Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui 4

Nắng chiều

Mẩu đối thoại sau đây , ghi lại trong cuộc sống hàng ngày ,

xin tặng cho đời một nụ hoa tươi .

 

– Peggy , mai nghỉ làm , có định đi chơi đâu không ?

– Vâng , mai được nghỉ nên tôi đến đón Mẹ đi chơi

– Oh! hạnh phúc quá , được ở gần để đón Mẹ đi chơi hàng tuần .

– Tôi chỉ mong là được săn sóc Mẹ hàng ngày , nhưng mẹ tôi bị bệnh lãng trí đó Dolly à, Cụ không thể sống một mình , cụ vào nhà dưỡng lão mấy năm nay rồi .

– Xin lỗi, tôi không biết .

– Mẹ tôi tự chọn nơi ở đó, Mẹ luôn tự quyết định cho chính mình, khi cụ tám mươi lăm thì cụ không xin gia hạn bằng lái xe nữa, lúc trí nhớ bắt đầu giảm sút, Mẹ thu xếp nhà cửa, chia hết tư trang rồi xin vào trung tâm người già cư trú.

– Cụ tự nguyện vào nhà dưỡng lão sao ?

– Vâng Dolly, Mẹ tôi luôn luôn là người chủ động, Cụ muốn tránh cho con cái vấn đề nan giải, nhất là baỏ chúng phải gánh vác chuyện chăm sóc cho mình , nên Mẹ làm trước mọi việc , từ chuyện cư trú cho đến tang ma, cụ đã viết thành chúc thư tất cả rồi.

– Nhưng bổn phận làm con cái, lào sao chúng ta không lo lắng chu toàn cho Mẹ được ?

– Mẹ tôi cương quyết lắm, Cụ vào viện hơn bốn năm rồi.Chúng tôi luân phiên nhau đến trông nom hàng ngày. Chỉ có chị cả cuả chúng tôi ở xa, cho nên chị hàng năm chỉ có thể về chừng hai tuần lễ thôi , trong suốt khoảng thời gian nầy , chị chăm sóc, kề cận bên Mẹ.

– Sinh hoạt cá nhân hàng ngày cuả Cụ ra sao ? Cụ có còn tự mình làm được các việc vệ sinh không ?

– Chỉ cần nhắc nhở thôi, như chuyện giờ giấc nào nên ăn uống, các thứ thuốc men, giữ gìn vệ sinh hàng ngày.

– Thế Cụ có nhớ các con không?

– Lúc nhớ , khi quên Dolly à, ban đầu tôi buốn lắm , nhưng dần dà cũng quen đi, bớt tủỉ thân..

– Thú thật là tôi chưa hình dung được. Đừng buồn khi tôi hỏi tò mò quá, Vì tôi cũng có những khó khăn riêng.

– Vâng , khó giải thích lắm, nhưng tôi tự nhủ “Đây là lúc Mẹ cần mình “ thế nên tôi quyết định xin đổi việc làm, tôi chọn công việc nầy để thuận tiện đi về chăm sóc Mẹ.

– Tôi rất ngạc nhiên khi biết với học thức và kinh nghiệm làm viêc cuả Peggy, tại sao lại nhận công việc không xứng đáng tí nào .

– Tôi biết công việc nầy không đúng khả năng, nhưng giờ giấc thuận lợi cho tôi, Cầu Ân Thiêng ban phước , bao giờ chu toàn cho mẹ thì tôi sẽ tìm việc khác muộn gì . Công việc thì luôn luôn có , nhưng Mẹ chỉ có một cơ hội nầy thôi

– Tôi phục Peggy quá, sự hy sinh và chọn lựa cuả bà thật là hiếm có trong cuộc sống bon chen nầy .

– Không hiếm đâu, nếu là Dolly, tôi tin là bà cũng làm như vậy thôi.

– Vâng, chỉ tiếc là tôi không có cơ hội, gia mẫu qui Tiên nhanh chóng quá

– Oh ! xin chia buồn với Dolly, Cụ mất bao lâu rồi ??

– Cảm ơn Peggy, khi nhận được tin Cụ bệnh nặng, tôi hối nhà tôi nên lên đường về với mẹ ngay.Tôi sẽ thu xếp côn việc nhà rồi sẽ theo sau . Nhưng khi anh ấy về đến quê nhà thì Mẹ cuả chúng tôi đã đi rồi .

– Cụ đi nhanh quá, để lại tiếc thương, nhưng như vậy thì sẽ không đau đớn kéo dài .

– Vâng, năm trước tôi về thăm, Cụ đã trối sống, người bảo lần sau con về , sẽ không thấy Mẹ nữa đâu . “ Tôi nói với cụ là “ Mẹ an tâm , sang năm con lại về mà .” Me vẫn nhất quyết là “ Lúc đó Mẹ đã đi theo Bố rồi “

– Cụ tiên đoán được điều đó sao ?

– Những năm gần đây, Mẹ cứ bảo là cầu mong Bố về đón. Cụ cũng lãng trí nhiều rồi, có khi tôi đang ngồi ngay trước mặt mà Mẹ vẫntìm quanh quất, chừng nhận ra tôi thì mẹ cười thật rạng rỡ. Tôi nhớ Mẹ quá Peggy à !

– Dolly, mình không thể giữ mãi Mẹ, Ngày nào còn có nhau , ngày ấy mình chu toàn thôi.Cụ bệnh thế nào mà mất vậy ?

– Mẹ chỉ chớm bệnh lãng trí thôi, tuy không nhớ chuyện hiện tại, nhưng nhớ chuyện cũ từ lâu lắm …năm trước về thăm , nhà tôi thường mắc võng dưới gốc cây nằm nghỉ trưa, Mẹ mang ghề đẩu ra ngồi bên cạnh , đong đưa chiếc võng và hát ru hàng giờ .Những câu hát ru con đã từ lâu lắm rồi Mẹ vẫn nhớ như in .

– Lạ thật, mẹ tôi cũng thế, hình như âm nhạc thật kỳ diệu, bà không còn đánh đàn, ngón tay bệnh phong thấp nên đã hư từ lâu, nhưng vẫn còn nhớ bài hát, ngày xưa bà từng là giọng hát chính trong ca đoàn cuả Xứ Đạo chúng tôi .

