Tờ Di chúc
• Betty, tôi sẽ gọi cảnh sát, bà trông chừng giùm tôi nha, xem thằng mất dạy kia đến làm gì đây.
• Đừng lo, tôi sẽ qua bên đó ngay, bà nhớ báo cho Doris , tôi sẽ báo cho Penny.
Mấy người đàn bà kéo nhau đến trước nhà Daisy, tên đàn ông trung niên đang loay hoay cạy ống khóa, gã quay lại sừng sộ với các bà
• Mấy người kéo lại đây làm gì ? vào nhà không xin phép, đi ra ngay, không thì tao gọi cảnh sát .
• Không cần đâu, cảnh sát đến bây giờ đó, liệu mà trả lời, ai là người cạy cửa nhà. xâm phạm gia cư bất hợp pháp
• Nhà nầy cuả Dì tao, ai cấm ?
Ánh đèn xanh đỏ cuả xe cảnh sát vừa tắt, nhân viên công lực mắc sắc phục bước xuống, đảo mắt nhìn mọi người,
• Chuyện gì sảy ra ?
• Mấy người nầy vào nhà không có phép, tôi đuổi họ ra.
• Ông là chủ cuả căn nhà nầy?
• Chủ nhà là Dì cuả tôi
• Tại sao mấy người nầy gọi chúng tôi ? Báo tin có trộm đạo đang cạy khóa?
• Dì tôi đã vào nhà dưỡng lão.
• Anh có giấy uỷ quyền không? Không thì tôi sẽ bắt anh tôi xâm nhập gia cư bất hợp pháp, anh có gì chứng minh là anh là cháu cuả Bà ta không ? Mấy người nầy nằm trong tổ chức tương trợ cuả xóm nầy, họ có quyền báo cáo khi người lạ xâm nhập, tổ chức bài trừ tội ác, giúp đỡ người cao niên,
• Tôi là cháu cuả bà, không tin thì đến viện dưỡng lão hỏi xem xem bà có nhận ra tôi hay không.
Gã nắm chắc, vì hôm qua gã đã vào viện dưỡng lão và khéo léo đóng kịch thương yêu săn sóc, Dì Daisy đang dưỡng bệnh trong đó, cho dù không còn đi lại vững vàng, nhưng dĩ nhiên là vẫn còn sáng suốt và nhận ra gã. Vì ngoài gã ra thì Dì không còn ai là người có liên hệ huyết tộc.
Dì là người em cuối cùng cửa Mẹ hắn, mấy người kia đã lần lượt qui tiên. Trước sau gì thì căn nhà và tài sản cuả bà ấy cũng vào tay gã. Mấy mụ hàng xóm đáng ghét nầy có thẩm quyền gì ngăn trở gã chứ ? Họ không bà con thân thuộc gì cuả Daisy. Gã tưởng như đã cầm chắc trong tay, lợi dụng thời cơ, lúc Daisy phải vào nằm trong viện chờ hồi phục, hắn toan tính đến lấy trước một ít vật quí giá , nhân tiện thay luôn bộ ổ khóa cửa chính cuả căn nhà. Hừ! không bị mấy mụ nầy phá rối thì gã đã làm xong rồi. Đúng là lũ đàn bà ăn không ngồi rồi, chắc là mụ ta canh chừng từ bao giờ, hắn chưa kịp thực hành thì đã thấy cảnh sát tới. Bọn nầy y hệt như bầy kên kên, xác chết chưa thối đã thấy chúng bu quanh rồi. Gã hậm hực trở ra xe, bọn người nối đuôi nhau như những toa tàu hoả theo chiếc đầu máy…
• Daisy, má phải ăn thêm một miệng thịt nữa, món thịt bò xay đúc lò nầy má vẫn ưa thích mà.
• Penny, ngán tận cổ rồi, ăn thêm một miếng nữa thì ta ói ra đó, mắc chứng gì mi cứ thúc ta ăn vậy ?
• Má, có ăn mới chóng lại sức chứ, sắp sang xuân rồi, mấy hàng Tulip sau vườn nở hoa không ai ngắm.
