Ngược nguồn

Ngược nguồn

 

1

Viếng mộ bà Kế Hiền

Hai bên bờ kinh dầy lau lách mượt xanh, xen vào những chòm dừa nước ngã lá là đà , đâu đó nghe như tiếng bìm bịp kêu nước lớn cuả những ngày tháng xa khuất nào. Hồn người muôn năm cũ trên ngọn cỏ cành cây, xạc xào tiếng thở dài theo cành lá đong đưa. Chiếc đò máy chở bầy con xa xứ đi tìm lại cội nguồn.

Con đường nhỏ dọc theo bờ kinh, ẩn hiện sau tàng lá rậm những căn nhà gạch mái ngói mới còn thắm màu đỏ chu sa. Chiếc cổng gỗ đơn sơ, nét chữ đậm rõ ràng, đường vào mộ phần cuả ông bà Hương Bộ. Tiếng cười nói thân thương như chua bao giờ xa cách, mái tóc bạc phơ, tay chống gậy trúc, hình ảnh ngày nào vẫn còn trong tiếng nói rổn rảng chân tình, thời gian ba mươi năm dường như chưa hề trôi qua giâu phút nào, vẫn là bác cuả những mẩu chuyện kể lại từng mảnh cuả quá khứ huy hoàng.

– Chỗ nầy hồi đó bị trái bom đào thành một hố nước lớn, mỗi lần bác Năm lẻn về thăm mộ Ông bà là phải lặn qua cái mương đó mới tới bờ bên nầy.

– Vậy chunh quanh vòng thành cùng nền móng cuả mấy ngôi mộ nầy đã sửa chữa lại mấy lần rồi hở bác ?

– Do quí Đồng đạo trùng tu lại hai lần rồi, lúc bác trở về thì vòng thành bị đất sụp nghiêng mất một bên, nhưng mộ bia và nền mộ thì vẫn còn vững chắc.

– Tại sao mộ bà Hương bộ lại nằm phía trước vậy bác ?

– Không phải đâu cháu, đây là cổng sau , còn lối vào phía trước đã xây kín lại rồi, ngôi mộ to nhất bên phải là nơi an nghỉ cuả Bà Kế Hiền, mộ ông Sơ nhỏ hơn nằm bên cạnh, còn thụt lại một chút nằm bên cánh trái là mộ cuả bà thứ. Qua phía bên kia nằm sau cùng là phần mộ cuà ông bà Hương bộ Thạnh.

– Như vậy thì ngôi nhà chính lúc trước có còn dấu tích gì không và nằm trong phần đất nào vậy bác ?

– Trên đường vào mộ, bên trái là sân kiểng phía trước cùng khu nhà ngói chính , nối với nhà ngang sân lủng bồn nước rồi tới nhà bếp sau cùng , nền nhà xây bằng đá ong, sau nầy cũng bị thất thoát chỉ còn lại vài tảng phía sau nhà, còn mấy tán đá xanh làm trụ phía bên phải mà cháu đi ngang qua trước đây dung để kê gốc cột cuả lẫm luá, sau khi nhà lớn bị dội bom sập mất một góc, cả khu nhà và lẫm lúa cũng bị Việt Minh tiêu thổ kháng chiến đốt sạch luôn.

– Hèn gì, Ba cháu vẫn nhắc lại các chuyến đi về quê giỗ ông bà khi còn bé. Lúc cháu hỏi Ông Nội thì ông chỉ thở dài . Cuộc đất cuả Bà Kế Hiền bao lớn vậy Bác ?

– Từ con kinh Vàm Xáng Xà No tới ngọn So Đuả nầy ngày xưa hầu hết là tá điền cuả ông Bà, bác cũng không biết đất cuả bà Kế rộng bao nhiêu mẫu nữa. Chuyện Bà lập cơ nghiệp, phong quan tấn chức bác cũng nghe người lớn nói lại thôi, từ từ rồi bác kể hết cho mà nghe.

 

 

2

Cuộc đất mới

 

“ Cuộc đất nầy rất tốt có thể phác cỏ, ven bờ, và xạ lúa mùa …” Hiền kéo chiếc xuồng con lên hẳn trên vùng cỏ hoang, nhìn chunh quanh điạ thế một lần nữa, chống dầm xuống thử lớp đất mềm mại. Bóng đêm phủ nhanh, cánh đồng cỏ lướt thướt bạt ngàn. Đã qua bao nhiêu nhánh sông con, xuôi theo dòng sông cái. càng về xa kinh rạch chằng chịt những cây dứa gai, cây gừa tàng lá phủ tận mặt nước, không thấy bóng con người vãng lai, chỉ có tiếng côn trùng than thân trách phận. Hiền ngồi bệt xuống đám cỏ, lắng nghe nỗi hiu quạnh thấm tận đáy lòng, nhớ bàn tay trẻ thơ nắm chặt lấy ngón tay mình, đau đứt ruột gan mà phải đành bỏ con thơ dại, “Mình nhất định khấn với Hoàng Thiên Hậu Thổ nếu không tạo nên sự nghiệp sẽ không về lại quê nhà, nhìn thấy đất trời trên dưới nữa.”

