phụ hai bên. Bên trong cổng là khu Nhập đạo hai bên có cây xanh , hồ nước, đường lót gạch chính giữa dẫn vào khu Đai Trung.
Cổng Đại Trung gồm ba gian, mái lợp ngói mũi hài, hai bên cổng Đại Trung là hai cổng nhỏ là Thành Đức và Đạt Tài với nghĩa là giáo dục cho con người có đầy đủ đức lẫn tài.
Khuê Văn Các là một lầu vuông 8 mái được xây vào năm 1805 thời vua Gia Long Triều Nguyễn. Khuê là tên một ngôi sao trong chòm sao 28 ngôi Bạch Hổ phương tây, có 16 sao sắp xếp như chữ Văn . Có thể do đó mà Khuê biến thành người đứng đầu của quan Văn. Hai bên gác Khuê Văn có hai cửa nhò là Bí Văn [ trau chuốc sáng sủa] Súc Văn [ hàm ý súc tích ]
Thiên Quang Tỉnh [ Giếng ánh sáng của trời ] hình vuông có lan can gạch chunh quanh. Theo quan niệm của người xưa, giếng hình vuông tượng trưng cho đất, cửa sổ tròn của gác Khuê Văn tượng trưng cho bầu trời, có ý nghĩ nơi đây tập trung tinh hoa của trời đất.
Đối diện hai bên giếng Thiên Quang là hai dãy bia Tiến Sĩ, đặt trong các nhà trống vách để che mưa nắng, hiện nay còn 82 tấm bia và tên tuổi quê quán của 1304 vị Tiến sĩ trong các kỳ thi từ 1442 cho đến 1779.
Qua cửa Đại Thành là vào khu vực chính thờ Khổng Tử và các vị Thánh Nhân. Hai bên cửa Đại Thành có 2 cửa ngách phía Đông là Kim Thanh và phía Tây là Ngọc Chấn là lối đi vào Quốc Tử Giám, đi theo hai dãy Đông vu và Tây vu để vào sân Đại Bái, điện Đại Thành.
Đại Bái Đường xây chin gian với 40 cột trụ, mái ngói mũi hài, trên đắp hai con rồng chầu Nhật Nguyệt, có cửa sổ gỗ chấn song, cùng các bức phù điêu gỗ khắc chạm hình rồng mây [ thời Lê ]
Điện Đại Thành có chin gian xây tường kín ba mặt, phía trước cửa gỗ đóng kín bảy gian giữa, gian hai bên có cửa sổ chấn song còn giữ ảnh hưởng kiến trúc thời Lê, trên đỉnh có đôi rồng chầu nhật nguyệt gắn mảnh sứ men màu theo ảnh hưởng triều Nguyễn, bên trong điện sơn son thếp vàng rực rỡ. Điện Đại Thành thờ Khổng Tử và các vị Nhan Hồi, Tử Tư, Tăng Tử, Mạnh Tử.
Hai dãy Đông vu và Tây vu cũng theo hình thức chín gian, bên trong khi xưa thờ Thất Thập Nhị Hiền, là học trò của Khổng Tử. Kiến trúc cũ bị phá hủy vào năm 1946, kiến trúc hiện nay được xây lại từ năm 1954.
Sau Điện Đại Thành vào cổng Thái Học và khu Quốc Tử Giám.