• Ừ! Có ta hay không thì chúng nó vẫn nở thôi, Mang cái mâm nầy đi, ta không muốn ăn nữa. Đưa cái tuí len lại đây, xem mi đan đến đâu rồi . Ây !! Penny, mũi chỉ phải khít lại, mối miếc lung tùng thế kia, mi đan nón cho trẻ sơ sinh, chứ có phải đan cho người to đầu đâu rộng thùng thình như vậy ?
• Mũi đan khít lắm rồi má, coi nè, đẹp hén.
Người đàn bà da nhăn nheo, mái tóc bạc phơ, ngồi trên chiếc xe lăn bên cạnh cửa sổ, chiếc khăn thêu đắp ngang chân. Khuôn mặt gầy gầy, thanh tú, đầy nếp nhăn , nhưng không mất đi vẻ yêu kiều cuả một thời xuân sắc, những ngón tay xương xẩu cong queo, dị hình, hậu quả cuả căn bệnh thấp khớp, nhưng trong đôi mắt sắc vẫn lấp lánh tia lửa mệnh lệnh. Ngưởi phụ nữ ngồi đối diện với bà, trên chiếc ghế nhỏ, không thể ước đoán được bao nhiêu tuổi, trông hiền hoà, ngây ngô chất phác, cử chỉ chậm chạp, vụng về, trên tay bà ta là hai chiếc kim đan, lọn chỉ len đổ long xù xì chứng tỏ đã được sử dụng nhiều lần Nhìn hai mái đầu kề nhau, trái ngược như hai thái cực, không thể nào mẹ tiên đẻ con cú ? Dù vậy, hai người vẫn chuyện trò nhẹ nhàng, chứng tỏ mối tương quan rất mật thiết.
• Daisy, bà có khách đến thăm
• Nếu là tên vô loại thì bảo tôi không muốn gặp hắn.
• Bà nói gì cơ ?
• Thôi được, nếu là Larry thì bảo tôi không khỏe, hắn muốn gì thì hôm khác tới.
• Daisy, ngoài Larry có cả nhân viên công lực và mấy bà láng giềng cùng đến .
• Lại chuyện gì nữa đây, thật là phiền toái quá, Penny, mi đẩy ta vào phòng khách đi.
Mấy bà hàng xóm cũng vừa vào tới phòng khách chung, họ lẵng lặng ngồi xuống ghế chờ xem màn kịch diễn ra. Nhìn những khuôn mặt quen thuộc chunh quanh mình, Daisy cất tiếng
• Ủa, hôm nay chưa phải là ngày sinh nhật cuả tôi, tại sao mọi người đến chúc mừng sớm vậy ? Chào Danny, hôm nay không đi làm việc sao ? Ông cũng đến chúc mừng tôi đấy à, thôi đã đến rồi, cảm ơn mọi người nhé, hãy giải tán đi, tôi sẽ về phòng bây giờ.
• Chào Daisy, bà khỏe chứ? Thật ra thì tôi đang trong giờ làm việc đây, tổ chức “ Bảo vệ láng giềng, phòng ngừa tội phạm ” quí bà nầy gọi báo, nên toi phải đến đây gặp bà, chỉ cần bà xác nhận là ông bạn nầy có thẩm quyền đến thay ổ khóa cưả nhà cuả bà thì tôi sẽ xong công việc.
• Ông ta có mang theo giấy tờ chứng minh là thợ chữa ổ khoá hay không? Và ai gọi cho ông ta đến làm việc đó ?
• Ơ ! Dì Daisy, là cháu Larry đây mà. Cháu đến trông nhà cho Dì …
• Tôi có nhờ anh bao giờ không? Mắc mớ gì anh lại đổi ổ khoá nhà tôi? Anh bạn dân nầy, tôi là chủ nhân , và chưa chết, chỉ vắng nhà thôi, vậy ra cũng có trộm đạo đến viếng khu phố rồi sao ? Mấy bà láng giềng nầy, tôi ủy thác cho họ trông coi nhà cửa dùm, có chuyện gì đã sảy ra ?
• Thưa bà, họ báo cho tôi, nếu như bà xác nhận không hề ủy quyền cho ông đây thì mời ông theo tôi về văn phòng, nhiệm vụ cuả tôi là lập biên bản, còn chuyện phạm pháp hay không thì ông ra toà mà trình bày.