Thò tay xuống nhổ một bụi cỏ dại ven đường, bóp nát những hạt đất bám vào rể cây, nghĩ đến thân phận mỏng manh cuả cỏ dại rồi cũng long đong như thân mình, đã bị bứng rể từ cuộc đất ông cha nào đó, hạt cỏ rơi rớt trôi theo dòng nước phù sa, bám đất mới sinh sôi nẩy nở. Hiền thở dài, nhìn vào bóng đêm đầy dẫy những bất tường, cuộc sống trước mặt còn có bao nhiêu chướng ngại nữa, nhưng đêm dù có dài đến đâu đi, ngày mai mặt trời cũng sẽ rạng.

Kéo chiếc đệm từ trong khoang xuồng trải lên mặt cỏ ướt, ngã lưng xuống hai bàn tay gồi đầu đối diện với bầu trời lấp lánh ánh sao, những vì sao theo cô từ lúc còn thơ dại biết ngước mặt nhìn trời, cho đến lúc biết bới tóc cao thả mồng gà rồi giã từ mẹ cha về làm dâu thiên hạ. Từng giọt ánh sáng trùng trùng đan kín khoảng không gian xa tắp, từng hạt sáng lóng lánh, từng hạt mờ mịt lung linh, ngôi trong vắt xanh ngời, ngôi ánh vàng rực rỡ, trăm ngàn ngôi sao đó có ngôi nào là bổn mạng cuả chính mình? Tại sao có những người đàn bà giờ phút nầy đang nồng nàn chăn ấm, ấp ủ dưới mái nhà yêu thương cuả gia đình, còn mình thì đơn thân giữa đồng hoang lạnh vắng, nỗi đau cuả người mẹ đứt ruột rời con thơ, nỗi hận cuả người đàn bà vô tôị bị bỏ rơi, từng khoảng đời như cuộn phim quay chậm, trí nhớ càng khơi sâu, niềm thương hận càng thêm ray rức. Càng nghĩ đến nghịch cảnh, càng nhớ đứa hài nhi, nếu không vì ý chí cương quyết, lòng nấu nung mảnh liệt, có lẻ Hiền đã buông xuôi chấp nhận oan nghiệt cuả số phần.

Ngày mai, Cô nhủ thầm “ Mình sẽ bắt đầu cho một hành trình mới, con đường nầy chỉ có đi tới chứ nhất quyết không thể trở gót lui chân. “

3

Chắp mối tơ duyên

Người thanh niên chống cây phảng xuống gò đất, tháo chiếc khăn rằn trên đầu, nhúng một góc khăn lau khuôn mặt đẩm mồ hôi, anh đi chậm rãi về phía người phụ nữ nhỏ nhắn, nhìn thẳng vào khuôn mặt nghiêm nghị đó, anh hỏi

– Cô Hai là người xứ nào? Sao lại đến đây khai hoang dở đất, cuộc đất nầy thuộc về ai cô có biết không?

– Đây là công điền, ai ra sức lực khẩn hoang thì người đó hưởng, luật lệ định như vậy từ lâu, vì cớ gì ông bước vào đây gặn hỏi ?

Anh không ngờ cô ta lại trả lời anh bình thản như vậy, xem ra cô không hề sợ hãi người lạ, cũng như rất thông hiểu luật lệ canh điền. Anh lại càng thắc mắc hơn, người như vầy mà dám đến đây một mình, cô ta phải là người tự tin lắm chứ.

– Vùng nầy hoang vắng, cô không ngại thảo khấu lục lăng sao? Thân phụ nữ vóc liễu đào tơ, Sao cô không kiếm nơi nương tựa mà lại một mình giữa đồng không mông quạnh?

Cô ta nhìn xuống mặt đất, không trả lời ngay, khi ngước mặt lên, giọng nói lạnh lùng cô bảo anh ta

– Nếu ông quá rảnh rang thì có thể ra chỗ kia mà ngồi nghỉ ngơi, tôi phải cuốc cho xong vạc đất nầy, trời sắp đứng bóng rồi.

Anh ta lắc đầu nhìn cô, rút cây phảng lên, định quay trở lại chiếc xuồng cuả mình, bất chợt anh nhìn thấy con rắn dài như cây sào nâu lấp lánh màu đất đang di động, cổ nó cất cao dưới chân cô, anh hét lên

– Đứng yên, con rắn hổ đất.

Cái phảng ném tới cùng lúc chiếc cán cuốc cũng quay ngang, con rắn hổ đất biến thành ba khúc gỗ máu tuôn. Anh ta bước lại , nhìn kỹ cái đầu rắn rồi nhặt chiếc phảng lên, quay sang cô gái vẫn còn đứng im lặng, anh ta hỏi

– Cô có sao không ?

– Không.

Anh ngắm cái thân hình đứt đoạn đang co giật cuả con rắn hổ đất, lấy mũi phảng lật ngữa lên, khi chắc chắn nó không thể hồi sinh được, anh bứt một cọng cỏ lát đập giập rồi cột cả ba khúc rắn lại, quay sang cô gái anh mời

– Chiều nay sẽ nấu món cháo rắn bên chòi vịt, tui mời cô đó

– Cảm ơn, tôi không ăn thịt rắn

– Cô bỏ qua một cơ hội tốt. Rắn hổ đất không dễ kiếm, lại càng không nên bỏ phí cuả trời.