– Oh ! Cụ giỏi quá vậy .

– Vâng Mẹ tôi dạy âm nhạc và hội hoạ , sau khi về hưu thì Mẹ đàn cho thánh lễ và hát cho ca đoàn, cho đến khi sức khỏe không cho phép nữa.

– Sau đó cụ có còn hát không ?

– Chỉ thỉnh thoảng thôi. Sau khi mắc bệnh thì Mẹ rất giới hạn chuyện đi lại. Lần tôi đưa mẹ đi xem nhạc kịch , ra về Mẹ hát suốt một khoảng đường trong khi tôi lái xe, mấy chị em chúng tôi cũng hát bè theo, khi đến Viện , cụ khen chúng tôi hát hay lắm

– Mà Cụ có khen thật không ?

– Đó là lần đầu tiên tôi thấy Mẹ vui như vậy, từ khi nhập viện thì Mẹ rất lặng lẽ, it khi cười nói. lần nầy, Mẹ khen, chúng tôi nhìn nhau rơi nước mắt. Cái vé nhạc kịch thật là cắt cổ, nhưng có tốn tiền hơn con số đó để được thấy Mẹ vui, chúng tôi cũng cam lòng đó Dolly.

– Vâng, tôi hiểu điều đó, Mẹ tôi rất thích nước hoa, lần nào về tôi cũng mua và mang cho Mẹ .Sợ tốn tiền, Mẹ cứ bảo thôi, nhưng nhìn thấy Mẹ vui, thì mình làm sao ngừng lại được ?

– Đúng vậy , Mẹ tôi cũng rất thích quần áo lót bằng lụa, hàng tuần tôi phải đến lựa riêng ra và mang về nhà giặt, vì tôi không muốn nhân viên phục vụ cho vào giặt chung và làm hỏng hay thất lạc cuả Mẹ. mà lạ hén Dolly, tại sao có những thứ mẹ tôi nhớ, mà thứ khác lại quên ?

– Điều nầy không thể giải thích được, trong bộ óc kỳ diệu cuả con người, căn bệnh Lãng trí nầy đóng lại những ngăn nầy và chừa ra ngăn khác …

– Thật buồn cười, vì tôi vào thăm mẹ , gặp một bà cụ khăn áo chỉnh tề, trang điểm cẩn thận, xách ví tay đang đi xuống nhà ăn, chưng diện như đi ăn tiệc, và trên tay bà đang mang vớ.

– Oh ! Thật vậy sao ?

– Tôi không nói ngoa, Cụ có thói quen mang vớ, nhưng lại không nhớ là phải xỏ vào đâu, nên lấy vớ ra rồi tần ngần, khi cảm giác bàn tay đang lạnh, thế là cụ tròng vào tay …Tôi hặp nhiều cảnh , không biết nên cười hay khóc , gặp một bà cụ khác mặc quần áo lót cẩn thận, nhưng lại mặc ra bên ngoài quần áo thường …Họ chỉ nhớ là phải mặc quần áo lót, nhưng không thể phân biệt được là nên mặc bên trong hay bên ngoài, thật là cơ khổ .

– Chứng bệnh nầy rất lạ lùng, lúc Mẹ bắt đầu kể những chuyện không đầu đuôi, tôi đã cảm thấy bất an, đến lúc không nhận ra tôi, tôi lo lắng quá, vì nghe kể lại những trường hợp các cụ đi lang thang ra ngoài, không nhớ lối quay về, phải luôn có người canh chừng, may mắn là Mẹ tôi yếu sức , nên người không thể đi xa, và Cụ hay sây sẫm, có khi té lăn ra đất, tay chân trầy sướt … nhìn thấy thật xót xa cả lòng dạ.

– Tôi nhớ khi Mẹ tôi mới bệnh, Cụ vẫn còn tự nấu ăn, nhưng khi cụ bắt đầu quên tắt bếp, hay đứng ngẩn người tay cầm hai miếng bánh mì, loay hoay không biết cách nào để cho vào lò nướng. Bấy giờ tôi biết không thể kéo dài thời gian lâu hơn, mẹ cần người theo dõi thường xuyên, nên tôi mới tuân theo ý mà đưa cụ vào Viện dưỡng lão đó . Nhưng lòng tôi cắn rứt vô cùng, thấy mình bất lực, không chăm sóc cho Mẹ được, khổ nổi, tôi không thể nghỉ việc hoàn toàn, tôi cần bảo hiểm sức khỏe, và cần tài chánh .

– Peggy, bà không thể làm hơn nữa , bà đã cố gắng hết khả năng rồi, tôi cảm phục sự hy sinh cuả bà lắm .

– Cảm ơn Dolly, chuyện trò với nhau, tôi thấy nhẹ cả người, sự thông cảm cuả bà là phần thưởng cho tôi ,

– Không phải khách sáo Peggy à , cuộc sống hàng ngày quá tất bật, tin tức chỉ là những mẩu tin gây sự chú ý và chấn động, lung lạc niềm tin, không mấy ai chịu chú ý đến những tấm gương hy sinh âm thầm, ít người bỏ thời gian nhìn nụ hoa mới nở, nghe tiếng chim kêu thanh thoát đầu ngày, Chúng ta có cơ hội chia sẻ với nhau , đó là niềm hạnh phúc vô biên .