• Betty, Doris, Liliam…cảm ơn quí bà đã trông chừng nhà cửa cho tôi, tiện thể, khi nào thấy ruồi nhặng, rác rưởi thì quét hộ tôi luôn nhé, vài hôm nữa tôi sẽ về lại.
• Bà cứ an tâm dưỡng bệnh đi, có chúng tôi chăm sóc nhà cửa cho bà, Penny sẽ vào thăm bà và báo tìn thường xuyên, thôi chúng tôi về để bà nghỉ ngơi nhé.
Mấy bà đứng dậy theo nhau ra cửa, không quên ném sang Larry những tia nhìn mãn nguyện. Gã ấm ức vì thua mấy người đàn bà thì ít, mà oán Daisy nhiều hơn “ Thử xem bà còn giữ được cái mạng già và căn nhà nầy bao lâu nữa” Gả nhủ thầm.
Khu phố cổ thật bình an, Daisy là một trong những người đầu tiên đến cư trú. Ngôi thánh đường trang nghiêm nằm ở đầu phố, tháp chuông cao vút thả từng hồi báo giờ thánh lễ hàng ngày. Các cư dân lâu đời cuả phố, họ rất thân thiết với nhau, bà là người tuổi cao hơn cả, con số còn lại cũng mòn mỏi theo tháng năm, từng mùa đông qua, lại thêm một chiếc lá lìa cành, bà cũng không biết mình còn sức chịu đựng bao lâu nữa, nhưng cuộc đời bà, không có gì phải hối tiếc. Bà đã thấy bao nhiêu mùa xuân hoa tươi , bao nhiêu mùa thu vàng lá, từ những đứa trẻ thập thò gõ cửa nhà muà Hallowin, cho đến khi chúng dẫn con cái đến trước nhà hát Carol trong mùa Thánh Lễ Giáng Sinh …
Con bé Penny, ngày bà nhặt nó trong cái bọc giấy dầu lót sơ sài bằng chiếc áo cũ, còn đỏ hỏn, da dẻ tím ngắt, tiếng khóc khản không thoát ra cái miệng nhỏ nhoi, hơi thở mong manh. Âu cũng là mối duyên, nếu bà không trở lại nhà thờ vì bỏ quên tập nhạc thì con bé chắc đã chết cóng mất rồi. Vào trình với cha xứ, không ai biết con bé đến từ đâu. Cuối cùng thì Cha xứ hỏi bà có muốn nhận nó làm con không? Bà ngần ngừ, vì nuôi dạy một đứa trẻ, trong hoàn cảnh cuả bà, thật là khó mà chu toàn. May mắn thay, ông bà Carter ở cuối phố, xem như Thiên Chúa ban ân, họ hiếm muộn chỉ có một đứa con gái, nên sẳn sàng cưu mang thêm con bé bệnh hoạn ngặt nghẹo nầy. Không ai nghĩ nó có thể sống được, huống gì lại khôn lớn , vậy mà, Chuá xót thương, nó vẫn trưởng thành, đi học đến hết bậc tiểu học, không lanh lợi như người bình thường, nhưng lại rất hiền hoà trung hậu. Vì mối duyên lành đó, cho dù không trực tiếp nuôi dưỡng nó, nhưng bà vẫn thương yêu chăm sóc nó, coi nó như đứa con bà không có diễm phúc cưu mang.
Bố Mẹ nuôi cuả nó, Ông bà Carter, Thiên Chuá đã đón đi rồi. Hai đứa con gái, đứa con đẻ khôn ngoan, thành công khắp mọi mặt, nhưng không vì thế mà bỏ bê con bé khờ dại nầy. Con chị Anna luôn luôn bao bọc, chăm chút cho nó. Sau khi Bố Mẹ mất đi, chỉ riêng phần gia sản chia đều cho cả hai, đã có thể bảo đảm cho Penny đến cuối cuộc đời. Dù vậy, hàng năm, dù đang lưu diễn bất cứ nơi nào, con bé chị Anna vẫn trở về chăm nom, thanh toán các thủ tục cần thiết, cũng như giấy tờ quan trọng, đễ bảo đảm tiền chi phí hàng tháng cho Penney. Kể ra thì Anna cũng có tình có nghĩa đó chứ, từ thuở nhỏ, nó đã biết dang tay che chở cho Penny. Khi mới bắt đầu tấp tểnh vào trường học, bầy trẻ con thấy Penny khù khờ, luôn theo trêu ghẹo bắt nạt, biết em mình không có khả năng tự vệ, Anna luôn sẳn sàng kề cận chunh quanh để chống lại bọn trẻ con vô ý thức.