Cô im lặng nhìn theo vóc dáng cao lớn cuả anh ta đi về phía bờ kinh, đôi chân cô bây giờ như mềm nhủn xuống không còn đủ sức chống đở thân mình, cô nhìn vệt máu rắn trên mặt đất, chỉ trong tơ tóc, mạng mình có thể đã không còn. Cô vác cuốc lên, cuốc như điên cuồng vào mảnh đất vô tội, cô trút hết nỗi tủi thân sợ hãi, cùng với niềm mù mịt tương lai.

 

– Cô hai, mùa mưa tới rồi, cái chòi cuả cô không đủ che mưa gió đâu, mai tui đi trong kinh đốn lá dừa nước, cô có muốn làm dần công thì phần cô là chẻ tàu rọc sống lá, lựa lá tốt lành để chầm miếng lợp mái, như vậy chia ra làm hai phần mỗi người lảnh một nửa, vậy cô có ưng không

– Cũng đưọc, anh cứ đi đốn lá rồi chuyên chở về đây, phần tui sẽ rọc lá chẻ lạt rồi chầm lá miếng để lợp trên mái nhà, còn tàu lá nhỏ thì chẻ đôi bó lại để dừng vách đứng.

Hiền nhìn lại căn chòi trống trơn cuả chính mình, cô đang băn khoăn cho mừa mưa sắp tới. Mấy cây cột mỏng manh, vách lá thưa như rổ xảo, bếp tạm bợ ba ông táo nằm lăn lóc trong góc. Từ sau khi anh ta chém con rắn hổ đất dưới chân cô, đôi ba ngày anh lại tạt ngang qua, khi thì xâu cá, lúc thì hai ba cái trứng vịt hảng đẻ rớt. Đến cũng như đi đột ngột không mấy lời thăm hỏi không chờ lời từ chối, cũng không chờ lời cảm ơn. Hiền nhìn ra làn khói lam đốt đống bốc lên từ mạn thứ, phía kia là quê nhà, tháng nầy lúa mùa đã xạ xong còn chờ cơn mưa tưới. Những nhát gạch khắc lên cột nhà dài theo ngày tháng chất chồng, mình đã xa quê nhà bao nhiêu mùa trăng rồi, những chiều chuyển mưa, nghe tiếng ếch nhái kêu mà lòng thêm đoài đoạn.

Những tàu lá dừa nước được chẻ đôi, trải ra trên mặt đất, Anh nhìn bàn tay cô liên tục xếp lá, gập đôi, sợi lạt xỏ ngang xuyên qua thắng tắp, khéo léo giữ mí lá lại đẹp như đường chỉ thêu trên tấm vải. Hình như có điều gì thôi thúc trong lòng, anh nói nhanh như sợ mình không còn cơ hội

– Cô hai à, tui thiệt tình muốn chung gạo thổi lửa nấu cơm, hôm sớm có nhau, cô hai ưng thì tui sẽ cầm bầy vịt lại, lên bờ khai đất, mình có thể tạo được cơ nghiệp nếu tui với cô cùng chung vai góp sức.

Hiền nhìn anh ta, câu hỏi bất ngờ làm cô lúng túng, chưa biết nên trả lời như thế nào, cuộc đời mình đã không ra gì khi lấy chồng bản xứ, lưu lạc đến đất nầy là để không phải nghe tiếng dèm pha, không cần tùng phục một ai. Cũng có những lúc đối diện đêm thâu, nghĩ đến tương lai mù mịt, nhìn miếng ruộng khô, con nước cạn, hay những khi chống tay gào ao ước có thêm một cánh tay …Hiền nhìn anh ta, trăm ngàn câu hỏi, nỗi đau từ quá khứ chưa lành, đối đầu với ngày mai vô định , hỏi thử lòng mình “ Biết trả lời ra sao ?”

Anh ta điềm nhiên đứng dậy

– Cô cứ suy nghĩ đi, tui không hối thúc, chỉ cần cô cho biết bao lâu thì tui sẽ chờ.

 

4

Cưới vợ lẻ cho chồng.

Chiếc nón lá che ngang khuôn mặt chữ điền. Người phụ nữ nhỏ nhắn cuả ngày tháng cũ trôi dạt trên chiếc xuồng cui tấp lại cuộc đất hoang sơ nầy, bà thong thả bước dọc theo bở kinh quen thuộc còn thơm mùi đất bùn mới đắp, đứng lặng lẽ nhìn mái nhà lá tươm tất, căn nhà khiêm nhường nằm sau hàng cây kiểng mới trồng làm hàng rào ngăn con đường mòn và khoảng sân nhỏ, bụi chuối bên hè lá đã mướt xanh lả ngọn. Bước vào hàng hiên, nhìn xuống khạp nuớc đầy hơn một nửa. cái gáo dừa cán dài treo ngược trên cành cây kề bên. Múc một gáo nước đưa lên môi nhấp, rồi nuối xuống cổ họng giọt nước mát lạnh, nuốt luôn nỗi đắng cay thống khổ toan tính kế sách để chu toàn. Bà quay lại gọi người làm đội cái thúng giạ vào nhà

– Năm. mang lễ vật vô đây cho bà.