 

Vũ Thị Thiên Thư

 

Thảo trang

Thảo Trang

Em mang sương sớm vương ngọn cỏ
Trải nắng dương hồng giăng ước mơ
Lợp mái tình thương căn nhà nhỏ
Mượt mà tơ gấm nhạc cùng thơ

Em gom nắng hạ về nhom lửa
Sưởi ấm chung tình lúc đông sang
Nhặt lá thu vàng bên song cửa
Kết thơ thành chuổi gởi mây ngàn

Em gánh mùa xuân ươm hy vọng
Chồi non lộc biếc thêm sắc hương
Thảo trang khiêm tốn ân tình trọng
Mặc khách khiêm cung tiếng cát tường

Vũ Thị Thiên Thư

Đi trong lòng quê hương mới

Đi trong lòng quê hương mới

Ba tôi, người truyền cho tôi dòng máu mê thiên nhiên, lang thang khắp chốn …
*
Những năm đầu trung học, khi chương trình học của các lớp đệ thất Ban Anh Văn bắt đầu bằng English For Today quyển 1, sau đó là đệ lục quyển 2, tôi nhớ không lầm thì quyển 3 học về bảy kỳ quan thế giới, trong đó có Old faithful Grand Canyon,Tah Mahal, Luxamburg Garden, Pyramid, Golden Gate Bridge, Niaraga Fall và Mammoth Cave.
Mamnoth Cave. Một trong các kỳ quan thế giới, như bài học thuở nào, những năm ước mơ vác ba lô theo đoàn, đi cho thấy hết bao nhiêu chặng đường quê hương yêu dấu.

Tháng chín, những ngày hè sắp qua, mùa Lễ Lao Động, dịp nghỉ lễ cuối cùng cho mùa hè, chờ một năm học mới bắt đầu. Lang thang theo nhau về miền Blue Grass [Kentucky]. Buổi sáng sương đẫm trên ngọn cây, mặt trời còn ngủ nán, chút xôn xao, chất vội hành trang, lần lượt cho vào phía sau chiếc xe. Giờ khởi hành, đóng lại cửa, cột dây an toàn, nhìn lại căn nhà nằm im lìm trong ánh sáng mờ nhạt…
Những ngọn đồi thấp cỏ xanh muợt mà nối tiếp, con đường thẳng tắp và đoàn xe vội vã tranh nhau, nuốt từng khoảng cách, cuốn từng cơn gió bụi theo sau. Con đường nầy bao nhiêu lần qua đi, những lần tha bầy con dại lang thang theo I-65 xuôi Nam. Khoảng cách ước lượng hơn ba trăm năm mươi dặm dài, mất khoảng sáu tiếng lái xe mới có thể đến nơi.Vượt qua thủ phủ của Indiana, sang thành phố Louisville, nổi tiếng với đội base ball Cardinal từng là vô địch.
Đến Cave City lúc trưa, vào khách sạn giữ phòng, sắp xếp hành trang, đi thăm một vòng, mang thực phẩm ra ăn uống qua loa rồi lại tiếp tục hành trình về phía Mammoth cave, cách đó mười hai dặm. Đọc nhanh và quyết định chọn các chuyến đi có hướng dẫn, chuẩn bị vào thăm.
Thời gian dành ra để hoàn tất chương trình đi thăm thạch động khổng lồ nầy, gồm có trong hai hôm, chúng tôi chọn ra ba chuyến đi vào trong hang động, và chọn thêm chuyến tàu dọc theo dòng sông Green River, con sông nhỏ bốn mùa, nước sông luôn màu xanh lá biếc, bao quanh vùng đồi chập chùng ngõ ngách thâm sâu. Cho đến bây giờ, vẫn chưa hoàn tất công cuộc đo đạc, cũng như thống kê hết những hang sâu của vùng đất đầy hang động bí hiểm nầy.

1 The Frozen Niagara Fall

Từ trạm hướng dẫn, dùng xe bus đến cửa hang. Nằm khuất sau ngọn đồi xanh mượt, hiện ra khung cửa nhỏ, màu sơn xám, thật bình thường. Bên cạnh sườn đồi, tiếng chim hót thanh thanh hoà tiếng ve sầu thê thiết, vạn vật đồng trổi khúc nhạc triền miên bất tận, nắng xuyên qua kẻ lá, người hướng dẫn đứng lên tảng đá cao, gọi mọi người trong đoàn quay quần lại, xếp thành hình bán nguyệt trước mặt, một lần nữa anh nhắc nhở mọi người, vì sự an toàn, những tai nạn có thể sảy ra, nhất là phương tiện cấp cứu khó khăn, xin mọi người tự kiểm điểm khả năng cũng như tình trạnh sức khoẻ của mình, không nên cố gắng tiếp tục cuộc hành trình nếu trong người mang những bệnh khó thở, áp xuất huyết cao, tim đập không đều, chóng mặt khi lên cao, sợ bóng tối… Nói chung là nếu cảm thấy bất an thì nên huỷ bỏ chuyến đi trước khi vào sâu trong hang, khi có chuyện sảy ra thì có hối hận cũng muộn rồi.
Khung cửa vừa khép lại, đoàn người nối đuôi nhau đi, ánh sáng của những ngọn đèn mờ mờ chỉ vừa đủ soi con đường gập ghềnh. Người hướng dẫn đi trước, quanh co theo khe đá, qua một đoạn thang, xuống càng sâu càng nở rộng, bên trong vách đá mồ hôi nhơm nhớp, khí lạnh buốt xuyên qua lần áo khoát, nhiệt độ trong hang sâu, quanh năm không thay đổi, lạnh không hơn 60F, dù bên ngoài mùa hạ đang nóng 90F, hay đông lạnh dưới 30F. Khi người hướng dẫn dừng lại, dùng đèn pin chiếu lên chung quanh vách, ánh sáng cắt qua một khoảng không gian sâu hun hút, những tia mắt theo vết sang nhìn quanh, những khuôn mặt ngạc nhiên. bàng hoàng …không thể hình dung …
Căn phòng rộng rãi, trần cao thăm thẳm, khuôn viên rộng hơn nửa mẫu đất, vách đá trơn, dấu tích còn đọng lại của nước soi mòn vào đá vôi là những tảng đá chất chồng lên nhau thành những hình thể kỳ dị, càng về trong phía sâu đường hầm nở rộng ra, hai bên chập chùng đá tảng. Đoàn người đi âm thầm, chút ánh sáng chỉ làm tăng thêm hình ảnh diệu kỳ của thiên nhiên. Một đoạn, người hướng dẫn viên dừng lại, chờ cho mọi người theo cùng, tập họp lại, giọng chậm rãi, cô kể lại lịch sử trăm năm trước đây, khi những người khai phá đầu tiên tiến vào trong lòng động đá, soi sáng bằng những dụng cụ thô sơ, với ngọn đuốc nhỏ như đom đóm, như que diêm, cho đến những ngọn đèn dầu khí, và cuối cùng là ngọn đèn pin hiện nay. Những khám phá, thống kê, đo đạc, ghi lại chiều dài của thạch động, hằng năm, liên tục, tất cả do sức người, không dùng dụng cụ tân tiến, phương tiện máy móc …, con số có khi chỉ vài dặm, cũng đã khó khăn rồi, và thật sự cho đến bây giờ, vẫn chưa có chuyên viên dùng các dụng cụ máy móc hiện đại, để đo đạc, tính toán chiều dài bất tận của hang sâu.
Cao điểm cho chuyến đi nầy, sau 500 bậc thang lên xuống, là bức tranh kỳ diệu bằng thạch nhủ , giống như dòng thác khổng lồ Niagara, đông đặc lại trước mắt, ánh sáng của ngọn đèn phản chiếu vào màu đá tảng lạ lùng … Xanh biếc ngọc thạch, vàng cam nắng chiều, nâu hồng của phù sa thân yêu. Từ trên cao, thạch nhủ như dòng nước từ thác ngàn chảy xuống, đông đặc lại tự nghìn năm xưa, màu sắc óng ánh dưới ngọn đèn vàng …
Chúng tôi lặng lẽ nhìn chunh quanh, những đôi mắt như dán vào khung cảnh kỳ diệu. Có trèo năm trăm bậc thang lên xuống thì cũng đáng công khó nhọc vô cùng.