Quốc Tử Giám khi xưa có giảng đường, thư viện, ký túc xá cho học sinh, có kho chứa văn phòng phẩm, các bảng gỗ khắc chữ để in sách . Sau khi Triều Nguyễn xây Quốc Tử Giám ở Huế thì tất cả khu nầy biến thành học phủ của phủ Hoài Đức [ về sau thuộc Hà Nội ], và xây đền Khải Thánh để thờ song thân của Khổng Tử. Tất cả bị đốt phá vào năm 1946 chỉ còn lại con đường gạch chính giữa từ cổng Thái Học cho đến nền điện Khải Thánh .
Khu Thái Học được xây lại từ 1999 gồm có Tiền đường, Hậu đường, Tả vu, Hữu vu, lầu chuông, gác trống mô phỏng theo kiến trúc xưa trên nền cũ của Quốc Tử Giám.
Tiền đường so với Bái đường của Văn miếu thì cột cái to và cao hơn, hiện dùng làm nơi tổ chức các cuộc hội thảo, triển lãm tác phẩm văn học nghệ thuật.
Hậu đường là kiến trúc có 2 tầng.
Tầng thứ nhất là nơi thờ Tư Nghiệp Chu Văn An và các tài liệu về giáo dục cũng như lịch sử của Văn Miếu – Quốc Tử Giám
Tầng thứ hai thờ ba vị Vua đã có công xây dựng Văn Miếu- Quốc Tử Giám :
– Lý Thánh Tông [ 1023-1072 ] là vị Vua đã lập Văn Miếu vào năm 1070
– Lý Nhân Tông [ 1066 – 1128 ] Tên Úy là Càn Đức từng theo học ở Văn Miếu, mở khoa thi đầu tiên 1075 để chọn nhân tài. Lập Quốc Tử Giám năm 1076.
– Lê Thánh Tông [ 1442 -1497 ] Ban hành Bộ Luật Hồng Đức, định lệ thi cử, trùng tu Văn Miếu và lập bia Tiến sĩ. Vua đã tổ chức 12 khoa thi , lấy 502 vị Tiến sĩ, trong dó có nhiều nhân tài như Lương Thế Vinh, Phạm Đôn Lễ, Vũ Tuấn Chiêu…Ngoài ra còn sáng lập Hội Tao Đàn
Hai nhà Hữu vu và Tả vu là công sở làm việc, có một thư viện nhỏ để chứa tài liệu tham khảo và tra cứu.
Gác chuông có chuông đồng cao 2,34 mét. Được đúc từ năm 2003
Lầu trống chứa một trống làm từ thân cây mít lấy từ rừng Đác Lắc , mặt trống bịt bằng da trâu.
Đứng dưới tàng cây đa đã hơn trăm tuổi đời nhìn mái ngói cong, cột gỗ lim vững chắc, sân gạch bát tràng thênh thang, hình dung lại nơi đây đã có bao nhiêu học trò miệt mài kinh sử, ông cha chúng ta đã để lại những áng văn chương tuyệt vời cũng như những câu thơ hùng khí sắc bén hơn gươm giáo:
“ Nam Quốc sơn hà Nam Đế cư
Tuyện nhiên định phận tại Thiên thư “
Là con cháu của dòng Âu Lạc, với Hào khí Diên Hồng cùng tinh thần bất khuất, quyết tâm chống lại xâm lược để gìn giữ non sông gấm vóc cho con cháu mai nầy.