Quay sang người gia chủ đang đứng khép nép, mặc quần vải thô lưng lửng, đầu quấn khăn, ông vội lột chiếc khăn chắp vào ngực cúi chào bà Hương. Bà gật đầu trả lại rồi tiếp lời :

– Tui mang chút lễ vật tới đây, cộng cả tiền đồng, mùng sáu tháng tới là ngày tốt. tui sẽ cho người tới đây đón dì ba dià bên nhà, không cần phải mua sắm quần áo thêm, mọi thứ tui đã lo đủ rồi .

Bà quay gót trờ lại con đường vừa đi qua, nhìn ngọn đòng đòng ấp sữa non lấp ló mé nước hứa hẹn cho vụ lúa trong Tết được trúng mùa . Mái ngói đỏ âm dương quen thuộc hiện ra trong tầm mắt, mấy gốc Mai Chiếu thuỷ cắt tỉa gọn gàng, hàng Nguyệt quí trổ bông thơm ngát, tất cả những thứ nầy, từ ngọn cỏ lá cây trong vườn sau sân trước, đến luống đất ruộng sâu ngút ngàn, bà nhìn xuống đôi bàn tay cuả chính mình, những ngón tay từng nắm chặt ngọn roi mây đuôi cá sấu thách thức bọn tráng niên, từng nửa đêm rút song hồng đả bọn thào khấu lục lăng bảo vệ cơ ngơi nầy, không thể để cả sản nghiệp cuả một đời gây dựng biến thành mai một tàn lụn. Phải chi đứa con trai đầu lòng đã không vì khổ nhục cầu thực tha phương mà đành đoạn gởi lại cho anh chị trông nom thì bà đã không phải lao tâm nhọc sức tính toan như bây giờ. Có người đàn bà nào lại cam tâm chia sẻ người đấu ấp tay gối với người khác, nhưng đã sự thể nầy rồi, trăm đắng ngàn cay cũng phải cưới thêm người làm vợ thứ để còn có con cái hầu nối dòng nối dõi ông cha.

Nhìn lại tất cả các cô gái con nhà tá điền, bà quan sát hình dung tính nết, sau khi cân nhắc chọn lựa , bà quyết định không chần chờ gì nữa, Cô ba Nết tính tình đằm thắm, dù con nhà nghèo nhưng vén khéo, chỉ cần cô ta biết an phận thủ thường, dễ ăn dễ dạy thì mọi chuyện trong nhà sẽ êm xuôi.

 

5

Giỗ Ông Bà

Chiếc xe đạp đòn dông hiệu Tabor sườn 700 đã được chuẩn bị từ ngày hôm trước, mặt trời vẫn chưa thức dậy ở phương Đông, thằng bé ham đi xa quên mất cơn buồn ngủ dù trong lòng rạo rực, nằm trăn trở đêm qua, cứ sờ vào lưng áo bà ba lụa lèo trắng cuả Ba mình đang nằm bên cạnh. Chuyến đi đã được má dặn dò bao nhiêu lần, hôm qua bà còn nhắc Ba dẫn nó đi hớt tóc ngắn cho gọn gang, bộ quần áo kaki thẳng nếp, má còn cần thận bọc thêm một bộ sơ cua chung với bộ áo dài nhiểu đen lót lụa vàng cuả Ba.

Lần đầu tiên nó được theo Ba đi cúng giỗ tận kinh So Đũa, nơi mà bà Kế Hiền lập nghiệp, từ nhỏ, chiều chiều theo Má thắp nhang cúng lạy, nó vẫn thắc mắc tấm hình treo trong từ đường. Người đàn bà ngồi bên cánh phải cuả ông Cố, khuôn mặt nghiêm nghị, nhan sắc không thuộc hạng đẹp đẽ như Mỹ nhân trong sách vẽ, nhưng ánh mắt bà không phải cuả người phụ nữ tầm thường . Tấm hình do hoạ sư vẽ lại, theo lời má thì Bà Cố ở Kinh So Đủa mà tại sao ông Nội mình lại ở Thốt Nốt chứ? Những câu hỏi cuả nó chỉ được người lớn trả lời mù mờ :” Trẻ con , hỏi làm gì ?”

Má cột cái tuí nhỏ trên ghi đông, dặn dò hai cha con cẩn thận, nhất là thằng bé không được ngủ gục mà té xuống đưòng lộ. Nó nghĩ thầm “ Má khéo lo, ngủ sao được, bao nhiêu là hình ảnh lạ hai bên đường đi, chưa kể những nôn nức trong lòng …” Trước khi đi thì Ba đã bao nhiêu lần căn dặn

– Con phải nhớ giữ lễ độ ăn nói rõ ràng, thưa trình khi đến cũng như lúc về. Giấy rách phải giữ lấy lề, không được nhận lấy bất cứ thứ gì mà không xin phép Ba trước. Nếu không thì Ba sẽ không bao giờ dẫn con về đấy nữa.