Daisy chợt nghĩ đến tên Larry vô loại, còn cái mối dây oan nghiệt nầy, không thể chần chờ lâu, mình chưa chết mà nó đã trổ mòi bất lương rồi, ngữ nầy thì không thể dung thứ được nữa. Bà mĩm cười, mình sống ngần tuổi nầy, không lẻ với chút sức tàn lại không gánh được chuyện hậu sự hay sao ? Bà quay lại bảo Penny
• Mi bấm số điện thoại cho ta, gọi lão luật sư Myzak, bảo hắn mang hồ sơ di chúc sang cho ta có chút chuyện cần bàn.
Tin tức lan nhanh, ngày cử hành đám tang cuả Daisy, theo thư mời thảo trước, đình kèm chữ ký cuả chính bà, ủy nhiệm cho Luật sư Myzack , người thay mặt gia đình đứng ra tổ chức tang ma, từng chi tiết, đã được ghi chép cẩn thận, cha xứ làm chủ lễ, sau đó di chúc được đọc ngay với sự chứng kiến cuả mọi người. Trong thiệp báo tang đã ghi rõ ràng, xin miễn phúng điếu, xin miễn vòng hoa, áo tang .
• Betty, bà nhận được thiếp tang chưa?
• Nhận rồi, còn bà ?
• Vâng, tôi thắc mắc là miễn phúng điếu, miễn vòng hoa, miễn tang chế. Lạ thật, cũng không thấy ghi cống hiến cho cơ sở thiện nguyện, bà ấy vẫn là thành viên tích cực hoạt động kia mà
• Tôi cũng hơi ngạc nhiên, không lẽ là Daisy không còn tỉnh táo ? Nhưng chính bà tự tay viết thiếp báo tang kia mà, tức là bà đã sắp sẳn mọi việc rồi.
• Bà không lạ gì tính cuả Daisy, và cả lão Myzak nữa, cả hai người đều không tính toán chi ly hay sao? Chuyện khó tin đó.
• Tôi nghĩ Daisy có lý do riêng, bà ấy luôn làm việc cẩn trọng, ta cứ chờ xem
• Bà nghĩ là có nên mặc áo đen đi dự tang lễ không?
• Ấy, bà biết rồi mà Daisy rất ghét màu đen, chưa kể bà lại quên nữa rồi, thiếp mời dự đám tang ghi rõ: Xin miễn tang phục.
Đại sảnh cuả nhà quàn, ánh bạch lạp lung linh, Daisy nằm bình an trong áo quan đặt cuối căn phòng. Trên dãy ghế cho khách đến dự, đã thấy đủ mặt cư dân cuả cả khu phố, chưa kể họ đạo, hội các Mẹ …Penny ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế bành, ánh mắt đỏ hoe nhìn ngơ ngác. Larry lăng xăng chào khách, bộ mặt đóng kịch đau buồn xót thương cuả hắn càng làm mọi người thấy chán ghét thêm. Tiếng cầu kinh rì rầm cuả qúi bà trong hội Thánh Giá, cha sở đến làm lễ cầu nguyện, sau khi hoàn tất thánh lễ thi hài Daisy sẽ được hoả táng theo ý nguyện.
Tang Lễ scử hành đơn giản, suốt cuộc đời Daisy làm việc tận tụy, khi về hưu, khi không còn đủ sức khỏe để du hành, bà vây bọc quanh mình với những kỷ vật khắp các nơi bà đã thăm viếng. Từ vùng hải đảo NamThái Bình Dương bao la, đến vùng tuyết băng Alaska trắng xoá. Khi thì vùng cát trắng Đại Tây Dương đến sa mạc vàng Điạ Trung Hải. Mỗi một châu lục địa, dị thảo kỳ hoa, cho đến nụ hoa vàng đơn giản trong vườn nhà, nơi nào bà cũng cảm nhận sức sống diệu kỳ, thiên nhiên diễm tuyệt. Cuối cuộc đời, như bà vẫn thường nhìn vào đôi mắt xanh trong đơn giản cuả Penny, không còn điều gì hối tiếc .
