Vàng ơi !

Vàng Ơi !

1
   Đôi bàn tay gân guốc, đôi chân bám vào thân cây, bác Năm leo thoăn thoắt lên ngọn cây dừa nặng trĩu trái. Hàng dừa già thân cao như cổ thụ, Bà tôi trồng từ lúc xẻ mương làm bờ, đến lúc chúng tôi sinh ra thì đã bao nhiêu năm trổ buồng đơm trái.  Trong cái ký ức muôn màu của tôi,  chỉ nhớ bác Năm là người duy nhất hàng tháng đến leo lên trên những cây dừa cao nghều nghệu, hạ xuống từng buồng, mấy trái dừa tròn rám vỏ rơi tòm vào mương đầy nước, bác Năm luôn cẩn thận nhắc nhở:
   – Trẻ con tránh xa ra, coi chừng dừa rơi xuống bể đầu bây giờ.
   Lần nào chúng tôi cũng xin Bác hái cho hai trái dừa vừa cứng cại để làm mứt dừa dẽo, mỗi cây Bác chỉ hái một trái thôi, bảo rằng hái nhiều quá cây dừa sẽ nhẹ cổ chỉ cho ra trái điếc ( tức là trái lép không ruột, chúng tôi dùng để làm phao tập bơi ). Bác cũng không thích hái dừa tươi, bảo rằng hái trái tươi như đốn cây non, như giết cá lòng ròng, mai mốt không còn cá lóc hay trái dừa khô nữa lấy gì mà ăn. Bác nâng niu từng cây, trước khi leo lên Bác lại đứng gõ gõ vào thân như dỗ dành âu yếm, và thì thầm như nói chuyện với người thân.
   Năm chúng tôi vào tiểu học, thường gặp Bác lang thang đi đứng trước cổng trường làng, gặp thầy cô luôn chào hỏi cung kính, bọn học trò nhỏ gặp Bác sợ hãi chỉ dám đứng xa xa nhìn, bọn lớn thì hay chọc phá nắm tay kéo áo rồi ù chạy, không tên nào biết rõ Bác từ đâu tới. Chỉ nghe mọi người giải thích khác nhau, người bảo Bác là con nhà giàu khi xưa, ông bà ăn ở thất đức nên con cháu tàn lụn sống lây lất lạc chợ trôi sông, người thì bảo gia đình Bác bị bom đạn chết hết, nhà cửa tan hoang, Bác bị chấn động hư óc nên lờ khờ. 

   Buổi tối, Bác về ngủ ở nhà khói cạnh đình làng. Hàng ngày, thả bộ ra chợ ăn sáng, rồi ngồi chờ ở góc nhà lồng, Bác làm đủ thứ công việc lặt vặt, ai muớn gì làm đó, từ gánh nước đến chùi lư đồng, từ chẻ củi đến trèo cây, trèo cau không cần phải mang nài, leo dừa nhanh như khỉ, thuở đó tay chân Bác còn nhanh nhẹn, chúng tôi thường thích nhìn Bác chuyền từ tàu lá dừa nầy sang tàu lá dừa của cây khác giống như Tarzan trong truỵên bằng tranh. Bọn trẻ con thấy Bác khù khờ chậm chạp nên hay đùa dai, dùng dây bố cột áo Bác dính vào chân ghế, chờ Bác đứng dậy đi mang theo cả ghế rồi rũ rượi cười với nhau, hay xếp hàng dài đi theo sau lưng như trò chơi rồng rắn, hoặc đứng xa xa gọi tên Bác thật to rồi lẩn trốn để Bác phải quay lại tìm, Bà tôi cấm tuyệt mấy chị em, không được theo bọn trẻ trêu đùa, quấy phá, bà vẫn bảo rằng

 – Bác cũng là con người, tuổi đáng cha đáng chú, dù bác không nói năng bình thường, không được theo bọn trẻ chọc phá vô lễ.

   Bà để dành cho Bác bộ ván gõ sau nhà bếp và chiếc chiếu lát, dặn dò:

 – Này cháu, đêm đêm về đó mà nghỉ ngơi, mấy hôm nay trời gió bấc, nhà khói bên đình thần trống trải, gió lạnh, ngủ như vậy dễ bị cảm gió, nhỡ đau ốm lây lất lấy ai chăm lo ?

