Tạp Chí Nguồn Số 55 Năm thứ 11 Xuân 2015
Chim có tổ
Câu nói của Ông tôi
“ Chúng nó chỉ lấy mất của tôi căn nhà, nhưng con cháu của tôi đang ở khắp nơi, chúng nó sẽ xây dựng bao nhiêu căn nhà khác …”
Chim có tổ… Câu nói tự nghìn xưa, khi những cánh chim Hồng Lạc xuôi Nam tìm đất sống, cho dù trôi dạt bất cứ phương trời nào, tổ ấm vẫn là nơi chốn để quay về. Bài học lịch sử đã ngàn năm vẫn không thay đổi.
- Bố sang xem nhà thật à ?
- Ừ ! Bố sang trước, Mẹ sẽ sang cuối tuần nầy, đã có vé cho chuyến bay rồi.
Những dòng chữ điện thư không diễn tả hết nỗi vui trong lòng trẻ, càng không thể tả hết niềm xôn xao trong lòng cha mẹ. Có an cư mới lạc nghiệp, bắt đầu khi cha ông lưu lạc, cho đến những ngày mảnh đất nhỏ chia hai, từ ngọn Đông triều trên đỉnh Hoàng Liên Sơn về tận miền đồng bằng sông Đồng Nai, đến khi Bố vượt đại dương, Mẹ rời đồng bằng Cửu Long, lang thang từ thành phố về tận nơi sơn dã, cho dù bất cứ hoàn cảnh nào thì căn nhà vẫn là những ước mơ ấp ủ, là những cố gắng và nổ lực không ngừng để dựng xây.
1 Căn nhà thuở ấu thơ của Bố
Thuở thơ ấu, Bố là đứa con sinh sau đẻ muộn, ông Nội rời quê nhà đuổi theo những giấc mơ giang hồ vào Nam tìm đất mới dựng sự nghiệp, Bố sinh ra từ thành phố Sài gòn Hòn Ngọc Viễn Đông, khi Ông Bà đã gần nửa đời người. Đứa con trai nối dõi tông đường bệnh èo uột, Ông Bà lo lắng chắt chiu, theo lời khuyên cuả thầy thuốc, Bà Nội mang đứa con trai về quê nhà nuôi dưỡng. mong cho nó lớn lên khỏe mạnh hơn với không khí trong lành, cùng người dân quê mộc mạc. Nhưng chưa được bao lâu, lại phải chạy trốn tao loạn trờ về thành phố tìm chốn dung thân. Từ giã ngôi trường đơn sơ trong vùng quê xôi đậu, rạng ngày cờ Quốc Gia tung bay, đêm đêm Cộng Sản lần mò về lùa dân đi hôi họp tuyên truyền, cuộc sống luôn hồi hộp giữa hai lằn đạn phân tranh giành dân lấn đất. Từ sau chiến dịch kiểm soát tập trung dân cư thành lập Ấp chiến lược thời Đệ Nhất Cộng Hòa, những tưởng là đã an cư lập nghiệp, nhưng chiếc cuộc lan tràn, du kích cán bộ hàng đêm về thu góp, làm dân hay làm giặc đều không thể, cuối cùng Bà Nội lại phải lần nữa bỏ nhà cửa ruộng nương chạy về bám vào thành phố mưu sinh.