Cha sở thông báo cho mọi người vui lòng nán lại để dung bữa cơm trưa, do Daisy khoản đãi theo thư mời. Sau đó , sẽ công bố di chúc như bà đã căn dặn. Larry hớn hở nhìn quanh, phen nầy thì cho mấy người hết ngăn trở, hắn đã nghĩ đến chuyện sẽ mang thứ nào đi bán, đầu tiên là chiếc đại dương cầm hy vọng sẽ còn đắt giá, các bức tranh vô tri chẳng biết được bao nhiêu tiền, mấy bức tượng bà cưng như báu vật, các thứ kỷ vật bà thu thập khi du lịch khắp các nơi.
Lão luật sư Myzak cẩn thận lau đôi tròng kính đeo mắt, rồi mở cặp hồ sơ, tài sản cuả Daisy ngoài các báu vật, hiện kim, căn nhà đang sở hữu, cùng hộp nữ trang … tất cả chi tiết được liệt kê rõ ràng kèm theo giấy biên nhận sở hữu chủ, bảo hiểm… Không ngờ bà ta giàu hơn mọi người tưởng tượng. Larry nuốt nước bọt, ngần ấy thứ, bán ra cũng hơn nửa triệu bạc, chưa kể căn nhà, thật không thể tưởng tượng tại sao bà vẫn cư trú trong cái xóm nhà nghèo nàn đó .
Sau phần liệt kê tài sản là phần thừa hưởng, tặng phẩm cho mỗi người. Myzak đọc từng câu, từng tên người mồ hôi Larry toát ra từng hạt, lăn dài xuống thái dương. Cây đàn Đại dương cầm tặng cho nhà thờ, con số hiện kim chia đều cho cơ sở dưỡng lão, nhà nuôi trẻ mồ côi, và chương trình bảo vệ sự sống. Còn các bảo vật trong nhà, cái bình cổ tặng cho Betty, bức tranh Monée cho Doris, chuổi ngọc trai Tahiti cho Anna…Từng người, không thiếu một tên nào, nhưng quan trọng nhất là chưa nghe nói gì đến người thừa hưởng chính là hắn. Cứ cái đà nầy thì chẳng còn lại gì, bà ta có điên chăng? Không sao, còn căn nhà, bán ra cũng cả mấy trăm nghìn. Larry bồn chồn nhìn xấp giấy cạn dần trên tay lão Myzak…
Chiếc xe Cadillac cà tàng, đã mười lăm tuổi thuộc về hắn, Larry thở phào hớn hở, chờ đợi…. Cuối cùng, chỉ còn lại căn nhà, một ít vật dụng, và khoảng tiền tiết kiệm, con số không nhỏ còn lại trong ngân hàng. hắn có nghe lầm không ? Penny, con mẹ dở người dở ngợm kia chính là người được thừa hưởng.
• Hả ! Ông đọc nhầm tên rồi , Larry chứ không phải Penny,
Hắn gào lên. Lão Myzak lặng lẽ nhìn hắn, bọn đàn bà quay lại, những cặp mắt sắc như nhát dao cứa từng mảnh da, không thể nào, làm sao có thể như thế được? Hắn là người thừa kế, người cuối cùng có liên hệ huyết thống kia mà. Hắn chồm tới, định giằng lấy xấp giấy tờ, nhưng cánh tay cuả Danny nhanh hơn, như chiếc kẹp, nắm chặt hắn kéo lại, tia mắt anh cảnh sát viên nhìn thẳng vào mặt hắn gằn giọng,” Ông mà làm rối loạn nơi tôn nghiêm thì tôi sẽ không tha …”
“ Tôi , Daisy… Viết di chúc nầy trong tinh thần sáng suốt …có nhân chứng ..” Lão Myzak chấm dứt bản di chúc, thong thả đóng cặp hồ sơ lại.
Cha sở làm dấu thánh giá và đọc kinh cầu nguyện, nắp áo quan hạ xuống, che kín khuôn mặt nhăn nheo an bình cuả người đàn bà, dường như nụ cười lung linh phiêu phất nở trên đôi môi xanh không còn sự sống …
Vũ Thị Thiên Thư