2 Historic tour

Con đường dẫn xuống lòng hang rộng rãi, những bậc thang được đóng bằng gỗ, có thể dùng xe lăn cho người tàn tật. Quanh co một đoạn thì vào một căn phòng to, ánh đèn low voltagne** dọc theo vách đá vừa đủ soi sáng, chập chờn in hình những chiếc bóng người khẳng khiu. Dừng lạ, hàng băng gỗ xếp thành hình vòng cung trước mặt, người hướng dẫn chờ mọi người an vị chung quanh rồi giải thích : đây là Historic Entrance, lối vào hang đã được tái khám phá từ những năm 1790s, khi người di dân từ Châu Âu mới sang định cư nơi vùng đất đồi xanh mượt. Tình cờ lạc vào hang sâu, khám phá ra saltpeter [ chất lưu huỳnh, diêm tiêu ], dùng để chế thuốc súng. Vào những năm chiến tranh 1812, vì nhu cầu đạn dược lúc bấy giờ, các nhà kinh doanh, các chủ nhân mang nô lệ vào khai thác vùng mỏ thiên nhiên nầy, dọc theo con đường dẫn vào hang động, di tích còn lại là những ống gỗ dẩn nước, chạy theo hai bên vách đường hầm vào tận trong hang sâu. Con đường chính và căn phòng rộng nửa mẫu nầy nằm 140 feets sâu trong lòng đất.
Chúng tôi theo người hướng dẫn tiến vào trong độc đạo, càng xuống sâu, bóng tối càng bao phủ, những điểm dừng chân kế tiếp nhau là:

Methodist Chuch trong lòng đất : Nằm bên trong đường hầm chính, là căn phòng rộng, trước mắt một tảng đá cao, trên trần thấp còn dấu màu xám đen, trước đây, hãy hình dung những ngọn nến chập chờn, ngài Mục Sư giảng rao lời Thiên Chúa, chunh quanh là những tín đồ ngoan ngoãn, bên ngoài là không khí ngột ngạt của ngày hè nóng bức … A! Căn phòng như có máy điều hoà thiên nhiên riêng dành cho những người con ngoan của Chúa.

Indian Artifact: Rời khỏi nhà thờ, vượt qua Gothic Avenue, đường hầm thoai thoải, vách đá chập chùng, chúng tôi dừng lại, nhìn quanh dấu vết của người Indian đã đến nơi đây là những dụng cụ thô sơ, dùng để cạo lấy chất diêm sinh từ trong vách đá, trên tảng đá cao sát trần, những chiếc giày cỏ thô sơ,cùng chiếc túi da chứa phẩm vật, thức ăn, nước uống …

Giant’s Coffin: Căn phòng dài kế tiếp, chia ra làm hai ngã, phía bên phải nhìn lên vách, là một tảng đá lớn nằm ngang, dưới chân là những màu sắc hoa văn, đá xám lẫn lộn với vàng cam, giống như tác phẩm của bàn tay người thợ môc khéo léo chạm trổ, nhìn nguyên hình dáng, tảng đá giống như chiếc hòm khổng lồ, là tên gọi của cả căn phòng. Phía bên trái là một đường hầm khác, sâu hun hút, bóng tối như đêm ba mươi, phía bên nầy, thông xuống dưới là con đường nhỏ dẫn vào một lòng hang sâu, chỉ thấy bóng người dần khuất theo ánh đèn sáng chập chờn.

Sidesaddle Pit: sau khi vượt qua Giant’ts coffin, và con dường nhỏ dẫn xuống, chỉ có thể đi từng người một, dừng lại một chút ở Wooden Bowl room đủ cho mọi người nhìn quanh bàng hoàng, trong lòng hang thăm thẳm nầy, nơi quanh năm ánh mặt trời không thăm viếng, tịch mịch như nghe cả tiếng đập trái tim, trong lồng ngực của chính mình, tiếng thở của người bạn đồng hành âm thanh như chìm lắng. Người hướng dẫn cất tiếng gọi mọi người quay quần, hãy nắm lấy người thân, vì khi ánh sáng vụt tắt, sẽ không còn nhìn thấy ngay cả bàn tay của chính mình. Bóng tối, dù chỉ trong một giây phút, dường như bao phủ, ngộp ngạt choáng váng cả người. Khi ánh diêm loé sáng, ngọn lửa nhỏ mong manh, tưởng chừng như ánh dương rực rỡ sau bóng đêm. Nhìn lại bóng người chunh quanh, những ánh mắt sáng long lanh, như thấu nghiệm lẽ huyền diệu của tạo hoá, và con người bỗng nhỏ nhoi, như hạt cát, như giọt sương …

Bottomless Pit: vách đá chỉ vừa đủ một người lách qua, dưới chân là hang sâu không thấy đáy, ánh sáng ngọn đèn bão mập mờ, trong bóng tối ần hiện những hình thù đá tảng, dựng lên nhau như thách đố thời gian.