Trong mỗi gia đình, luôn ấp ôm niềm ao ước được an cư lập nghiệp, ông bà vẫn thường nhắc ” Sống có nhà thác có mồ mã “, Tiểu gia đình của ông bà Nội từ lúc bước đầu tạm trú với người thân, cho đến khi thoát ra những ngày ăn nhờ ở đậu, luôn sống với giấc mơ có được căn nhà nho nhỏ của riêng mình. Hình ảnh của căn nhà đó như một nỗi ám ảnh di truyền bao nhiêu thế hệ, luôn hiện hữu như lời nguyền tái sinh từ tiền kiếp, hiển hiện đến tương lai. Nhớ lại hững ngày chui rúc trong căn gác nhỏ, góc bếp chung đụng, cơm nước phải chờ đến phiên mình mới được thổi lửa. Những đêm cúp điện ngồi thu mình bên ngọn nến gầy lắt lay, ngày mưa già đếm từng giọt lanh tanh theo mái tôn nhỏ xuống chiếc thau nhôm hứng nước rỉ bên góc nhà. Kỷ niệm như cuốn phim trắng đen, in vào ký ức, đau rát như giọt lệ nến nóng bỏng trên ngón tay trẻ con tinh nghịch. Cảm ơn trời đất cho những vô tư, hồn nhiên miếng ăn cái mặc chưa biết lo lắng cuả thời thơ ấu,
Tuổi thơ mải rong chơi nên không màng đến những biến chuyển của thời cuộc, hàng ngày tụ tập với bầy trẻ con, chia bầy bắt nhóm trong các trò chơi, tất cả là thứ mật ngọt đậm đà đã dưỡng nuôi cho thời mới lớn. Cuộc sống cho dù khó khăn đến cùng tận, rồi cũng như ngày tháng sẽ mau qua.
Ở tạm, ở thuê, ở trọ cho đến lúc có được căn nhà xinh xắn trong chung cư, chưa được bao lâu, lại đối đầu cùng những khó khăn mới, cùng với bạn bè trang lứa xôn xao với cuộc chiến ngày càng sôi động, của tiếng gọi đôn quân nhập ngũ lên đường. Khoảng thời gian ngắn ngủi làm học trò mới lớn, hôm sớm vất vả với công việc mưu sinh, vừa có được mái ấm an cư chưa đủ thời gian để lạc nghiệp, lại cùng với sinh mệnh nước non dẫy chết. Rời quê hương đột ngột, bỏ cả người thân yêu, mất căn nhà êm ái, hành trang mang theo trong ký ức là niềm nhớ nhung khắc khoải, quắt quay một nửa vòng trái đất lạc loài.
2 Những căn nhà ấu thời của Mẹ
Con đường làng chạy dọc hai bên bờ dòng sông nhỏ hiền hòa hai mùa mưa nắng, bên hữu ngạn là khu chợ vừa thành lập thay cho chợ cũ nhóm trước sân đình, hai dãy phố mới đối mặt nhau song song, hàng số chẳn nằm phía trên bờ và hàng số lẻ là dãy nhà phía dưới bờ sông. Từng căn nhà gỗ khang trang rập theo một khuôn mẫu, san sát nhau mọc lên trên các lô đất đã hoạch định. Phía trên bờ nhà mặt tiền hai tầng, mái ngói đỏ bảng hiệu sơn hai màu cùng một thước tất [ công việc nầy đã là miếng cơm manh áo nuôi sống người thợ vẽ duy nhất của khu chợ quê]. Dãy phố mang số lẻ nằm bằng mặt dọc theo bờ sông, một nửa căn nhà nằm trên bờ lót gạch tàu son đỏ, nửa nhà sàn dưới mé nước thì xây trên cọc xi măng hay gỗ.
Thị tứ tràn lan về tận thôn quê, mái Đình làng và cây đa cùng với quán lá nhỏ dưới tàng lá xum vê rậm mát đã chìm vào dĩ vãng, thay vào là từng khu phố chợ khang trang. Mẹ sinh ra vào năm thanh bình giả tạo, đất nước chia đôi. Cuộc sống an lành của vùng quê như lúa mới trổ đồng đồng, hạt xanh non chưa kịp ngậm cơm trắng, thì dòng sông chia đôi theo con nước đồng đã cạn.