   Bác ngủ chẳng bao giờ chịu đắp mền, có lần cô tôi thương hại mua biếu Bác cái mền len màu xám để đắp cho đỡ lạnh những ngày gió bấc, nhưng Bác từ chối, quanh năm chỉ mặc cái quần đáy nem ngắn đến gối, cái khăn tắm dệt bằng sợi nội hoá mỏng vắt ngang cổ, khi lau giọt mồ hôi, khi tắm quấn ngang người. Bác rất sợ các đám tang, nhưng vẫn đến giúp việc lặt vặt cho nhà nào đang có đám tang, từ gánh nước lên đun, chẻ củi nhóm lò, rửa ly tách, mỗi lần đi ngang chính điện hay nhà quàng là Bác cố tránh thật xa chỗ đặt hòm của người chết, chúng tôi hỏi Bác sợ gì, người chết nằm một chổ thôi, đã cho vô hòm đóng lại cứng rồi. Bác luôn xua tay lắc đầu

 – Người chết thành ma, ma hay rượt theo nhát người ta, sợ lắm.

 – Chết thì phải nằm trong hòm, chừng Bác chết cũng phải nằm trong hòm mới đi chôn được chứ.

 – Thôi, không nằm trong hòm đâu, nằm trong hòm đóng lại tối thui và ngột lắm.

 – Bác không nằm trong hòm thì làm sao đi chôn?  Hay là Bác chịu bó chiếu rồi thả xuống sông? Coi chừng bó chiếu ló chân ra bị cá lòng tong rỉa mất ngón .

 – Trẻ con không được nói bậy.

   Bà tôi cười, người chết rồi theo ông theo bà, ma cỏ gì mà sợ, khi nào đi ngang hòm thì giấu ngón tay cái vào lòng bàn tay và niệm Phật thì không có ma nào dám theo. Bà tôi dạy bài học nầy cho tất cả con cháu trong nhà, Bà vẫn thường bảo: Con Phật, Phật tha, con ma, ma bắt, phải cố nhớ mà niệm Phật khi đi ngang chổ vắng vẻ, bờ bụi, miễu thờ .

   Khi có người gọi đi làm xa đâu đó, có chút tư trang Bác gởi lại nhờ Bà tôi cất giữ dùm. Tôi cũng không nhớ rõ Bác đến ở trong nhà từ lúc nào, chỉ nhớ Bà tôi thường sai bảo công việc như người nhà. Thỉnh thoảng Bác vắng mặt dăm ba hôm, lại thấy quay về. Đi đâu cũng cắp kè kè một bọc giấy dầu, chúng tôi theo hỏi:

– Bác gói thứ gì mà kỹ thế , có cho chúng cháu xem được không?

   Lúc nào vui, Bác lại mở cho chúng tôi coi tất cả gia tài sự sản, tư trang gồm thâu lại, gói cẩn thận bằng giấy báo, bên ngoài bọc thêm một lớp giấy dầu, trong đó có hai bộ áo bà ba mới, Bác khoe rằng may hồi Tết, mấy đồng bạc xếp thẳng không một nếp gấp nào. Bác thật buồn cười, đi làm thuê, chiều về là phải trả công, dù là công việc chưa hoàn tất và phải tiếp tục ngày mai, nhưng ai trả công bằng tiền cũ, nhầu nát là giận dỗi phàn nàn, phải trả bằng tiền mới hay ít nhất là tiền thẳng nếp, biết ý Bác, lần nào trong nhà không có tiền mới, Bà bảo chúng tôi lấy tiền giấy ra ủi thật thẳng rồi mới mang trả, Bác cười thật rạng rỡ. Cũng như mỗi lần thấy cô tôi đang ủi quần áo mới may, Bác lân la mang tiền lại nhờ cô ủi dùm cho thẳng nếp gấp và vuốt ve từng tờ, hạnh phúc thật đơn giản, trông Bác sung sướng cười thật tươi như trẻ nhỏ được quà . 

  Mặc dù lang thang không nhà cửa, Bác không nhận sự bố thí của bất cứ một ai, đi làm công cho nhà nào thì ăn cơm nhà đó, lúc không có người mướn, Bác lại lân la đến nhà, bên bồn nước, hay đứng ngồi quanh quẩn trên bộ ván trong nhà bếp, Bà tôi biết ý, hỏi Bác:

– Cháu đã ăn cơm chưa ? Mấy bờ cam quít sau vườn cỏ cao vượt mặt, cháu có rảnh thì đi rửa mặt ăn cơm rồi ra dẫy cỏ cho sạch sẽ dùm thím

   Bác vâng lời, bước ra sau nhà múc nước rửa tay và ngồi xuống đầu ván ngựa, Bà tôi bảo người làm dọn mâm cơm, Bác ăn xong, mang chén ra sàn nước ngâm vào thau, múc gáo nước mưa trong lu uống, rồi lấy con dao yếm, lửng thửng ra vườn sau .