Fat man’s Missery: con đường nhỏ từng người qua trước đây, trở thành con đường mòn dạo mát, đúng như tên gọi, người mập thật là khốn khổ, có vào con đường nầy mới thấy sức mạnh của dòng sông nước ngầm, cấu tạo của cả vùng hang động chằng chịt như trận đồ, biến hoá kỳ diệu, con đường hẹp, chỉ có thể nghiêng tấm thân trăm cân Anh của người nhỏ con để lòn lách chui qua. Ngoằn nghèo như ruột gà, quanh quẩn tưởng chừng không lối thoát, ngỡ là đã qua, thì lại nhìn vào khung trần thấp, chỉ có cách khom người, một nửa chui, một nửa lần, để tiếp tục lòn lách vượt qua, nếu không muốn vĩnh viễn ở lại đây làm bạn cùng đá tảng.

Great Relief Hall: tầng thứ ba trong lòng hang, 280 feet dưới lòng đất, nơi dừng chân sau đoạn đường chiến binh vừa qua, là phần thưởng tuyệt vời, không vượt giao thông hào, không phải bò hoả lực, không thể hình dung được, những ngạc nhiên tiếp nối, sau mỗi đoạn, tưởng đã đến điểm cuối, nhưng không ngờ lại còn những đợi chờ khác diệu kỳ trải ra trước mắt.
Nghỉ chân cho mọi người lấy lại hơi thở bình thường, người hướng đạo kể về những sinh vật sống trong lòng hang. Dơi là loài sống về đêm, có thể sinh sống trong hang bên cạnh những côn trùng khác như cuốn chiếu, châu chấu trắng …Riêng cánh thuỷ tộc, vì quanh năm không có ánh mặt trời, cho nên giống sinh vật bé nhỏ nầy than thể chúng gần như trong suốt, các loài cá tôm sống trong lòng hang, theo con sông ngầm, không có mắt, các nhà bảo vệ đang cố gắng thống kê và duy trì chúng lại vì đã gần tuyệt chủng.
Thực vật trong hang hiếm hoi, vì không có ánh mặt trời, cho nên chúng cũng không thể sinh sản, tồn tại. Nhưng do sự khám phá cuả con người, các ngọn đèn Néon dung lấy ánh sáng chiếu vào vách đá, vừa đủ cho rong rêu sinh trưởng, nhìn kỹ vào những nơi có ánh đèn, trên mặt đá mọc những chấm mịn như tơ màu xanh lá trộn lẫn màu xanh ngọc trông rất lạ. Tuy nhiên để bảo tồn thiên nhiên, trong điều kiện hiện nay, những ngọn Néon đang đựoc thay thế bằng bóng đèn Low Wattage Incandessen, và các nhóm rêu mọc bám theo vách đá được chùi lau sạch sẽ.

3 Violet city lantern tour

Nắng buổi chiều long lanh, đoàn người tập trung lại dưới hàng cây xanh, trước mặt anh hướng dẫn trong bộ đồng phục Ranger màu ka ki vàng, tuổi trung niên, anh đảo mắt nhìn quanh một lượt, đếm số người tham gia, trước mặt anh là mười sáu ngọn đèn bão, anh chậm rãi đọc lời cảnh cáo, một lần nữa nhắc nhở mọi người, vì phương tiện cấp cứu cũng như con đường trắc trở trong hang, yêu cầu mọi người nên lượng sức khoẻ, không nên vì bất cứ lý do nào mà tham dự chuyến đi không cần thiết.. Nhất là không nên vì tự ái và sợ mọi người cười chê vì đã bỏ cuộc. Sau khi đã dặn dò một lượt, nhấn mạnh lại, anh hỏi thêm một lần nữa trước khi khởi hành …
Đoàn người rồng rắn theo sau, con dốc nhỏ, hai hàng cây xanh mượt, tiếng lá reo rì rào. Khe nước mùa nầy cạn khô, hai bên bờ mọc đầy cỏ dại. Dừng lại bên bờ xi măng trước cửa hang, tiếng nước chảy từ trên cao hoà cùng tiếng ve sầu cuối mùa hè thê thiết. Đứng trước miệng hang, anh hướng dẫn hỏi lại lần cuối cùng, khi mọi người xác nhận là sẳn sàng, anh ra hiệu cho người phụ tá, anh nầy lặng lẽ đứng chờ mọi người đi qua, kiểm điểm nhân số và soát vé. Đoàn người trực chỉ vào độc đạo, theo ánh đèn bão lung linh, Cùng con đường chính mà chúng tôi đã vào từ ngày hôm qua theo Historic Tour, những ngọn đèn điện nhỏ, soi sáng con đường nhân tạo dẫn vào lòng hang. Khi qua khỏi căn phòng đầu tiên, nơi hầm mỏ cũ, cắt đứt bóng đèn điện, từ bây giờ chỉ còn lại ánh sáng của ngọn đèn bão theo từng bước chân. Soi bóng đoàn người chập chờn nhảy múa in vào vách đá.
Dừng lại dưới chân tảng đá dùng làm Altar cho Methodist Chuch ngày xưa, anh nhắc lại lịch sử, dấu chân người đầu tiên đã đặt vào vùng hang động nầy, gồm có ba hang dài là Joppa Ridge, Mammoth Caver Ridge, và Flint Ridge, những đồ vật nhặt được trong hang, các nhà khảo cổ nghiên cứu, xác định tuổi, đoán rằng có ít nhất là 2500 năm trước Thiên Chúa, nơi nầy đã in dấu chân nhân loại. Đến năm 1798 thì tên người chủ đầu tiên ghi trong sổ bộ của quận Bowling Green là Valentine Simons
Nhưng mãi đến 1841, khi người nô lệ Stephen Bishop, chuyên viên huớng dẫn du khách vào thăm viếng hang động , anh tìm ra Snowball Room, năm trước đó thì Bishop đã khám phá ra Echo River và Mammoth Dome. Anh được trả tự do vào năm 1856. Suốt cuộc đời anh luôn gắn bó với thạch động nầy, nhưng anh ta chỉ hưởng thọ được ba mươi sáu năm, và qua đời một năm sau đó.
1917 Floyd Collins tìm ra Crytal cave trong Flint Ridge, nhưng trớ trêu thay, cũng chính ông lại mất đi vì bị chôn trong hang cát [Sand Cave]. Khi ông làm chuyến thám hiểm vào hang, cát sụp che mất lối ra, mọi cố gắng giải cứu đều thất bại, ông chết sau mười bảy ngày.
Đến 1926 thì president Calvin Coolidge chính thức nhìn nhận diện tích của Mammoth cave Naional park là 20,000 acres đất đai bao bọc. Và cho đến tháng bảy năm 1941 thì trở thành National Park, nhưng chưa kịp tổ chức ngày lễ khai mạc chính thức thì cuộc chiến tranh thế giới thứ nhì bùng nổ, phải chờ đến tháng chín năm 1946 thì mới được tổng thống Franklin D. Roosevelt khánh thành.
Đến năm 1972, sau khi tìm ra được con đường ăn thông giữa hai động Flint Ridge và Mammoth thì hệ thống hai thạch động trở thành Hang dài nhất thế giới, chiều dài 144,4 dặm Anh đã được ghi chép và xác định lai.