Hai năm sau ngày chia đôi đất nước, thanh bình như lửa rơm chưa kịp bén ngọn, thấp thoáng bóng áo đen về, truyền đơn rải dọc theo hương lộ, tiếng loa gọi, tiếng kèn tây vọng vào phố chợ lúc nửa đêm, cùng với tiếng đạn bắn sẻ bên kia sông, là dấu hiệu của du kích Việt minh kéo nhau về khuấy rối khu chợ quê. Các cơ cấu hành chánh còn phôi thai, chỉ có một tiểu đội Dân vệ và một ít súng nhỏ phòng thủ sau lô cốt. Hội đồng xã và các ủy viên, Thông tin, hộ tịch , Y tế đã về tận hương thôn phát thuốc dạy dân những phương pháp vệ sinh căn bản, phòng chống bệnh tật. Căn nhà trong phố chợ với cánh cửa gỗ dầy cũng đã chìm theo thời gian thụt lùi vào dĩ vãng, thay vào là giàn cửa sắt mới tinh kiên cố che thêm bên ngoài, tiếng đóng mở nghiến ken két như sấm sét xé tan những áng mây thanh bình vừa hội tụ.
Căn nhà hứa hẹn tự bao lâu của đôi vợ chồng trẻ, niềm xôn xao nao nức đợi chờ, động lực thôi thúc cho những ngày chan chát nắng trưa chèo ngược nước, những đêm sương thấm lạnh châu thân nằm gác mái chờ con nước lớn để xuôi giòng. Những giây phút nhớ làn da trẻ con nồng thơm mùi sữa cùng người vợ mới vừa bén lửa hương. Chiếc ghe lườn chở nặng những chuyến hàng xuôi ngược tận vùng giáp nước, vượt qua từng con kinh thơm ngát mùa lúa chin, bàng bạc khói đốt đồng, khi trở về phố thị chở nặng hương đồng nội cá mắm đầy khoang. Nhớ như in câu nói của vợ hiền và bức tranh đơn sơ giản dị, từng đồng bạc trắng giành dụm, những lúc canh con nái và bầy heo con, từng giọt mồ hôi nhỏ xuống đôi bàn tay để căn nhà nhỏ với khung cửa treo màn màu xanh, là màu xanh hy vọng cuả cuộc sống mới bắt đầu.
Căn nhà và khung cửa treo màn màu xanh mãi mãi chỉ là một giấc mơ không hiện thực. Nguyên nhân chính không vì năng tài bất lực, mà chỉ vì đạo hiếu tử nên không thể đành tâm. Nhất trưởng nam, khi cha mẹ còn tại đường thì phải luôn sớm hôm phụng dưỡng. Trong tay Ông Ngoại đã tạo lập được bao nhiêu căn nhà, từ căn nhà khởi xây trong khu chợ quê lúc mới thành lập, cho đến căn nhà nhỏ xinh xắn nằm trong vùng ngoại ô của tỉnh lỵ, nơi Mẹ và các dì cậu lớn lên, và cuối cùng là căn nhà trong khu chung cư mới thành lập ở thủ đô, nhưng rồi tất cả các căn nhà đã xây đó vẫn chưa một lần được chính chủ nhân trú ngụ.
Khu chợ quê hưng thịnh sau khi chính quyền vững mạnh đã quét sạch đám du kích về tận kinh cùng, cái tắc, Ngoại càng thành công trong thương trường, cơ nghiệp càng tích lũy, cùng với điện khí và phương tiện truyền thanh truyền hình về tận làng xã.
Thanh bình tái lập chưa bao lâu, chiến dịch nông thôn chưa kịp hoàn tất, nhà cửa ruộng vườn lại theo chiến tranh leo thang tiêu điều bỏ phế. Thế hệ thanh niên của Bố Mẹ cũng như dân lành cả nước lại nổi trôi bềnh bồng theo thế cuộc. Đến lúc vận nước đổi thay, nhà tan của nát, Giọt nước mắt lần đầu tiên trên đôi mắt Ngoại lăn dài xuống mâm cơm nguội lạnh nằm hững hờ, cố nuốt vào tận đáy lòng, nước mất rồi, còn nói gì đến dân chủ tự do ?