– Con nhớ mà, nhưng tại sao mình đã có giỗ bà Cố Nội ở Thốt Nốt mà còn đi giỗ Bà Cố nầy nữa vậy Ba ? Vậy bà Cố nào mới là ruột thịt của mình, không thể có cà hai bà ?

– Các con có cả hai bà Cố Nội họ đều là ruột thịt, bây giờ con cũng sắp lớn rồi, từ từ thì ba kể hết nguồn cơn cho con biết. Bà Cố sinh ra ông Nội cuả con chính là bà Kế Hiền ở kinh So Đủa, còn Bà ở Thốt Nốt là chị ruột cuả bà Kế Hiền, là người nuôi dưỡng ông nội con nên người.

– Sao lại có chuyện một bà sanh ra, một bà nuội dưỡng ?

– Chuyện gia đình sảy ra từ lúc bà Cố cuả con gả về làm dâu nhà họ Đặng, tuy gia đình giàu có nhưng rất phong kiến bảo thủ. Trong nhà có bà chị lớn chuyên quyền, cô dâu trẻ mới về ngoài chuyện phục vụ cho mẹ chồng còn làm dâu cả cho chị chồng nữa, cả hai người đàn bà đối xử với bà như người ăn kẻ làm, quán xuyến trong ngoài, từ việc nhà cho đến ngoài đồng áng, không lúc ngừng tay . Bà Hiền mang thai đứa con đầu lòng, nhưng vì không được chăm sóc mà còn làm việc quá cực nhọc. cho nên đứa bé chào đời non ngày tháng. Gia đình bên chồng tiếng nặng nhẹ dèm pha, thêm người chị chồng đay nghiến chửi mắng và bắt buộc người chồng phải làm tờ để vợ [ tức là hủy hôn, li dị ]. Bà Hiền bồng đứa con trai non ngày quay về gia đình mình tá túc. Bà một phần thì xấu hổ cùng chúng bạn trong làng, phần khác buồn tủi phận gái mười hai bến nước nên quyết định tạm gởi con lại cho vợ chồng người chị nuôi dưỡng, còn bà thì đi tìm xứ khác để làm ăn sinh sống làm ăn.

– Uả sao Bà Kế Hiền không mang con mình theo mà bỏ đứa con lại vậy Ba ?

– Bà lang thang vô định, chưa biết sẽ trôi dạt về đâu, thân còn chưa xong thì làm sao cưu mang thêm đứa hài nhi còn đỏ hỏn ? Hơn nữa bà nghĩ rằng sau khi làm ăn an ổn rồi sẽ về đón con đến sinh sống với mình.

– Thiệt là khổ tâm nhọc trí quá, thân phận đàn bà tay chân yếu ớt, làm sao sống được?

– Con đừng nghĩ vậy mà lầm to, Bà chẵng những dựng được sự nghiệp mà còn tạo được quan tước cho chồng con nữa đó. Tiếng tăm cuả bà ở làng Nhơn Ái ai mà không biết chứ.

Chiếc xe đạp cuối cùng cũng đã qua khỏi Phong Điền, Cầu Nhiếm, đến bến đò Nhân Ái thì mặt trời đã lên khỏi ngọn cây dừa. Hai cha con cùng mở các thức ăn do má tôi đã cẩn thận gói theo từ nhà. Ba tôi chỉ về phía bên kia sông

– Bên đó là đường về kinh So Đuả, từ vàm tới ngọn là cuộc đất cuả bà Cố cuả con tục gọi là Bà Kế Hiền.

– Ba tại sao gọi là Bà Kế Hiền vậy?

– Khi bà tái hôn với ông Cố nên người ta gọi là bà Kế.

– Như vậy thì ông Cố có vợ lớn sao Ba ?

– Không, bà là người vợ chính thất, sau khi bà chắp nối với Ông Cố mà không sinh đẻ con cái nên mới đi cưới thêm vợ nhỏ về cho ông để sinh con nối dõi tông đường.

– Chính bà đi cưới vợ nhỏ cho ông ? Sao ngộ vậy hén.

– Thời đó thì nhà giàu các ông có thêm vợ bé vợ mọn là chuyện thường tình, nhưng ông Cố cuả con thì không như vậy, chính bà đi lựa và đứng ra cưới vợ thứ về . Thật ra thì bà rất khôn ngoan đó chứ, vì như vậy bà vừa có quyền lực, vừa bào vệ gia sản và nắm chắc được ông chồng cuả mình. Sau nầy thì bà thứ sinh được hai người con, một trai , một gái, bà nhận làm con và nuôi dưỡng như con ruột. Hôm nay con sẽ gặp được hai người nầy .

Căn nhà lớn như đình làng, cột gỗ mun to hơn vòng tay ôm bóng loáng, liễn gỗ sơn son thếp vàng, gian nhà chính đặt bàn thờ, hoành phi cũng làm bằng gỗ lộng hoa văn. Thắng bé thơ thẩn đi theo nhìn từng chữ Hán chãm trổ khéo léo, bàn ghế trong nhà cũng toàn là thứ chạm trổ cấy kỳ, Long Lân Qui Phụng, nó không ngờ Bà Kế Hiền giàu như vậy. Xưa nay Ba nó không hề tiết lộ tông tích gia đình, Nó chỉ thấy hình ảnh Ông Bà trên bàn thờ, mỗi lần hỏi đến thì Ba nó bảo “ Trẻ con, biết làm gì chuyện người lớn.” Trong đầu nó còn bao nhiêu câu hỏi, căn nhà rộng lớn nầy sao lại không thấy bóng trẻ con? Nhớ lời Má dặn dò, nó chỉ thơ thần nhìn mà không sờ mó bất cứ thứ gì, cho dù mọi người rất ân cần, nhưng không khí trang nghiêm quá, khiến cho nó cũng e dè.