Vũ Thị Thiên Thư

 

Động Hoa Lư

Cổng Vào Đền

 

VietTide Số Ra Ngày 7 Tháng 3

Động Hoa Lư

Từ bài học Lịch sử Đinh Bộ Lĩnh “ Cờ lau tập trận “, thuở bé thơ chơi đùa trong khuôn viên trường học, mỗi nhóm phân chia thành những toán quân, bày thế trận tranh bá xưng hùng. Những tưởng đó chỉ là những địa danh mơ hồ trong sách vở. Không ngờ lại có ngày đứng trước cánh cổng Lịch sử mở ra trước mắt, nhìn lại dấu vết của một thời kiêu hùng xưa cũ.

Chúng tôi khởi hành từ Phố cổ Hà Nội, qua Phủ lý về Ninh Bình, con đường gợi lại trong ký ức những liên tỉnh lộ từ thời Nam Kỳ Lục Tỉnh, khi theo Ba tôi về thăm Sài Gòn. Ra khỏi ngoại thành, từng mảnh ruộng rẫy chạy dài hai bên đường, lác đác bóng nông dân dọc theo bờ ven chăm chút. Nhìn lại thửa ruộng sào, liếp rẫy, vườn rau của từng nhà trong xóm thôn, hình ảnh lâu rồi chỉ bàng bạc trong ký ức của lần đầu về thăm quê cha, cũng như những lũy tre làng cùng ao bèo xanh biếc, con đường đất dẫn vào làng mạc trong các trang sách thuở học văn của Tự Lực Văn Đoàn, không biết những hình ảnh nầy sẽ tồn tại bao lâu nữa, với bước tiến bây giờ, nhìn các công trình xây cất từ phi trường Nội Bài về Hà Nội đã thay đổi rất nhiều, dăm ba năm nữa có muốn đi tìm thì cũng không biết tìm nơi đâu.

Qua những đoạn đang trùng tu, khoảng đường ngắn đi mất hơn một tiếng đến Phủ Lý. Ngừng chân lại quán bên đường dùng bửa điểm tâm, món bánh cuốn nóng đặc biệt sản xuất tại địa phương. Nhớ lại trong các câu chuyện hai bác thường kể về miền quê nhà xa cách cũ, những món ăn thường nhật cũng như vào những ngày lễ Tết trong năm, nhìn xuống dĩa bánh cuốn xếp ngay ngắn những chiếc bánh mỏng như lụa mềm, giọt cà cuống nhỏ vào chén nước mắm trong thơm ngát. Chén canh bánh đa nấu cá rô đồng, lơ thơ vài sợi cải xanh cắt nhỏ. Không thể hình dung hương vị trong ký ức của hai bác để có thể so sánh với những gì đang bày ra trước mắt của ngày nầy, lẫn mất vào không gian chút dư hương của ngày tháng cũ .

Đã có nhiều người tra cứu sách Sử, từ các bản lâu đời “ Đại nam Nhất Thống Chí “, “ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư “ bàn định về tên gọi, ghi chú các địa danh, nhưng có đọc bao nhiêu trang sách, có nghe bao nhiêu chuyện kể lại, cũng không thể  hình dung được niềm cảm khái trào dâng khi nhìn rặng Mã yên xanh lam trước mắt,  dòng nước trong êm đềm chảy lặng lẽ ngàn năm của con sông Hoàng Long. Chúng tôi đang đối diện với non sông nhung gấm của cha ông muôn đời mà dấu vết vẫn còn lưu lại.

Kinh Đô Hoa Lư

Địa thế Kinh Đô Hoa Lư rất đặc biệt, bao bọc bởi các rặng núi chunh quanh, nhưng lại rất tiện lợi cho thủy lộ lưu thông. Sau khi dẹp loạn Thập nhị Sứ Quân, năm 968  Vạn Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh đã thống nhất đất nước và lên ngôi hiệu Đinh Tiên Hoàng  quốc hiệu Đại Cồ Việt và lập Kinh đô ở Đông Hoa Lư .[ Xã Trường yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh bình ngày nay ]

Chỉ bằng mắt nhìn khách quan, chúng tôi cũng nhận thấy lợi thế phòng thủ rất tốt của Hoa Lư. Bao bọc bởi các ngọn núi đá vôi chunh quanh, với nhiều hang động. có thế quan sát cả hai mặt trong ngoài vòng thành tự nhiên nầy. Với tài năng thao lược, phát huy từ những ngày còn bé, Đinh Bộ Lĩnh đã nhìn thấu và lợi dụng thiên nhiên để xây dựng quốc gia, sau đó là  Triều Lê, Triều Lý đã tiếp nối công trình xây dựng đất nước cực thịnh về sau.