Căn nhà hương khói trong làng xây đã bao nhiêu năm nay, công lao mồi hôi cuả ông cha đổ xuống để tạo dựng, hy vọng truyền lại đời đời cháu con, những tưởng là sẽ luôn luôn tụ họp quay quần cúng giỗ lễ Tết, bây giờ nhà nước đã niêm phong, tất cả gia đình phải phủi tay bước ra, họ nhân danh cách mạng đến tịch thu gia sản. Tất cả các thứ gì trong nhà đều không được mang theo, cho dù chỉ là manh chiếu con, hay chiếc chén sành cùng đôi đũa tre. Thằng bé con đang bơi lội giữa buổi trưa dưới dòng sông, khẩn khoản xin được vào nhà lấy một manh áo che lại tấm thân trần, chẳng những không cho mà còn được giáng cho những ánh mắt lạnh lùng, và bài học cách mạng !! Tiếng cửa sắt kéo lại, âm thanh nghiến như nhát dao cứa vào tâm can đoài đoạn. Nước chưa mất sao nhà đã tan, giặc hay cướp đã đoạt đi công khó cha ông bao nhiêu đời lưu lại. Tất cả chỉ trong một phút tan như khói mây, còn cảnh nào thê thiết hơn nữa ?
Lang thang sau cuột vượt thoát lúc nửa đêm, chạy trốn trên chính quê hương mình. Khi thì tạm trú bên người thân nầy, lúc thì ở nhờ họ hàng bên nọ. Từ thành phố, về thôn quê, kiệt quệ, mỏi mòn. Căn nhà nơi Mẹ đã sinh ra, nơi chứa cả một trời tuổi thơ càng ngày càng xa như khói sương ảo ảnh, Đã mất đi nhà cửa thì còn nói gì đến lạc nghiệp an cư ?
3 Tổ ấm của bầy chim non
Bầy trẻ nhỏ như đàn chim non tung tăng, căn nhà mới xây hai tầng, sau những ngày tháng chờ đợi gội mưa dầm tuyết, chọn từng vuông gạch, lựa từng khung cửa, cuối cùng thì cũng đã hoàn tất. Nhìn chúng hăng hái chạy tung tăng khắp nhà, từng đứa mang sách vở, chăn gối vào phòng, nhìn quanh quất, tranh nhau cách bày biện ghế bàn giường nệm, niềm vui không giấu được trong những ánh mắt trẻ thơ.
Căn nhà cũ nằm trong ký ức của những ngày đầu tiên trên đất mới, trong thành phố nhỏ nằm bên bờ Michigan bát ngát. Căn nhà với số tuổi lớn hơn cả hai bố mẹ cộng lại, nơi chứa đầy tiếng khóc trẻ sơ sinh. Chiếc tổ con thu nhỏ lại dưới sức lớn nhanh cuả bầy chim non, lại một lần nữa Bố Mẹ như Tổ tiên đã tha con về phương Nam, xây tổ mới.
Mạch sống không ngừng chảy, bầy chim non cũng không ngừng lại mãi ở đôi cánh mỏng manh, chồi non rồi cũng trổ cành đơm lá. Những tháng ngày trong căn nhà êm ấm, bốn mùa rộn rã tiếng cười vui. Ngày khăn gói đưa con vào trường Đại Học, trong lòng như thấy mất đi một phần đời, mừng vui cùng lúc với thấm thía nỗi nhớ nhung con của cha mẹ. Bây giờ mới cảm thông tấm lòng thương nhớ âu lo, mới thấy công lao cuả cùng sự hy sinh vô cùng cuả cha mẹ.
Lúc bầy con khoát áo ra đi bước vào cuộc đời sinh sống, tổ ấm cũ đã thưa vắng tiếng cười nói của bầy chim non, vào ra chỉ còn lại đôi bóng tựa nương nhau. Những ngày xum họp tất cả các con rất hiếm hoi, một năm đôi bận, lại thở dài nhìn khói phản lực vẽ những đường cong trên bầu trời, trong đó mang theo tiếng cười, nhân dáng cuả con, lại thở dài bắt đầu cho những chờ mong cuả ngày con về xa còn xa lơ lất.
- Mai mốt bố mẹ mất đi thì mấy đứa chia nhau căn nhà, chỉ có thế thôi, chứ chẳng có gì hơn nữa đâu
- Em Bé còn ở đây thì sẽ lấy nhà, bọn mình đã đi rồi, không về lại nữa đâu .