Bữa giỗ thật đơn giản, không như trong trí tưởng tượng cuả thằng bé , nó thấy người làm bưng mâm lên các bàn thờ, Ba nó và ông Hương vào thắp nhang, nó cũng được vào cúng lạy. Đến giờ ăn, ba nó xin cho nó được ngồi ăn với người nhà, nhưng Ông bà Hương và luôn cả Bà Ba cũng nhất định bào nó phải ngồi chung bàn với người lớn. “ Dù sao, tương lai nó cũng là người nối dõi tông đường, vai vế cuả nó lớn, dù tuổi hãy còn nhỏ, không thể cho nó ngồi với kẻ ăn người làm được.”

Trong trí óc non nớt, còn quá nhiều câu hỏi, chuyện đích tôn thừa tự, những chuyện gia sản đất đai phiền toái trong cuộc sống hàng ngày cuả ngưòi lớn, nó không bận tâm bằng chuyện phải gắp miếng nào, ăn uống ra sao để ba không phải mắc cở vì minh. Như nhìn thấy đầu óc non nớt cuả nó, bà Hương lẫn Bà Ba đều liên tục bỏ vào chén cho nó thịt cá và bảo

– Ăn nhiều đi con, đường về xa, không lại đói bụng đó.

Cuối cùng, rồi cũng theo Ba nó và chiếc xe đạp đòn dông trở lại con đường cũ, trong đầu nó lãng vãng hiện những tên gọi Đức Thầy và ông Hương Bộ, cùng Cô Ba…Câu hỏi một lần nữa ba nó chậm rãi trả lời

– Còn nhiều chuyện trong gia đình, con cũng bắt đầu hiểu biết rồi, từ từ ba sẽ kể cho con nghe, bây giờ muộn rồi, để ba đạp cho nhanh về kéo má và các chị cuả con đang nóng long trông đợi.

 

 

Vũ Thị Thiên Thư

[ Tập truyện ngắn Trăm Nhánh Sông ]

 

Chút tình tri ngộ

Chút tình tri ngộ

Cuộn một lá cải xanh, môt lát chuối chát, khế, gừng non, rau húng cây, lá quế, ngò om gắp một con mắm cá trèn , một miếng thịt ba chỉ luộc thái mỏng, chấm nhẹ vào diã giấm ớt anh chậm rãi nhai như chiêm nghiệm từng thứ hương vị hoà quyện lại, chiêu một ngụm rượu đưa cay, quay sang Quân khuôn mặt mãn nguyện anh bảo:

– Chú phải ăn từ từ với đủ thứ hương vị như vậy, thứ mắm cá trèn nầy cuả người nhà làm tận Bạc Liêu, độ muối cùng chao đường vừa vặn, không ngọt lừ dẻo quánh hay mặn chát như thứ mắm bán đầy ngoài chợ đó đâu.

– Nhìn thấy đã biết là ngon, đúng là thức chọn lọc,con mắm nhò vừa ăn lắm, ước gì có chút rượu nếp nguyên chất để nhấp một ngụm vào thì mới đã điếu hén.

– Ừ, chú mấy nói như người nghiện thuốc phiện vậy, anh cũng đồng ý thứ nầy mà uống Cognac thì hỏng bét,tệ tệ thì Vodka Tribble Distilles cũng tạm được. Nói không phải chứ caí chuyện ăn nhậu cũng là một nghệ thuật chứ bộ dỡn sao.

– Có nghề chơi nào mà không lắm công phu đâu anh Hai.

– Chuyến về quê ăn Tết năm ngoái, anh đã về tận kinh cùng Cà Mau, anh sống gần suốt cuộc đời rồi, dù có đi xa bao lâu nữa, vẫn thấy tình cảm quê nhà đậm đà không sao quên được, để anh kể lại cả câu chuyện cho chú mầy nghe hén.

1

Cuối con đường quốc lộ lớn là khu chợ quê hiu hắt. Chiếc xe du lịch nhỏ ngừng lại trước cửa gian hàng bán nước nhỏ, người tài xế trẻ bước vào hỏi thăm, anh ta đứng tần ngần suy nghĩ rồi trở lại chiếc xe thò vào nói với người ngồi bên trong.

– Cậu Hai, ở đây chỉ có một khách sạn nhỏ bên kia thôi, đi xa hơn nữa thì không biết mình sẽ nghỉ đêm ở nơi nào.

– Thì mình cứ đi tới, chắc chắn phài có đường đến đất mũi ở cuối bãi chứ.

– Cháu chỉ sợ trời tối xuống không tìm ra nhà trọ để cậu mợ ngủ qua đêm .