Bệnh viện trong lòng hang.
1839 Bác sĩ John Croghan sau khi đi chu du khắp Âu Châu nghiên cứu, trở về nước, Ông đến thăm Mammoth Cave, và nảy ra ý định khai thác vùng đất nầy, ông mua lại từ Franlin Gorin với giá 10,000 đô la, ông cho xây cất khách sạn, tổ chức hướng dẫn du khách đến thăm viếng hang. Khách sạn nầy là nơi đón tiếp du khách trên thế giới cho đến 1916, bị hoả hoạn thiêu rụi.
John Croghan hành nghề y sĩ từ năm 1814, ông muốn thử nghiệm cách trị bệnh lao phổi, nghĩ đến thời tiết và hơi ẩm trong hang có thể giúp người mang bệnh lao. Ông cho xây những căn phòng đá gỗ trong lòng hang, và kêu gọi sự tham gia của các bệnh nhân, có đến 15 người tình nguyện vào cuộc thí nghiệm nầy. Nhưng kết quả không như ý ông mong muốn, vì không chịu nổi khí lạnh trong hang, các bệnh nhân chết dần mòn, một số được chôn cất trong khu nghĩa trang Old Guide’s Cemetery gần miệng hang.Trớ trêu thay, cũng chính vị bác sĩ nhân ái nầy đã bị truyền nhiễm và chết vì căn bệnh lao phổi nguy hiểm đó vào năm 1849.

Bầu trời đầy ánh sao.
Ngọn đèn bão lung linh, soi từng bước chân theo nhau, bụi cát dưới chân di chuyển nhẹ nhàng, dấu tích của những căn phòng nằm dọc theo đường mòn, nghĩ đến bệnh nhân sắp từ giã cõi đời, nằm yên trong bóng tối, khuôn mặt xanh mướt vì ngày tháng không có ánh mặt trời, đôi hố mắt vô vọng nhìn thẳng vào khoảng không, bầy vi trùng đục phá hai lá phổi rách mướp, rạc rài từng hơi thở, trong nỗi đau đớn vô cùng. Người y tá vào thăm, câu hỏi han hàng ngày, bàn tay ấm áp sinh khí, chuyền chút sức sống vào cái xác lờ đờ sống dở, dù chỉ còn trong phút giây, nhưng vẫn là ánh sáng, nhìn lên trần cao, những đốm sáng từ chất diêm sinh lập loè, trông như bầu trời của đêm đầy sao, nằm yên lặng trong cái ảo giác, được bay cao theo những vì sao xa tắp. Dù sự sống có mòn đi, cái chết bình an sẽ hiển hiện.
Ngước nhìn theo ánh đèn chập chờn, vào khoảng không tối đen, những giọt mồ hôi đá lân tinh lấp lánh, tôi cảm nhận được sự bình an nhiệm mầu.
Rời căn phòng chứa bầu trời đầy sao, trước mặt đèo dốc cao quanh co, khi trèo lên trên lưng chừng, nhìn lại phía sau, con đường hoa đăng lấp lánh. Có những đoạn chỉ bước theo chân nhau, vì qua khúc quanh thì không còn ánh đèn để nhìn thấy ổ gà lổm chổm. Người hướng dẫn dừng lại, ảo giác hay chính tai tôi nghe tiếng nước chảy đâu đây, ánh sáng hai ngọn đèn pin chợt bùng lên rực rỡ, soi tia nước từ trên cao chảy dài xuống phản chiếu như lưu ly, những ánh mắt long lanh nhìn lại nhau, ngôn từ bay biến, thật là diệu kỳ, dòng nước như con thác nhỏ, quanh năm suốt tháng bất tận, vì đang là mùa khô nên chỉ mong manh giống như sợi dây lụa thả xuống từ trời cao, màu nước huyền hoặc, lấp lánh như đang say mê vũ khúc của Cung Hằng, sang mùa mưa sẽ biến thành dòng nước nhỏ hiền hoà, hay trở thành cuồng lưu thác lũ tuỳ theo lượng mưa ít nhiều đổ xuống từ trời cao.