   Có lần Bác đến nhà, mặt buồn thiu thẩn thờ, bà hỏi:

– Cháu có bệnh không ? Bệnh thì đi ra trạm y tế xin thuốc uống, để thím bảo bầy trẻ nấu cho nồi nước xông, rồi ra bộ ván sau bếp nằm nghỉ cho chóng khỏi .

   Bác tần ngần mở gói ra, nói với bà 

– Cháu mất bọc tiền rồi.

– Sao lại mất? Cháu coi kỷ chưa ? Để quên chổ nào thì trở lại đó mà lấy.

– Cháu gói trong bọc quần áo, bây giờ không thấy nữa.

   Bác có cố tật ngồi không thì hay mở gói mang tiền ra đếm đi đếm lại, sắp xếp vuốt ve từng tờ cho thật thẳng rồi lại gói cất vào bọc. Tối qua, sau khi đi chẻ củi cả ngày, Bác xuống sông tắm, để gói quần áo trên bờ, trong đó có cả mấy tờ giấy bạc vừa được trả công, tắm xong đi ăn cơm rồi mở gói ra đếm lại, mới hay là đã mất rồi, Bác tiếc của nằm thao thức cả đêm. Bà tôi lại an ủi:

 – Thôi, của đi thay người, nhờ ơn Trời Phật, miễn là mình còn mạnh khoẻ thì làm lại mấy hồi, 

2
   Vắng đi một lúc lâu không thấy Bác đến làm, mấy cây dừa lão không ai dám leo, trái khô rụng đầy mương. Bà tôi hỏi thăm mấy người bạn hàng trong chợ, bên bến xe đò xem có ai trông thấy Bác nơi nào, sợ Bác bệnh hoạn nằm lây lất đâu đó không có ai trông coi, hoặc lang thang xa quá không biết tìm đường về. Hỏi mãi không nghe tin tức, Bà tôi thôi không nhắn gởi, nhưng mỗi ngày cầu nguyện lại thấy bà thành kính nhắc thêm một tên nữa trong cái danh sách vốn đã dài vào bên cạnh câu cầu cho quốc thái dân an . 

   Những tưởng là Bác đã lặng lẽ đi như ngày xưa âm thần đến. Chúng tôi lại thấy Bác trở về, lò dò dẫn theo con chó vàng ốm tong teo, chủ tớ trông phờ phạc như nhau, Bà tôi bảo người làm dọn cho Bác mâm cơm, Bác lại xin thêm chén cơm nguội, chan một ít nước cá kho đặt xuống dưới chân cho con vàng. Bà hỏi Bác 

– Cháu đi dâu mà không nói, để thím lo lắng mãi chẳng biết cháu có bệnh hoạn hay mệnh hệ gì không.

– Cháu theo ghe xuống miệt dưới, về thăm mồ mả trong quê.

– Cháu còn ai thân thuộc, mồ mả chôn ở quê nào mà về?

– Ở kinh Cùng, chổ Tắc Cạn, chẳng còn ai là thân nhân, đạn bắn chết hết rồi, chỉ có mấy cái mả còn lại thôi .

   Đó là lần duy nhất Bác nói với Bà tôi về nơi Bác sinh ra. Mẩu chuyện không đầu đuôi, chắp nối. Bác hãy còn bé lắm, chỉ còn nhớ căn nhà lớn lợp ngói đỏ, dưới bến sông là ngôi nhà thuỷ tạ đóng hai hàng kệ gỗ dài, có lan can bằng gỗ sơn bóng, Bác và cậu Hai vẫn thường ra ngồi câu cá buổi trưa. Nền nhà lớn xây bằng đá ong, cửa lá sách thật dầy, phía trước là bậc tam cấp bước ra sân, hai hàng chậu kiểng to trồng cây hoa Ngâu, cây Mai chiếu thuỷ, hoa nở quanh năm thơm ngát.