- Em bé chỉ có một mình, nhà nầy lớn quá ở sao hết? Mai mốt mình muốn có nhà thì tự mua lấy.
Nghe bọn trẻ chuyện trò, lại nghĩ đến câu nói cuả Ông ngày xưa:
“ Chúng nó lấy mất cuả tôi một căn nhà, nhưng mai mốt con cháu tôi ở khắp nơi thì chúng nó xây lại bao nhiêu căn nhà khác lo gì ! “
Ước gì Ông còn thấy ngày nầy, khi Tiểu Hoàng báo tin từ phương nắng ấm “ Mình vừa ký giấy tờ, lấy chìa khóa nhà xong rồi đó Bố. “ .
4 Căn nhà cuả Tiểu Hoàng
Chuyến bay dài lê thê, với những chặng dừng tưởng như bất tận, đến phi trường John Ways bước chân đi chập choạng hoa mắt trước dòng người tranh nhau đứng lên vội vã. Hành trang bên cạnh các thứ dụng cụ để sửa sang nhà cửa còn mang nặng theo nỗi vui mừng không thể diễn đạt. Nhìn quanh dòng xe cộ nườm nượp đón đưa, khuôn mặt rạng rỡ, ánh mắt vui mừng, Tiểu Hoàng nói líu lo, câu chuyện dài huyên thuyên, hân hoan khoe thành tích, nỗi vui của hắn như ngọn gió thổi lây lan …
Dừng lại trước căn nhà nhỏ xinh xắn, mảnh sân trước con con rợp bóng mát bên cạnh cây dừa kiếng lá xanh mượt đong đưa. Căn nhà là ước mơ, là bắt đầu cho cuộc sống mới tự lập, Không thể hình dung ngày nào bế con khi mới cất tiếng khóc chào đời, cho đến ngày đầu đưa con đến trường, thời gian như mới hôm qua, bây giờ đã trưởng thành, đã tự lập cánh sinh đã tự mình xây tổ mới.
- Bố nghĩ thế nào
- Bố nghĩ là Mẹ sẽ rất thích cách ngăn chia phòng ốc, căn nhà tuy nhỏ nhưng rất ấm cúng, Lúc xưa đi đi xây nhà, Mẹ là người chủ động trong cách chọn lựa chia cắt các phòng ốc, Bố chỉ để ý đến các vật liệu, khung cửa sổ, tường vách, máy sưởi, xem họ có làm đúng như giấy tờ mình đã giao ước không. Nhà nầy Bố thấy nhỏ nhắn nhưng thoáng,và rất sáng sủa gọn gàng,
- Bố nghĩ là ngày mai mình đi mua vật liệu rồi sẽ bắt tay vào làm việc được chưa? Trước tiên là thay cái nền gỗ trong phòng tắm, nó mục rồi mình muốn bỏ đi thay bằng gạch men, còn các thứ khác thì từ từ thay cũng được.
- Tùy ý con quyết định, Bố chỉ giúp con sửa sang thôi, thích thứ nào thì dùng thứ ấy. Nhưng thường thì mấy thứ đó nên bàn với Mẹ trước, Mẹ tính toán chính xác lắm. Cuối tuần là Mẹ bay sang rồi .
Căn nhà đầu đời của con trai, là dấu hiệu trưởng thành, tự lực cánh sinh. không thể diễn tả được niềm hân hoan cũng như hạnh phúc nhìn thấy thành quả của những tháng ngày đôn đáo lo manh áo chén cơm, ngất ngưỡng chờ đón con từ các lớp học, những đêm chong đèn chờ con về nhắc nhở…
Chim có tổ… Cánh chim Hồng lạc xuôi Nam, cho dù lưu lạc bất cứ phương trời nào, tổ ấm vẫn là nơi chốn để quay về. Bài học lịch sử đã ngàn năm vẫn không thay đổi.
Vũ Thị Thiên Thư