– Hãy còn chưa xế bóng mà lo lắng gì. Cứ đi rồi mình sẽ tính tiếp .

 

Bến phà nhỏ nằm cuối con đường nhựa lưa thưa khách dừng xe gắn máy chờ qua sông, chiếc xe du lịch dừng lại, người đàn ông trung niên xuống xe, ông ta bước vào căn chòi lá che tạm, treo lủng lẳng mấy chùm bánh lá, nước ngọt…

– Cô quán cho tôi hỏi thăm, phía bên kia bến phà nầy có con đường nào dẫn về vùng đất mũi cuả Kinh Cùng không vậy ?

Người phụ nữ ngồi phía sau gian hàng thoáng nhìn không đoán được tuổi đời, một nửa khuôn mặt che sau vành nón lá tơi tả , bà ngước nhìn lên chậm rãi

– Qua bên sông rồi chỉ có một con đường trước mặt thôi, ông đi đến cuối cùng sẽ thấy khu đất mũi .

– Ở đó có nhà trọ hay hàng quán cơm cháo gì không vậy cô ?

– Ối ! Khu vui chơi du lịch mà, có khách sạn, nhà hàng, không thiếu thứ gì đâu ông.

– Vậy sao, hồi nảy trên chợ họ bảo đường cùng rồi không có chợ buá gì ráo.

– Họ nói gạt ông rồi, sao lại không, nhà hàng khách sạn, không thiếu thứ gì hết, chắc họ ế quá nên tính nói để ông ngủ lại đó. Ông cứ đi qua phà, cũng gần tới rồi, còn sớm chán

– Cám ơn cô quán, vậy cô quán bán cho tôi bao thuốc lá hén.

2

 

– Rồi anh có tìm được khách sạn như bà quán chỉ dẫn không vậy ?

– Được chứ sao không, khi qua khỏi con sông đó, đi không bao lâu là đã tới đất mũi rồi, không những có khách sạn mà còn có cả trung tâm du lịch có rất nhiều khách đang viếng thăm. Chú có nhớ anh em mình mấy năm trước đi xuống Key West, chú đã chở anh đến chụp hình ở cây số cuối cùng nằm sát bờ biển Nam nước Hoa Kỳ, lần nầy anh nhất định sẽ đi tìm cây trụ cuối cuả đất nước Việt Nam mình.

– Vậy chứ Anh có tìm được không ?

– Nhất định phải được chứ. Nhưng bây giờ Đất mũi đã biến thành trung tâm du lịch rồi, không còn như những ngày tháng cây mắm cây đuớc cành lá um tùm, anh vừa chống dầm vừa xua muỗi, chân không dám thò xuống bùn sợ làm vật hiến máu cho điã mẹ đĩa con . Buồn vui lẫn lộn, nhớ lại thời anh lặn lội khắp vùng Năm căn, Giáp nước, rồi lại thêm lúc còn lang thang tìm lối thoát, vậy mà bây giờ đã không còn tìm được chút hình ảnh dính vấp với ngày xưa, khu rừng đước biến thành một thắng cảnh cho du khách vào xem, có lối mòn, cầu treo… Còn đất mũi thì đã xây cất khán đài, trồng trụ xi măng phân định ranh giới cuả ba quốc gia, cái nầy anh thật không hiểu là tại sao lại có ranh giới cả ba quốc gia, anh nhớ bài học Lịch Sử từ ngày còn cắp sách “Đất nước chúng ta hình cong chữ S, đã từ lâu biên cương phân định từ Ải Nam quan cho đến mũi Cà mau “ . Bờ biển từ Móng cái Hải phòng dẫn tới chóp mũi Cà mau dài ba ngàn cây số, hổng lẻ anh già rồi đã không còn nhớ bài học thuộc lòng tự thuở bé hay sao ?

– Anh chưa già đến lú lẫn đâu. Chuyện Lịch Sử từ ngàn xưa cho đến bây giờ, ông cha mình đã đổ bao nhiêu là máu để bào toàn và truyền lại, con cháu phải luôn gìn giữ mới đúng đạo lý chứ sao lại nhu nhược đem dâng cho người.

– Thì đã biết vậy nhưng phải nói ra cho đỡ ấm ức vậy mà. Cho dù trong cái khó bó cái khôn, bần cùng sinh đạo tặc, lắm kẻ gian ngoan, nhưng dù sao bên cạnh những con người biến đổi vì thời cuộc đó, vẫn còn có những tấm chân tình, mộc mạc cuả người nhà quê mình. Ở cái tuổi gần đất xa trời như anh, còn được diễm phúc đi viếng điểm cuối cùng cuả đất nước, bản thân anh lưu lạc xứ người đã bao nhiêu năm nay, nhưng vẫn không làm sao quên được con cá linh muà nước giựt, đọt lá lụa ngày đầu mùa mưa, hương mắm đồng bay theo khói cơm chiều trong góc bếp. Chú cũng sinh sống, thật ra thì phải nói là lớn khôn ở xứ người lâu hơn thời gian ở quê nhà, vậy mà chú vẫn nhớ con mắm đồng, ly rượu đế thì huống gì anh.