   Cậu Hai và Bác thường trốn ngủ trưa ra vườn trèo mây mận đỏ trái chín rụng đầy mương. Cái lẫm lúa ngoài mấy lớp tăng xếp lớp cao ngất còn là chỗ chứa những thứ đồ dùng cho mùa màng, mấy cái bồ đập lúa bằng mây đan trét đất sét trộn trấu, một hàng thúng giạ rưỡi máng trên vách nhà chưa kể thúng mủng, thúng con, sàng, nia. Mỗi thứ là một trò chơi, mỗi mùa là một thức mới cho hai đứa bé. Tháng hai đốt đồng, tháng ba ruộng cày, tháng tư mưa mới, cũng là mùa bắt dế đồng về nhốt trong hũ cho chúng đá nhau, tháng năm mạ non, tháng sáu mưa già, tháng tám nước nổi, sân nhà cao lắm, bao nhiêu mùa nước nổi nhưng chưa ngập bao giờ, chunh quanh nhà mương nào cũng dầy, cá lòng tong từng bầy lội nhởn nhơ, hai đứa thường ngồi đếm cá nhái bơi ngang nhà thuỷ tạ, có con to dài hơn hai tấc, có con bé chừng gang tay.

   Cá nhái xương to, thịt nhỏ, kho khô ăn cũng ngon, nhưng xẻ khô thì càng ngon hơn, cứ bắt lên, ướp muối mặn, lấy dây xỏ vào mắt mang phơi nắng cho khô rồi treo vào giàn bếp, sau mùa nước giựt mang ra ăn với cơm nguội hay cháo trắng, ngon tuyệt.

   Bác thích nhất là mùa gió bấc, nước đã hạ từ lâu, ngọn đồng đồng đã ngã màu vàng, trong nhà cũng rộn rịp người lo gặt lúa mới ăn Tết, người lo ngâm gạo xay bột tráng bánh, người lo ngâm nếp quết bánh phồng, trời gần sáng nhịp chày bánh phồng đều đều, thôi thúc, trước sân nhà trải chiếu mới, bánh phồng cán vừa xong còn mềm mại, từng cái tròn như mặt trăng ngã sau ngọn dừa, chiếu nối chiếu, hàng tiếp hàng, bao nhiêu là bánh, Bác có nhiệm vụ cầm cây đuổi mấy con gà đi lạc mon men tới trộm bánh.Từ rằm tháng chạp, trong nhà xôn xao bao nhiêu người, mấy bờ quít nặng trĩu trái ngã màu da lươn, từng đoàn kiến vàng nhởn nhơ bò trên cây tre vắt ngang nhánh quít dường,quít ta, như những con kinh đào nối từng làng quê hẻo lánh. Cái lò trấu bên cạnh nhà bếp từng lọn khói bay cao, rạng ngày sương sớm chưa tan, đã có một chồng dĩ bánh mới tráng còn đọng mồ hôi, Bác theo mấy người làm mang ra phơi dọc theo bờ quít sau nhà, nắng mới thật rong, tiếng bánh trở mình răn rắc như tiếng nhạc trời êm ái. Chán chạy dĩ, Bác vào xin mấy cái bánh ướt cuộn nhân đậu xanh trộn dừa, rủ cậu Hai đi coi mấy người tá điền đang đập lúa mới, hai cái cọc cấy hình chử thập cột dây dài, quấn ngang bó lúa, hai tay giơ cao rồi hạ xuống thật nhịp nhàng, hạt lúa rơi rào rào, bọn trẻ nhỏ theo mót lúa mang thúng ra đống rạ vừa đập xong tuốt lấy những hạt lúa còn sót lại, nhặt những hạt vung vẫy chung quanh. Chán chê, hai đứa lân la vào bếp tìm thêm thức ăn mới.

   Sau ngày đưa ông táo về trời, bao nhiêu cửa song, cửa lá sách đều được tháo ra mang chùi rửa cẩn thận. Lư đồng, nồi đồng, mâm thau, dĩa sứ…tất cả sạch bóng như được khoác áo mới. Trong nhà lớn lao xao người ăn kẻ ở rộn ràng, thích nhất là mỗi ngày cúng kiến linh đình, thức ăn thức uống, bánh mứt ê hề. Sáng ngày đầu năm được mặc áo mới, theo cậu Hai lên nhà mừng tuồi và được lì xì cho đồng bạc mới tinh.