Phiến đá tử
Theo tay chỉ của người hướng dẩn, nhìn lên mõm đá đứng chơ vơ, nghêng mình như làm dáng cùng vạn vật bình yên, im lìm. Thật ra, đây là nơi cướp đi sự sống cuả một con người.Vì nhiệt độ, cùng điều kiện khô ráo trong long hang, như chất ướp xác thiên nhiên và giữ cho xác chết hãy còn nguyên vẹn đến khi tìm được.Người thổ dân xấu số nầy chết dần mòn trong bóng tối, anh còn đủ dụng cụ để cạo lấy chất diêm sinh trong đá, tuổi trạc trung niên, anh mang theo túi da, thực phẩm, nước uống, có lẽ anh vào hang và làm việc một mình, vì khi tảng đá long ra lăn xuống và kẹp chặt anh trên vách, bên cạnh anh, còn cả ngọn đuốc dầu chai, ánh sáng tắt lịm dần, mang theo sự sống mòn mỏi, anh chết âm thầm và nằm nguyên vẹn cho đến khi tìm được. Năm 1976 {?}sau khi đạo luật cấm chưng bày di thể con người được ban hành, để tránh sự xúc phạm và đắc tôị với người chết, cho nên thi thể anh được dời đi (Có thể trả về cho Bộ lạc hay được chôn cât tử tế?)
Căn phòng rộng chừng ba mẫu, nơi dừng chân trước khi đoàn người leo lên con dốc cuối cùng. Từ trên góc đá nhìn lại những khuôn mặt, dưới ánh đèn dầu lung linh, người hướng dẫn nhắc lại, hơn hai trăm năm trước đây, những người khai phá, cùng những du khách đã đi qua con đường hầm nầy, đứng trước vách đá, nhìn lại chunh quanh, bàng hoàng trước sự hình thành kỳ diệu của thiên nhiên, nghỉ chân chốc lát, và cuối cùng thì quay lại con đường đã đi qua, trở lên mặt đất, tìm lại khung trời mây bát ngát, vùng đồi cây lá xanh mượt với những trũng sâu khắp nơi do dòng nước soi mòn, trăm năm sau, những trũng sâu lại biến thành hang động, theo sự khám phá không ngừng của con người.

Lời cầu chúc cuối cùng của người hướng dẫn, nhìn lại nơi vừa đi qua, con dốc ba mươi nấc thang không đều dẫn dắt đoàn người về lại bầu trời xanh. Khung cửa nhỏ mở ra, nắng chiều lấp lánh sau cành lá, ba chiếc xe buýt đang nằm chờ, đoạn đường ngắn trổ ra sườn đồi nầy chỉ là con đường nhân tạo, khai phá thêm gần đây…Violet City, thành phố tím trong lòng chúng tôi như đoá hoa man mác.

Vũ Thị Thiên Thư

Mua Láng Giềng Gần

Mua láng giềng gần

– Ronny, tại sao con chó cuả ông cứ nhắm vào tôi mà sủa ỏm tỏi thế? Coi chừng có ngày tôi nổi nóng sẽ đập nó nát đầu đó.
– Larry, đừng nóng, từ từ chúng ta sẽ giải quyết nhé.