Theo các di tích khai quật được, ngoài các vòng thành thiên nhiên, Kinh đô Hoa Lư còn có các vòng thành xây bao bọc bên ngoài và bên trong.Tống số có 13 đoạn thành , 11 đoạn chạy qua các vùng sình lầy, 2 đoạn trên quèn* đá cao ráo. Tổng cộng chiều dài của các tường thành gần 2 cây số, đắp khá cao, từ 6m đến 10m, móng sâu 2m, chân tường rộng khoảng từ 15m đến 17m, mặt trên tường thành rộng từ 3m đến 4m. Tường  thành có đoạn xây bằng đá chen gạch, có đoạn phía trong xây bằng gạch, ngoài đắp đất, có đoạn đắp lẫn đá, chân thành bó gạch, móng thành lát bằng gỗ sát vào nhau. Hiện nay thì các tường thành không còn nguyên vẹn, chì còn dấu vết có thể nhận ra.

Đã tìm ra tường thành thì phải có cửa thành. Cửa chính có thể nằm hướng Đông,từ núi Thanh Lâu sang núi Cột cờ, đoạn tường thành  Đông Bắc có them một cửa phụ, và cửa sau nằm về hướng Tây. Thủy lộ gồm cửa Bắc ở đoạn sông Sào Khê gần núi Chẽ, cửa Nam là hang Luồn [ Xuyên thủy động] . Ngoài ra còn một cửa thành chung cho cả hai đường thủylẫn đường bộ là cửa Thành Dền. Đại Nam Nhất Thống Chí có ghi là cửa thành Hoa Lư có cửa xây bằng đá rất kiên cố.

Chùa chiền

Vào thời  Nhà Đinh Phật Giáo đã phát triển mạnh qua các di tích Chùa chiền ở Kinh đô Hoa Lư. Chùa Tháp Bảo Thiên nằm phía bắc gần sông Hoàng Long. Chùa Bà Ngô cũng nằm gần sông Hoàng Long về hướng Đông bắc. Chùa Am nằm trong hang núi thuộc thôn Thông Bái. Chùa Đà nằm trong hang núi Đìa. Chùa Dền còn gọi là Hà Khánh Tự . Chùa Thủ còn có tên là Diên Ninh Tự nằm gần núi Thủ. Trong số các chùa nầy thì hiên nay có chùa Bà Ngô  đã được xây dựng lại, còn giữ được tấm bia đá bốn mặt cao hơn 1m bề ngang 0.5m khắc tên những người có công đức xây chùa bằng Hán tự.

Sông Núi

Kinh đô Hoa Lư có con sông Sào Khê bắt nguồn từ sông Hoàng Long ở phía bắc chày về hướng nam xuyên qua ngoại thành rồi đổ vào sông Vạc ở cầu Yên, gặp sông Vân Sàng tão thành ngã ba Vũ lâm là trục giao thông thủy lộ rất quan trọng.

Núi Cột cờ nằm hướng Đông Bắc của Kinh đô, là nơi Đinh Tiên Hoàng cắm cờ hiệu Quốc gia. Núi Mã Yên nằm trước đền thờ của Vua Đinh Tiên Hoàng, hình dạng núi giống như chiếc yên ngựa hai nên có tên nầy.Núi Đại Vân là nơi dựng điện Bách Bảo Thiên Tuế. Ghềnh Tháp là mõm núi nhô ra sát sông Sào Khê, tương truyền là nơi Nhà Vua dùng để duyệt thủy binh. Núi Hang luồn có hang cùng tên [ Xuyên Thủy Đông]  rộng hơn 30m dài khoảng 143m có sông Sào Khê chảy xuyên qua, đây chính là thủy lộ xuôi nam của kinh đô Hoa Lư. Núi Am Tiên cũng có hang động ,tương truyền đó là ngục thất giam giữ trừng trị tội nhân. Núi chùa Am và núi chùa Đìa là hai núi nằm hai hướng Bắc Nam có hang động biến thành nơi thờ cúng. Ngoài ra còn có Núi Hang Quàn  dùng để làm tang ma cho Vua quan trong triều đình trước khi đi chôn cất.