   Những năm tháng bình an, Bác sống vô tư không bận tâm đến thiên hạ bàn tán xì xào về thời cuộc, hàng ngày thức dậy theo cậu Hai vào nhà ngang học chữ với thầy giáo, trưa chiều rong chơi. Hai đứa bé mãi bận tâm với bao nhiêu là trò chơi, ra vườn xúc cá lia thia, mấy con cá phướn đủ màu, mấy con cá xiêm xanh biếc chứa đầy keo thuỷ tinh, chưa kể đi bắt cào cào, rượt chuồn chuồn, hái ớt hiểm đút cho con nhồng mỏ rực rỡ bên hiên. Mặc cho những biến chuyển thời cuộc, những nếp nhăn trên trán người lớn, những buổi tối đốt đuốc họp hành.

   Một đêm, bác đang ngủ ngon trên bộ ván gõ, chợt giật mình có người lôi dậy, bảo đi ra. Bác nhụi mắt đi theo bàn tay đẩy ra trước sân nhà, họ xô bác lại bên cậu Hai, hai đứa sợ hãi ôm nhau. Nhìn chung quanh, đuốc cháy lập loè, người người lố nhố.

 – Đem hết bọn cường hào ác bá ra xử tội.

  Bác sợ hãi lủi vào bên bồn Mai chiếu thuỷ, họ lôi Bác ra chỉa súng vào, thầy giáo đỡ nòng súng và nói gì, họ tha không bắn. Họ đi rồi Bác chạy lại bên cậu Hai, gọi mãi cậu không tỉnh dậy, mấy người kia nằm ngổn ngang tay Bác đầy máu. Mãi lâu, bao lâu Bác không còn nhớ, mới có người đến mang mấy cái xác nằm trước sân đi chôn.
   Những năm sau nầy Bác gặp đâu ăn đó, lây lất trôi giạt, theo đoàn người tản cư vì bom đạn, căn nhà ngói đỏ khi xưa chỉ còn lại có nền nhà đá ong, mái ngói đổ loang lở, cây cảnh không ai săn sóc, chậu đổ bể chỏng chơ, cỏ hoang mọc mất dấu, đêm đêm vẫn có người đi đến âm thầm, họ như những bóng ma thoạt ẩn thoạt hiện.

3

   Bác lại tiếp tục đi làm thuê, gánh mướn, bây giờ có thêm con vàng bầu bạn, lúc nào cũng theo quanh quẩn, ai đến gần Bác thì gầm gừ, nhe răng sẳn sàng bảo vệ chủ, bọn trẻ con e dè không dám đến gần trêu chọc như trước. Bác ăn buổi sáng thì chia một nửa cho con vàng, mỗi ngày ra góc chợ ngồi chờ, có khi cũng được bà hàng cháo lòng thương hại vất cho miếng xương. Hai chủ tớ đi về hôm sớm, Bác gánh nước thì con vàng nằm bên cầu, Bác chẻ củi thì con vàng ghếch mõm nằm lim dim bên cạnh, leo dừa thì con vàng nằm dưới gốc, bao giờ Bác lội xuống mương thì con vàng cũng nhảy theo lùa mấy trái dừa vào bờ. 
   Cuộc sống bình yên cho đến khi bên kia sông nổi lên những tiếng kèn Tây đêm đêm, tiếng đạn bắn sẻ qua đồn, tiếng loa vang những lời khiêu khích, hai bên dàn trận bắn nhau. Bà tôi gọi Bác lại dặn dò
  – Cháu có đi làm ở đâu cũng phải về trước khi trời tối, mang con vàng vào nhà bếp, có đạn bắn thì phải chui vào gầm ván ngựa mà núp.
   Ông tôi bảo thợ xây thêm một lớp gạch vào vách nhà, lớp cửa gỗ dầy cũng chèn thêm mấy lần song chắn, giữa nhà xây hầm tránh đạn cho trẻ con,  bên trên kê hai bộ ván gõ dầy hơn hai tấc Trong đầu óc trẻ thơ của chúng tôi, chiến tranh không gây một ý niệm gì, chỉ thích thú khi đêm đêm được ngủ trong hầm, ngày ngày mấy chị em giăng màn trải chiếu chơi trò xây nhà, bán hàng trong hầm thật vô tư. Đêm về tiếng đạn bắn từ xa và tiếng niệm Phật rất gần của Bà, hai thứ âm thanh pha trộn lẫn nhau, như vết dao khắc sâu vào tiềm thức.