– Đúng là thời gian em lớn lên ở quê nhà ngắn hơn thời gian sinh sống bên ngoài, nhưng chắc chắn vẫn còn thèm tô canh chua cá lóc, con cá rô kho tộ, cá trê vàng chiên dầm chén nước mắm ớt hiểm mới hái bên hè.

– Ừ! Chú nhắc tô canh chua, để anh kể tiếp chuyến đi đất mũi đó. Tới nơi thì trời đã xế chiều rồi, nên anh bảo tài xế tìm khách sạn nghĩ qua đêm, mai sẽ đi thăm các nơi sau. Cơm chiều nay thì ghé tạm một quán ăn nào đơn sơ thôi, kêu một tô canh nóng, dĩa cá kho mặn định bụng là ăn cho qua bữa thôi. Bà chủ quán nhìn Anh biết là khách xa đến, kêu mấy món thức ăn, bà bảo là chợ chiều đã tàn tự bao giờ, quán có thứ gì thì bán thứ ấy thôi. Nhưng nấu nướng thiệt là ngon miệng, tô canh chua, cá kèo kho, rau luộc, cơm nóng. Anh ăn đến mấy chén cơm no căng cả bụng. Sau khi trả tiền, anh hẹn với bà quán ngày mai sẽ trở lại ăn cơm chiều. vì trong ngày Anh còn đi lang thang thăm viếng thắng cảnh các nơi…

– Có phải tại Anh đã đi cả ngày nên đói bụng, ăn cơm mới thấy ngon lành như vậy không ?

– Chú biết tánh cuả anh, trừ chị cuả chú ra, ít người đầu bếp nào nấu ăn mà anh thấy vừa miệng lắm, quán nầy nấu thật đúng với khẩu vị, ăn ngon thật tình chứ không phải vì đói bụng đâu, anh hẹn với bà quán mai sẽ trở lại là thật lòng muốn ăn thử lần nữa xem có ngon như vậy không. Chiều hôm sau, thấy anh vừa bước vào là bà quán đã nói ngay “ Ông không cần thực đơn, hôm nay tui đã để dành con cá thật đặc biệt cho ông rồi, chính tui tự đi chợ sáng nay tìm cho được nó, cái đầu cá tui nấu canh chua, còn mình cá sẽ kho mặn cho ông thưởng thức.” Anh ngạc nhiên nên mới hỏi lại : “Mà bà có chắc là tôi trở lại không ? Sao bà dám mua con cá to vậy ? “ Bà ta trả lời “ Ông hứa sẽ trở lại, tui đã nghĩ bụng, mua con cá nầy cho ông ăn, nếu ông không trở lại thì thà tui bỏ nó đi chứ nhất định sẽ không bán cho khách hàng nào hết”

3

Anh ngưng kể chuyện, thò đuả gắp một con mắm cá trèn, một miếng thịt ba rọi, lá tiá tô, húng cây, húng quế, ngò om, chuốc chát, khế…cuộn tất cả các thứ lại cho vào chấm nước giấm ớt, đưa vào miệng chậm rãi nhai, chiêu thêm một ngụm Vodka, khuôn mặt bình thản thường nhật chợt thoáng đăm chiêu, nhìn vào khoảng không gian trước mặt

– Nói thật với chú, cho dù mai nầy có trở lại Đất mũi, anh cũng không biết là mình có tìm lại được cái quán nhỏ bên đường đó không. Ngay cả người chủ quán hay đầu bếp đó anh cũng không hình dung được khuôn mặt bà ta ra sao nữa. Chú có thấy người nhà quê mộc mạc chân tình không? Chỉ có một lời hứa suông thôi, vậy mà bà ta dám để dành con cá ngon nhất lại chờ, nếu như chiều đó mà anh không trở lại, có phải là bà đã lỗ vốn rồi không ?

– Vậy chứ Anh còn nhớ bài hát vọng cổ “ Tình anh bán chiếu “ đã đã thu thanh vào dĩa nhựa và đưa danh tiếng cuả nghệ sĩ Út Trà Ôn vang lừng thuở xưa không ?

– Chú lại hỏi đố anh, sao lại không nhớ chứ, Câu chuyện si tình cuả anh bán chiếu, chỉ một lời hứa suông cuả cô gái bên bến chợ, anh chàng sang mùa chiếu dong ghe trở lại tìm người, bến vắng, người đã mắt tăm, anh vác đôi chiếu bông lang thang …

– Thú thật, câu chuyện cuả anh sao mà giống như hai câu kết cuả bài hát

“ Chiếu nầy tôi chẳng bán đâu

Tìm cô không đặng tôi gối đầu mỗi đêm “

– Ừ! Tấm thủy chung nầy, cũng ví như tấm lòng cuả bà quán, chỉ vì lời hứa suông cuả anh. Nhưng ngưòi ta thật tình, còn mình chỉ môi miếng đãi bôi thì quả là phụ lòng người ta lắm. bởi vậy, ăn ở phải có trước có sau ‘ nhân nghĩa tợ thiên kim, bạc tiền như phấn thổ”. Uống đi chú, cuộc đời đãi ngộ mình vào những lúc bất ngờ nhất phải không ?

 

Vũ Thị Thiên Thư