Biển

Vào thời nhà Đinh, phương tiện chính vẫn là thuyền bè, do vị trí của Kinh Đô Hoa Lư . Cảng Phúc Thành nằm sát cửa sông giao thông ra biển. Hầu hết các giao thương với nhà Tống là do đường biển về Kinh Đô

Năm 987 Vua Lê Đại Hành sai Thiền Sư  Đỗ Pháp Thuận cải trang thành người lái đò đón sứ Tống Lý Giác , họ Lý thấy hai con ngỗng trắng đang bơi trên sông nên ứng khẩu

“ Nga nga lưỡng nga nga

Ngưỡng diện hướng thiên nha”

Không ngờ người chèo đò cũng ứng đáp ngay

“ Bạch mao phô lục thủy

Hồng trạo hải thanh ba”

Lý Giác nghe xong tâm thần kính phục, ở nước Nam chỉ một người dân quê đã giỏi chữ nghỉa thế nầy thì quả là không thể xem thường.

Hiện nay thì dấu vết của Kinh đô Hoa Lư ngoài các tường thành thiên nhiên là các rặng núi bao bọc chunh quanh, các dãy núi vẫn còn nguyên tên gọi nằm trong xã Trường yên. Khách đến thăm sẽ thấy hai ngôi đền cổ kính trang nghiêm, đó là Đến Vua Đinh Tiên Hoàng và Vua Lê Đại Hành.

Đền Vua Đinh Tiên Hoàng

Đền Vua Đinh Tiên Hoàng nằm ở làng Trường Yên Thượng, nên còn gọi là Đền Thượng, được xây dựng sau khi Vua Lý Thái Tổ thiên đô về Thăng Long. Ngôi đền trông ra Núi Hổ, núi Chẽ  nhìn về hướng  bắc, và nằm trên nền cung điện chính của Kinh Đô Hoa Lư . Hai ngọn núi nầy như hai con hổ phục chầu về núi Cột Cở.

Đầu thế kỷ XVII thì Lễ Quận Công Bùi Thời Trung  người làng Chi Phong tổng Trường Yên đã trùng tu lại cả hai ngôi đền, nhưng lại chuyển  hai ngôi đền trông về hướng Đông.

Đến nhà Nguyễn, 1898 thì Ông Bá Kếnh [ Dương Đức Vĩnh] người làng Trường Yên Thượng đã sửa lại  cửa đá, đưa đá cổ bồng vào dưới chân cột gỗ lim nâng cao ngôi đền , vì thế đền Vua Đinh  cao hơn Đền vua Lê 0.6m và có thêm các tảng đá chạm trổ rất tinh xảo.

Đền Vua Lê Đại Hành

Đền Vua lê Đại Hành nằm ở làng Trường Yên Hạ, nên còn gọi là Đền Hạ, cách đền vua Đinh về hướng Bắc khoảng 300m, trước mặt đền có núi Đèn làm án. Kiến trúc gần giống nhau, nhưng đi vào đền theo cổng phía đông và không có ngưỡng cửa đá cũng như tảng đá cổ bồng nâng cao lên, vì vậy kiến trúc của đền Vua Lê còn giữ lại nét nguyên thủy trùng tu từ thởi kỳ Hậu lê.

Cả hai ngôi đền thờ đều có ba tòa: Bái Đường, Thiêu hương và Chính cung. Mỗi tòa đều có kiến trúc đặc thù, cột gỗ lim tròn to và cao đặt trên các tán đá vuông, cổ bồng và được sơn son thếp vàng rực rỡ.

Hai ngôi đền thờ là biểu tượng của sự tôn kính công lao của hai vị Vua đã góp phần vào việc xây dựng quốc gia, cũng như là di tích lịch sử, văn hóa, của dân tôc.

 

 

Vũ Thị Thiên Thư