Anh láng giềng Larry chặn tôi ngoài đầu ngõ, anh ta dọn về đây hơn năm nay, rất ít khi gặp nhau trong tuần, công việc của chúng tôi không làm giờ hành chánh, có khi hắn về thì tôi đi, giơ tay chào xong, đường ai nấy bước. Mãi mới có ngày nghỉ trùng hợp, khi ra ngoài cắt cỏ, hỏi han nhau, mới hay là ngày xưa hắn cùng học một trường, nhưng là lớp đàn em. Anh ta khá siêng năng, luôn chăm sóc nhà cưả, sơn sửa thường xuyên. Điều khó xử là anh nuôi hai con mèo, mà tôi lại có hai con chó. Chuyện chó mèo là chuyện dài từ ngàn xưa. Hai chú chó trong nhà tôi từ khi về đây, chưa hề trông thấy các con thú vật nào khác, nhưng thiên tính vốn không hoà hợp, cho nên mỗi ngày khi chúng ra sân làm việc vệ sinh, hể thấy bóng chú mèo nào lảng vảng là chúng lại sủa ầm lên.
Nếu chỉ có hai chú mèo của anh láng giềng thì thôi, đàng nầy, anh ta lại hào phóng nuôi cả những chú mèo vô chủ khác, hàng ngày anh để thức ăn ngoài cửa sau, bầy mèo đói tụ tập đến ăn uống tưng bừng, tán tỉnh nhau ầm ỉ, sau những ngày hội hè đó, chúng thi nhau sinh sản thêm. Chúng dần dà lấn đất, sang làm vệ sinh phóng uế rồi chôn đầy trong sân nhà tôi, Hai con chó lại lồng lộn đi ngửi mùi và cào cỏ tìm dấu vết. Tôi đã không cằn nhằn thì thôi chứ, vì hai con chó của tôi không sang làm bừa bãi bên sân nhà anh, không bén mảng đến gốc cây buị cỏ, trong khi mấy chú mèo ngang nhiên vào hiên nhà tôi ngồi chểm chệ như chủ nhân ông. Mẹ tôi đã lớn tuổi, mắt kém, không nhìn thấy chunh quanh, nhiều lần vấp té. Tôi cứ ngại Mẹ ngã vì không trông thấy mấy chú mèo con nằm la liệt trên bậc thềm . Mỗi lần nhắc đến thì Mẹ lại gạt đi, bảo không cần phải lo lắng. Mẹ có thể tự sống, tự lo liệu, chưa mù lòa, chưa bại xuội…
Tính tình cuả Mẹ, hàng xóm đều biết, mấy chục năm nay, từ khi Bố mất, Mẹ vẫn gìn giữ ngôi nhà nẩy, nhiều lần tôi khuyên nên bán đi, dọn vào chung cư nhỏ hơn, không phải lo sân trước vườn sau, nhưng Mẹ luôn từ chối. Căn nhà nầy Bố Mẹ mua từ khi các con chưa chào đời, cho nên không thể dọn đi nơi khác được. Sau ngày Bố mất, tôi vẫn đến sửa chữa những gì hư hao trong nhà, mùa hè cắt cỏ, xúc tuyết mùa đông. Những khi tôi phải về muộn vì công việc cấp bách, thời tiết xấu, nhất là vào mùa đông tuyết rơi nhiều, tôi dặn bọn trẻ con trong khu phố, bảo chúng nó sang dọn giúp, tôi sẽ trả công.
Suốt thời gian Mẹ sống trong khu phố nầy, không hề làm phật lòng ai, luôn yêu mến, giúp đỡ mọi người. Sau khi về hưu, mẹ chỉ quẩn quanh làm thiện nguyện ở nhà thờ, đi chợ búa mua thức ăn, tham dự các cuộc du ngoạn cuả Hội Cao Niên. Mẹ không biết lái xe, nên chỉ dùng phương tiện di chuyển công cộng. Lần mẹ hụt chân té từ trên xe buýt xuống, Chuá thương xót, không bị thương tích nặng nền, nhưng tôi năn nỉ mẹ đừng đi một mình nữa, khi nào cần thiết lắm, tôi sẽ lấy ngày nghỉ đến đưa mẹ đi.
Chính vì Mẹ khăng khăng muốn giữ căn nhà, không chiụ dời đi, cuối cùng tôi lại phải khăn gói dọn về sống chung, Mẹ ở tầng chính, tôi ở tầng hầm với hai anh bạn khuyển. Dù cho mọi người bảo tôi về bám gấu Mẹ, nhưng tôi biết hoàn cảnh cuả mình, để cho Mẹ sống đơn độc trong căn nhà rộng thênh thang, tôi sẽ không ngủ an giấc, cho dù gọi mẹ hàng ngày, vẫn luôn nơm nớp âu lo.
– Mẹ ơi ! hôm nay đi chợ nha
– Thôi, Mẹ không đi đâu, mình mẩy ê ẩm quá.
– Sao thế trời chưa mưa mà, khớp xương Mẹ đau à, đã uống thuốc chưa ?
– Ậy ! hôm qua đi Lễ về bị thằng nhỏ lái xe tung vào, hôm nay mới thấy đau
– Trời đất, sao Mẹ không nói, có sao không? Phải đưa đi bác sĩ khám mới được
– Làm gì mà hốt hoảng vậy, té chút thôi, đâu có gẫy mảnh xương nào. Tội nghiệp thằng nhỏ, chạy cái xe cũ mèm, nó cuống cuồng nhào xuống, đỡ Mẹ dậy, sờ tay nắn chân, coi Mẹ có bị gì không, còn năn nỉ ỉ ôi, nó không có bảo hiểm, gọi cảnh sát làm biên bản thì nó đi tù..
– Nó biết vậy sao không cẩn thận, nhỡ cán chết người.
– Thôi, tại mình xui xẻo, nó bị bắt mình cũng có vui gì, rủi nó có vợ con, lấy ai chăm sóc, còn tội hơn.
Đó, tính tình mẹ nhân từ như vậy, làm sao tôi dám để cho mẹ sống tự mình? Khi tôi dọn về nhà với mẹ, bạn bè không hiểu nên cười chê, nhưng bạn bè dễ kiếm, mẹ có mệnh hệ gì, tôi hối hận cả đời. Chỉ tội hai con chó, chúng nó đang từ nơi rộng rãi ở ngoại ô, nay về chui rúc với tôi trong tầng hầm ở khu phố cũ, nhà cửa san sát, từ cửa sổ nhà bếp bên nầy có thể thấy bên trong nhà láng giềng bên kia, nhưng dần dà, rồi chúng nó cũng sẽ quen thôi.
Đang phân trần với Larry, thấy bóng Mẹ hiện ra sau khung cửa, chưa kịp giải bày,
– Ronny, vào nhà ngay cho me
Tưởng rằng tôi và Larry đang gây gỗ với nhau, tôi xua tay bảo Mẹ an tâm, tôi sẽ vào sau khi nói chuyện với Larry.
– Nầy ông bạn, chúng ta là láng giềng, nên sống hoà thuận với nhau, tôi không phiền anh và ngược lại, thú vật chúng nó không hiểu điều nầy, mấy con chó cuả tôi không biết ông, chúng nó ngửi mùi lạ, nhất là giống mèo, cho nên chúng mới sủa ran. Bây giờ mời ông sang nhà, tôi sẽ giới thiệu cho chúng biết ông, sau đó tôi đưa cho ông mấy khúc bánh khô, thứ giành riêng cho chó, ông cho chúng ăn, chỉ cần có thế thôi, chúng quen hơi thì khi gặp ông sẽ thôi không sủa nữa. Mẹ tôi lúc nào cũng có ổ bánh nướng thơm ngát trong nhà, còn ông thích bia thì tôi cũng có nửa lố đây.
Mẹ ngạc nhiên thấy Larry theo tôi vào nhà, Tôi mở lời
– Mẹ ơi! Larry sang thăm, tuị con xuống nhà uống vài chai bia với đậu phộng rang, Mẹ có gì cho chúng con tráng miệng không?
– Có ổ bánh mới nướng, chúng mầy có ăn thì Mẹ cắt ra
Sau khi Larry uống mấy chai bia và cáo từ, hai chú chó lon ton chạy theo tiễn anh ta ra cổng rào, Mẹ chùi tay vào tấm áo choàng trước ngực, ôm lấy tôi
– Ronny, con làm Mẹ rất hảnh diện, thêm bạn bớt thù, hơn nữa là chòm xóm với nhau, chớ vì chuyện chó mèo mà sinh ra hiềm khích.
Tôi sống nửa đời người, ngũ thập tri thiên mệnh, vậy mà chỉ cần một câu nói cuả Mẹ thôi, cũng làm cho tôi nghẹn lời.

Vũ Thị Thiên Thư

Giấc Hoa

Giấc hoa

 

Khoe nụ biếc long lanh nắng mới

Ươm cành mơ sương đợi hoa khai

Đêm qua trong mộng kẻ mày

Mượt mà nét bút tay ai yêu kiều

 

Khung lụa biếc sắc hoa hàm tiếu

Ẩn màu mây trăng chiếu khiêm cung

Bên hiên tiếng trúc ngập ngừng

Dừng tay nổi nhớ bâng khuâng nét ngài

 

Xao xuyến gió vấn vương dấu ái

Mở trời thơ hương trải đường hoa

Đêm sâu lồng bóng ngọc ngà

Phiêu diêu giấc điệp triều ca mối tình

 

Vũ Thị Thiên Thư