   Chỉ có con vàng, dù cố gắng cột lại thế nào cũng chạy thoát, Bác khổ sở lầu bầu cả đêm, sợ đạn bắn nhầm, nhưng sợ nhất là tiếng sủa của nó. Trong đêm yên lặng, tiếng chó sủa làm kinh động mọi người, tiếng Bác dỗ dành khe khẻ, con vàng rất thính tai, nghe tiếng động nhẹ, tiếng người đi soi nhái sau nhà, tiếng dân vệ đi nằm ngoài bờ phục kích, bất luận xa gần là đã báo động cả nhà. Bà tôi lại thì thầm niệm Phật, không biết nhờ sự nhiệm mầu hay lòng thành khẩn của Bà tôi mà tuổi thơ ngây ngủ ngon như lúa xạ, như nuớc nổi, và ngày tháng cứ bay qua nhanh, thật nhanh !

   Con vàng biến mất, Bác khổ sở đi tìm, mỗi ngày bác lang thang từ đầu chợ đến bến đình,  gặp đứa trẻ nào cũng hỏi có thấy con vàng không?  Trước đây con vàng thỉnh thoảng đi hoang, có lần trở về mình mẫy đầy thương tích Bác lại mắng 
 – Mầy hư quá, chắc lại theo gái hay gây sự đâu đó để người ta đánh cho bê bét .
   Bác mang con vàng xuống sông tắm rửa sạch sẽ, xin thuốc sát trùng bôi đầy người,  lại ra chợ xin bà hàng chút cháo thừa về cho ăn. Nhưng lần nầy con vàng đi đã hơn tuần mà không thấy bóng dáng, Bác ngơ ngẩn bồn chồn, Bà tôi lại an ủi
 – Chắc nó lại theo cái đâu đó. Chừng vài hôm nữa lại thấy mang thương tích về

   Thật ra thì Bà cũng không an tâm, giống chó rất trung thành, không có lý do gì mà con vàng lại bỏ đi quá lâu, chỉ sợ đã có chuyện gì bất trắc sảy ra, sợ nó đã nằm yên dưới lòng sông, hay là phơi xác bên bụi chuối góc vườn nào đó.  Con vàng là chướng ngại vật cho người đi đêm, tiếng sủa ầm ĩ cũa con vàng báo động cho mọi người chung quanh. Và ngại nhất là bọn người mang gánh đi bắt chó lang thang, nhưng con vàng khôn lắm, không dễ dàng bắt được, trừ khi bị đánh chết.
   Bác nhớ con vàng ngơ ngẩn, ngồi đâu lại lầm bầm
 – Sao mầy lại bỏ tao mà đi ??
   Đời sống Bác đơn giản, chỉ có con vàng theo bầu bạn bấy lâu, sinh ra bao giờ, thân thuộc những ai, quanh năm với bờ cỏ xanh, mấy hàng dừa hàng cau, nơi bến đình xó chợ, mấy hàng dừa cao rồi cũng lão, người ta sẽ đốn đi lấy đất trồng cam quít, cái đòn gánh mềm mại trên đôi vai trần rồi cũng sẽ quên đi, người ta mua máy bơm xây hồ chứa nước, chợ dời đi, cất lại, Bác chỉ còn con vàng là gần gũi là thân quen, là chút gì còn vương vấn của người bạn thuở ấu thời.

   Nhớ lại ngày thôi thúc về thăm quê, nhớ ngôi nhà lớn trong vườn thơm ngát mùi hoa, cậu Hai và mấy đồng bạc mới,  ngày gió bấc thổi mấy cái bánh tráng bay trong vườn quít đầy nắng trong, nhìn mấy ngôi mộ cỏ tranh che mất dấu,  Bác tẩn mẩn nhổ cho sạch cỏ, ôm đất đắp lại nấm mộ cho cao lên, thấy con chó nhỏ đói lã nằm lây lất bên chòm mả hoang, Bác thương hại chia cho nó miếng bánh bò,  không ngờ nó ăn xong rồi không chịu rời xa, Bác thấy nó chí tình nên săn sóc chờ nó hồi phục, hai thầy trò lặn lội dắt díu nhau về tận nơi nầy. Người bạn đường theo nhau từ vùng quê hương mù mờ, chút nắm níu, tưởng là suốt đời có nhau, không ngờ đến đây lại lạc mất đời nhau. Bóng Bác gầy gò thất thiểu, vẫn chờ đợi, vẫn lang thang 

– Vàng ơi ! sao lại bỏ tao? 

Vũ Thị Thiên Thư